Thứ bảy, 27/04/2024 23:05 (GMT+7)

Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)

Tuấn Anh -  Thứ sáu, 24/11/2023 09:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 24-11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi với 468/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,7%). Luật gồm 10 chương, 73 điều.

Trước khi Quốc hội biểu quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lê Quang Huy - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - đã trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi.

Một trong các nội dung tiêu biểu được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là quy định về đấu giá kho số viễn thông và tên miền quốc gia ".vn".

tm-img-alt
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)

Theo ông Huy, việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô... Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện theo pháp luật về dân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo luật, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" bảo đảm phù hợp với pháp luật về đấu giá tài sản. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản.

Theo ông Huy, với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.

Về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng tên gọi này đã thể hiện được đặc tính của dịch vụ nên đề nghị giữ tên gọi như trong dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị giữ nguyên quy định về quản lý hoạt động công ích như dự thảo, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào quỹ để phù hợp tình hình thực tế.

Việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia…

Về điều khoản thi hành, dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo luật về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet... Đã chỉnh lý điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo luật theo hướng không yêu cầu đổi giấy phép với một số nội dung này.

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề