Thứ sáu, 29/03/2024 01:58 (GMT+7)

Yêu cầu thu hồi 51 tỷ tiền thuế loạt sai phạm dự án mỏ ở Thái Nguyên

MTĐT -  Thứ ba, 20/07/2021 10:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Thái Nguyên thu hồi về ngân sách tỉnh 51 tỷ đồng tiền thuế, phí doanh nghiệp nợ đọng, tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra tại hàng loạt dự án mỏ trên địa bàn.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2018. Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và đồng thời yêu cầu tỉnh Thái Nguyên phải xử lý về tài chính hơn 145 tỷ đồng, thu hồi về ngân sách tỉnh 51 tỷ đồng tiền thuế, phí doanh nghiệp nợ đọng, tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra tại hàng loạt những dự án mỏ trên địa bàn tỉnh này.

Mỏ than Cát Nê của Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc. Ảnh: Nam Anh.

Hàng loạt dự án hết hạn khai thác nhưng không đóng mỏ

Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Thái Nguyên và các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Xây dựng trong việc chưa kịp thời điều chỉnh khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho phù hợp với kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 - 2020; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản giai đoạn 2010 - 2020 không xác định diện tích, tạo độ… vi phạm Luật Khoáng sản 2010.

Đáng chú ý, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2018, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 38 dự án do UBND tỉnh cấp giấy phép đã hết thời hạn nhưng vẫn còn 15 mỏ chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định.

Cụ thể, tại dự án Đầu tư Khai thác mỏ than Bá Sơn (tại xã Sơn Cẩm và Cổ Lũng, huyện Phú Lương), Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác Than Thái Nguyên chưa thực hiện làm thủ tục để ký hợp đồng thuê đất đối với tổng diện tích 55,9 ha đang được giao quản lý.

Công ty kê khai nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường thiếu khối lượng than cám và đất làm gạch là 1.698,81 m3 với tổng số tiền còn phải nộp ngân sách là 71,5 triệu đồng. Sản lượng khai thác là 28,936 tấn than nhưng chưa nộp tiền cấp quyền khai thác từ 1/1/2014 đến 30/6/2015 là 571 triệu đồng.

Tại dự án Đầu tư Khai thác mỏ than Cát Nê của Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc (nay là Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc), hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản Dự án mỏ than Cát Nê là phù hợp, song việc điều chỉnh về chất lượng, hàm lượng than của mỏ từ loại than cám về loại than phụ phẩm để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi chưa có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường là chưa phù hợp về thẩm quyền.

Việc Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc chưa hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường theo cam kết nhưng đã hoạt động khai thác là vi phạm pháp luật. Cùng với đó, công ty nợ đọng tiền ký quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường là gần 700 triệu đồng.

Dự án Đầu tư Khai thác Mỏ than Suối Huyền (thuộc xã An Khánh và xã Cù Vân, huyện Đại Từ), từ năm 2013 đến nay, công ty dừng ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường nhưng không thực hiện các thủ tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án, phương án bổ sung để điều chỉnh lại khoản tiền ký quỹ của các lần tiếp theo. Công ty nợ đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính đến 31/12/2018 là 6,8 tỷ đồng.

Tại dự án khai thác mỏ mangan, sắt Phú Tiến (tại xã Phú Tiến, huyện Định Hóa), việc Hợp tác xã Chiến Công chưa hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường theo cam kết nhưng đã tiến hành hoạt động khai thác là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Đơn giá thuê đất 5 năm theo hợp đồng đã hết hạn từ 2016 cũng chưa được điều chỉnh lại theo quy định.

Doanh nghiệp nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là gần 1 tỷ đồng; thuế tài nguyên là 461 triệu đồng; phí bảo vệ môi trường là 160 triệu đồng; tiền ký quỹ phục hồi môi trường là 633 triệu đồng. Trách nhiệm thuộc Sở TN&MT, Cục thuế, Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2011 - 2018 và Hợp tác xã Chiến Công.

Tương tự, tại dự án khai thác mỏ sắt Linh Nham (tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ), một số hạng mục, công trình bảo vệ môi trường xây dựng chưa đầy đủ. Doanh nghiệp nợ đọng thuế tài nguyên là gần 1,5 tỷ đồng. Phí bảo vệ môi trường là gần 245 triệu đồng.

Dự án khai thác mỏ chì kẽm Bó Tòong - Lũng Áp (tại xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai) dự án đã tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa có quyết định giao đất, thuê đất. Công ty nợ đọng tổng số nợ gần 3,5 tỷ đồng.

Dự án mỏ Kẽm chì Cúc Đường (tại xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai), công ty chưa kê khai nộp ngân sách thuế và phí bảo vệ môi trường đối với sản lượng khai thác với số tiền là hơn 3 tỷ đồng.

Dự án Khai thác chế biến thiếc - Bismut Tây Núi Pháo (tại xã Hùng Sơn và Hà Thượng, huyện Đại Từ), kết quả thanh tra cho thấy, Công ty Cổ phần Kim Sơn bắt đầu khai thác ngày 1/7/2012 khi chưa được cơ quan thẩm quyền giao đất. Chênh lệch số tiền phí bảo vệ môi trường công ty còn phải nộp là hơn 1,7 tỷ đồng.

Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc nợ tiền phục hồi môi trường gần 700 triệu đồng. Ảnh: Nam Anh.

