Thứ hai, 29/04/2024 03:33 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/9/2023

MTĐT -  Thứ năm, 28/09/2023 17:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Phụ nữ Hà Giang sáng tạo sản phẩm từ rác tái chế

Nhằm tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Quang Bình đã duy trì rất nhiều cách làm hay, hiệu quả, thiết thực trong phong trào chống rác thải nhựa. Trong đó, việc biến rác thải thành tiền là mô hình tiêu biểu được hội viên phụ nữ tích cực tham gia, hưởng ứng.

Từ những vỏ chai nhựa, giấy báo cũ, túi ni lông, bút bi đã hết mực tưởng chừng như vô ích, song với đa dạng ý tưởng và bằng đôi bàn tay khéo léo của các hội viên phụ nữ, những sản phẩm độc đáo, ấn tượng làm từ rác tái chế đã trở thành vật dụng hữu ích như: Lọ hoa, túi xách, làn, rổ, vật dụng trang trí, đồ chơi… Đây là chiến dịch mới trong hoạt động chống rác thải nhựa. Để tạo sức lan tỏa của phong trào, Hội LHPN huyện Quang Bình đã phát động cuộc thi sáng tạo sản phẩm từ rác và thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo hội viên phụ nữ trên toàn huyện. Đến nay, đã có trên 100 sản phẩm mới lạ, độc đáo, có tính thẩm mỹ cao được sử dụng trong cuộc sống thường ngày.

Chị Nông Thị Hót, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩ Thượng cho biết: “Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động hội viên tích cực xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Từ đường làng, ngõ xóm đến mỗi gian bếp, nếp nhà được chị em chăm sóc, dọn dẹp ngăn nắp, gọn gàng. Ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, khi Hội Phụ nữ cấp trên phát động phong trào sáng tạo sản phẩm từ rác, không chỉ riêng chị em mà những người cao tuổi rất nhiệt tình tham gia. Sản phẩm tái chế từ rác như: Nôi em bé, múng đựng đồ, nong, dậu, sọt được đan lát dày công, tỉ mỉ, gắn liền trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Tày”.

Đa dạng các sản phẩm từ rác tái chế của Hội Phụ nữ xã Bằng Lang.
Đa dạng các sản phẩm từ rác tái chế của Hội Phụ nữ xã Bằng Lang.

Bên cạnh phong trào sáng tạo sản phẩm từ rác tái chế, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã thành lập và duy trì hiệu quả mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu; 26 tổ phụ nữ thu gom rác thải với 547 thành viên; 15 tổ phụ nữ xách làn, địu quẩy tấu, đeo túi dân tộc đi chợ với 376 thành viên; 3 tổ phụ nữ thu gom và phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình với 100 thành viên. Giai đoạn 2018 - 2023, Hội LHPN huyện đã tổ chức được 96 cuộc truyền thông chống rác thải nhựa cho gần 5.000 lượt hội viên phụ nữ tham gia. Các cấp Hội đưa nội dung vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa vào tiêu chí thi đua hàng năm.

Chị Hoàng Thị Bình, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ 4, thị trấn Yên Bình cho hay: “Nhận thức được mối nguy hại từ rác thải nhựa đối với sức khỏe và môi trường, nhiều năm qua, các hội viên trong chi hội đã chung tay thực hiện các giải pháp xây dựng tuyến phố văn minh, chăm sóc hoa, cây xanh. Chị em đã biết cách phân loại rác thải, những chất thải khó phân hủy thì được thu gom để xe rác chở về các bãi chôn lấp, xử lý. Đối với những chất thải hữu cơ được tận dụng ủ tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra”.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng rác thải ngày càng tăng, hoạt động chống rác thải nhựa đang là một trong những khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình mới nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thay đổi hành vi, cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống sinh hoạt, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới - đồng chí Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quang Bình cho biết.

Hà Nội xuất hiện hơn 20 điểm úng ngập do mưa lớn

Theo đó, đến trưa ngày 28-9 cho hay do ảnh hưởng của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ kết hợp với rìa Tây Nam áp cao lục địa, Hà Nội đã xảy ra mưa trên diện rộng.

Mưa lớn tại Hà Nội chia làm hai đợt, đợt một tập trung từ 0-6 giờ, đợt hai từ 8-9 giờ sáng nay 28-9. Tổng lượng mưa đo được tại một số khu vực nội thành Hà Nội dao động từ khoảng 90 mm đến hơn 200 mm.

Cụ thể, tại khu vực nội thành mưa lớn tập trung ở các quận Hoàng Mai (gần 227 mm), Hà Đông (195,3 mm), Nam Từ Liêm (158,3 mm), Thanh Xuân (156 mm), Cầu Giấy (143,2 mm) và các quận khác có tổng lượng mưa dao động từ 90 đến hơn 100 mm.

tm-img-alt
Do mưa lớn, mực nước sông, ao hồ tại Hà Nội dâng nhanh đột biến

Tại khu vực ngoại thành tổng lượng mưa đo được trong hai đợt dao động từ hơn 100 mm đến gần 250 mm, trong đó các huyện Mỹ Đức, Ứng Hoà, Hoài Đức, Đông Anh, Thạch Thất có lượng mưa rất lớn từ 170 mm đến gần 250 mm…

Do mưa lớn, mực nước sông, ao hồ tại Hà Nội dâng nhanh đột biến, chỉ trong khoảng từ 7-10 giờ sáng, nước sông Tô Lịch dâng cao từ 3,56m lên 5,3 m; hồ Tây nước dâng cao từ 5,91m lên 5,99 m; hồ Bảy Mẫu nước dâng từ 3,91m lên 4,16 m; hồ Đống Đa nước dâng cao từ 3,57m lên 4,28 m…

Đặc biệt, mưa lớn từ 8-9 giờ sáng, cường độ 50-100mm kết hợp với mực nước trên hệ thống đang ở ngưỡng cao do ảnh hưởng trận mưa trước nên đến 10 giờ sáng đã xuất hiện hàng loạt điểm úng ngập trong nội thành Hà Nội.

Tính ra có tới hơn 20 điểm ngập úng, rải rác ở nhiều khu vực khác nhau, như Thụy Khuê, Phú Xá, Khu đô thị Resco, Hoa Bằng, Dương Đình Nghệ - Keangnam, Phan Văn Trường, Trần Bình, Nguyễn Chính, Huỳnh Thúc Kháng, Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Tố Hữu, khu vực hầm chui 3, 5, 9 +656 Đại lộ Thăng Long, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Xiển, Triều Khúc, Quang Trung, Tô Hiệu (Hà Đông)….

tm-img-alt
Mưa lớn và ngập úng đúng giờ cao điểm đi làm buổi sáng khiến giao thông thủ đô tê liệt.

Về công tác ứng phó, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết đối với lưu vực sông Tô Lịch, đã vận hành các cửa phai, trạm bơm đầu mối để hạ mực nước trên hệ thống theo đúng quy trình. Triển khai lực lượng ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý. Hiện tại trạm bơm Yên Sở vận hành tối đa công suất với 20/20 bơm.

Đối với lưu vực sông Nhuệ, Công ty đã vận hành tối đa công suất các trạm bơm Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… Đồng thời chủ động liên hệ với Sở NN&PTNT đề nghị vận hành trạm bơm Yên Nghĩa hạ mực nước sông Nhuệ để đảm bảo thoát nước khu vực tả Nhuệ. Các đơn vị thuỷ lợi đã vận hành trạm bơm Đào Nguyên, Cầu Sa giải quyết cho khu vực hầm chui số 5, 6 đại lộ Thăng Long. Trạm bơm Yên Nghĩa đã vận hành 5/12 tổ máy bơm.

Đối với lưu vực Bắc Hồng, không xuất hiện điểm úng ngập. Tuy nhiên, hiện tại mực nước trên sông Cầu Bây ở ngưỡng cao, tiềm ẩn nguy cơ úng ngập trên địa bàn quận Long Biên, Công ty Thoát nước Hà Nội đã bố trí lực lượng ứng trực sẵn sàng giải quyết các sự cố phát sinh.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, trong những giờ tới, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi lớn hơn.

Trước tình hình thời tiết này, Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay đã cắt cử nhân vật lực để ứng trực theo phương án được duyệt, tập trung vệ sinh, kiểm tra thanh thải đảm bảo thông thoáng dòng chảy, vận hành các cửa phai, trạm bơm nhằm hạ mực nước trên toàn bộ hệ thống sẵn sàng đón mưa.

Bộ TN&MT làm việc với 16 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên về chỉ tiêu sử dụng đất

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì buổi làm việc với 16 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên về phương án điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 theo Quyết định 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên; đại điện lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Đắk Lắk.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 2/5/2023, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án có khả năng thu hút đầu tư, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT- XH đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đồng thời để đảm bảo việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai, Bộ TN&MT tổ chức buổi làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên để trao đổi về phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn 2021 -2025 đã được phân bổ tại Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 99/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ để trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng 2 phương án đề xuất Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất. Phương án một là báo cáo Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất theo hướng bổ sung chỉ tiêu của giai đoạn 2026-2030 về thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Phương án hai là đề xuất phương án sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo thẩm quyền để điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 326.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên đã tập trung góp ý vào các phương án điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 do Bộ TN&MT xây dựng, đồng thời đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất ở địa phương, trong đó tập trung vào đất khu công nghiệp, đất hạ tầng giao thông…

Bày tỏ sự nhất trí với phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo thẩm quyền để điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 326, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho rằng, phương án này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện, kịp thời tháo gỡ được các vướng mắc ở địa phương. Đồng thời đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu ở địa phương như: đất rừng, đất phục vụ khai thác khoáng sản, đất năng lượng để đảm bảo cho sự phát triển ở địa phương.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải nhất trí với phương án hai và đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất chính để phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như đất khu công nghiệp, chứ không điều chỉnh hết các chỉ tiêu tại Quyết định 326.

Kết luận tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận ý kiến góp ý của các địa phương và cho biết Bộ TN&MT sẽ tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở khách quan, toàn diện, thống nhất, chặt chẽ, tránh lãnh phí nguồn lực và đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Thống nhất ý kiến chỉ nên điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất chính của một số địa phương, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, Bộ sẽ đề xuất điều chỉnh phương án trên cơ sở các chỉ tiêu sử dụng đất chính như: đất hạ tầng giao thông, đất năng lượng, đất khu công nghiệp… trên cơ sở các Dự án đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh giao Sở TN&MT và các Sở ngành liên quan làm việc với Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất để làm rõ việc thực hiện các chỉ tiêu theo Quyết định 326 và làm rõ các đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương làm cơ sở cho việc hoàn thiện điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất.

Urenco chung tay chuyển đổi xanh vì sự phát triển bền vững đất nước

Chương trình do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) phối hơp cùng Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ TN&MT và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; Bí thư, Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM của Bộ TN&MT và đông đảo các đoàn viên Chi đoàn trực thuộc Đoàn TNCS HCM của Bộ TN&MT.

Về phía Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội có ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng Giám đốc, ông Đặng Hữu Bình - Phó Tổng Giám đốc; đại diện các Phòng, Ban và cán bộ nhân viên của Công ty.

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993. Trong những năm qua, tại Việt Nam, Bộ TN&MT là đơn vị chủ trì phát động hưởng ứng đã được các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương hưởng ứng và tạo được sức lan toả và sự chuyển biến quan trọng tới toàn thể cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

tm-img-alt

Phát biểu tại buổi lễ phát động, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (gọi tắt là COP26), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với thế giới: Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là cam kết với quốc tế, song cũng là lời hứa phải thực hiện với tương lai.

