Thứ hai, 29/04/2024 10:22 (GMT+7)

Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tiếp cận từ tổ chức không gian nội thất

MTĐT -  Thứ hai, 04/03/2024 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thiết kế NƠXH nói riêng và nhà ở nói chung nhất thiết phải chú trọng việc tổ chức không gian nội thất, các điều kiện tiện nghi và chất lượng cuộc sống chủ yếu đạt được khi nội thất từng không gian chức năng được đảm bảo.

tm-img-alt

Đề án "Đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ NƠXH" đã bước đầu đi vào cuộc sống, để mục tiêu lớn này được hoàn thành không chỉ về số lượng mà còn ở cả chất lượng sống trong từng căn hộ vốn có diện tích chật hẹp, nhất thiết phải dựa trên các quan điểm đúng đắn trong thiết kế.

1. Phát triển NƠXH tại Việt Nam và vấn đề chất lượng ở

Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở, nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn [1].

Ở góc độ tài chính trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tiếp cận từ tổ chức không gian nội thất
Hình 1. Dự án khu nhà ở công nhân và dịch vụ công nghiệp, xã Quang Tiến, Hoà Bình (Nguồn: Tác giả)

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành 41 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô dây xựng khoảng 288.000 căn. Trong đó, đa số các dự án mới đang ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư [2].

Theo TS Nguyễn Văn Hải, Hội KTS Hà Nội thì mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phát triển 1,25 triệu m2 sàn NƠXH, đầu tư từ một đến hai khu NƠXH độc lập và quy hoạch chi tiết cho hai đến ba khu. Đến năm 2030, phát triển được 2,5 triệu m2 sàn NƠXH, xây dựng một đến hai khu NƠXH độc lập và chuẩn bị đầu tư cho các khu còn lại. Ngoài ra, đảm bảo tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có NƠXH. Tỷ lệ NƠXH cho thuê và cho thuê mua phải đạt quy định của Trung ương.

Như vậy mục tiêu về số lượng căn hộ NƠXH đã được cụ thể hoá và có sự vào cuộc của cả hệ thống các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, dưới góc độ của người làm tư vấn thiết kế cũng còn một số băn khoăn cần giải đáp, đó là:

Chất lượng ở trong các căn hộ vốn nhỏ bé nhất từ 25 đến 70m2 sẽ như thế nào? Chúng ta liệu vẫn cứ để người dân tự “xoay sở” trong những căn phòng chật hẹp, đa phần thiếu thông thoáng chiếu sáng tự nhiên? Các mô hình căn hộ NƠXH hiện nay vẫn được thiết kế bằng cách thu nhỏ những mô hình căn hộ thương mại.

Thiết kế NƠXH nói riêng và nhà ở nói chung nhất thiết phải chú trọng việc tổ chức không gian nội thất, các điều kiện tiện nghi và chất lượng cuộc sống chủ yếu đạt được khi nội thất từng không gian chức năng được đảm bảo.

Với các căn phòng chật hẹp ở mức tối thiểu thì giải pháp thiết kế đồ đạc nội thất, tận dụng không gian và khả năng linh hoạt hoá có tính chất quyết định đến chất lượng ở. Như vậy sẽ không có thiết kế hoàn chỉnh khi chỉ tiếp cận từ cái vỏ công trình, mô hình NƠXH mà hạt nhân là những căn hộ phải được tiếp cận từ trong ra ngoài - từ không gian nội thất.

Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tiếp cận từ tổ chức không gian nội thất
Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tiếp cận từ tổ chức không gian nội thất
Hình 2. Công trình nhà ở công nhân, TP Hoà Bình (Nguồn: Tác giả)
Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tiếp cận từ tổ chức không gian nội thất
Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tiếp cận từ tổ chức không gian nội thất
Hình 3. Phương án nhà ở công nhân, khu công nghiệp xã Quang Tiến, TP Hoà Bình (Nguồn: Tác giả)

2. Những yêu cầu trong thiết kế NƠXH

Để xây dựng các quan điểm đúng đắn cho mô hình NƠXH ở Việt Nam, cần bám sát các yêu cầu đặc trưng của thể loại nhà ở này. Căn cứ vào các đối tượng sử dụng đặc thù cũng như các đòi hỏi phát triển bền vững của kiến trúc. Có thể khái quát các yêu cầu thiết kế căn bản của thể loại NƠXH ở Việt Nam như sau:

- Một là, vì NƠXH được tổ hợp bởi những căn hộ có diện tích nhỏ hẹp (từ 25 đến 70m2). Trong những căn hộ nhỏ hẹp gần như tối thiểu đó đòi hỏi các giải pháp tổ chức không gian và sử dụng đồ đạc nội thất đồng bộ để tối ưu hoá khối tích đáp ứng yêu cầu sử dụng của hộ gia đình. Nếu chỉ tổ chức bố trí nội thất giống như nhà ở thương mại sẽ không đủ diện tích và không gian giao thông.

Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tiếp cận từ tổ chức không gian nội thất
Hình 4. Kính thước tối thiểu không gian trong căn hộ (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ [3])

- Hai là, phải hạ tối đa giá thành để đáp ứng khả năng chi trả của đối tựơng sử dụng là người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, … Như vậy không có cách nào khác phải điển hình hoá, modul hoá từ kiến trúc căn hộ cho tới không gian và đồ đạc nội thất để sản xuất đại trà công nghiệp hoá quá trình thi công NƠXH. Việc hạ giá thành không chỉ ở chi phí đầu tư ngôi nhà, mà cần hạ được chi phí trong quá trình sử dụng khai thác vận hành. Các chi phí điện. nước, sưởi ấm cũng như sửa chữa bảo trì NƠXH cũng cần xem xét ngay trong quá trình thiết kế.

- Ba là, khả năng linh hoạt một cách toàn diện của các căn hộ NƠXH. Ngoài các vấn đề linh hoạt để tận dụng không gian trong từng căn hộ, thiết kế NƠXH còn cần tính đến linh hoạt trên cả tầng nhà tức là khả năng ghép nối và phân chia căn hộ đáp ứng các yêu cầu trong cả vòng đời công trình. Việc linh hoạt trong tổ chức không gian, vật liệu, thiết bị để đáp ứng được yêu cầu nâng cấp công trình trong tương lai.

Theo một số khảo sát điều tra nhu cầu người ở muốn mở rộng căn hộ chiếm hơn 60% càng cho thấy tầm quan trọng của các yêu cầu linh hoạt trong tổ chức không gian căn hộ và tầng điển hình NƠXH.

Bảng 1. Kết quả khảo sát về nhu cầu mở rộng phòng (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ [4])

Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tiếp cận từ tổ chức không gian nội thất

- Bốn là, phát triển NƠXH ngoài số lượng và tốc độ cần lưu ý tới phát triển bền vững, cũng như bất kỳ thể loại kiến trúc nào khác NƠXH nhất thiết được đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững, việc áp dụng các tiêu chí kiến trúc xanh các công nghệ mới trong sản xuất vật liệu và thi công xây dựng sẽ giúp NƠXH đạt được tính kinh tế một cách dài hạn.

3. Đề xuất một số quan điểm thiết kế NƠXH hiện nay tại Việt Nam

Để có thể đưa ra các giải pháp, mô hình NƠXH đáp ứng được các yêu cầu nói trên nhất thiết phải xây dựng được các quan điểm trong thiết kế NƠXH. Tổng hợp kết quả của những nghiên cứu gần đây, đảm bảo các yêu cầu thiết kế đặc thù tác giả đưa ra các quan điểm thiết kế NƠXH với nội dung chính như sau:

- Quan điểm về tính toàn vẹn trong chức năng ở của căn hộ NƠXH.

Cần khẳng định rằng mỗi căn hộ NƠXH là một ngôi nhà ở đúng nghĩa, với những không gian chức năng cơ bản đáp ứng các yêu cầu của các đối tượng sử dụng. Dù diện tích nhỏ hẹp căn hộ NƠXH tiêu chuẩn không được thiếu các chức năng chính như: ăn, ngủ, nghỉ ngơi, nấu nướng, giặt, phơi... Các không gian chức năng trong căn hộ NƠXH cần được thoả mãn các điều kiện thông thoáng chiếu sáng tự nhiên đảm bảo chất lượng cuộc sống. Khu NƠXH nhiều tầng được tổ hợp từ các căn hộ NƠXH tiêu chuẩn.

- Quan điểm về tính linh hoạt trong căn hộ và toà nhà.

Linh hoạt là thuộc tính cơ bản trong thiết kế NƠXH. Với những không gian nhỏ bé và có phần chật hẹp việc linh hoạt trong NƠXH cần đạt được ở các cấp độ khác nhau. Linh hoạt trong sử dụng và bố trí đồ đạc nội thất, linh hoạt trong phân chia không gian chức năng của từng căn phòng cho tới sự linh hoạt giữa các căn hộ trên mặt bằng tầng điển hình.

Với các giải pháp thiết kế linh hoạt sẽ tạo điều kiện và khả năng cao trong việc áp dụng công nghệ thi công xây dựng mới, linh hoạt giúp tiết kiệm không gian và khả năng chuyển đổi không gian trong cả vòng đời của căn hộ và tòa NƠXH. Việc thiết kế căn hộ NƠXH như căn hộ chung cư thương mại thu nhỏ không mang lại kết quả tốt. Để có khả năng linh hoạt tối đa các không gian ở, cần tập trung khu phụ trợ (bếp, vệ sinh, lô gia) của một căn hộ.

- Quan điểm về tính kinh tế dài hạn trong NƠXH.

Để đáp ứng khả năng chi trả khiêm tốn của người ở các căn hộ NƠXH nhất thiết phải được thiết kế điển hình hoá, modul hoá từ đồ đạc nội thất, ngăn chia không gian cho tới kiến trúc bao che của căn hộ. Cần hình thành những căn hộ mẫu với các tiện ích tiêu chuẩn đảm bảo để tổ hợp thành tòa nhà dạng chung cư để tiết kiệm đất đai xây dựng, vật liệu xây dựng, nhân công xây dựng và giảm chi phí trong sử dụng vận hành NƠXH. Việc tận dụng và khai thác không gian theo chiều cao trong từng căn hộ sẽ mang lại khả năng tiết kiệm diện tích, tiết kiệm đất đai và hiệu quả kinh tế.

- Quan điểm về tính đồng bộ các khâu trong xây dựng NƠXH ngay từ giai đoạn thiết kế.

Với những yêu cầu thiết kế khá phức tạp và đôi khi mâu thuẫn với nhau, ngay từ bước thiết kế đòi hỏi sự hợp tác và đồng bộ hóa của tất cả các khâu như thiết kế, sản xuất vật liệu, sản xuất đồ đạc trong thiết bị cho tới thi công để hình thành nền công nghiệp xây dựng NƠXH một cách toàn diện. Thiếu sự liên hiệp này chúng ta không thể đưa ra được các giải pháp tối ưu đáp ứng nhu cầu “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” đặc thù trong xây dựng NƠXH nói chung và đề án một triệu căn hộ NƠXH nói riêng.

- Quan điểm về tính bền vững trong xây dựng NƠXH.

Cũng như các thể loại kiến trúc khác, kiến trúc NƠXH cần tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành, các tiêu chí kiến trúc xanh. NƠXH cần không chỉ bền vững về mặt vật lý mà còn phải bền vững về khía cạnh văn hoá xã hội, những mô hình NƠXH mới cần có khả năng chuyển đổi và thích ứng để có thể biến đổi thành thể loại nhà ở cao cấp hơn trong các đô thị tương lại khi điều kiện kinh tế phát triển lên. Trước mắt cũng cần thu hẹp sự chênh lệch về hình thức cũng như nội dung của kiến trúc công trình NƠXH so với nhà ở thương mại.

4. Kết luận

Phát triển NƠXH đã được Chính phủ mục tiêu hoá trong các văn bản pháp luật, nó cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tiếp tục hoàn thiện từ góc độ quản lỹ đầu tư, quy hoạch, kiến trúc. Tuy nhiên dưới góc độ thiết kế chúng ta cần làm rõ các quan điểm căn bản nhất để dẫn dắt công tác thiết kế và xây dựng NƠXH.

Các quan điểm được đề xuất chỉ ra những định hướng chính trong thiết kế NƠXH, từ việc coi mỗi căn hộ là một ngôi nhà với đầy đủ chức năng căn bản nhất, cho đến tính linh hoạt tất yếu không chỉ trong mỗi căn hộ mà còn giữa các căn hộ với nhau.

Bên cạnh đó, các quan điểm về tính kinh tế, tính bền vững giúp người thiết kế có cái nhìn xa hơn với các nhãn quan xã hội. Vấn đề liên hiệp các khâu ngay trong quá trình thiết kế lại là một quan điểm về tính đồng bộ và hệ thống trong công nghiệp hoá xây dựng NƠXH. Như thế, chúng ta có quyền hy vọng mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ NƠXH không chỉ dừng lại ở số lượng, mà còn góp phần tạo ra một mô hình ở tương lai có chất lượng cho đông đảo bộ phận cư dân đô thị trên bình diện quốc gia.

PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Tài liệu tham khảo

[1] Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Công thông tin điện tử Chính phủ.

[2] Thu Hằng - Như Lai (2023). Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý, 30/6/2023, từ https://bnews.vn/de-an-dau-tu-xay-dung-it-nhat-1-trieu-can-ho-nha-o-xa-hoi-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly/294821.html.

[3] Vũ Hồng Cương (2015). Giải pháp tổ chức không gian nội thất và mô hình căn hộ nhà ở xã hội tại Việt Nam. Tạp chí Kiến trúc số 09/2015.

[4] Hoàng Anh (2021). Kiến trúc nhà ở xã hội tối thiểu tại Hà Nội. Luận án Tiến sĩ Trường Đại học Xây dựng.

[5] Cục quản lý nhà và bất động sản Bộ xây dựng (2015). Số liệu về nhà ở xã hội toàn quốc. Hà Nội 2015.

Bạn đang đọc bài viết Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tiếp cận từ tổ chức không gian nội thất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Xây dựng

Cùng chuyên mục

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.