Thứ bảy, 20/04/2024 00:39 (GMT+7)

Yên Bái phát triển bền vững cây quế

MTĐT -  Thứ ba, 28/06/2022 10:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cây quế đã trở thành cây trồng truyền thống mang lại thu nhập chính cho người dân nhiều địa phương ở Yên Bái. Toàn tỉnh hiện có trên 81.000 ha quế, tập trung chủ yếu tại 5 huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình.

Trung bình hàng năm, các địa phương khai thác khoảng 18.000 tấn vỏ quế; 85.000 tấn cành, lá với sản lượng bình quân 600 tấn/năm và 200.000 m3 gỗ quế phục vụ chế biến và xuất khẩu gỗ.

Theo các hộ trồng quế, mỗi héc - ta có giá trị bình quân trên 900 triệu đồng. Những nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, trồng quế đúng quy trình kỹ thuật thì giá trị có thể đạt trên 1 tỷ đồng/ha. Do vậy, thu nhập của rất nhiều hộ bảo đảm lên tới hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng mỗi năm.

tm-img-alt
Nông dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên khai thác vỏ quế. Ảnh: Tư liệu

Đặc biệt, thời gian qua, việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người trồng quế được chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm nhằm tập trung phát triển, hình thành các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ quế, quế hữu cơ.

Hiện, một số doanh nghiệp như: Visimex, Olam Việt Nam, Công ty Sơn Hà… đã ký hợp đồng với người dân thực hiện xây dựng vùng sản xuất quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn các huyện. Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.757 ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ. Trong đó, huyện Văn Yên 4.612 ha và Trấn Yên 2.145 ha.

Điển hình là HTX Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, là HTX được thành lập năm 2017 với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng và sự tham gia của 22 thành viên. HTX hiện đang phát triển vùng sản xuất tập trung trên diện tích 90 ha, sản lượng thu mua bình quân 70 - 80 tấn quế/tháng. Tham gia HTX, các thành viên được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất, chế biến quế còn nhiều hạn chế. Hiện nay, toàn tỉnh có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu, với tổng công suất khoảng 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Ngoài ra, có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ của hộ gia đình hoạt động không thường xuyên, sản xuất theo phương pháp thủ công, mỗi năm sản xuất từ 300 - 800 kg/năm/cơ sở.

Tuy nhiên, các nhà máy hiện mới chỉ dừng lại sản phẩm tinh dầu thô với hàm lượng tinh dầu thấp đạt từ 82 - 85% và chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính như: Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ; các sản phẩm chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, bột quế... chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trong nước. Vì vậy, giá trị sản phẩm của quế rất thấp.

Bên cạnh đó, cây quế hiện còn chịu nhiều áp lực, đó là vấn đề sâu bệnh, quy trình trồng, chăm sóc quế còn chưa đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt tình trạng người dân khai thác không hợp lý, tận thu quá mức cành, lá quế làm cho cây sinh trưởng phát triển kém và có nguy cơ làm giảm chất lượng quế; việc chuỗi cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ, năng lực tiếp thị và hiểu biết thị trường yếu, dẫn đến lợi ích kinh tế mà loại cây trồng này mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Với những ưu thế vượt trội, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tiếp theo. Do đó, giai đoạn tới, tỉnh định hướng phát triển vùng trồng quế đến năm 2025 tại 5 huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, với diện tích trên 80.000 ha; trong đó, tập trung phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh đạt 35.000 ha với 20.000 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

Về chính sách, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến các sản phẩm quế.

Về định hướng phát triển vùng quế, ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa sản phẩm quế Yên Bái thâm nhập vào các thị trường phát triển, có thu nhập cao như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh, nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao.

Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, hướng tới việc áp dụng các công nghệ chế biến và quy trình quản lý chất lượng tốt cho sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm quế. Đồng thời, nhân rộng các mô hình phát triển quế theo hướng thâm canh, sản xuất quế hữu cơ hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Vân Khánh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Yên Bái phát triển bền vững cây quế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...