Mục tiêu này được thực hiện chủ yếu thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Đây chính là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế quốc gia theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trong công cuộc chuyển đổi xanh, xây dựng một tương lai xanh, bền vững, vai trò của đoàn viên, thanh niên là rất quan trọng và Bộ TN&MT luôn xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là lực lượng xung kích, dồi dào năng lượng, sức sáng tạo và nhận thức tốt trong các phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận và biểu dương các hoạt động của đoàn viên thanh niên trong thời gian qua, như chung tay “vì một Việt Nam xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Hãy làm sạch biển”, “Vườn Đoàn”, “Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường”…..

tm-img-alt
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc tại buổi lễ. 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, trước các thách thức của môi trường và biến đổi khí hậu, giờ đây xây dựng tương lai xanh, phát triển bền vững đã trở thành xu thế toàn cầu, có ý nghĩa sống còn đối với hành tinh, nhân loại. Trong cuộc đua xanh của toàn cầu, Việt Nam tiên phong chuyển đổi xanh. Trong lựa chọn “xanh” mang tính tất yếu của Việt Nam, các bạn đoàn viên thanh niên cần là lực lượng “tiên phong” góp sức mình làm nên màu xanh cho đất nước.

tm-img-alt
Bí thư Đoàn TNCS HCM Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM Bộ TN&MT Tống Thị Minh hưởng ứng Chương trình đổi rác lấy quà.

Nhân dịp Chương trình hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng gợi mở những định hướng, nhiệm vụ quan trọng, kêu gọi Thanh niên Việt Nam nói chung và Thanh niên Bộ TN&MT nói riêng cùng nhau hành động đóng góp công sức trong hành trình chuyển đổi xanh toàn diện hướng tới phát triển bền vững Việt Nam, cụ thể: 

Thứ nhất, Thanh niên cần “tiên phong” triển khai các phong trào về bảo vệ môi trường như: ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận; phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường…

Thứ hai, Thanh niên cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo nên một sự chuyển đổi liên tục và toàn diện trong hoạt động sống và làm việc, đóng góp tích cực cho bảo vệ môi trường và khí hậu. Đồng thời, thanh niên cần phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp lực lượng để triển khai tốt các phong trào, từ nhỏ tới lớn, từ một cây mới góp thành đại ngàn.

Thứ ba, Thanh niên cần tham gia với vai trò là người dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Sự tham gia của thanh niên được xem là yếu tố then chốt để triển khai thành công cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việt Nam cũng đang trong quá trình thiết lập thị trường các-bon trong nước. Đây cũng sẽ là cơ hội để thanh niên phát huy thế mạnh, hỗ trợ việc thiết lập, vận hành và hoàn thiện thị trường mua bán, trao đổi tín chỉ các-bon từ các hoạt động chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ tư, Thanh niên có thể tận dụng được các nguồn hỗ trợ mới nổi. Các nguồn hỗ trợ mới tập trung cho hoạt động bảo vệ môi trường luôn tìm kiếm các ý tưởng mới, tính khả thi cao và thân thiện với môi trường. Cơ hội này là rất lớn đang hiện hữu đối với thanh niên. Đây chính là thời điểm thuận lợi nhất để Chính phủ và thanh niên cùng chung tay hành động vì một Việt Nam xanh.

tm-img-alt
Lễ ra quân đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn và hưởng ứng Chương trình Đổi rác lấy quà.

Sau buổi lễ phát động, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trao cây biểu trưng cho Đoàn thanh niên Bộ TN&MT, tham dự Lễ ra quân đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn và hưởng ứng Chương trình Đổi rác lấy quà.

Cuối chương trình Tọa đàm “Chuyển đổi xanh – Trách nhiệm của thanh niên” được diễn ra và là một phần quan trọng trong sự kiện nơi các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy các thay đổi xanh hơn đã được thảo luận và chia sẻ ý kiến

Nghệ An: Mưa to có khả năng kéo dài đến hết ngày 28/9

Trong 24 giờ qua, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa tính từ 20h/26/9 đến 20h/27/9 có nơi trên 300mm như: Châu Bình 2: 395,8 mm, Châu Bình 1: 374 mm (Quỳ Châu); Quế Phong 325,6 mm.

1.jpg
Mưa gây ngập nhà dân ở Quỳ Châu ngày 27/9/2023. Ảnh Văn Trường
tm-img-alt
Ảnh minh họa. TL

Dự báo, ngày hôm nay 28/9, ở Thanh Hóa- Nghệ An có mưa vừa đến mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20 - 50mm, có nơi trên 80mm.

Tỉnh Nghệ An: Có mưa vừa đến mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20 - 50mm, có nơi trên 80mm như Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp...

Dự báo lượng mưa chi tiết:

Khu vực Thời gian ảnh hưởng Tổng lượng (mm)
Thanh Hóa Từ 04h/28/9-19h/28/9 20 - 50mm, có nơi trên 80mm
Nghệ An Từ 04h/28/9-19h/28/9 20 - 50mm, có nơi trên 80mm

Dự báo, mưa lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 28/9.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1

Dự báo tác động của mưa lớn: Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra ở Hà Tĩnh

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vào sáng 26/9, tại Km82+950 trên tuyến QL8 đoạn qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn xảy ra sạt lở mái taluy dương khiến 500m3 đất đá từ trên núi tràn xuống lòng đường, song, nhờ huy động nhân lực, máy móc tiến hành dời dọn kịp thời nên phương tiện vẫn có thể lưu thông.

Tuy nhiên, do mưa lớn tiếp tục kéo dài nên từ đêm 26/9, một số vị trí trên tuyến QL8 xảy ra sạt lở mái taluy dương, trong đó, tại khu vực Km82+800 đoạn qua xã Sơn Kim 1, bị nặng nhất với khoảng 1.000 m3 đất, đá tràn xuống, chắn ngang đường, khiến phương tiện không thể lưu thông.

Ngay khi xảy ra sự cố sạt lở, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh, cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương tiến hành đặt biển cảnh báo, phân luồng giao thông, không để phương tiện ùn ứ gần khu vực bị sạt lở. Do trời tối, thời tiết xấu, ngành chức năng không thể huy động máy móc, nhân lực để dọn đất, đá mà phải chờ tới sáng 27/9 mới có thể triển khai.

Với việc huy động 2 máy xúc cùng nhiều công nhân, sau nhiều nỗ lực, tới 11h ngày 27/9, số đất, đá tràn xuống tuyến QL8 được dời dọn, giúp phương tiện lưu thông bình thường trở lại.

“Bao quanh tuyến QL8 qua huyện Hương Sơn là địa hình đồi núi nên khi mưa lớn kéo dài sẽ khiến đất, đá ngấm no nước, gây nên nguy cơ sạt lở cao, nhất là khu vực ở xã Sơn Kim 1 (gần eo Cô Gái). Sự cố sạt lở vừa gây ách tắc giao thông vừa nguy hiểm cho người, phương tiện qua lại. Để đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ, đơn vị luôn cắt cử nhân lực trực gác, kiểm tra và lên phương án ứng phó mỗi khi có sạt lở xảy ra”, ông Trần Thế Thành – Phó trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 cho hay.

tm-img-alt
Mưa ngập chia cắt nhiều tuyến giao thông ở Hương Khê ngày 26/9.

Trong khi đó, mưa lớn từ đêm 25 tới sáng 27/9 cũng đã gây ngập 287 vườn nhà dân, 21 ha bưởi Phúc Trạch, chia cắt 8 hội quán thôn của huyện Hương Khê. Nhiều tuyến đường giao thông, công trình cầu, cống bị sạt lở, hư hỏng; 6 hộ dân ở 2 xã Hương Lâm, Hương Thủy phải di dời đến nơi an toàn.

Thời điểm xảy ra mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi, huyện Hương Khê đã nhanh chóng triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.

Với các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập, chính quyền địa phương cũng lắp đặt biển cảnh báo, cắt cử người canh gác không để người dân đi qua.

Từ trưa ngày 27/9, khi mưa giảm, nước rút, huyện Hương Khê đã phối hợp với các lực lượng tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho hay: Do ảnh hưởng của mưa lớn, huyện đã cho gần 7.800 học sinh và 1.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên không phải tới trường. Đồng thời, chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện, các trường, tùy theo diễn biến thời tiết và điều kiện cụ thể để sắp xếp phương án dạy học phù hợp. Địa phương cũng đang phối hợp với ngành y tế xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh cho các hộ dân bị ảnh hưởng mưa ngập”.

Tại huyện Cẩm Xuyên, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, trên tuyến đường quốc phòng ven biển qua xã Cẩm Lĩnh cũng bị sạt lở mái taluy dương với 200 m3 đất đá tràn xuống đường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà thông tin: Do tuyến đường này ít người qua lại nên địa phương đã đặt biển cảnh báo và chờ thời tiết khô ráo mới dời dọn số đất, đá tràn xuống đường. Bên cạnh đó, gió to, sóng lớn cũng khiến khu vực kè biển ở xã Cẩm Nhượng xuất hiện điểm sạt lở mới với diện tích 40m2. Huyện đã tiến hành gia cố tạm thời, hạn chế khu vực sạt lở bị lan rộng.

“Địa phương đang tính toán phương án xử lý đảm bảo an toàn cho tuyến kè biển Cẩm Nhượng. Trường hợp chỉ có mưa thì điểm sạt lở không quá đáng ngại nhưng nếu có bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây sóng to, gió lớn, điểm sạt lở có thể thêm nghiêm trọng”, ông Lê Ngọc Hà cho thiết thêm.

Ông Trần Đức Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đợt mưa lớn kéo dài từ đêm 25 đến sáng 27/9 đã gây ra đợt lũ vừa trên các sông, xảy ra ngập úng, sạt lở đất, gây ảnh hưởng tới giao thông và cuộc sống của một số hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, có phương án khôi phục sản xuất phù hợp; tiếp tục bố trí lực lượng hỗ trợ Nhân dân, các nhà trường sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống, hoạt động dạy học. Đặc biệt, cần chú trọng xử lý nguồn nước, môi trường sau ngập lụt, không để xảy ra dịch bệnh.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, ngày 28/9, khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa phổ biến 40 - 70mm, có nơi trên 100mm. Từ đêm 28/9 mưa rải rác.

Lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đã đạt đỉnh và đang ở xu thế xuống.

Nhà máy xử lý rác Phan Thiết chính thức đi vào hoạt động

Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết tại xã Tiến Thành do Công ty TNHH Nhật Hoàng đầu tư với mục đích xử lý chất thải rắn trên nền tảng tiêu chí 3T: tái sinh mùn hữu cơ trả lại cho đất canh tác; tái chế phế thải dẻo thành nguyên liệu hạt nhựa dẻo, phục vụ ngành công nghiệp nhựa; tránh chôn lấp chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 9 này.

Sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid- 19 kéo dài, chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết tập trung nguồn lực từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đồng bộ, đảm bảo môi trường trong khu vực. Nhà máy đã chính thức tiếp nhận rác trên địa bàn thành phố để xử lý, chạy thử, hiệu chỉnh máy móc, dây chuyền sản xuất trong thời gian qua đã cho thấy ổn định.

img_3657.jpg
Lò đốt rác chuẩn bị vận hành chính thức

Theo báo cáo với Đoàn kiểm tra của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận: Nhà máy trước khi đi vào vận hành chính thức đã ghi nhận hệ thống xử lý đồng bộ của nhà máy này. Đó là cổng tường rào, nhà bảo vệ, nhà tiếp nhận, công nghệ tách tuyển rác, nhà lưu chứa chất độc hại, cụm xử lý khói mùi, bể xử lý nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hồ sinh học, hố chôn xỉ, nhà ủ sản xuất phân, cầu, đường dẫn, nhà xe cơ giới đã hoàn thành. Nhà ở và nhà ăn công nhân xây dựng khang trang, sạch sẽ, nằm riêng tách biệt. Từ phía ngoài cổng đi vào, xe chở rác sau khi qua trạm cân hiển thị khối lượng rác trên bảng điện tử, được thu nhận qua 4 cửa (số 1, số 2, số 3, số 4) vào dây chuyền phân loại rác.

Tiếp đó, rác qua dây chuyền tách lọc, dây chuyền nạp liệu, lò đốt, hệ thống xử lý khói, băng tải mùn. Hiện 2 cụm lò đốt hiện đại được lắp đặt hoàn chỉnh sẵn sàng tiếp nhận để xử lý khoảng 300 tấn rác/ngày đêm. Khối lượng rác đưa vào lò đốt nhiệt độ cao 900 – 1.300 độ cho ra thành phần mùn hữu cơ vi sinh, cung cấp phân bón cây trồng; riêng lượng xỉ nhỏ khoảng 5% đưa vào hố chôn xỉ, có thể làm phụ gia sản xuất gạch. Với đội ngũ 60 người ban đầu (15 kỹ sư, phần lớn công nhân vận hành các khâu) nhà máy đảm bảo hoạt động 3 ca cả ngày, xử lý cơ bản khối lượng rác trên địa bàn Phan Thiết hiện nay.

img_3673.jpg
Nhà máy xử lý rác Phan Thiết hoạt động vào cuối tháng 9/2023

Theo ông Lê Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhật Hoàng, chủ đầu tư nhà máy: Công ty TNHH Nhật Hoàng phối hợp Công ty Xây dựng & Công nghệ môi trường Việt Nam - Bộ Tài nguyên & Môi trường, Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng; sở ngành chức năng của tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công xây dựng nhà máy, hồ sơ bảo vệ môi trường trình hai bộ ngành chức năng trên. Đây là cơ sở Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp giấy phép môi trường, Bộ Xây dựng cấp giấy hoàn công nhà máy để chính thức đi vào hoạt động xử lý rác vào ngày 29/9/2023.

img_9514.jpg
Rác thải được nghiền trước khi đưa vào lò đốt

Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường đề nghị: Quá trình ban đầu đi vào vận hành chính thức, chủ đầu tư nhà máy xúc tiến chọn đơn vị tư vấn phù hợp lắp đặt hệ thống quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục (có camera theo dõi), kết nối truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn bảo vệ môi trường của tỉnh, chậm nhất vào cuối năm sau”. Chủ đầu tư Công ty TNHH Nhật Hoàng đã cam kết thực hiện hoàn tất công tác lắp đặt thiết bị quan trắc trước ngày 31/12/2024 theo quy định pháp luật hiện hành.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại nhà máy, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận đã biểu dương nỗ lực của chủ đầu tư Công ty TNHH Nhật Hoàng tập trung đầu tư hoàn chỉnh giai đoạn 1 đưa nhà máy vào hoạt động vào cuối tháng 9 này; lưu ý công ty phối hợp sở ngành hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý trong quá trình hoạt động, nhất là việc bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 2 lò đốt còn lại theo công suất thiết kế trong giai đoạn 2, nâng công suất lên 400 tấn rác/ngày, xử lý toàn bộ khối lượng rác thải thành phố 320 - 350 tấn/ngày, dịp lễ tết lên 400 tấn/ngày. Phía Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận đảm bảo cung cấp khối lượng rác hàng ngày cho nhà máy khi đi vào hoạt động cuối tháng 9 này. Việc Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết đi vào hoạt động chính thức sẽ khắc phục ô nhiễm bãi rác Bình Tú kéo dài lâu nay.

Được biết, Nhà máy có công suất thiết kế 400 tấn rác/ngày. Nhà máy xử lý rác Phan Thiết diện tích rộng hơn 10 ha ở xã Tiến Thành, có công suất thiết kế 400 tấn rác/ngày, tổng kinh phí đầu tư hơn 495 tỷ đồng. Với công suất trên, nhà máy đảm bảo xử lý lượng rác lớn thành phố Phan Thiết, các huyện lân cận: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.