Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 (GMT+7)

Cơ chế ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Phong không đạt

MTĐT -  Thứ sáu, 24/05/2024 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, dù có cơ chế, chính sách ưu đãi nhưng việc thực hiện nhiều chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra.

Đầu năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa có Nghị quyết số 05 về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025. Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, Khu Kinh tế này đóng góp ngân sách hơn 8.700 tỷ đồng, chiếm 18% ngân sách tỉnh Khánh Hòa, trong khi đó mục tiêu Nghị quyết đặt ra phải đạt 30%. Cũng trong 3 năm qua, Khu Kinh tế Vân Phong chỉ thu hút được 5 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.000 tỷ đồng, đạt gần 17% mục tiêu của Nghị quyết nêu trên.

Cơ chế ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Phong không đạt- Ảnh 1.
Khu Kinh tế Vân Phong đang thu hút các nhà đầu tư

Gần 2 năm kể từ ngày Nghị quyết 55/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có hiệu lực, các chính sách về lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa được thực hiện, chưa phát huy được lợi thế cơ chế đặc thù đã dành cho Vân Phong. Việc thẩm định các dự án có quy mô lớn mất nhiều thời gian, phức tạp, phụ thuộc ý kiến của các bộ, ngành.

Ông Lê Hồng Phương, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành triển khai chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc thẩm định, xem xét các dự án đầu tư vào khu kinh tế.

Ông Phương nói: "Vấn đề vướng các quy hoạch, hiện nay, có một số quy hoạch của Khu Kinh tế Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi chuẩn bị xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, vừa qua, quy hoạch điện 8 ban hành ra, các dự án đang kêu gọi về kho khí, năng lượng hay các khu công nghiệp hiện cũng đang rất vướng. Đây là khó khăn trong quá trình kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược".

Cơ chế ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Phong không đạt- Ảnh 2.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (áo xanh đậm) kiểm tra dự án tại Khu Kinh tế Vân Phong

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng đã xuất hiện những điểm sáng trong đầu tư ở Khu Kinh tế Vân Phong. Nổi bật là các tuyến đường cao tốc Bắc- Nam, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường ven biển qua địa bàn đang được đầu tư. Hạ tầng nội vùng Khu kinh tế Vân Phong tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đến nay đã có thêm 45km đường trục chính.

Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Đầu tư phát triển hạ tầng chủ yếu tập trung việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông, phát huy hiệu quả các tuyến giao thông chiến lược, kết nối với các trục cao tốc đi qua Khu Kinh tế Vân Phong. Giải pháp đảm bảo nguồn vốn, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung đóng vai trò là vốn mồi, kích thích các nguồn vốn tư nhân, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó, vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung xúc tiến đầu tư".

Cơ chế ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Phong không đạt- Ảnh 3.
Khu vực Bắc Vân Phong thu hút các dự án du lịch nghỉ dưỡng
Cơ chế ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Phong không đạt- Ảnh 4.
Khánh Hòa có nhiều điều kiện phát triển kinh tế biển tại Vân Phong

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm ở Khu kinh tế Vân Phong để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp, hóa dầu, cảng biển...

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị: "Cần phải triển khai đồng bộ, đột phá trong xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực ưu tiên. Vừa rồi, mới thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực đô thị, du lịch đối với các nhà đầu tư đã có ký kết bản ghi nhớ. Nhưng trong lĩnh vực công nghiệp hóa dầu, cảng biển ở phía Nam Vân Phong cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Thu hút được những nhà đầu tư lớn phải làm việc trực tiếp, tìm hiểu chuyên sâu, chuẩn bị kỹ về những điều kiện của mình. Thậm chí thuê đơn vị tư vấn để xúc tiến đầu tư cho mình vì khả năng xúc tiến của mình có hạn"./.

Bạn đang đọc bài viết Cơ chế ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Phong không đạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Thái Bình/vov.vn

Cùng chuyên mục

Doanh nghiệp kêu trời vì không có sổ đỏ trong khu công nghiệp
Đổ vốn đầu tư vào khu công nghiệp, hoạt động lâu nay nhưng doanh nghiệp vẫn chờ… sổ đỏ. Đó là một trong những vấn đề được quan tâm tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2024 do Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa tổ chức.

Tin mới

Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero
Trong số các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia do Bộ KH&CN quản lý, chương trình KH&CN Net Zero được đặt kỳ vọng sẽ đem lại nhiều giải pháp hữu hiệu và có giá trị thực tiễn cao cho một quốc gia đang trên lộ trình giảm phát thải như Việt Nam.
Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành