Thứ bảy, 27/04/2024 14:24 (GMT+7)

Họp sô

TS. Đồng Xuân Thụ -  Thứ hai, 07/11/2022 10:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có những vị trí công tác nào đó luôn được các cơ quan, đoàn thể, tổ chức mời dự các cuộc họp, nhất là các dịp tổng kết, kỷ niệm, lễ, Tết. Các nơi lại tổ chức trong cùng một thời gian mà người được mời lại muốn dự được tất cả nên phải… họp sô.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Lâu nay, ta mới chỉ nghe nói “chạy sô” để chỉ những nghệ sỹ chuyên đi diễn thuê, có buổi phải di chuyển tới nhiều nơi để diễn. Vậy nên phải “chạy” mới kịp. Về sau, từ này được ở rộng thêm: Họp sô. Có những vị trí công tác nào đó luôn được các cơ quan, đoàn thể, tổ chức mời dự các cuộc họp, nhất là các dịp tổng kết, kỷ niệm, lễ, Tết. Các nơi lại tổ chức trong cùng một thời gian mà người được mời lại muốn dự được tất cả nên phải… họp sô. Có mặt ở nơi A một lúc – chừng nửa giờ - chưa kịp hình dung, thu nhận được nội dung gì của cuộc họp đã phải nhanh chân rút để sang nơi B, nơi C. Có người trong một buổi đã có mặt được tới những… 4 địa điểm (!) 

Ngày trước – cũng đã lâu – chưa có lệ phát phong bì hoặc tặng quà cho các đại biểu đến dự họp thì tình trạng “họp sô” còn đỡ… ngượng. Đến khi phổ biến chuyện có “phong bì” thì quả là khá bất tiện đối với những ai phải họp sô mà có chút lòng tự trọng. Không ít người đi họp, đến ký nhận phong bì (hoặc túi quà) rồi lập tức…đằng sau quay ngay khá lộ liễu. Người “ý tứ” hơn thì vào bên trong phòng họp, chịu khó nấn ná ngồi thêm ít phút rồi mới lặng lẽ, nhẹ nhàng “lui quân”.

Để thuận tiện cho việc hát bài dân ca “Lý chuồn chuồn”, nhiều người đã không vào hội trường mà ngồi ngoài tán gẫu, chờ khi có “thời cơ” mới “hành động”. Đã dẫn tới tình trạng chẳng mấy hay ho: Người của cơ quan tổ chức cứ phải ra bên ngoài mời từng đại biểu vào bên trong và nếu họ ngồi dưới thì mời lên phía trên vì thật khó coi khi mà các hàng ghế trên chẳng có ai trong khi tất cả cứ ngồi tít phía dưới.

Hiện nay đang khá phổ biến một tình trạng: Cuộc họp cứ vơi dần người đến dự. Đến phút cuối cùng, số người ngồi dự trọn vẹn chỉ còn lèo tèo, đếm được trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là do có chuyện nhiều người đi họp sô như đã nói.

Còn có nguyên nhân nữa: Thói quen vô tổ chức, xem thường các cuộc họp của phía người đến dự. Để khắc phục tình trạng đại biểu bỏ về giữa chừng, nhiều nơi đã “thông minh” nghĩ ra cách: Không phát phong bì ngay từ đầu mà để đến phút chót, trước khi khách ra về mới phát.

Cách này lúc đầu tưởng hay. Nhưng về sau khách  “bắt bài” được chủ nên đã “rút kinh nghiệm” bằng cách không đến sớm mà đến muộn, hoặc đến từ đầu giờ, khi không thấy có “động tĩnh” về việc phát phong bì bèn bỏ đi giải quyết việc khác, đến gần cuối mới trở lại. Quả là “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”.

Họp sô hoặc tuy không “sô” nhưng đến dự kiểu trên đã bộc lộ sự kém văn hóa, thể hiện không tôn trọng cả một cơ quan, tổ chức. Có vị thủ trưởng đã rất lịch sự, văn minh khi nói với các cấp phó của mình: “Hôm nay có mấy cơ quan cùng mời tôi đến dự cuộc họp của họ. Tôi chỉ có thể dự được một nơi nên phân công các đồng chí cấp phó đến dự thay. Chúng ta phải đến đúng giờ và ngồi tới phút cuối cùng”. 

Có tình trạng trên, phía khách đến dự đáng phê phán đã đành. Còn có nguyên nhân từ phía các cơ quan tổ chức họp nữa. Nội dung họp không thiết thực, bàn thảo những vấn đề dông dài, ít ý nghĩa khiến người đến dự thấy vô bổ, mất thời gian.

Trong công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền công vụ có hiệu quả hiện nay, việc dẹp bỏ những cuộc họp kiểu trên là điều cấp bách cần làm để không còn những người đi họp sô, không còn những nơi vẽ ra họp hành chỉ mất thời gian hơn là thực sự có ích./.

Bạn đang đọc bài viết Họp sô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề