Chủ nhật, 28/04/2024 22:37 (GMT+7)

Phú Thọ: Chú trọng nâng cấp công trình phòng chống thiên tai

Hạ Vân -  Thứ tư, 30/08/2023 15:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để chủ động ứng phó trước những diễn biến tiêu cực của thời tiết, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Phú Thọ đang chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).

Thời tiết đang có những diễn biến thất thường, thiên tai, lũ lụt có thể xảy ra bất cứ khi nào. Để chủ động ứng phó trước những diễn biến tiêu cực của thời tiết, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ đang chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).

Để chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm nay, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã chủ động kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu, nơi tiềm ẩn nguy cơ, các công trình xây dựng, đê điều, hồ chứa... để cập nhật phương án PCTT&TKCN của địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác phòng ngừa, chủ động ứng cứu nhanh, có hiệu quả; thống nhất thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án di dời người dân khỏi các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.

tm-img-alt
Công trình xử lý khẩn cấp kè ngòi Lạt được triển khai đầu tư xây dựng, đảm bảo an toàn cho hoa màu và tài sản của người dân xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy), xã Lương Nha (huyện Thanh Sơn).

Khởi công tháng 5/2023, công trình xử lý cấp bách sạt lở bờ, vở đê tả sông Đà thuộc địa bàn xã Dân Quyền, huyện Tam Nông với chiều dài hơn 350m do Công ty TNHH Xuân Thiều thi công trong thời gian hơn hai tháng đã hoàn thành và đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao cho chủ đầu tư. Cùng với đoạn kè 450m thi công cuối năm 2022, cũng theo cơ chế khẩn cấp, toàn bộ hơn 800m của tuyến đê này được đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn cho hoa màu và tài sản của nhân dân.

Ngoài tuyến đê tả sông Đà, từ cuối năm 2022 đến nay, tỉnh đã kịp thời xử lý khẩn cấp bốn công trình sạt lở bờ, vở sông gồm: Kè ngòi Lạt thuộc địa bàn xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy và xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn; đê hữu Thao thuộc địa bàn xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông; đê hữu sông Chảy thuộc địa bàn xã Phú Lâm, huyện Đoan Hùng, đê tả Thao thuộc địa bàn thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa.

Hệ thống các hồ, đập trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đã thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 10 công trình hồ đập trên địa bàn các huyện Cẩm Khê, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Phù Ninh. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện ba dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai trên địa bàn huyện Tân Sơn và một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; nạo vét các tuyến kênh tiêu, khắc phục công trình giao thông bị thiệt hại do mưa lũ với tổng kinh phí 12,492 tỉ đồng; khắc phục sửa chữa công trình điện bị sự cố và hệ thống đường dây điện bị hư hỏng, đảm bảo an toàn; khắc phục, sửa chữa, nâng cấp, thay thế, gia cố bảo dưỡng 54 trạm BTS bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

Theo ông Trần Văn Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ: Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, tỉnh Phú Thọ đã chi 538 tỉ đồng đầu tư, cải tạo, nâng cấp 28,7km đê, hơn 5,7km kè, 20 cống dưới đê. Ngoài ra, đang thực hiện chuẩn bị đầu tư duy tu bảo dưỡng các tuyến đê, kè trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 31 tỉ đồng và lập hai dự án xử lý sạt lở bờ, vở sông, khắc phục sự cố công trình đê điều với tổng mức đầu tư khoảng 90 tỉ đồng, trong đó có dự án xử lý sự cố sạt lở bờ, vở đê hữu Thao thuộc địa bàn xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê từ nguồn dự phòng ngân sách được Chính phủ hỗ trợ.

tm-img-alt
Công nhân Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi kiểm tra khả năng sẵn sàng hoạt động của Trạm bơm tiêu Lê Tính.

Luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, thời gian qua, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong công tác PCTT. Từ tỉnh đến địa phương đã huy động sự vào cuộc của người dân và cả hệ thống chính trị theo phương châm “bốn tại chỗ”, tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, hiệu quả.

Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, kịp thời điều chỉnh bổ sung để đảm bảo luôn sẵn sàng trong công tác chỉ đạo, chỉ huy khi có thiên tai. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ban hành phương án về công tác TKCN trên địa bàn, kế hoạch hiệp đồng ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, hiệp đồng ứng phó sự cố cháy rừng, sự cố cháy nổ, sập đổ công trình. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã theo sự phân công, chỉ đạo đã thành lập, duy trì các lực lượng hiện có tại ngành và địa phương, sẵn sàng nhân lực ứng phó với mọi tình huống khi xảy ra thiên tai.

Công tác chuẩn bị phương tiện, vật tư, thiết bị tại chỗ luôn được các cấp, đơn vị và địa phương đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng cung ứng, huy động khi cần thiết. Tính đến nay, các loại vật tư, phương tiện chủ yếu phục vụ công tác PCTT và TKCN bao gồm 314 phương tiện vận tải đường bộ, 63 xe chỉ huy, 87 tầu, thuyền các loại, 8.316 áo phao cứu sinh, 9.451 phao tròn cứu sinh, 431 nhà bạt các loại cùng nhiều vật tư, phương tiện khác đã được chuẩn bị chu đáo. Ngoài ra, ngày 09/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định phân bổ, cấp phát vật tư, thiết bị được cấp từ nguồn dự trữ Quốc gia phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh gồm 605 phao các loại, một thiết bị tìm kiếm nạn nhân bằng âm thanh, hình ảnh, một máy phát điện 50kVA, một máy bơm chữa cháy, 29 bộ nhà bạt các loại.

Đối với công tác hậu cần tại chỗ, các cấp chính quyền đã chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu đói khi có tình huống thiên tai xảy ra. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức thành lập, kiện toàn cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT với quân số trên 16.200 người, đảm bảo lực lượng nòng cốt, chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành Quyết định số 1947/QĐ-UBND ngày 02/8/2021 về phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh theo cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó tập trung vào ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, mưa đá… Đầu năm 2023, trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, công trình PCTT, tỉnh đã phê duyệt phương án ba vùng trọng điểm PCTT trên địa bàn gồm huyện Lâm Thao, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì. Các huyện, thành, thị căn cứ tình hình thực tế tại địa phương xây dựng và phê duyệt 11 trọng điểm cấp huyện. Đây là điều kiện cần thiết để chủ động, hạn chế thấp nhất những tác động do thiên tai gây ra.

Để thực hiện tốt công tác PCTT trong năm 2023 và các năm tiếp theo, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần coi nhiệm vụ PCTT phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 và Kế hoạch số 2885/KH-UBND của UBND tỉnh; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, lấy phương châm “ba trước, bốn tại chỗ” làm chủ đạo, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, ước tính các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ dân, gây thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 6,4 tỷ USD.

Trong 5 năm qua, thống kê của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta rất nghiêm trọng.

Cụ thể, năm 2016, thiên tai làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng. Năm 2017 tăng lên 386 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng.

Năm 2018 có 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Năm 2019, thiên tai làm 133 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng.

Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 căn nhà bị sập, hơn 333 nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, với tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10-2020, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ đã khiến 267 người chết và gây thiệt hại 35.800 tỷ đồng.

Đánh giá về những thiệt hại do thiên tai gây ra với đồng bào miền Trung năm 2020, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, những con số thiệt hại mới chỉ là thống kê chưa đầy đủ. Theo ông, nhiều gia đình vừa thoát nghèo, đang khá lên, bị lũ cuốn đi tất cả, trở về tay trắng, khoảng 10 năm nữa may ra mới có thể phục hồi hoặc cũng có thể không bao giờ phục hồi được như trước đây.

Bạn đang đọc bài viết Phú Thọ: Chú trọng nâng cấp công trình phòng chống thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.