Thứ tư, 01/05/2024 10:13 (GMT+7)

Cần Thơ: Nhiều nỗ lực trong phát triển các khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ bảy, 11/11/2023 11:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau gần 30 năm, các khu công nghiệp (KCN) tại Cần Thơ ngày càng thể hiện vai trò đầu tàu mang lại những đóng góp to lớn cho tiến trình phát triển công nghiệp của thành phố nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng ĐBSCL nói chung.

Sau gần ba thập niên xây dựng và phát triển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ. Trong giai đoạn mới, thành phố tiếp tục chủ động thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, sử dụng ‘bệ đỡ’ từ việc thu hút thành công dự án khu công nghiệp VSIP tại huyện Vĩnh Thạnh để tiếp tục phát triển thêm các khu công nghiệp mới. Để đạt được mục tiêu này, thành phố Cần Thơ trong thời gian qua đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên nhằm cải thiện các nội dung liên quan đến việc giữ ổn định giá đất, phát triển quỹ đất sạch, hoàn thiện quy trình, thủ tục, cải cách hành chính liên quan đến thủ tục đầu tư và đăng ký kinh doanh.

tm-img-alt

Khu công nghiệp Trà Nóc (Nguồn: Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ)

Hiện trạng các khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn thành phố cần thơ

Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp (KCN) tại Cần Thơ ngày càng thể hiện vai trò đầu tàu mang lại những đóng góp to lớn cho tiến trình phát triển công nghiệp của thành phố Cần Thơ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 06 KCN tập trung đang hoạt động và 02 KCN vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung đưa vào quy hoạch tại Công văn số 156/TTg-CN ngày 04/02/2021. Trong đó, hai KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 cơ bản đã lắp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, đã kêu gọi được dự án KCN VSIP Cần Thơ của Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, đầu tư vào KCN Vĩnh Thạnh 900ha. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (293,7ha) khoảng 3.700 tỷ đồng, dự kiến khi hoàn thiện giai đoạn 1 sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 - 25.000 lao động, đóng góp tỷ trọng lớn cho nguồn thu ngân sách hàng năm của thành phố Cần Thơ.

Bên cạnh đó, KCN Ô Môn - Cần Thơ 500ha cũng được một số nhà đầu tư quan tâm, khảo sát như Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Phú Hưng, Công ty Cổ phần GL Group, Công ty Cổ phần phát triển KCN và đô thị Thủ Thừa IDICO-CONAC (IDTT)… Dự kiến dự án KCN Ô Môn - Cần Thơ 500 ha có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 - 50.000 lao động sau khi dự án đi vào hoạt động.

   Lũy kế đến nay, các KCN Cần Thơ có 258 dự án (gồm 221 dự án đang hoạt động, 13 dự án đang xây dựng, 05 dự án chưa xây dựng, 19 dự án ngưng hoạt động), thuê 342,82 ha đất công nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,884 tỷ USD, vốn thực hiện 1,136 tỷ USD chiếm 60% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó có: 228 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,382 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện là 839,34 triệu USD chiếm 60,72% vốn đăng ký; 29 dự án FDI (24 dự án đang hoạt động, 01 dự án đang xây dựng, 01 dự án chưa xây dựng, 03 dự án ngưng hoạt động), tổng vốn đầu tư đăng ký 608,78 triệu USD, vốn thực hiện 353,81 triệu USD chiếm 58% tổng vốn đầu tư đăng ký; 01 dự án ODA đang hoạt động, vốn đầu tư 21,13 triệu USD, vốn thực hiện 11,46 triệu USD chiếm 54,24% vốn đăng ký. Giải quyết việc làm trực tiếp trên 40 ngàn lao động, nộp ngân sách hàng năm gần 2 ngàn tỷ đồng.

tm-img-alt

Khu công nghiệp Ô Môn – Cần Thơ (Nguồn: Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ)

Nhiều nỗ lực từ các cấp, các ngành

Đạt được thành công trên là do công tác thu hút đầu tư, phát triển KCN luôn nhận được sự chỉ đạo từ Trung ương, Thành Ủy, HĐND, UBND thành phố cùng với nỗ lực từ các cấp, các ngành của thành phố; trong đó, có vai trò quan trọng của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ trong tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết những khó khăn, vướng nắc đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các doanh nghiệp pháp triển. Điển hình như, đối với dự án KCN VSIP tại huyện Vĩnh Thạnh, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã tham mưu cho UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án, trong đó Ban là cơ quan đầu mối phối hợp các Bộ ngành Trung ương và địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định hiện hành, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư vào các KCN hiện có, cũng như phát triển thêm các KCN mới, thành phố đã xác định nhiều giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu này như: Tiếp tục chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; Xây dựng Danh mục dự án thu hút đầu tư vào các KCN nói riêng và toàn thành phố nói chung, phù hợp với các quy hoạch chung và đặc thù của thành phố, chú trọng vào các lĩnh vực có thể khai thác các thế mạnh của thành phố như: chế biến nông thủy sản, các ngành sản xuất phụ trợ (linh kiện, phụ kiện), sản xuất năng lượng từ nguyên liệu tái tạo, cơ khí, luyện kim (sản xuất thiết bị điện; sản xuất thép tấm, thép ống, ống kẽm, ống nhựa…). Đẩy mạnh thu hút các dự án trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN.

tm-img-alt
Khu công nghiệp Thốt Nốt (Nguồn: Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ)

Cùng với đó, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư vào các KCN, từ đó thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Đồng thời, xúc tiến ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và các cơ quan chức năng của thành phố trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến đầu tư vào các KCN và Quy chế phối hợp giữa Ban với các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng và các chủ đầu tư dự án trong KCN. Đồng thời, duy trì thường xuyên việc tiếp xúc trực tiếp giữa Ban với các nhà đầu tư để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh do thủ tục hành chính gây ra. Theo đó, trong quá trình tiếp xúc, đội ngũ cán bộ, công chức luôn đặt nhiệm vụ hỗ trợ nhà đầu tư lên hàng đầu, tận tình hướng dẫn nhà đầu tư trong việc thực hiện hồ sơ thủ tục; rút ngắn thời gian cấp mới, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép xây dựng, giấy phép lao động và các thủ tục hành chính khác.

Mặt khác, bên cạnh việc hỗ trợ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư tại các KCN, đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ và đáp ứng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động và các quy định liên quan./.

Phạm Duy Việt

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ

Đinh Tấn Phong

Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

Bạn đang đọc bài viết Cần Thơ: Nhiều nỗ lực trong phát triển các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới