Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 (GMT+7)

Gia Lai: Hồ thuỷ lợi trăm tỷ thiếu kênh tưới, trách nhiệm thuộc về ai?

Công Lực -  Thứ ba, 21/05/2024 07:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Gia Lai được đầu tư nhiều công trình thuỷ lợi có chi phí xây dựng lớn, nhưng do bất cập trong việc thiếu hệ thống kênh nhánh dẫn nước vào đồng ruộng, nên nhiều công trình sau khi xây dựng xong phần cơ bản vẫn không thể phát huy hết hiệu quả.

Người dân muốn dùng nước phải trả tiền đấu nối đường ống?

Dự án hồ chứa nước Tầu Dầu 2 (xã Cư An, huyện Đăk Pơ) được khởi công xây dựng từ tháng 8/2019 với tổng mức đầu tư 197 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 146,1 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 29,32 tỷ đồng, còn lại là vốn dự phòng. Hồ Tầu Dầu điều tiết nước cung cấp nước tưới chủ động cho khu tưới khoảng 555 ha đất canh tác của vùng dự án (150 ha lúa nước 2 vụ, 405 ha hoa màu và cây công nghiệp).

tm-img-alt

Hồ chứa nước Tầu Dầu 2 (xã Cư An, huyện Đăk Pơ).

Theo phản ánh của nhiều hộ dân trồng ớt phía dưới hồ chứa, nước từ hồ được đưa bằng đường ống đến một số cánh đồng khác tại các xã Cư An, Tân An chứ người dân phía dưới hồ chứa không thể tiếp cận để sử dụng, vì đường ống kín và đặt sâu dưới lòng đất. Khi người dân tại đây muốn có nhu cầu sử dụng thì phải bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng để thuê một người tên “Vinh đen” đang làm trong hồ chứa này nhằm “độ chế” các miệng ống để đấu nối vào đường ống chính để người dân lấy nước tưới các loại cây trồng. Còn một số hộ không có điều kiện thì sẽ phải mua hoặc thuê máy bơm lấy nước từ con suối gần đó lên để tưới cây, chi phí tiền dầu mỗi ngày từ 50 đến 100 nghìn đồng.

Người dân còn cho biết thêm, dù ngay cạnh hồ chứa nhưng bà con vẫn phải dùng nước của con suối cạnh đó để tưới cây trồng là chính, còn nước từ hồ chứa được đưa đến nơi khác. Người dân mong muốn được xây dựng hệ thống mương thoát nước nội đồng để bà con thuận tiện hơn trong việc lấy nước để phục vụ tưới tiêu cho nhiều diện tích cây trồng.

tm-img-alt
tm-img-alt

Các miệng ống được “độ chế” để người dân lấy nước tưới các loại cây trồng.

Tương tự, hồ chứa nước Ia Rtô (thị xã Ayun Pa). Công trình được đầu tư xây dựng với số vốn 200 tỷ đồng với mục tiêu cấp nước tưới cho 120ha lúa 2 vụ, 400ha mía và 800ha hoa màu trên địa bàn xã Ia Rtô. Đồng thời, công trình còn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân thị xã Ayun Pa. Tuy nhiên, đến nay công trình chỉ xây dựng xong phần thân đập và hệ thống kênh chính, trong khi kênh mương nội đồng dẫn nước trực tiếp đến đồng ruộng thì lại chưa có. Chính điều này đã khiến dự án Ia Rtô chưa thể phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn và người dân vẫn chưa thể hưởng lợi từ dự án.

Gần 3 năm ban hành Nghị quyết, đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”

Theo tìm hiểu của phóng viên, để tháo gỡ những khó khăn, bất cập của các dự án hồ thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ngày 17/6/2021, HĐND tỉnh Gia Lai ban hành Nghị quyết số 429/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án Xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi; ngày 07/7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 236/NQ-HĐND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi tại các hồ Ia Rtô, Plei Thơ Ga, Tầu Dầu 2, Plei Keo và đầu tư xây mới hồ chứa nước Cà Tung (huyện Đăk Pơ). Tổng kinh phí đầu tư các dự án trên, khoảng 485 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương.

tm-img-alt
tm-img-alt

Người dân mong muốn được xây dựng hệ thống mương thoát nước nội đồng để bà con thuận tiện hơn trong việc lấy nước để phục vụ tưới tiêu cho nhiều diện tích cây trồng.

Để tìm hiểu rõ hơn, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai. Nội dung phản hồi của ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cung cấp cho PV.

Theo đó năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 429/NQ-HĐND về Xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thuỷ lợi, trong đó có nội dung hoàn thiện hệ thống kênh nhánh của các công trình thuỷ lợi Ia Rtô, Plei Thơ Ga, Plei Keo, Tầu Dầu 2. Dự án giao Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm Chủ đầu tư. Việc thực hiện đầu tư tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư công, quy định pháp luật về xây dựng và môi trường (bao gồm lập dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); lập thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt để triển khai xây dựng).

tm-img-alt

Nhiều công trình thuỷ lợi có chi phí xây dựng lớn nhưng sau khi xây dựng xong phần cơ bản vẫn không thể phát huy hết hiệu quả.

Hiện nay, Chủ đầu tư đã tổ chức lập dự án và trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt dự án theo quy định, đồng thời đang trình Bộ TN&MT xem xét phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án làm căn cứ trình UBND tỉnh phê duyệt dự án theo quy định.

Trong thời gian thực hiện dự án, Sở NN&PTNT thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng, tham mưu UBND tỉnh bàn giao cho đơn vị khai thác khi công trình xây dựng xong đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng, hiệu quả kinh tế của dự án theo quy định pháp luật về xây dựng và các quy định có liên quan, công trình xây dựng hoàn thành bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng theo quy định. Việc quản lý đầu tư xây dựng dự án do Chủ đầu tư (PV: Ban QLDA tỉnh Gia Lai) thực hiện, Sở NN&PTNT chỉ thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng.

Việc đầu tư hoàn thiện công trình thuỷ lợi từ đầu mối đến kênh mương nội đồng là cần thiết, tuy nhiên việc này phụ thuộc vào nguồn kinh phí đầu tư công hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Thời gian tới khi xem xét đầu tư các dự án xây dựng mới công trình thuỷ lợi sẽ tính toán việc đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình từ đầu mối đến khu tưới để sớm phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

Đến nay đã gần 3 năm kể từ khi HĐND tỉnh Gia Lai ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi nhưng công tác triển khai vẫn đang dậm chân tại chỗ. “Quả bóng trách nhiệm” vẫn đang bị đá lòng vòng chưa có hồi kết, trong khi người dân xung quanh các hồ thuỷ lợi vẫn đang hằng ngày cần nguồn nước tưới và mong ngóng được đầu tư bài bản hệ thống kênh mương thuỷ lợi để dẫn nước vào ruộng, hoa màu thì lại chưa thấy đâu.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Hồ thuỷ lợi trăm tỷ thiếu kênh tưới, trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero
Trong số các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia do Bộ KH&CN quản lý, chương trình KH&CN Net Zero được đặt kỳ vọng sẽ đem lại nhiều giải pháp hữu hiệu và có giá trị thực tiễn cao cho một quốc gia đang trên lộ trình giảm phát thải như Việt Nam.
Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành