Thứ năm, 02/05/2024 04:51 (GMT+7)

Sáng chế giúp công nhân vệ sinh môi trường đỡ nặng nhọc

MTĐT -  Chủ nhật, 17/07/2022 08:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trăn trở khi chứng kiến công nhân vệ sinh môi trường phải chui vào các cống rãnh ngập đầy nước thải, bùn đất để nạo vét, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) đã chế tạo cụm tời nạo vét cống.

Sáng chế này đang được ứng dụng rộng rãi tại hơn 40 tỉnh, thành phố, vừa tăng năng suất lao động, vừa bảo vệ sức khỏe cho công nhân, góp phần làm sạch, đẹp hạ tầng đô thị. Đồng thời, sản phẩm này vẫn tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để mở rộng ứng dụng ra cả nước.

tm-img-alt
Công nhân Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) sử dụng cụm tời nạo vét cống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước và Dịch vụ môi trường TP Vũng Tàu thuộc Công ty Busadco cho biết: Thời điểm năm 2004, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hệ thống cống ngầm dài hơn 290km, trong đó TP Vũng Tàu chiếm hơn một nửa, nhưng chất lượng không đồng bộ nên việc khơi thông gặp rất nhiều khó khăn.

Công nhân thường phải chui vào lòng cống để nạo vét, nhưng chỉ thực hiện được một đoạn dài chừng 5m cách miệng hố ga, nếu chui vào sâu hơn sẽ rất khó thở. Mặt khác, công nhân nạo vét cống còn phải đối mặt với vô số rủi ro tiềm ẩn trong lòng cống, như: Ô nhiễm, khí độc, rắn, rết, mảnh thủy tinh, kim tiêm... Nhiều vị trí cống ngầm công nhân không nạo vét được đành để lượng bùn đất rất lớn tồn đọng trong lòng cống từ năm này qua năm khác.

Thời điểm đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang sử dụng tời để kéo bùn đất trong lòng cống. Tuy nhiên, công nghệ này không hoàn thiện, công nhân vẫn phải chui vào lòng cống để luồn dây và công suất thấp. Tại Hà Nội, xe chuyên dụng đã được sử dụng, nhưng giá thành lên tới hàng tỷ đồng/xe. Thêm nữa, công suất hút của loại xe này quá lớn, có thể làm đứt gãy các mối nối cống.

Trước thực trạng đó, ông Hoàng Đức Thảo bắt tay nghiên cứu và chế tạo cụm tời nạo vét cống ngầm từ cuối năm 2003. Sau 7 tháng nghiên cứu và nhiều lần thử nghiệm, thiết bị này chính thức được đưa vào ứng dụng. Thiết bị gồm hai hệ thống tời đặt ở hai hố ga cách nhau khoảng 50m, để điều chỉnh một quả cầu nạo vét di chuyển dọc theo trục giữa tời thông qua sợi cáp không gỉ.

Về nguyên lý làm việc, khi cụm tời số 1 kéo thì cụm tời số 2 nhả cáp và ngược lại, quả cầu chế tạo bằng thép hở xung quanh chạy dọc lòng cống, kéo bùn và rác ra khỏi cống thu về hố ga. Với những vị trí có lớp bùn dày đặc do tồn đọng lâu năm, quả cầu nạo sẽ được thay thế bằng quả cầu phá để đánh tơi lớp bùn, sau đó sử dụng lại quả cầu nạo để thu gom bùn rác về hố ga ở hai đầu đoạn cống ngầm. Tốc độ nạo vét nhanh hay chậm do người vận hành điều khiển và phụ thuộc vào lượng bùn đất trong lòng cống.

Ông Thảo cho biết, cụm tời nạo vét cống có tính năng dễ sử dụng, dễ vận chuyển và an toàn, có thể vận hành cả trong điều kiện lòng cống bị ngập nước hoàn toàn hay những địa hình phức tạp. Công suất hoạt động của thiết bị gấp 20 lần thiết bị sử dụng ở TP Hồ Chí Minh. Về hiệu quả kinh tế, giá thành rẻ hơn hàng trăm lần so với thiết bị chuyên dùng nhập từ nước ngoài. Với việc áp dụng rộng rãi thiết bị này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xóa toàn bộ 45 điểm ngập úng nặng và bảo đảm thông suốt cho hơn 290km cống ngầm, 5.000 hố thu nước.

Sáng chế này cũng giúp ông Thảo đoạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2004. “Tôi đang nghiên cứu tiếp tục cải tiến để sản phẩm này có thêm tính năng đưa bùn từ hố ga lên thẳng xe chứa để công nhân gần như không phải tiếp xúc với bùn đất ô nhiễm. Tôi cũng sẽ nghiên cứu thêm những thiết bị khác phục vụ công tác bảo vệ môi trường, giảm lao động vất vả, nặng nhọc, độc hại cho công nhân”, ông Hoàng Đức Thảo chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết Sáng chế giúp công nhân vệ sinh môi trường đỡ nặng nhọc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo La Duy/Báo Quân đội Nhân dân

Cùng chuyên mục

Tin mới