Thứ sáu, 03/05/2024 00:24 (GMT+7)

Kiến tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô

MTĐT -  Thứ tư, 29/11/2023 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa chính thức được chuyển giao từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND TP Hà Nội quản lý.

Sự kiện được coi là tiền đề quan trọng để Hà Nội sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP trong Thủ đô tại khu vực phía Tây (đô thị Hòa Lạc - Xuân Mai) theo như định hướng của Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô mà TP đang nghiên cứu.

Tiền đề để hiện thực hóa mục tiêu

GS.TS Hoàng Văn Cường - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho hay, trong lập Quy hoạch Thủ đô xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhân tố quyết định, là nền tảng chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Đồng thời là đột phá chiến lược để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo quốc gia hàng đầu cả nước; trở thành đô thị thông minh với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh, góp phần xây dựng TP đổi mới sáng tạo Hòa Lạc.

Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, tại hai đồ án quy hoạch lớn mà Hà Nội đang xây dựng là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đều đã xác định phát triển 2 vùng động lực của Thủ đô gồm khu vực TP Bắc sông Hồng (đô thị Đông Anh – Mê Linh – Sóc Sơn) với các loại hình dịch vụ chất lượng cao và khu vực TP phía Tây (đô thị Hòa Lạc – Xuân Mai) là TP khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo.

Tại lễ tiếp nhận Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ KH&CN ngày 24/11 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định quyết tâm huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội để tiếp tục phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo đúng định hướng, mục tiêu đã đề ra. Một mặt, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, mặt khác xây dựng những cơ chế chính sách có tính đột phá để đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thật sự trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của quốc gia, có vị thế tương xứng trong khu vực.

Cùng đó, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đối với Hà Nội, việc phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cụ thể hóa mục tiêu quy hoạch xây dựng TP phía Tây theo mô hình TP trong TP, kiến tạo nên một không gian phát triển mới cho Thủ đô trong tương lai.

Kiến tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô
Mô hình phát triển đô thị TP phía Tây.

Cần kết hợp nhuần nhuyễn các định hướng phát triển

Về định hướng phát triển TP phía Tây, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô) Nguyễn Đức Hùng cho hay: TP sẽ có 2 cực phát triển là đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai. Trong đó, đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học, kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao; nơi tập trung trung tâm nghiên cứu, trường đại học, trung tâm thí nghiệm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với chính sách ưu tiên để thu hút nhân lực chất lượng cao, cùng DN đến làm việc, sinh sống.

Thời gian tới, UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành toàn bộ công tác GPMB Khu công nghệ cao Hòa Lạc một cách sớm nhất. Cùng đó sẽ sẽ dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, lab cộng đồng, trung tâm dịch vụ hình thành ý tưởng 3D… một phần TP dự kiến phát triển trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh hóa phẩm phục vụ cho Hà Nội và khu vực đồng bằng sông Hồng. Hai cực đô thị này sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị twin-cities song hành cũng hỗ trợ nhau. Khoảng cách đi lại giữa 2 đô thị bảo đảm trong vòng 15 phút bằng các phương tiện công cộng.

Ngoài ra sẽ hình thành một trung tâm mới tại vị trí trung tâm của TP. Khu vực này tập trung các hoạt động văn hóa thể thao, các công trình chính trị và tài chính của toàn TP. Khu vực trung tâm mới được kết nối với các trung tâm Hòa Lạc và Xuân Mai qua Quốc lộ 21 và được tổ chức nằm trong khung giao thông tổng thể của Thủ đô bảo đảm kết nối thuận tiện với đô thị trung tâm qua các tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Quốc lộ 6.

Tại đây sẽ hình thành đô thị “thông minh”, là TP khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến nhất của Việt Nam, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nhà cao tầng tại khu vực trung tâm và các khu vực đầu mối giao thông. Hình thành các cụm không gian chức năng: trường đại học; khu công nghệ cao; khu trung tâm y tế tập trung; khu đô thị sinh thái. Phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, chợ đầu mối nối kết Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc đất nước. Phát triển các dự án vui chơi giải trí, du lịch sinh thái phục vụ Nhân dân Thủ đô và vùng phụ cận. Khoanh vùng bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng như núi Thoong, sông Tích, sông Bùi…, kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

Luận giải về những ưu điểm lớn của việc phát triển TP trong TP, trong đó có TP phía Tây Thủ đô, trong thuyết minh đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã nêu: đó là những quyền lợi đặc thù được sẽ được nghiên cứu giao cho các TP này thay vì phải đi qua những quy trình phê duyệt qua các cấp của TP Hà Nội. Các TP này cần phải được xem xét phân cấp quyết định một số nội dung như đầu tư nước ngoài, sử dụng đất, xây dựng hạ tầng, hướng nghiệp… để có thể nắm bắt, phản hồi kịp thời với các cơ hội đầu tư, phát triển.

Đây cũng là mô hình đã được áp dụng tại một số nước trên thế giới để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế toàn TP và khu vực. Việc hình thành TP độc lập tạo tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp. Từ đó Hà Nội có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.

Tuy nhiên, với mô hình phát triển này không có nghĩa rằng nhiệm vụ, mục tiêu và định hướng phát triển của các TP, đặc biệt với TP phía Tây có thể tách rời khỏi sự phát triển chung của TP Hà Nội. Ngược lại, sự hòa hợp giữa việc phát triển của TP Hà Nội và TP phía Tây đóng vai trò quan trọng về hai mặt: bảo đảm chia sẻ hạ tầng và nguồn lực sao cho việc phát triển chung đạt hiệu quả bảo đảm việc phát triển TP phía Tây sẽ đóng góp vào nhiệm vụ phát triển TP Hà Nội và cả vùng.

Vì vậy, việc định hình tương lai và quy hoạch cho TP phía Tây sẽ cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các định hướng phát triển khác nhau; có sự liên kết hợp tác giữa nhiều bên để sao cho TP phía Tây sáng tạo, đổi mới nhưng vẫn đóng góp vào nhiệm vụ chung.

Cơ sở nền tảng lựa chọn phát triển TP phía Tây vì đây là khu vực có quỹ đất, tiềm năng phát triển. Có vị trí thuận lợi, có bán kính di chuyển hợp lý, thuận tiện kết nối giao thông với đô thị trung tâm và các tỉnh lân cận. Đã được đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối với đô thị trung tâm. Cùng với đó, có sẵn cơ sở hạ tầng (Khu Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc...).

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng

Bạn đang đọc bài viết Kiến tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Kinh tế và Đô thị

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.