Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 (GMT+7)

Nhiễm độc thủy ngân nguy hiểm thế nào?

MTĐT -  Thứ sáu, 30/08/2019 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, đồng thời ảnh hưởng tới miệng, các cơ hàm mặt và răng.

Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong các cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.

Chứng bệnh Minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân. Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, đồng thời ảnh hưởng tới miệng, các cơ hàm mặt và răng. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Nó có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính.

Nguồn lây nhiễm thủy ngân

Kim loại thủy ngân là một chất lỏng màu xám bạc, gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi, có thể sinh ra từ hoạt động của các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác và đám cháy rừng.

Methyl thủy ngân (MeHg) có thể ngấm vào cơ thể khi con người ăn một số loài cá nước mặn và nước ngọt, đặc biệt là loài cá lớn ở đỉnh chuỗi thức ăn như cá mập, cá kiếm, cá vược và cá chó.

Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong pin, thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt muỗi và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Hợp chất này có thể gây hại nếu con người hít hoặc nuốt vào cơ thể.

Dạng cuối cùng là thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có mặt trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm, mỹ phẩm dành cho mắt và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Phenylmercury xâm nhập vào cơ thể khi hít vào ở dạng hơi, ngấm qua da hoặc qua đường tiêu hóa.

Việc tiếp xúc với thủy ngân diễn ra phổ biến nhất qua đường thức ăn khi tiêu thụ hải sản hoặc thực vật nhiễm độc thủy ngân.

Một khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thụ gần như hoàn toàn vào máu và phân phối tới mọi mô bao gồm bộ não. Nó cũng truyền qua nhau thai đến thai nhi và não thai nhi. Dấu hiệu đầu tiên của việc nhiễm độc thủy ngân là hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay và ngón chân, gọi là chứng dị cảm (paresthesia).

Việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài dẫn đến run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý và viêm lợi. Các triệu chứng này xảy ra khi một người tiếp xúc với nồng độ thủy ngân trong không khí trên 50 microgram/m3.

Triệu chứng lâm sàng

Tùy thuộc dạng thủy ngân (Hg) gây ngộ độc, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể mà biểu hiện lâm sàng ngộ độc khác nhau. Hít Hg nguyên tố và nuốt Hg vô cơ gây ngộ độc cấp, trong khi tiếp xúc với dạng hữu cơ như ăn phải cá chứa Hg thường gây ngộ độc mạn.

Hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính. Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.

Ngộ độc mạn do hít thủy ngân gây tam chứng kinh điển như viêm lợi và chảy nước miếng, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh. Trẻ thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, vẻ buồn bã.

Nuốt phải thủy ngân vô cơ (điển hình là pin) gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu. Diễn tiến sau đó vài ngày hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong.

Ăn thức ăn chứa thủy ngân hữu cơ như cá biển gây ngộ độc mạn, xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần.

Biểu hiện thần kinh là dị cảm, thất điều, suy nhược thần kinh, giảm thính giác, loạn vận ngôn, thu hẹp thị trường, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động và có thể tử vong. Đặc biệt, rất độc đối với thai nhi có mẹ thường xuyên ăn cá biển chứa nhiều thủy ngân gây sẩy thai, khuyết tật thần kinh, chậm phát triển tâm thần, bại não, biến dạng chi.

Điều trị thế nào?

Điều trị ban đầu ngộ độc Hg tương tự những ngộ độc khác, phải nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn. Loại thải chất độc ở da bằng cách cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm. Ngộ độc do nuốt không gây nôn và cũng không rửa dạ dày, do nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt do không có tác dụng hấp phụ kim loại.

Trường hợp ngộ độc Hg vô cơ cần được truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch. Nếu tổn thương niêm mạc hầu họng gây phù nề nhiều, nên đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp. Khi có triệu chứng toàn thân là chỉ điểm có sự chuyển đổi Hg hữu cơ thành vô cơ trong cơ thể, phải được dùng thuốc giải độc đặc hiệu ngay.

Biện pháp phòng tránh

Vì các ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe do phơi nhiễm Hg, cần có những quy định giới hạn chất thải chứa Hg ra môi trường sống, kiểm soát ngưỡng cho phép tiếp xúc với các dạng khác nhau của Hg để phòng chống ngộ độc Hg trong môi trường. Những quy định hạn chế những sản phẩm chứa Hg dễ vỡ, các sản phẩm thuốc, phấn trong thành phần có chứa Hg để hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc với Hg. Để phòng tránh trẻ nuốt phải Hg tại nhà, các bậc phụ huynh cẩn thận với nhiệt kế Hg như không đặt trên bàn, kệ trong tầm nhìn, tầm tay của trẻ. Không cho trẻ chơi nghịch với nhiệt kế. Khi đo nhiệt độ cho trẻ, luôn bên cạnh trẻ và quan sát trong suốt thời gian đo, cho đến khi có kết quả nhiệt độ. Cất giữ nhiệt kế trong tủ cao có khóa hoặc chốt cài cẩn thận.

Nếu phát hiện trẻ nuốt Hg trong nhiệt kế, các bậc phụ huynh tuyệt đối không móc họng, gây ói vì sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Nếu không hít sặc, chỉ cần theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định và đánh giá lượng Hg đã nuốt được bài tiết ra ngoài. Lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ để tránh táo bón.

Theo BS Ngô Minh Hạnh/Sức Khỏe Đời Sống

Bạn đang đọc bài viết Nhiễm độc thủy ngân nguy hiểm thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vì sao người Nhật không bao giờ vứt giấy vệ sinh vào thùng rác?
Hóa ra giấy vệ sinh đã qua sử dụng của họ không bao giờ được vứt vào thùng rác mà được ném thẳng vào bồn cầu và xả trôi cùng với phân. Hầu hết giấy vệ sinh mà người Nhật sử dụng đ.ều có tính hòa tan, tức là sẽ bị phân hủy bởi nước không có tắc nghẽn.
Mắc bệnh ngoài da vì nước ngập
Nhiều người Hà Nội trong 2 ngày gần đây đều phải ngâm xe và chân trong nước do ngập úng. Không ít người sau khi trở về nhà đã phải dắt xe đi sửa, đồng thời đi khám bác sĩ vì mắc bệnh ngoài da.

Tin mới

Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero
Trong số các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia do Bộ KH&CN quản lý, chương trình KH&CN Net Zero được đặt kỳ vọng sẽ đem lại nhiều giải pháp hữu hiệu và có giá trị thực tiễn cao cho một quốc gia đang trên lộ trình giảm phát thải như Việt Nam.
Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành