Thứ năm, 02/05/2024 10:01 (GMT+7)

Đề xuất các giải pháp xử lý rác thải điện tử

MTĐT -  Thứ ba, 09/04/2024 11:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lượng rác thải điện tử trong nước ngày càng tăng, tạo áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này.

tm-img-alt
Thu gom rác thải điện tử. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Gia tăng rác thải điện tử

Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho thấy, mỗi năm cả nước phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng. Ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.

Các chuyên gia môi trường đánh giá, rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe con người. Trong rác thải điện tử chứa nhiều kim loại nặng độc hại từ vỏ và các linh kiện bên trong thiết bị điện tử. Nếu không được xử lý đúng cách, rác thải điện tử có thể giải phóng các chất độc hại như thủy ngân, chì... Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động tiếp xúc trực tiếp với rác thải.

Đặc biệt, pin là loại rác thải độc hại nhất, bởi chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium... Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng thủy ngân có trong một viên pin nếu chôn xuống đất có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm. Vì thế, nếu bỏ pin cũ vào thùng rác, đốt pin hoặc chôn với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm nặng đến môi trường không khí, đất và nước.

Sự nguy hại đến từ rác thải điện tử rất lớn tuy nhiên công tác xử lý, thu gom rác thải điện tử đang có nhiều bất cập. Đa phần, các thiết bị điện tử khi đã hết giá trị sử dụng đều bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt để đem chôn lấp. Một phần nhỏ rác thải điện tử được thu gom thông qua những người thu mua đồng nát, các cơ sở thu gom tự phát với mục đích chính là tháo gỡ những bộ phận bên trong để lấy đồng, nhôm, sắt...

Tỷ lệ tái chế và xử lý chất thải điện tử của nước ta đang ở mức độ thấp, dưới 10% tổng lượng chất thải điện tử phát sinh. Cả nước có gần 70 doanh nghiệp được cấp phép xử lý chất thải, linh kiện điện tử quy mô nhỏ với công suất từ 0,25 - 30 tấn/ngày. Việt Nam mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa mà chưa tái chế được các kim loại quý, có hàm lượng cao trong chất thải điện tử.

Điều 54, 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với việc tái chế, xử lý các sản phẩm thải bỏ. Theo đó từ ngày 1/2/2025, các loại chất thải điện, điện tử như máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại di động... nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc.

Để các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện hiệu quả trách nhiệm này, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường Nguyễn Đức Quảng đề xuất cần khuyến khích thành lập hệ thống thu gom tư nhân; phát triển các cơ sở tháo dỡ, phân loại chất thải điện tử chính quy.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho rằng Việt Nam cần có nhà máy tái chế chất thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có thể thu hồi kim loại quý để giải quyết được lượng rác thải phát sinh. Cùng với đó là nâng cấp các mô hình tái chế tự phát thành mô hình thu gom, phân loại có kiểm soát.

Đồng quan điểm này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng Việt Nam cần có mạng lưới thu gom chất thải điện tử hiệu quả hơn, thực hiện bởi những đơn vị có chuyên môn; triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng kỹ thuật thực tiễn ở quy mô công nghiệp, trong đó cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử phải thiết lập quy trình chung cho tất cả vật liệu được đưa vào tái chế.

Tiên phong vì cộng đồng

Với mục đích hỗ trợ người dân xử lý rác thải điện tử an toàn, đúng cách, năm 2015, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ HP Việt Nam phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Apple Việt Nam khởi xướng Chương trình "Việt Nam tái chế". Đây là chương trình thu hồi rác thải điện tử miễn phí đầu tiên tại Việt Nam.

Các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng sẽ được chương trình thu gom và xử lý theo một quy trình chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo tối đa hóa lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế. Hiện tại, "Việt Nam tái chế" có 10 điểm thu hồi rác thải điện tử tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hộ gia đình, các doanh nghiệp cũng có thể đăng ký thu hồi rác thải điện tử miễn phí tận nơi theo quy định của chương trình.

Bốn bước để thực hiện quy trình của "Việt Nam tái chế" gồm rác thải điện tử được thu gom từ hộ gia đình hoặc doanh nghiệp bởi nhân viên chuyên nghiệp; các thiết bị sau khi thu gom sẽ được vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải nguy hại bằng xe tải chuyên dụng; phân loại thiết bị theo từng danh mục sản phẩm và bóc tách hoàn toàn theo từng dòng vật liệu; các vật liệu có giá trị thu hồi được chuyển giao cho đơn vị có chức năng tái chế.

Từ năm 2018 đến nay, "Việt Nam tái chế" còn tổ chức mạng lưới đến tận hộ dân các quận, nội thành thu gom miễn phí rác thải độc hại này với điều kiện hộ gia đình có ít nhất 1 thiết bị lớn (ti vi, màn hình, máy vi tính, máy fax...) hoặc 10 thiết bị điện tử nhỏ. Để khuyến khích người dân nâng cao ý thức và chủ động trong việc phân loại, thu gom rác thải điện tử, chương trình đã triển khai hoạt động tích điểm - nhận quà. Người tham gia còn có thể tích điểm mỗi lần bỏ rác điện tử và nhận lại các phần quà thân thiện với môi trường.

Theo đó, khi mang rác thải điện tử đến các điểm thu hồi của “Việt Nam tái chế”, người dân có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR được in trên thùng chứa rác thải điện tử và điền mẫu đăng ký theo hướng dẫn để tham gia tích điểm. Sau khi tích đủ điểm, mọi người có thể liên hệ với chương trình để quy đổi thành các phần quà xanh.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất các giải pháp xử lý rác thải điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Hoàng Vân (TTXVN)

Cùng chuyên mục

Hiện trạng và giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà (ĐMTMN).
Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.

Tin mới