Thứ tư, 17/04/2024 02:57 (GMT+7)

Yếu tố khởi nguyên trong kiến trúc truyền thống mới

MTĐT -  Chủ nhật, 27/03/2022 08:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cuốn sách 'Nhà cửa & Con người' cho ta cảm nhận các không gian truyền thống một cách khác lạ, một cái nhìn khác biệt về đương đại để có thể nhận thấy tính liền mạch khá rõ trong quan điểm sáng tác.

Ngày mai (27.3) tại L’Space, cuốn sách 'Nhà cửa&Con người - Houses&People' (do TS-KTS Nguyễn Trí Thành chủ biên) ra mắt bạn đọc. Cuốn sách với loạt sáng tác kiến trúc của H&P Architects, mà linh hồn là KTS Đoàn Thanh Hà (đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước). Ngoài những ấn tượng về mặt tạo hình, cuốn sách cho ta cảm nhận các không gian truyền thống một cách khác lạ, một cái nhìn khác biệt về đương đại để có thể nhận thấy tính liền mạch khá rõ trong quan điểm sáng tác.

Tuyên ngôn của H&P về “kiến trúc vị dân sinh” không có gì là “đao to búa lớn”, bởi kiến trúc ngay từ khi xuất hiện trên thế gian này đã là để phục vụ cho con người, bảo vệ con người trước những bất lợi của ngoại cảnh. Điều thú vị và đáng nói là khi hướng tới mục đích “vị dân sinh” ấy, H&P đã tìm về cái chức năng sơ khởi của kiến trúc - mà ngày nay đã chìm khuất sau những giá trị phái sinh.

Và cùng với nó là những yếu tố nguồn gốc, hay yếu tố khởi nguyên (liên quan đến sự hình thành kiến trúc thuở sơ khai) cũng được H&P gợi lại trong bối cảnh đặc thù của hiện tại, và tích hợp vào công trình theo những cách rất riêng.

Những yếu tố khởi nguyên

Trước hết đó là “hang”/ “động” - không gian cư trú cổ xưa nhất của con người, có vai trò bảo vệ họ trước thiên tai, thú dữ. Yếu tố này hiện diện khá rõ nét trong mạch sáng tác của H&P, ở các công trình như “Brick Cave” (cái hang gạch), hay “Tropical Cave” (động nhiệt đới), và cả tòa nhà văn phòng “SRDP-IWMC Hà Tĩnh” nữa (mặc dù bản thân tác giả không hề đề cập gì đến “hang” hay “động” ở công trình này). Những “hang” và “động” của H&P như biểu hiện thế ứng xử (hay là sự phản ứng?) của con người trước những xô bồ đô thị, những ngổn ngang phố xá đang tước đoạt dần những mảng xanh thiên nhiên cuối cùng, buộc họ phải “ẩn trốn” trong những không gian riêng của mình?

Yếu tố khởi nguyên trong kiến trúc truyền thống mới
Công trình BES Pavilion (Hà Tĩnh). Sự quần tụ của những yếu tố rời rạc.

Ở mức cá thể hơn “hang”/ “động” là “tổ” - nguyên mẫu không gian cư trú của loài chim (mà chim là vật tổ của tộc Lạc Việt) - cũng được H&P Architects khai thác và nâng lên thành “tổ ấm”. Và những “tổ ấm” thật sự đã được tạo ra - đó là tác phẩm “Tổ ấm nở hoa”, “Tổ ấm ruộng” hay “Tổ khuyến nông”. Thước đo cho sự thành công của những “tổ ấm” này không ai khác chính là những con người sinh sống ở đó. Người viết bài này đã được tiếp xúc và trò chuyện với chủ nhân của “Tổ ấm ruộng” ở thành phố Hà Tĩnh và thật cảm động khi thấy họ hoàn toàn hài lòng và yêu thích ngôi nhà - “tổ ấm” của mình.

Một yếu tố khởi nguyên nữa được chú tâm khai thác là “cây”. Với người Việt, dù có bị cuốn đi bởi sự xô bồ của phố xá thì chắc chẳng ai là không nhớ đến những “tán cây” xòe rộng tạo bóng mát che chở con người trong những ngày hè nóng bức. Cây cũng liên quan đến tâm thức của người dân quê với hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình”, với những hàng tre xào xạc ven làng, với hàng cau trước nhà gắn với biểu tượng về mối quan hệ giữa trời với đất, giữa con người với vũ trụ.