Tại dự án Mỏ Thiếc Đông Núi Pháo (tại xã Cù Vân, huyện Đại Từ), từ tháng 7/2015 đến nay, công ty chưa thực hiện làm các thủ tục để cấp có thẩm quyền giao và cho thuê đất; chưa thực hiện khai thác mỏ. Công ty nợ đọng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Dự án khai thác mỏ Đồng Khau Vàng (tại xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai), việc cấp phép khai thác mỏ không phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Thái Nguyên.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên lại ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020 trong đó có mỏ đồng Khau Vàng. Công ty cũng chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường năm 2014…

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao Thanh tra tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, rà soát để thu hồi về ngân sách tỉnh Thái Nguyên 51 tỷ đồng tiền thuế, phí doanh nghiệp nợ đọng và tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra tại hàng loạt những dự án mỏ trên địa bàn tỉnh này.

Trách nhiệm liên quan tới Bộ Tài nguyên và Môi trường

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm tại một dự án tại khai khoáng ở huyện Đại Từ.

Cụ thể, việc xác định tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Quyết định số 500/QĐ-BTNMT ngày 4/3/2015 do ông Nguyễn Văn Thuấn ký thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mới tính phần khai thác lộ thiên 55.192 tấn, không tính phần trữ lượng khai thác bằng phương pháp hầm lò 28 triệu tấn trong khu vực khai thác 90 hecta là chưa phù hợp, có nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ: Trách nhiệm thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Thuấn là nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khoáng sản Việt Nam và các cơ quan khác có liên quan.

Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng trước khi thành Thái Hưng Eco City.

Ngoài ra, riêng sản phẩm tinh quặng vàng chưa lắp đặt dây chuyền chế biến, đang kê khai tạm nộp phí bảo vệ môi trường của sản phẩm khoáng sản kim loại khác là vi phạm Khoản 4, Điều 4, Luật Khoáng sản 2010 về nguyên tắc hoạt động khoáng sản.

Tại Dự án khai thác mỏ vàng gốc, deluvi khu vực Đèo Cắng - Lũng Địa Chất (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai), công ty chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất đối với diện tích 20,22 ha cho công trình phụ trợ, bãi thải; việc thay đổi thiết kế bản vẽ thi công chưa được cấp thẩm quyền thẩm định.

Dự án mỏ sét Cao lanh Phú Lạc thuộc xóm Phương Nam 3 (xã Phú Lạc, huyện Đại Từ), công ty chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất nhưng đã thực hiện khai thác khoáng sản. Dự án khai thác này đã hết hạn theo giấy phép khai thác từ 12/2015 nhưng công ty chưa lập đề án đóng của mỏ…

Kiến nghị rà soát lại giá đất ở dự án 2.100 tỷ đồng

Ngoài những kiến nghị nêu trên tại kết luận, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị địa phương kiểm tra, xác định lại giá đất đã giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án Khu tổ hợp thương mại, dịch vụ trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City, dự án có tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng) và dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ phường Quang Trung (TP Thái Nguyên).

Đối với dự án Thái Hưng Eco City, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng trúng đấu giá tài sản bán đấu giá bao gồm toàn bộ nhà xưởng, kho bãi, vật kiến trúc gắn liền với đất thuê của Nhà nước thu tiền hàng năm trên diện tích đất 226.862 m2 đất, mục đích sử dụng là sản xuất kinh doanh.

Sau đó được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép chuyển đổi mục đích 214.000 m2 đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất xây dựng khu đô thị là phù hợp kế hoạch sử dụng đất.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng khẩn trương thực hiện di dời, cải tạo, nâng cấp nhà máy luyện cán thép Gia Sàng trên khu đất của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên theo đúng cam kết. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, rà soát lại giá đất giao cho Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng theo từng vị trí, đảm bảo chính xác, đúng quy định, phù hợp với giá thị trường.

Dự án Thái Hưng Eco City.

Đối với dự án Dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ phường Quang Trung, Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND tỉnh Thái Nguyên xác định dự án có mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ là không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP Thái Nguyên và quy hoạch sử dụng đất (thuộc loại đất ở tại đô thị) được Chính phủ phê duyệt, vi phạm Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, dự án này chưa được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND tỉnh Thái Nguyên không thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất khu vực bến xe khách Thái Nguyên (cũ); phê duyệt kết quả sơ tuyển, nhà đầu tư khi chưa có tờ trình phê duyệt; xác định giá đất theo phương pháp so sánh trực tiếp tại chứng thư định giá đất số 189/CT-ĐGĐ ngày 22/9/2017 chưa đúng quy định…

Thanh tra Chính phủ cảnh báo có nguy cơ gây thất thu ngân sách nhà nước trong việc UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3147/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 xác định giá đất ở là 17,5 triệu đồng/m2; đất thương mại dịch vụ là 14,8 triệu đồng/m2 chưa phù hợp với khung giá đất của tỉnh.

Không chỉ vậy, UBND tỉnh Thái Nguyên còn đối trừ hơn 5,9 tỷ đồng tiền bồi thường GPMB vào số tiền sử dụng đất không có căn cứ pháp luật. Sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, doanh nghiệp thực hiện dự án đã nộp số tiền này.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan sai phạm, yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức xử lý về tài chính số tiền hơn 145 tỷ đồng, trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư, ký phụ lục điều chỉnh giá trị dự án với tổng số tiền làm tròn số là 79 tỷ đồng; Điều chỉnh, giảm trừ 12 tỷ đồng đối với 6 dự án.

Theo HÀ AN - NAM ANH/ Báo Đại Đoàn Kết

Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu thu hồi 51 tỷ tiền thuế loạt sai phạm dự án mỏ ở Thái Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.