Thứ bảy, 04/05/2024 03:51 (GMT+7)

Hà Nội: Sắp có cụm công nghiệp nghìn tỷ tại huyện Thạch Thất

Trâm Anh -  Thứ ba, 27/02/2024 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cụm công nghiệp này sẽ tạo mặt bằng di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường và phòng chống cháy nổ trong khu dân cư.

CTCP Đầu tư và Tư vấn Xây dựng Trường An vừa công bố một báo cáo liên quan đến dự án Hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Hữu Bằng tại huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Dự án này được UBND TP. Hà Nội thành lập vào tháng 6/2020. Tháng 3/2023, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi hơn 28ha đất lúa hai vụ sang đất phi nông nghiệp, đến tháng 12/2023, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500

Cụm công nghiệp Làng nghề Hữu Bằng có diện tích khoảng 30,6 ha, thuộc địa phận xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Phía bắc dự án giáp ranh giới xã Dị Nậu; phía đông giáp trục đường giao thông liên xã Hữu Bằng - Dị Nậu (đường H19); phía nam giáp đường nội đồng; phía tây giáp ranh giới xã Thạch Xá.

Cụm công nghiệp Làng nghề Hữu Bằng sẽ tạo mặt bằng di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường và phòng chống cháy nổ trong khu dân cư; chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp ít hiệu quả sang lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân.

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 16,1 ha xây dựng nhà máy, xí nghiệp; 6,7 ha đất giao thông; 3 ha đất cây xanh mặt nước; 2,7 ha đất dịch vụ hỗ trợ... Trong đó, đất công nghiệp tại dự án sẽ có 10 lô với mật độ xây dựng tối đa 70%, chiều cao tối đa 3 tầng, hệ số sử dụng đất 2,1 lần.

Tổng mức đầu tư của Cụm công nghiệp làng nghề Hữu Bằng là 1.159 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 680 tỷ đồng, chi phí GPMB chiếm 302 tỷ đồng, chi phí dự phòng 132 tỷ đồng... Trong cơ cấu nguồn vốn, vốn tự có của nhà đầu tư chiếm 30%, còn lại là vốn vay.

Về tiến độ, dự án sẽ chuẩn bị các thủ tục đầu tư đến hết quý II năm nay. Giai đoạn thi công xây dựng dự kiến bắt đầu từ quý III/2024 đến quý IV/2025. Từ quý I/2026, dự án đi vào giai đoạn thử nghiệm và vận hành chính thức.

tm-img-alt
Vị trí CCN Làng nghề Hữu Bằng nhìn trên bản đồ. (Ảnh: Chủ đầu tư)

Chủ đầu tư Công ty Trường An được thành lập tháng 3/2007, tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Mặc dù chưa xuất hiện nhiều với vai trò chủ đầu tư các dự án cụm công nghiệp, làng nghề, nhưng người đứng đầu của Trường An là ông Nguyễn Đức Thuận lại là nhân vật có không ít kinh nghiệm đối với dự án trong ngành này.

Theo đó, bên cạnh vai trò Chủ tịch HĐQT tại Công ty Trường An, doanh nhân Nguyễn Đức Thuận cũng giữ vị trí tương đương tại Công ty CP Tập đoàn Long Biên – Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Thanh Đa tại huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Dự án này khởi công hồi đầu năm 2023 trên diện tích 8,1 ha, giá trị tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.

Đối với hoạt động thi công xây lắp các công trình cụm công nghiệp, năm 2012, Công ty Long Biên đã thành lập Công ty CP 289 Trường Sơn – nhà thầu chuyên thi công hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thi công xây lắp các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, công trình giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật...

Xã Hữu Bằng nằm về phía Đông Nam huyện Thạch Thất, cách thị trấn Liên Quan khoảng 5 km, về phía Đông giáp xã Phùng Xá, phía Tây giáp xã Thạch Xá và Bình Phú, phía Bắc giáp xã Dị Nậu, phía Nam giáp xã Bình Phú. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là khoảng 200ha; trong đó, đất ở có hơn 50ha. Xã Hữu Bằng hiện tại đang là xã có dân số đông nhất huyện Thạch Thất với dân số gần 29.000 người (Theo số liệu của Ban Dân số xã Hữu Bằng 2022).

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Sắp có cụm công nghiệp nghìn tỷ tại huyện Thạch Thất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.