Hình ảnh “cây” đã hiện diện trong những tác phẩm kiến trúc được yêu thích của H&P Architects như Nhà hàng Cheering và Mành mành Salon ở Hà Nội, các Vườn vệ sinh ở Cao Bằng và Điện Biên - như một ước mơ (và cả ký ức/ sự tiếc nuối) về sự hòa hợp giữa thiên nhiên với kiến trúc và con người.

Yếu tố khởi nguyên trong kiến trúc truyền thống mới
Vườn vệ sinh 2 (Tuần Giáo, Điện Biên). Không chỉ là khu vệ sinh - mà là một không gian hấp dẫn và thân thuộc với các em học sinh vùng cao.

Rồi cả nắng, gió, mây, sông, núi… - những yếu tố tự nhiên đã quá quen thuộc với con người từ bao đời nay cũng được khai thác. Nhưng có lẽ hiệu quả hơn cả chính là nắng. Nắng hiện diện trong các tác phẩm của H&P một cách đầy sáng tạo - từ những đốm nắng xôn xao trong “Nhà biết cách thở”, đến những vệt nắng chạy dài trong “Động nhiệt đới” hay “Tổ ấm ruộng” đều mang lại những cảm xúc rất dễ chịu về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên - cảm xúc mà chưa chắc đã có được nếu ở trong một không gian thừa thãi ánh sáng.

Chính sự tiết giảm có chừng mực giúp chúng ta cảm nhận nó chính xác hơn, cũng giống như khi thưởng thức một món ăn ngon thì chỉ nên ăn vừa đủ. Trải nghiệm các không gian này càng thấm thía hơn - rằng nắng nhiệt đới chẳng có gì đáng sợ, chỉ là có biết cách chế ngự nó hay không mà thôi.

Có lẽ cũng bởi chú trọng khai thác những yếu tố khởi nguyên nên kiến trúc của H&P Architects không quá chau chuốt mà có phần thô mộc; không sử dụng những vật liệu sang trọng, đắt tiền mà chủ yếu khai thác những vật liệu địa phương mộc mạc, thậm chí vật liệu phế thải; không dùng những kỹ thuật xây dựng tiên tiến mà lựa chọn những giải pháp đơn giản, dễ thực hiện để cộng đồng có thể cùng tham gia; không sa đà vào chi tiết mà để vật liệu kết hợp với ánh sáng và bóng đổ tự kể câu chuyện của mình…

Yếu tố khởi nguyên trong kiến trúc truyền thống mới
Nhà của Tổ khuyến nông (Mạo Khê, Quảng Ninh). Ngôi nhà của người thợ lò như được xắn ra từ lòng đất.

Chắc hẳn việc khai thác các yếu tố khởi nguyên trong sáng tác kiến trúc theo một cách rất riêng đã giúp H&P Architects gặt hái được những thành công đáng khích lệ trong thời gian qua. Nhưng liệu có thể đi được rất xa với những “hang”, “động”, “tổ” hay “sông”, “núi”, “nắng”, “mây” hay không? Thiết nghĩ yếu tố khởi nguyên là những điểm tựa, và H&P Architects nên tích hợp thêm sức bật từ bề dày của văn hóa, bởi xét cho cùng thì Văn hóa mới là yếu tố quyết định hình thức và tổ chức không gian trong một tác phẩm kiến trúc.

Như A.Rapoport đã khẳng định trong cuốn sách kinh điển “House Form and Culture”: “Tự nhiên cho chúng ta khả năng lựa chọn, nhưng con người với nền tảng văn hóa của mình sẽ quyết định sự lựa chọn nào”.

Yếu tố khởi nguyên trong kiến trúc truyền thống mới
Bìa cuốn sách 'Nhà cửa&Con người - Houses&People'.

Tính bản địa cách tân có làm nên một truyền thống mới?

Toàn cầu hóa ngày càng lan rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế thâm nhập sang văn hóa, từ văn hóa phổ quát thâm nhập vào các ngành, nghề chuyên sâu. Sự thâm nhập, len lỏi của toàn cầu hóa tới nhiều nơi trên địa cầu đã nhân bản những kiến trúc có “nhận dạng” giống nhau, những thành phố có nội dung và hình thức mô phỏng nhau. Những tiếp biến văn hóa thông qua sao chép kiến trúc vì thế đã dần trở nên tiêu cực, trở thành một vấn nạn toàn cầu của sự đánh mất bản sắc, đặc biệt là tại châu Á, nơi được cho là “đi sau” và (phải) thụ hưởng các thành quả (hệ quả) công nghệ từ các cuộc đại phát triển công nghiệp của phương Tây.

