Thứ tư, 01/05/2024 08:10 (GMT+7)

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước Chỉ số cải cách hành chính năm 2023

Mạnh Tiến -  Thứ năm, 18/04/2024 12:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Quảng Ninh năm 2023 tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX), với kết quả đạt 92,18%. Như vậy, từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX cả nước.

Sáng 17/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân về phục vụ hành chính và cải cách hành chính được Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực CCHC của Chính phủ triển khai hàng năm.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Đối với Chỉ số SIPAS, năm 2023 là năm thứ 2 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công.

9 nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân được lựa chọn để người dân đánh giá, bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách nước sinh hoạt; chính sách điện sinh hoạt; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách an sinh, xã hội và chính sách CCHC nhà nước.

Theo đánh giá của Cơ quan Thường trực, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng trên 2,60 điểm so với năm 2022.

Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03%-90,61%. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số SIPAS, với kết quả đạt 90,61%; đứng thứ 2 tỉnh Thái Nguyên đạt 90,29%; thứ 3 tỉnh Hải Dương đạt 90,23%. Như vậy, Quảng Ninh 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2023).

tm-img-alt
Bảng Chỉ số SIPAS năm 2023 của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đối với Chỉ số PAR INDEX, kết quả đạt được của các bộ, ngành và UBND các địa phương khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022, đây là năm thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.

Tỉnh Quảng Ninh năm 2023 tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX, với kết quả đạt 92,18%; thứ 2 là Hải Phòng đạt 91,87%; thứ 3 là Hà Nội đạt 91,43%; Bắc Giang đạt 91,16%. Như vậy, từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX cả nước (2017 đến năm 2020 và 2022 - 2023).

tm-img-alt
Bảng Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, cho biết sau Hội nghị công bố này, căn cứ Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số CCHC năm 2023 đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, chủ động phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện rõ nguyên nhân những chỉ số thành phần còn thấp, xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Quan tâm chỉ đạo sát sao với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, hiệu quả nhằm cải thiện thực chất công tác CCHC của bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng tiếp cận chính sách trực tiếp các đối tượng về CCHC, về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của các chỉ số này, từ đó tạo chuyển biến nhận thức, sự đồng thuận, ủng hộ, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và toàn xã hội đối với công cuộc CCHC mà chúng ta đang thực hiện.

Thứ ba, tập trung cao cho cải cách thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ. Rà soát, bãi bỏ các TTHC, các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, không khả thi, đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm. Tiếp tục hoàn thiện các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ năm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ. Tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Tăng cường phân cấp, giao quyền phù hợp với năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch.

Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức mới được ban hành. Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn cải cách chính sách tiền lương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ.

Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của các bộ, tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước Chỉ số cải cách hành chính năm 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.