Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 (GMT+7)

Grac: “Gỡ rối” bài toán quản lý rác thải

MTĐT -  Thứ tư, 22/05/2024 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngoài việc giúp người dân dễ dàng đặt lịch thu gom, thanh toán tiền rác, trao đổi đồ cũ…, giải pháp số hóa mạng lưới quản lý rác thải và thanh toán online của Grac còn tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thu gom và quản lý rác thải ở các địa phương.

Khi muốn vứt bỏ các loại rác thải cồng kềnh, người dân sẽ phải trả thêm phí dịch vụ thu gom. Đây là điều quen thuộc ở những nước phát triển như Nhật Bản, song ở Việt Nam, không phải ai cũng biết đến quy định này. “Có trường hợp người dân cắt tỉa cây trong vườn nhà, đến lúc vứt bỏ cành cây thừa thì đơn vị thu gom không nhận, sau làm đơn khiếu nại lên phường.

Cuối cùng gọi lên thì người đó mới biết đó là rác cồng kềnh, phải trả thêm phí, chứ không phải đóng tiền rác mỗi tháng vài chục ngàn rồi muốn vứt bao nhiêu thì vứt”, anh Nguyễn Trọng Minh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Grac, chia sẻ trong hội thảo "Đô thị xanh: Ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại và xử lý rác" do Khoa Quốc tế, Đại học Huế tổ chức vào cuối tháng 4/2024.

Những câu chuyện như vậy không hiếm gặp. Có lẽ, việc vứt rác quá dễ dãi khiến nhiều người vô tình quên đi những quy định này. Nhưng kể cả khi biết, họ cũng khó lòng tuân thủ. Ở các thành phố lớn như Hà Nội chưa có điểm tập kết riêng cho các loại rác cồng kềnh, trong khi đó, các công ty vệ sinh môi trường chỉ nhận thu gom số lượng lớn để tiết kiệm chi phí. Do vậy, nhiều người phải tự chia nhỏ các loại rác cồng kềnh này để vứt chung với rác thải sinh hoạt hằng ngày, hoặc thuê những người mua bán ve chai, đồng nát hoặc người chở xe lam chở đi vứt bỏ. Và chẳng ai biết những loại rác này sẽ đi về đâu.

Giải pháp Grac (viết tắt của từ “gom rác”) do anh Nguyễn Trọng Minh và các cộng sự phát triển có thể góp phần khắc phục tình trạng này. “Việc đặt lịch thu gom các loại rác thải bằng Grac rất dễ dàng. Chẳng hạn, nếu bạn muốn bỏ một kệ là rác cồng kềnh, bạn gọi cho đơn vị thu gom, nhưng lỡ lúc đó không có người nghe máy, hoặc có thì bạn cũng sẽ phải mô tả lại kích thước cái kệ đó, bởi mỗi kích cỡ sẽ có giá thu gom khác nhau.

Quá trình này khá tốn thời gian. Trong khi dùng Grac, bạn chỉ cần chụp hình rác rồi tải lên, Grac sẽ kết nối với các bên thu gom, khi nhận được yêu cầu, họ sẽ cử xe thu gom đi đến các địa điểm có yêu cầu tương tự theo từng khu vực, nhờ đó giảm bớt giá thu gom và xử lý. Nếu gọi điện yêu cầu thu gom đơn lẻ như cách làm truyền thống thì giá thu gom sẽ tăng”, anh giải thích.

.

Đặt lịch thu gom rác cồng kềnh chỉ là một trong số nhiều tính năng của Grac. Tương ứng với các đối tượng khách hàng gồm chính quyền, người dân cho đến các công ty môi trường, các đơn vị thu gom rác tái chế, vựa ve chai, nhà máy tái chế, các nhà sản xuất, các tính năng của Grac cũng rất đa dạng, phù hợp với nhu cầu của mỗi bên.

Chẳng hạn người dân có thể dùng Grac để thanh toán tiền rác trực tuyến, phản ánh, khiếu nại về dịch vụ thu gom, đổ rác trộm, rác mồ côi, xem hướng dẫn phân loại rác, trao đổi đồ cũ… Trong khi đó, Grac giúp nhà quản lý dễ dàng nắm bắt thông tin, hiện trạng thu phí giữa đơn vị thu gom và chủ nguồn thải, đảm bảo tính chính xác, minh bạch và cụ thể.

Thoạt nhìn, giải pháp của Grac có vẻ khá đơn giản. “Thành thật mà nói, chúng tôi cũng không tạo ra cái gì mới. Chúng tôi học theo giải pháp của Mỹ và Nhật Bản, sau đó tùy chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, anh Nguyễn Trọng Minh thừa nhận. Tuy nhiên, những giải pháp cũ vẫn sẽ cần thiết và phát huy tác dụng nếu đặt đúng chỗ, đúng thời điểm. Chẳng hạn, kết quả thử nghiệm Grac tại Quận 3 (TP.HCM) sau một thời gian cho thấy hiệu quản lý rác thải đã tăng lên rõ rệt, với việc quản lý 180 rác thải/ngày, 90% phân loại rác tại nguồn, giảm 30% lượng rác thải nhựa/ngày, và giảm 50% phản ánh/khiếu nại…

Với anh Nguyễn Trọng Minh, quá trình phát triển Grac cũng chính là cơ hội “gỡ rối” những nút thắt về thu gom và quản lý rác thải mà anh từng chứng kiến sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Chẳng hạn như vấn đề thanh toán tiền rác, “nếu ai làm trong lĩnh vực này sẽ thấy một sự thật phũ phàng là tỉ lệ người dân đóng tiền rác rất thấp, ở nhiều thành phố, tỉ lệ người dân đóng tiền rác chỉ cỡ 50-50%.

Dù đủ khả năng chi trả, song nhiều người không muốn đóng tiền bởi họ thấy không quan trọng, không đóng cũng chẳng ai làm gì được”, anh Nguyễn Trọng Minh nhận xét. Nếu không đóng tiền điện nước, người dùng sẽ bị cắt ngay lập tức, và khó ai có thể sống thiếu được hai thứ này. Nhưng nếu không đóng tiền rác, đơn vị thu gom từ chối nhận, người ta vẫn dễ dàng vứt bỏ ở nhiều nơi khác. “Cơ quan quản lý nhà nước cũng không phạt được, vì hợp đồng giữa đơn vị thu gom với người dân là hợp đồng dân sự, họ chỉ cắt không thu rác được thôi. Các đơn vị này cũng chẳng thể làm đơn kiện ra tòa được vì tiền rác có vài chục ngàn”.

Khi sử dụng Grac, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị thu gom sẽ biết cụ thể hộ gia đình/chủ nguồn thải đóng tiền hay chưa. Cũng giống như đóng tiền điện hay tiền nước qua các ứng dụng, Grac sẽ cập nhật hoạt động đóng tiền rác trên hệ thống, qua đó hiển thị các lịch sử thanh toán và hình thức thanh toán tiền rác của hộ gia đình và chủ nguồn thải. “Chỉ khi thực hiện được những việc cơ bản nhất như đóng tiền rác thì chúng ta mới nghĩ đến việc yêu cầu người ta phân loại rác”, anh Nguyễn Trọng Minh nhận xét. Khai thác dữ liệu rác

Dữ liệu là điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt của Grac. Trước đây, muốn có thông tin về nguồn thải hoặc tình trạng thu gom như thế nào, các nhà quản lý trong lĩnh vực môi trường ở các địa phương phải tra cứu dữ liệu, báo cáo. Nhưng nếu dùng Grac, “chỉ cần vài giây thôi, đăng nhập tài khoản là sẽ biết ngay. Tất cả hệ thống dữ liệu đều được đồng bộ, nên các đơn vị thu gom ở dưới cập nhật là Sở TN&MT sẽ biết ngay tình hình”, anh Nguyễn Trọng Minh nói. “Việc có bộ dữ liệu lớn cũng là một trong những nguyên nhân giúp các quốc gia phát triển quản lý rác thải hiệu quả. Ở các Nhật Bản, Thụy Điển hay Hàn Quốc, họ có dữ liệu phát thải chi tiết của từng khu vực.”