Cho đến nay, kiến trúc luôn phản ánh tinh thần thời đại mà nó sinh ra, kết nối con người với xã hội, kết nối một cộng đồng với thế giới (chiều cạnh vật thể), kết nối một xã hội với loài người (chiều cạnh phi vật thể). Kiến trúc bản địa (Vernacular Architecture) hiện nay được đề cập nhiều trong xu thế hội nhập hiện nay. Theo Wikipedia, đó là nền kiến trúc dựa trên những đặc điểm tiềm tàng của địa phương, vật liệu địa phương và truyền thống địa phương, nó là văn hóa bản địa từ quá trình lâu dài của lịch sử, thích ứng với địa lý – Khí hậu và Môi trường cư trú.

Ở các công trình của H&P, có thể thấy sự tài tình trong xử lý không gian và tạo hình bề mặt phù hợp với điều kiện khí hậu. Cách gọi tên những công trình - đơn vị thích ứng khí hậu cho thấy các KTS đã suy nghĩ về sự hòa hợp và dung náu của công trình trong bối cảnh xung quanh (từ khí hậu, sinh thái,.. tới không gian, môi trường vật lý đi đến văn hóa): Nhà biết thở, Tổ ấm Ruộng, Tổ Khuyến nông, Cái hang gạch... Những bất lợi của khí hậu tưởng như khó giải quyết đã được KTS chuyển hóa nhẹ nhàng qua hình khối, trở thành điểm độc đáo của công trình. Tổ ấm Ruộng tại TP. Hà Tĩnh mà tôi có dịp tới đã cho thấy điều này.

Yếu tố khởi nguyên trong kiến trúc truyền thống mới
Cái hang gạch (Đông Anh, Hà Nội). Tường nhà nghiêng vào trong - để chia sẻ tầm nhìn, ánh sáng và gió với những ngôi nhà bên cạnh.

Cái hang gạch cho chúng ta cách nhìn mới về kiến trúc hai lớp của người Việt. Từ những phên, những giại che nắng xưa kia, giờ đây được biến đổi và thích ứng với bối cảnh nông thôn đang đô thị hóa. Không còn vườn ở xung quanh thì tạo ra vườn ở bên trong, vườn trên mái. Hàng rào và tường nhà, mái hiên và không gian đệm giờ đây được tích hợp trong một tổ - nơi cư trú - mới mẻ, song vẫn đầy hơi thở bản địa. Hình thức và xúc cảm của tường bao hai lớp ở đây hoàn toàn khác kiểu mặt đứng hai lớp ở các tòa nhà cao tầng vốn được “nhập khẩu” vào Việt Nam qua những công trình do nước ngoài thiết kế.

Tổ khuyến nông là một ví dụ tốt về sự thích ứng của một công trình kiến trúc nhỏ trong bối cảnh làng quê đô thị hóa. Có thể xem đây là một trong số nhiều thử nghiệm của KTS trong khao khát tìm kiếm không ngừng nghỉ một (hoặc nhiều) mô hình định cư nông thôn bền vững, chi phí thấp, ít tác động tới môi trường và phải có thẩm mỹ tích cực.

Giá trị văn hóa bản địa cần được nhìn nhận lớn hơn là khía cạnh kinh nghiệm, là quan điểm, thái độ ứng xử, tập quán, lòng tin, tín ngưỡng… Cần hiểu các giá trị văn hóa bản địa trên cái nhìn rộng hơn, để gắn các sản phẩm kiến trúc với đời sống, với công năng và nghệ thuật xây dựng ở Việt Nam.

Vật liệu địa phương và kỹ thuật xây dựng: Là những yếu tố góp phần hình thành và khẳng định các phong cách bản địa đặc trưng. Tuy khác biệt về địa lý, song đa số công trình truyền thống ở châu Á (và cả châu Phi) sử dụng vật liệu xây dựng chính là gỗ, tre, đá, đất, bùn... Mỗi tộc người lại có các loại hình nhà, dù hình thức có thể tương đồng nhất định, nhưng lại có tên gọi hoặc cấu trúc chi tiết khác nhau. Các vật liệu thô có nguồn gốc tự nhiên, một số có thể được xử lý qua công nghệ. Còn kỹ thuật xây dựng được con người áp dụng và liên tục cải tiến, tối ưu hóa từ đời này qua đời khác. Sự kết hợp tài tình giữa vật liệu và kỹ thuật xây dựng đã tạo ra nhiều giải pháp kiến trúc thích ứng cao với khí hậu.

Chùm công trình Không gian cộng đồng BES, Không gian thân thiện BE và Không gian S vừa cho thấy Concept mới về một không gian sinh hoạt công cộng ấm cúng, vừa trở thành một “showroom” (tôi đặt vào ngoặc kép) về kỹ thuật sử dụng vật liệu truyền thống. Tuy là những vật liệu dung dị thường ngày, song khi được đặt vào bối cảnh không gian mới, trong sự khác biệt có chủ đích với những thứ xung quanh, lại trở thành thứ “lạ” và “hiếm”, có sức thu hút cộng đồng. Cũng là tường trình, cũng là mái gianh, là nan tre, là đá phiến - nếu không có sự tiết chế sẽ dẫn đến chỗ “bội thực” chi tiết và hỗn loạn về vật liệu. Với tôi, ba công trình này tốt, thân thiện đúng như mục tiêu nó hướng tới, cởi mở cho cộng đồng đúng với tôn chỉ của người tạo lập nên nó.

Yếu tố khởi nguyên trong kiến trúc truyền thống mới
Ngôi nhà Không gian Ngói (Đông Anh, Hà Nội). "Ngói mới" ở khu đô thị mới.

Trong công trình gần đây nhất của H&P - Cà phê Ngói, đặc biệt ấn tượng với cách mà KTS đã tỉ mỉ thử nghiệm, rồi hướng dẫn người thợ sắp xếp, lắp dựng những viên ngói để tạo nên một mặt đứng độc đáo, có nét rất Việt Nam. Trên khu đất không vuông vức ở góc đường, giữa những nhà liền kề thông dụng, cái khó của người thiết kế (và của người chủ dự án) là phải tạo ra một concept mới - không chỉ về kiến trúc, mà cả cách tổ chức hoạt động, tạo ra không gian ngói đủ đẹp, đủ hấp dẫn để trở thành một nơi chốn cho những ai muốn trở về (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng).

Tại Arcasia Award 2017, mô hình ngôi nhà cho vùng lũ lụt (Blooming Home) trong khuôn khổ Tuần lễ Arcasia tổ chức tại Ấn Độ, có hơn 20 công trình lọt vào vòng short-list, sự quan tâm rất lớn dành cho ngôi nhà nhỏ này (với rất nhiều câu hỏi và tranh luận). Thậm chí, người được hỏi và người trả lời đều từ những nơi xa xôi, nhưng đều muốn hiểu hơn về vật liệu Tre và về Blooming Home. Rất đông sinh viên kiến trúc Ấn Độ đã vây quanh mô hình, hơn bất kỳ công trình nào khác được trình bày trong ngày hôm đó. Điều gì đã cuốn hút họ, nếu không phải là sự đồng cảm về văn hóa và kiến trúc, sự thân quen về chất liệu, nhưng hấp dẫn bởi sự mới mẻ và khác biệt trong tạo hình và biểu cảm vật liệu ở công trình.

Lời kết

Văn hóa bản địa là những giá trị văn hóa đã được đúc kết tại chính nơi mà cộng đồng sinh sống. Theo một định nghĩa của UNESCO, văn hóa bản địa có tính địa điểm rõ rệt, đôi khi có những giá trị rất riêng trong một khu vực, nên nó đặc biệt có ý nghĩa đối với kiến trúc, đặc biệt kiến trúc của H&P. Giá trị văn hóa bản địa cần được nhìn nhận lớn hơn là khía cạnh kinh nghiệm, là quan điểm, thái độ ứng xử, tập quán, lòng tin, tín ngưỡng… Cần hiểu các giá trị văn hóa bản địa trên cái nhìn rộng hơn, để gắn các sản phẩm kiến trúc với đời sống, với công năng và nghệ thuật xây dựng ở Việt Nam.

PGS-TS. Khuất Tân Hưng - TS. Nguyễn Quốc Tuân

Bạn đang đọc bài viết Yếu tố khởi nguyên trong kiến trúc truyền thống mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người đô thị

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.