Chủ nhật, 16/06/2024 20:39 (GMT+7)

Tuổi thọ tăng nhưng người Việt phải sống nhiều năm với bệnh tật

MTĐT -  Thứ năm, 23/05/2024 16:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong Đông Nam Á, xét về sống thọ, phái nam người Việt đứng thứ 5, còn nữ đứng thứ 2 nhưng trung bình có tới 10 năm phải sống với các bệnh tật như: tim mạch, ung thư và đái tháo đường.

Tuổi thọ tăng nhưng người Việt phải sống nhiều năm với bệnh tật
Người Việt Nam có tuổi thọ trung bình 73,7 tuổi.

Thực tế, nhiều người lớn tuổi tại Việt Nam phải sống chung với thuốc thang vì các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường... Hậu quả là những năm tháng đáng lý được nghỉ ngơi, người lớn tuổi lại dành phần lớn thời gian đến bệnh viện mỗi tháng, thậm chí là mỗi tuần.

Theo Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi nhưng chất lượng sống lại bị hạn chế do bệnh tật.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, trong các quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ đứng thứ hai. Dù vậy, mỗi người phải sống trung bình với 10 năm bệnh tật, cao hơn so với các nước.

Bộ Y tế phân tích, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thực trạng trên là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.

Thực tế cũng cho thấy gánh nặng bệnh không lây nhiễm ở nước ta ngày càng trầm trọng, chiếm hơn 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam.

Năm 2021, kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế chủ trì thực hiện cho thấy có 20,8% dân số từ 15 tuổi trở lên đang hút thuốc; gần 2/3 nam giới và 1/10 nữ giới có uống rượu bia; khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị.

Đáng chú ý, tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối/ngày.

Trong khi đó, mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp. Gần 1/4 dân số thiếu hoạt động thể lực, không đạt mức theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài ra, khoảng 19,5% dân số Việt Nam bị thừa cân, trong đó 2,1% béo phì.

Bộ Y tế kết luận, có khoảng 15,3% dân số từ 40-69 tuổi có nguy cơ cao trong vòng 10 năm tới gặp các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, chỉ có 40,8% trong số này được tư vấn và dùng thuốc để phòng ngừa bệnh.

Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khiến người Việt sống thọ nhưng thời gian sống cùng bệnh tật nhiều còn là môi trường sống, nhận thức của người dân, nhân lực y tế thiếu, ngân sách cho y tế dự phòng còn ít…

Hút thuốc lá và "đại dịch" béo phì

Theo điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện cho thấy có tới gần 21% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá, có 1/3 dân số từng tiếp xúc với khói thuốc lá. Có tới gần 2/3 nam giới uống rượu bia.

Đặc biệt, mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp, gần 1/4 dân số thiếu hoạt động thể lực (không đạt mức theo khuyến nghị của WHO) và có tới gần 1/5 dân số bị thừa cân, béo phì.

Trong các nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm thì hút thuốc lá và thừa cân, béo phì là hai nguyên nhân hàng đầu.

Môi trường bị ô nhiễm

Bên cạnh đó, môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất cũng là nguyên nhân gây bệnh tật. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì còn có yếu tố chủ quan là ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế.

Người Việt ăn thừa muối, thiếu rau

Chế độ dinh dưỡng của người Việt cũng gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị (mỗi người cần ăn ít nhất 5 suất, tương đương với 400g mỗi ngày).

Đặc biệt, có tới 78% dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối hoặc gia vị mặn vào món ăn. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, WHO khuyến nghị một người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay thì người Việt đang ăn gần gấp đôi khuyến nghị.

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tuổi thọ tăng nhưng người Việt phải sống nhiều năm với bệnh tật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ viêm mũi dị ứng
Những năm trở lại đây, tình trạng biến đổi khí hậu xuất hiện ngày càng rõ rệt và mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Trong đó, nguy cơ viêm mũi dị ứng cũng gia tăng đáng kể dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tin mới

Điểm chuẩn vào lớp 10 - Hưng Yên năm 2024
Ngày 13/6, Sở GD&ĐT Hưng Yên chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập tổ chức thi tuyển năm học 2024 - 2025. Theo đó, trường THPT Vân Lâm có điểm chuẩn cao nhất: 31.50 điểm.