Để đạt được mục tiêu này, đội ngũ Grac đã xây dựng hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu trên nền tảng trang mạng (S.a.a.S ERP), với hệ thống dữ liệu tập trung, đa nền tảng và được đồng bộ liên tục (big data – cloud server). Ưu điểm của nền tảng SaaS (Phần mềm dưới dạng Dịch vụ - Software as a Service) là mô hình phân phối phần mềm qua internet mà không cần cài đặt trực tiếp trên máy tính cá nhân, do vậy, người dùng có thể truy cập và sử dụng phần mềm thông qua trình duyệt web hoặc ứng dụng di động. Nếu không thích tải app, người dùng có thể tạo tài khoản và đăng nhập trên website.

Dữ liệu về quá trình thu gom sẽ góp phần khắc phục tình trạng đổ lỗi trong phân loại rác. “Ở một số nơi, ban đầu triển khai phân loại rác rất thành công nhưng sau vài tháng đâu lại vào đấy. Khi chính quyền gọi đơn vị thu gom lên hỏi tại sao không phân loại, thì họ trả lời do người dân để lẫn lộn nên không tách riêng được. Sau đó họp hành với khu phố, phường mời người dân lên hỏi tại sao không phân loại, thì họ bảo tôi phân loại rồi nhưng ông thu gom lại để chung. Nhưng khi có phần mềm thì không thể đổ thừa cho nhau được, vì tất cả nằm trên phần mềm rồi”, anh Nguyễn Trọng Minh cho biết.

Dữ liệu rác cũng là một nguồn tài nguyên béo bở. “Hiện nay, một số nhãn hàng cũng liên hệ với chúng tôi hỏi xem có tra được bao bì sản phẩm sau khi người dân sử dụng, vứt bỏ thì sẽ đi về đâu. Chúng tôi hoàn toàn có thể làm được, chỉ cần nhãn hàng cung cấp bao bì có mã QR, sau đó nó đi đến đâu Grac đều theo dõi được hết”, anh cho biết. “Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch hợp tác với một số nhãn hàng, họ rất quan tâm đến vấn đề này, bởi nó liên quan đến dữ liệu thị trường. Việc kết hợp dữ liệu tiêu dùng với dữ liệu bao bì có thể cung cấp những thông tin hữu ích, phục vụ cho quá trình kinh doanh hiệu quả hơn”.

Hiện nay, Grac đang hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị thu gom rác quản lý một triệu chủ nguồn thải (bao gồm các hộ gia đình và đơn vị kinh doanh). Họ dự kiến sẽ tăng lên 3-5 triệu chủ nguồn thải trong năm nay.

Hiện nay, họ đã làm việc với các cơ quan của Bộ TN&MT và hơn 20 tỉnh thành trên cả nước. “Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục cải thiện phần mềm và mở rộng triển khai ở nhiều tỉnh thành như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp… Mục tiêu chúng tôi hướng đến đến là cung cấp công cụ phần mềm quản lý để các đô thị đặt được mục tiêu phát thải bằng 0 đối với chất thải rắn sinh hoạt”, anh Nguyễn Trọng Minh nói.

Bạn đang đọc bài viết Grac: “Gỡ rối” bài toán quản lý rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Thanh An/KH&PT

Cùng chuyên mục

Điểm sáng trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn
Hiện nay nhiều địa phương tại các vùng nông thôn đã giảm dần được lượng rác thải phải thu gom hàng ngày nhờ triển khai thực hiện phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ và xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết.

Tin mới

Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành