Thứ ba, 30/04/2024 00:40 (GMT+7)

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Bảo My -  Thứ hai, 15/04/2024 15:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau nhiều năm vắng bóng, cúm gia cầm xuất hiện rải rác tại một số địa phương. Đặc biệt, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho căn bệnh này phát triển.

Hơn 20 năm qua, sự bùng phát của virus cúm gia cầm đã làm hàng chục triệu gia cầm nhiễm bệnh và chết. Chúng có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với tỉ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong rất lớn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận những ổ dịch cúm gia cầm tại 6 địa phương gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Giai đoạn này là thời điểm thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Sau nhiều năm vắng bóng, cúm gia cầm xuất hiện rải rác tại một số địa phương. Đặc biệt, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho căn bệnh này phát triển.

Ngày 6/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông báo trường hợp ở Tiền Giang mắc cúm A(H9) đầu tiên tại nước ta từ trước đến nay. 

Trước đó cuối tháng 3/2024 tại Khánh Hòa đã ghi nhận một trường hợp tử vong do mắc cúm A/H5N1 trên người. Bộ Y tế nhận định nguy cơ còn xuất hiện thêm các ca nhiễm cúm gia cầm trên người.

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm không chỉ cho chim, mà cả con người và các động vật khác. Mặc dù có một số loại dịch cúm gia cầm, nhưng H5N1 là virus cúm gia cầm đầu tiên lây sang người gây ra bệnh cúm gia cầm hay còn gọi là cúm chim. Virus H5N1 có vật chủ chính là quần thể chim hoang dã, chủ yếu là vịt trời và gia cầm như vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng.

Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt. Chợ trời và các địa điểm bán trứng và chim trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh, chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng dân cư. Thịt hoặc trứng từ những con chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa được nấu chín hoàn toàn cũng có thể truyền bệnh cúm gia cầm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của cúm gia cầm bắt đầu trong vòng 2 - 7 ngày kể từ khi nhiễm bệnh, tùy thuộc vào loại virus cúm gia cầm. Phần lớn các trường hợp, nhìn chung triệu chứng của bệnh cúm gia cầm giống với cúm thông thường, bao gồm: Ho, sốt, viêm họng, đau cơ, đau đầu, khó thở,… Một số người cũng có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Và trong một vài trường hợp, nhiễm trùng mắt nhẹ là dấu hiệu duy nhất của bệnh.

Con người có thể bị nhiễm virus cúm A truyền từ động vật, như virus cúm gia cầm A, thuộc type A (H5N1), A (H5N6), A (H7N9), A (H7N7) và A (H9N2) và virus cúm lợn A type A (H1N1), A (H1N2) và A (H3N2).

Tuy nhiên, cúm A/H5N1 trở thành “sát thủ” nguy hiểm bởi đây là chủng virus có khả năng cho ra đời các biến thể với tốc độ rất nhanh, có thể chứa nhiều gen của nhiều loài động vật khác nhau. Loại virus này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Theo bác sĩ Lê Thị Nga, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội), khi mắc phải cúm gia cầm, bệnh nhân sẽ bị sốt cao, ho, mệt mỏi, hôn mê, đau nhức toàn thân... Người bệnh nhiễm cúm gia cầm thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường ở giai đoạn khởi phát nên dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn như ho nhiều hơn, ho khan và cả ho có đờm; sốt cao liên tục; rối loạn ý thức, giảm tỉnh táo, trí nhớ giảm, mệt mỏi, đau rát họng, đỏ và nóng da, hôn mê, đau đầu, đau thái dương, đau hốc mắt, đau xương khớp, toàn thân đều đau nhức...

Do đó, ngay khi có những dấu hiệu trên xuất hiện thì bệnh nhân cần đi khám và kiểm tra để chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời; tránh nguy cơ biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng.

Nếu không được điều trị hoặc can thiệp muộn, bệnh cúm gia cầm có thể dẫn đến những nguy cơ biến chứng như bội nhiễm tai mũi họng - tỷ lệ cao đối với trẻ nhỏ; tổn thương các cơ quan trong hệ hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhiễm cúm dẫn đến suy đa tạng như suy gan, thận, não, suy giảm hệ miễn dịch do giảm mạnh số lượng bạch cầu trong máu. Các biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm màng não lympho, phù não, đông máu nội mạch rải rác...

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. 

Phòng chống bệnh cúm gia cầm lây lan sang người

Theo các chuyên gia dịch tễ, cúm gia cầm gây ra bởi các chủng cúm A, trong đó một số chủng có thể lây nhiễm cho người như H5, H7 và H9. Hầu hết các trường hợp cúm gia cầm ở người là do các chủng cúm H5N1 và H7N9 gây ra.

Người nhiễm cúm gia cầm là do lây truyền từ động vật (điển hình là gia cầm), do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) của động vật nhiễm bệnh.

Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT, trước đây có phát hiện virus cúm A(H9N2) lưu hành trên đàn gia cầm.  Đây là virus cúm gia cầm độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Song, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A(H9N2) nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.

Hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng virus cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng virus cúm gia cầm sang người. Tỷ lệ tử vong khi mắc các chủng cúm gia cầm có thể lên đến 50% trong khi con số ở cúm thường là 1-4%.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà bông trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y.

Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Các chiến dịch tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm đối với virus cúm giúp ngăn chặn chủ động sự lây lan virus cúm từ các loài chim hoang dã tự nhiên sang gia cầm. Khi xác định có virus cúm xuất hiện ở gia cầm, cần tiêu diệt đàn gia cầm bị nhiễm bệnh để tránh lây lan.

Tránh tiếp xúc không được bảo vệ với các loài chim hoang dã, kể cả khi trông khỏe mạnh và các loài gia cầm có biểu hiện ốm yếu hoặc chết, nhất là không chạm vào các bề mặt có thể bị nhiễm nước bọt, chất nhầy hoặc phân của chúng.

Khi phải tiếp xúc với gia cầm có biểu hiện bệnh, cần sử dụng trang phục bảo hộ như găng tay, khẩu trang y tế và kính bảo vệ mắt và rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc. Nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh cũng cần sử dụng trang phục bảo hộ, với các thủ thuật can thiệp hoặc tạo khí dung cần dùng khẩu trang y tế.

Theo bác sĩ Lê Thị Nga, khi có biểu hiện lâm sàng, kèm theo tiền sử tiếp xúc với người đang mắc cúm gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm trong khu vực đang có dịch, kể cả đi du lịch đến các vùng lưu hành cúm gia cầm, cần nghi ngờ nhiễm bệnh và phải đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán cúm để được khám và chẩn đoán kịp thời.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bộ Y tế cho biết, chưa có bằng chứng cho thấy cúm A (H5N1) lây từ người sang người.

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...