Thứ bảy, 27/07/2024 08:59 (GMT+7)

Ấn Độ: Nắng nóng gay gắt có thể tăng lên trong những ngày tới

Đại Phong -  Thứ sáu, 24/05/2024 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thông báo của Cục khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết nắng nóng gay gắt đã quét qua phần lớn các khu vực ở Ấn Độ và nhiệt độ dự kiến tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

Số liệu cho thấy, nhiệt độ ở Barmer của bang Rajasthan đã tăng lên 48 độ C vào hôm 22/5 và 48,8 độ C vào ngày 23/5. Đây là mức nhiệt cao nhất được ghi nhận ở Ấn Độ trong năm nay. Mực nước ở sông Yamuna đoạn chảy qua Delhi giảm xuống trong bối cảnh nắng nóng ngột ngạt, ảnh hưởng đến nguồn cung nước.

Bên cạnh đó, thành phố này cũng chứng kiến nhu cầu điện đạt mức kỷ lục 8.000 megawatt/ngày, do máy điều hòa không khí, máy làm mát cũng như tủ lạnh trong nhà và văn phòng chạy hết công suất.

Cũng trong ngày này, ít nhất 24 địa điểm ở Delhi, Punjab, Haryana, Rajasthan, Uttar Pradesh, Gujarat và Madhya Pradesh ghi nhận nhiệt độ tối đa từ 45 độ C trở lên. Các điều kiện thời tiết có thể sẽ xấu hơn nữa khi IMD dự đoán nhiệt độ ở khu vực Tây Bắc Ấn Độ sẽ tăng từ 3 đến 4 độ C trong vài ngày tới.

IMD đã đưa ra “cảnh báo đỏ” cho Rajasthan, Punjab, Haryana, Chandigarh, Delhi và phía Tây Uttar Pradesh, nhấn mạnh người dân trong mọi lứa tuổi ở những khu vực này có “nguy cơ rất cao” mắc các bệnh liên quan tới nhiệt và say nắng.

Bên cạnh đó, IMD còn khuyến cáo tình trạng “đêm ấm” - nhiệt độ cao vào ban đêm - có thể làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt ở Uttar Pradesh, Punjab, Haryana, Delhi và Rajasthan trong 4 ngày tới.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Nỗ lực bảo vệ người dân trước sóng nhiệt cực đoan

Tại Kolkata, chính quyền địa phương lên kế hoạch lắp đặt 300 phòng điều hòa nhằm giúp người dân chống nóng, thường kéo dài từ tháng 4 đến 6. Tuy nhiên, hiện chỉ một số ít phòng hoạt động.

Theo thống kê, từ năm 1992 tới nay, hơn 24.000 người đã thiệt mạng do nắng nóng. Ấn Độ đã nỗ lực tăng khả năng chống nắng nóng khắc nghiệt ở Kolkata và trên khắp Ấn Độ. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn còn có thiếu sót nhất định do kế hoạch chưa nhất quán, nguồn kinh phí hạn hẹp và độ trễ trong việc triển khai các phương án. 

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt diễn ra đúng vào thời điểm triển khai cuộc tổng tuyển cử, điều đó có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ cử tri đi bầu vì nắng nóng cực đoan. Trong tháng 4, Bệnh viện SSKM - một trong những bệnh viện đông đúc nhất Kolkata, chứng kiến cảnh chật kín người chờ đợi, chen chúc nhau dưới những chiếc ô.

Giáo sư Niladri Sarkar, bác sĩ tại bệnh viện chia sẻ: “Nhiệt độ cao có thể gây say nắng, phát ban, chuột rút và mất nước. Một số trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời, đặc biệt đối với những người có bệnh nền".

Ông nói thêm: “Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo, những người thường bị suy dinh dưỡng, thiếu nước sạch sinh hoạt và phải làm việc ngoài trời”.

Từ năm 2013, các bang, quận và thành phố ở Ấn Độ đã xây dựng hơn 100 kế hoạch chống nắng nóng, nhằm giảm thiểu tác động của thời tiết khắc nghiệt. 

Cách đây 8 năm, Thủ tướng Narendra Modi đã ban hành các hướng dẫn để đẩy nhanh việc áp dụng các chính sách này. Vào tháng 1 vừa qua, Cơ quan Quản lý thảm họa Quốc gia cũng cam kết nỗ lực hơn nữa để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với nắng nóng.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn đối mặt với một số tồn tại để chống nắng nóng hiệu quả. Theo kết quả khảo sát của Chính phủ nước này, gần 1/3 diện tích cây xanh ở các thành phố lớn của Ấn Độ đã biến mất trong 10 năm, tính đến năm 2021. 

Chuyên gia khí hậu học và địa lý Nairwita Bandyopadhyay kêu gọi Ấn Độ cần chủ động phòng ngừa thay vì chỉ tập trung ứng phó sau khi hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra. 

Trước tình trạng nắng nóng gay gắt diễn ra tại Kolkata, các quan chức địa phương đang tích cực tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu tác động đối với người dân và môi trường như trồng thêm cây xanh, xây dựng vườn đứng trên tường nhà và sử dụng bê tông thấm nước. 

Nhiệt độ cao vào ban đêm được coi là nguy hiểm vì cơ thể không có cơ hội hạ nhiệt. Nhiệt độ tăng vào ban đêm phổ biến hơn ở các thành phố do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, trong đó các khu vực đô thị nóng hơn đáng kể so với khu vực xung quanh.

Nắng nóng kinh hoàng đang làm căng lưới điện và làm khô cạn các khu vực chứa nước, gây ra tình trạng giống như hạn hán ở nhiều nơi trên đất nước.

Theo Ủy ban Nước Trung ương, lượng nước dự trữ tại 150 hồ chứa lớn ở Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm vào tuần trước, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở nhiều bang và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất thủy điện.

Những đợt nắng nóng gay gắt và thường xuyên đang tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Ấn Độ, những người thường khó tiếp cận với nước và máy làm mát, đồng thời thử thách sức chịu đựng của những người lao động ngoài trời. Thời tiết nóng bức làm giảm năng suất lao động và hiệu quả học tập.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong số 80 triệu việc làm bị mất do giảm năng suất liên quan tới sốc nhiệt trên toàn cầu vào năm 2030, Ấn Độ có thể chiếm tới 34 triệu.

Viện Toàn cầu McKinsey ra báo cáo cho rằng, với 75% lao động ở Ấn Độ phải trải qua tình trạng sốc nhiệt, việc mất năng suất lao động do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao có thể dẫn đến tổn thất tới 4,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ (150-250 tỷ USD) vào cuối thập niên này.

Bạn đang đọc bài viết Ấn Độ: Nắng nóng gay gắt có thể tăng lên trong những ngày tới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành