Thứ ba, 30/04/2024 07:45 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/6/2023

MTĐT -  Thứ ba, 27/06/2023 16:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Nắng nóng với nhiệt độ cao sắp bao phủ miền Bắc và miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 29/6, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.

Từ ngày 30/6, nắng nóng mở rộng ra vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Dự báo thời tiết từ đêm 29/6 đến ngày 07/7, cơ quan khí tượng cho biết khu vực Bắc Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; riêng vùng núi có mưa rào rải rác và có nơi có dông, thời kỳ từ ngày 01-06/7 có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; ngày nắng, có nơi nắng nóng, riêng khu vực trung du và đồng bằng có nắng nóng. Từ khoảng ngày 05-06/7, khả năng có mưa rào và dông rải rác.

Nhà đầu tư nào quan tâm Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Bắc Giang?

Theo Sở KHĐT tỉnh Bắc Giang, có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án gồm: Liên danh Công ty TNHH Môi trường Ngôi sao xanh - Công ty CP Đầu tư và Thương mại HHK; Công ty TNHH Do Green; Liên danh Công ty CP Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam - Công ty CP Môi trường Việt Nam - Công ty CP Môi trường Nghi Sơn.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 715,589 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 9,41 tỷ đồng; tổng diện tích đất sử dụng là 49.481 m2 tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa.

Dự án nhà máy tại huyện Hiệp Hòa có công suất xử lý chất thải rắn đạt 650 tấn/ngày đêm.

Thanh Hóa: Xử phạt 170 triệu đồng doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản

Tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2167/QĐ-XPHC ngày 21/6 của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty đầu tư Hà Thanh – CTCP. Địa chỉ trụ sở chính: Cụm công nghiệp Vĩnh Minh, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Địa chỉ xảy ra vi phạm: Mỏ đá xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Người đại diện theo pháp luật: ông Đặng Văn Biên, chức danh Tổng Giám đốc.

Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,5 ha đến dưới 01 ha (vượt 9.404 m2).

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Quy định tại: Điểm b, khoản 5, Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15, Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ. Khung phạt đối với tổ chức từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng (theo khoản 1, Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ).

Bị áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền; mức phạt 170.000.000 đồng (Một trăm bảy mươi triệu đồng). Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc Tổng Công ty đầu tư Hà Thanh - CTCP thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.

Thời hạn khắc phục hậu quả là 30 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành; Buộc Tổng Công ty đầu tư Hà Thanh - CTCP phải nộp lại số lợi bất hợp pháp quy định tại Điểm b, Khoản 10, Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP. Do chưa đủ cơ sở để xác định số lợi bất hợp pháp; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẩn trương phối hợp với các ngành tiến hành xác định số lợi bất hợp pháp và lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Tổng Công ty đầu tư Hà Thanh - CTCP theo quy định.

Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do Tổng Công ty đầu tư Hà Thanh - CTCP chi trả.

Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh nhiều phong trào bảo vệ môi trường

Nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, hiệu quả đã góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nông thôn mới… 

Nhằm nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường, đồng thời gây quỹ để giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các cấp hội phụ nữ ở cơ sở đã đồng loạt triển khai mô hình thu gom phế liệu và rác thải nhựa. Bà Lê Thị Hoàng Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phước Long (TP. Nha Trang) cho biết, hội đã triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa thông qua “Ngôi nhà xanh 100 đồng/ngày”. Toàn phường có 3 “ngôi nhà” đặt tại Chi hội Phụ nữ Phước Thành 3. Để thực hiện thành công mô hình, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường đã đến từng gia đình hội viên để tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa của mô hình, hướng dẫn hội viên phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ. Những loại rác thải tái chế được như: Vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa carton…, các gia đình sẽ tích góp ủng hộ cho mô hình để bán cho các vựa thu mua phế liệu, lấy tiền gây quỹ hội. Hàng tháng, hội sẽ lựa chọn những hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để tặng quà.

Mới đây, Hội LHPN huyện Khánh Sơn đã lắp đặt thêm 2 "Ngôi nhà xanh" cho Hội Phụ nữ xã Ba Cụm Bắc và xã Sơn Trung với tổng trị giá 8 triệu đồng. Bà Cao Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Khánh Sơn cho biết, hiện nay, toàn huyện có 17 "Ngôi nhà xanh", hơn 1.760 hội viên, phụ nữ tham gia với ý nghĩa chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, bảo vệ sức khỏe, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại địa phương. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội từ huyện đến cơ sở đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức hơn 150 cuộc, thu hút gần 5.000 lượt chị em tham gia tổng vệ sinh các tuyến đường tự quản, đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh, nạo vét kênh mương, thu gom xử lý rác thải, tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần. 

tm-img-alt
Phụ nữ huyện Khánh Sơn tham gia thu gom phế liệu

Tại xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh), Hội Phụ nữ xã cũng thường xuyên phổ biến kiến thức, pháp luật về môi trường đến hội viên và người dân, những phong trào do hội phát động đều được người dân, hội viên tích cực tham gia. Từ đầu năm đến nay, 100% hội viên, phụ nữ đăng ký tham gia thực hiện Đề án “Phụ nữ Khánh Hòa tham gia phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”…

Bên cạnh các mô hình thu gom phế liệu, rác thải nhựa, các cấp hội phụ nữ ở cơ sở còn xây dựng nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, tuyến đường khu dân cư kiểu mẫu. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã tổ chức trồng gần 10.000 cây xanh, cây hoa các loại; 10.000 cây đước, 27 công trình cây xanh... “Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và người dân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo thói quen sinh hoạt, sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường và thực hiện tốt cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Qua đó, góp phần làm cho môi trường xung quanh ngày càng xanh, sạch và văn minh hơn”, bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết. 

Kon Tum lại động đất 3.3 độ, 6 tháng tới vẫn còn diễn biến phức tạp

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, vào hồi 05 giờ 28 phút 39 giây (giờ GMT) ngày 27 tháng 6 năm 2023 tức 12 giờ 28 phút 39 giây (giờ Hà Nội) ngày 27 tháng 6 năm 2023 một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.789 độ vĩ Bắc, 108.305 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.5 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

tm-img-alt

Trận động đất vừa ghi nhận được là trận thứ 6 trong 3 ngày gần đây. Trong đó ngày 27/6 xảy ra 2 trận động đất. Các ngày 24, 25, 26/6 đều xảy ra động đất tại đây.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận hơn 100 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5 đến 4.7 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Trong số này có 8 trận động đất có độ lớn ≥ 3.5 richter đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin theo Quy chế làm việc của Chính phủ.

Thông thường những động đất kích thích sẽ có hiện tượng tiếng nổ to, khiến người dân lo lắng. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã kịp thời thực hiện công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nắm rõ. Cuối năm 2022, 8 trạm ở Kon Tum đã đi vào hoạt động, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Kế hoạch xử lý rác thải sinh hoạt ở TP HCM: Sắp chỉ còn 1 phương pháp

Báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường về kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ đồ án xử lý quy hoạch chất thải rắn TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết UBND TP HCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện giải tỏa các trạm gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trạm trung chuyển đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để đến năm 2025 có 40 trạm (13 trạm khu vực và 27 trạm phục vụ quận, huyện).

Đến nay, TP Thủ Đức và các quận, huyện: 4, 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đang triển khai đầu tư 16 trạm trung chuyển. 1 trạm hiện hữu trên địa bàn quận 11 đã có lộ trình giảm khối lượng, tiến tới ngưng hoạt động vào năm 2025.

Cụ thể, 2 trạm đã hoàn thành xây dựng, vận hành (quận 12 và TP Thủ Đức); 1 trạm đang xây dựng (quận 12); 2 trạm trung chuyển đang thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; 11 trạm đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thủ tục giao đất, đăng ký vốn đầu tư trung hạn để thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Về công tác xử lý chất thải rắn, thành phố đặt chỉ tiêu đến năm 2025 tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới năm 2030 là 100%).

Trên địa bàn thành phố hiện có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện đang triển khai.

Trong đó, UBND TP HCM đã quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án chuyển đổi cộng nghệ của Công ty cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày).

Kế hoạch xử lý rác thải sinh hoạt ở TP HCM: Sắp chỉ còn 1 phương pháp - Ảnh 3.
Thu gom rác tại TP HCM

3 đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ gồm Công ty cổ phần Tasco (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày) và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố (1.000 tấn/ngày).

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình triển khai thực tế, Sở Tài nguyên – Môi trường đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt 80% thêm 2 năm, đến năm 2027 sẽ hoàn thành chỉ tiêu này.

TP HCM có 2.618/2.653 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Lực lượng thu gom rác này có 4.191/7.543 phương tiện đạt chuẩn (55%).

Cà Mau: Đề xuất hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở bờ sông

Ngày 27/6, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký công văn đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Những tháng đầu năm 2023, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tình hình sạt lở bờ sông.

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra trên 100 vụ, với tổng chiều dài sạt lở trên 3.000m. Trong đó, có hơn 1.500m là đường giao thông nông thôn bằng bê tông cốt thép.

Hầu hết, các vị trí sạt lở đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt các trục đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân.

tm-img-alt
Hiện nay tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục, hàng ngày.

Để khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra, các ngành, các cấp của tỉnh Cà Mau đã tập trung mọi nguồn lực, tuy nhiên do quy mô sạt lở quá lớn, tính chất phức tạp, nguồn lực của tỉnh chỉ đủ khắc phục sạt lở 8 tuyến kênh với chiều dài 167m, hiện còn rất nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng chưa xử lý được vì thiếu kinh phí.

Ngoài ra, hiện nay tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục, hàng ngày nên nguy cơ rủi ro về tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không khắc phục kịp thời.

Trước tình hình cấp bách nêu trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương xem xét, hỗ trợ phần kinh phí vượt quá khả năng của tỉnh, số tiền 246.880 triệu đồng để xử lý khắc phục khẩn cấp sạt lở 33 tuyến kênh bằng công trình cơ bản, chiều dài 3.086m.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/6/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP Hạ Long đảm bảo vệ sinh môi trường dịp nghỉ lễ
Để phục vụ nhân dân và du khách vui chơi nghỉ lễ, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã yêu cầu các đơn vị công ích duy trì vệ sinh đường phố, tuyến phố chính thuộc địa bàn quản lý, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường xanh, sạch đẹp.
Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...