Thứ bảy, 27/04/2024 23:19 (GMT+7)

Khôi phục tầng ô-dôn và giảm thiểu biến đổi khí hậu

Tùng Lâm -  Thứ bảy, 16/09/2023 11:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn (16/9), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ Thông tin báo chí về Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2023 với chủ đề "Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ô-dôn và giảm thiểu biến đổi khí hậu".

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tháng 12 năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 16 tháng 9 hằng năm là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn để các quốc gia thành viên tham gia Nghị định thư Montreal tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng kỷ niệm ngày này, nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ô-dôn tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.

Với thông điệp “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ô- dôn và giảm thiểu biến đổi khí hậu”, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bên liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2023 nhằm phát huy những nỗ lực và kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

tm-img-alt
Poster Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2023

Hành trình 36 năm "vá lại" tầng ô-dôn

Sau hành trình 36 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal đã đóng góp lớn trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ô-dôn, ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh. Đến nay, tầng ô-dôn đang được khôi phục theo đúng lộ trình và dự báo đến năm 2066, Nam Cực ​​sẽ được phục hồi trở lại như năm 1980. Hiện đã có 99% các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đã được loại trừ hoàn toàn, Nghị định thư Montreal đã bảo vệ hàng triệu người khỏi bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể, bảo vệ hệ sinh thái và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Để tăng cường thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, ngày 15 tháng 10 năm 2016, tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, đến nay đã có 152 quốc gia phê chuẩn tham gia. Mục tiêu của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali là giảm dần sản xuất và tiêu thụ các chất HFC - nhóm chất gây hiệu ứng nhà kính được sử dụng phổ biến để thay thế các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công nghiệp làm mát. Gần 80% các chất HFC đang được sử dụng trong lĩnh vực làm mát (điều hoà không khí, thiết bị lạnh, hệ thống điều hoà trung tâm, kho bảo quản lạnh…) và 10% lượng điện tiêu thụ toàn cầu phục vụ nhu cầu làm mát của con người.

Trái đất đang dần nóng lên kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị lạnh và điều hòa không khí ở trong nhà, trường học và nơi làm việc cũng tăng theo. Việc tăng cường khả năng tiếp cận chuỗi lạnh bền vững, giúp bảo quản thực phẩm và vắc xin là yêu cầu thiết yếu cho phát triển bền vững. Thông qua việc loại trừ các chất HFC, việc thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ góp phần không làm tăng nhiệt độ trái đất 0,5 độ C vào năm 2100 và kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi nếu được triển khai cùng với các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế vừa đảm bảo vừa an toàn, thân thiện với môi trường, khí hậu và đồng thời tăng hiệu suất năng lượng của thiết bị làm mát là rất quan trọng.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chung tay với cộng đồng quốc tế nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC). Đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 và hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng). Trong giai đoạn 2020-2025, thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất hydrochlorofluorocarbons (HCFC), lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040. Triển khai lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024-2028, loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2029 cho đến năm 2035 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Những đóng góp quan trọng của Việt Nam

Để thực hiện mục tiêu chung theo Nghị định thư Montreal, cần có sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, giữa các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp. Việt Nam đã chủ động và tích cực thực hiện các điều ước, thỏa thuận đã tham gia, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nội luật hóa các cam kết quốc tế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô- dôn. Dưới đây là một số kết quả quan trọng đạt được những năm gần đây:

- Về xây dựng và ban hành các chính sách, pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn, nội dung về bảo vệ tầng ô-dôn được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã quy định lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát.

Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đã quy định chi tiết danh mục, hướng dẫn sử dụng, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal. Ngày 07/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm các điều quy định về mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm về sử dụng các chất được kiểm soát tại các Điều 45, 46.

- Về phối hợp liên ngành trong tổ chức thực thi quy định pháp luật, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan và các đơn vị chức năng trực thuộc tổ chức nhiều cuộc hội thảo phổ biến quy định quản lý và việc kiểm soát xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo Nghị định thư Montreal cho hơn cán bộ hải quan tại các vùng, miền trong cả nước. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 330 cán bộ hải quan tại các vùng, miền trên cả nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cần tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật; tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu và sử dụng các chất được kiểm soát; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất theo lộ trình kiểm soát; triển khai các chương trình tăng cường năng lực, đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí; đào tạo, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho đội ngũ kỹ thuật viên…

- Về đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết tháng 10 năm 2021, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí, Viện khoa học công nghệ Nhiệt - Lạnh triển khai hoạt động đào tạo giảng viên nguồn, tập huấn dành cho cán bộ kỹ thuật đến từ các trường cao đẳng, trung cấp nghề và các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh trên cả nước. Kết thúc chương trình đã đạt được mục tiêu đề ra: tổ chức đào tạo giảng viên nguồn cho gần 188 giảng viên đến từ các trường cao đẳng, trung cấp nghề; tập huấn cho 3.068 kỹ thuật viên từ các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng trên cả nước. Dự kiến đến hết 2023, trang bị tổng số 300 bộ đồ nghề sửa chữa cho 300 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng điều hoà không khí và 110 bộ đồ nghề giảng dạy cho 110 trường cao đẳng, trung cấp nghề đào tạo về lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hoà không khí; 20 bộ thiết bị đo dò gas cho các doanh nghiệp sử dụng thiết bị lạnh công nghiệp để các doanh nghiệp thực hiện quản lý rò rỉ HCFC-22 trong quá trình sản xuất.

- Về hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, sau hơn 4 năm triển khai, đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, trong đó có 6/10 tiểu dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Điển hình trong các lĩnh vực gồm: Sản xuất thiết bị lạnh (Công ty Phương Nam, Công ty SAREE); Sản xuất xốp (Công ty Yantai Moon, Công ty SAREE, Trần Hữu Đức, Công ty Đa Linh, Tân Á Hưng Yên); Sản xuất điều hòa không khí (Công ty Nagakawa và Hòa Phát); Thiết lập trạm trộn hệ nước (Công ty Vật liệu xanh).

- Về hỗ trợ kỹ thuật, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ công tác quản lý nhà nước như xây dựng tiêu chuẩn đánh giá năng lực và chứng nhận kỹ thuật viên lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng điều hòa không khí, tiêu chuẩn quốc gia về sử dụng các chất trợ nở có tính cháy trong sản xuất xốp, tiêu chuẩn sử dụng môi chất lạnh có tính cháy trong sản xuất điều hòa không khí treo tường, và tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chuyển đổi công nghệ loại trừ HCFC-22, xác minh số liệu tiêu thụ HCFC các năm từ 2019 đến 2023… và thiết lập cơ sở dữ liệu hoạt động đào tạo và tăng cường năng lực thực thi Nghị định thư Montreal.

Hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2023, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát và kết quả khảo sát, đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn. Bên cạnh đó, Cục sẽ tổ chức tham quan mô hình thiết lập trạm trộn hệ nước tại doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất xốp, trong đó sẽ trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp về những bài học thành công trong chuyển đổi công nghệ, thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết Khôi phục tầng ô-dôn và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề