Lễ hội Chùa Hương năm 2024 bắt đầu từ hôm nay 11/2
Lễ hội Chùa Hương năm 2024 chính thức diễn ra từ hôm nay 11/2 đến hết ngày 1/5 (từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn). Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, Ban Tổ chức tiếp tục đổi mới công tác tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn
Theo Ban tổ chức, khai hội được tổ chức vào ngày 15/2 (mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, Ban Tổ chức tiếp tục đổi mới công tác tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, văn minh và thân thiện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết, không gian cảnh quan từ suối Yến đến các khu vực hành lễ được trang hoàng sạch, đẹp, văn minh.
Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra Lễ hội, Ban Quản lý Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông, bốn bến xe có sức chứa 5.000 khách; nếu quá tải thì có những nơi tập trung, không để hiện tượng đỗ xe bừa bãi
Năm nay, Hà Nội quyết định điều chỉnh mức giá dịch vụ đò dọc tuyến Hương Tích là 85.000 đồng/người/2 lượt vào ra; tuyến Long Vân và tuyến Tuyết Sơn là 65.000 đồng/người/2 lượt vào ra.
Huyện Mỹ Đức thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch Chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách tham quan lễ Phật đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự.
Việc điều hành, vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.
UBND xã Hương Sơn chỉ đạo các hợp tác xã, thôn xóm rà soát, thống kê, đăng ký số lượng đò tham gia vận chuyển khách trong lễ hội Chùa Hương năm 2024.
Hiện có 3.800-4.500 thuyền đò đủ tiêu chuẩn phục vụ khách như: Lắp đủ ghế, có áo phao, wifi, ô che… Ban Tổ chức thường xuyên lập đoàn thanh kiểm tra, không để xảy ra tình trạng sử dụng xuồng máy, bán hàng rong, đánh bạc trên thuyền như những năm trước. Việc phát hành và in vé điện tử, thu giá trông giữ theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Cảnh cũng cho biết, điểm mới của Lễ hội Chùa Hương năm nay là đưa vào chạy xe điện phục vụ du khách theo lộ trình tuyến, với ba tuyến đường: Bến xe Hội Xá - Bến đò Yến Vỹ; Bến xe Đục Khê - Bến trượt Đồng Cừ; Bến xe Đường số 1 - Bến đò Chùa Tuyết Sơn.
Số lượng xe điện đưa vào hoạt động là 110 xe, đảm bảo chất lượng, an toàn, niêm yết giá công khai. Huyện Mỹ Đức chỉ đạo các tiểu ban liên quan sẵn sàng trực chờ, kiểm tra, giám sát hoạt động của lễ hội để bảo đảm diễn ra an toàn, văn minh. Huyện cũng tuyên truyền, khuyến cáo du khách, đơn vị liên quan chủ động trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về,hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng nhau cúng bái, khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội Chùa Hương, hành trình về một miền đất phật.
Nơi trác tích Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thiện tu hành, để dâng lên người một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh.
Hội Chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Chùa Hương đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 8 tháng 4 năm 1962 tại Quyết định số 313 VH/VP.
Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi Chùa Hương, bởi theo "Truyện Phật Bà Chùa Hương" thì nơi đây là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hoá và danh xưng là Chùa Hương.
Ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày chùa mở cửa rừng,người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng,và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn,với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo.
Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó nó trở lên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc. Chính điều đó đã tạo nên một nét văn hóa của dân tộc, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo phật. Có lẽ đã trải qua nhiều thế kỷ, nét văn hoá đã in đậm vào trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam ta khi đến với Chùa Hương, để rồi những khách hàng năm lại nô nức về đây với mong muốn được thắp một nén tâm hương, để thoả ước nguyện của mình.
Trước một danh thắng như vậy các vị Vua Chúa và các vị nho nhã đã không tiếc lời thán phục. Năm 1770 khi Chúa Trịnh Sâm tuần thú Hương Sơn có đề khắc năm chữ lên cửa động Hương Tích "Nam Thiên Đệ Nhất Động " (Động Đẹp Nhất Trời Nam), kỳ sơn tú thủy" (núi non đẹp lạ) và còn rất nhiều những thi nhân tới đây đã đề bút như: Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Xuân Diệu. Chế Lan Viên, Hồ Xuân Hương...
Chùa Hương không chỉ còn là giá trị một vùng miền, mà là di tích của quốc gia cũng là giá trị văn hóa tâm linh của một dân tộc, vì nó là giá trị sống của chuỗi phát triển văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay.
Chùa Hương cách trung tâm thủ đô Hà Nội 62 km về phía Tây Nam,thuộc địa bàn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Hương Sơn đựợc biết đến với địa danh nổi tiếng về di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.