Thứ năm, 02/05/2024 17:54 (GMT+7)

Lỗ thủng tầng ô-dôn đã thu hẹp lại theo đúng lộ trình

Lâm Hà -  Thứ bảy, 16/09/2023 10:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định thư Montreal được thực hiện, lỗ thủng tầng ô-dôn đã giảm từ 10 triệu dặm vuông (năm 1991) xuống còn 7,6 triệu dặm vuông (tháng 9/2017).

Nghị định thư Montreal ra đời vào năm 1987 và có hiệu lực từ ngày 1/1/1989. Đây là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ozone bằng biện pháp loại bỏ hoạt động sản xuất tạo ra các chất thải làm suy giảm tầng ozone. Đến nay đã có 197 quốc gia thành viên tham gia Nghị định thư Montreal. Ngày 26/01/1994, Việt Nam đã tham gia phê chuẩn Nghị định thư Montreal. Cơ quan đầu mối thực thi Nghị định thư này là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để tăng cường thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, ngày 15/10/ 2016, tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, đến nay đã có 152 quốc gia phê chuẩn tham gia. Mục tiêu của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali là giảm dần sản xuất và tiêu thụ các chất HFC - nhóm chất gây hiệu ứng nhà kính được sử dụng phổ biến để thay thế các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong công nghiệp làm mát. Gần 80% các chất HFC đang được sử dụng trong lĩnh vực làm mát (điều hoà không khí, thiết bị lạnh, hệ thống điều hoà trung tâm, kho bảo quản lạnh…) và 10% lượng điện tiêu thụ toàn cầu phục vụ nhu cầu làm mát của con người.

Nghị định thư Montreal đã đóng góp lớn trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ô-dôn, ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh. Đến nay, tầng ô-dôn đang được khôi phục theo đúng lộ trình và dự báo đến năm 2066, Nam Cực sẽ được phục hồi trở lại như năm 1980.

tm-img-alt
Hình ảnh mô phỏng lỗ thủng tầng ô-dôn qua các năm từ 2014-2019. Nguồn ảnh: NASA

Trong lần trả lời phỏng vấn với báo chí gần đây, Tiến sĩ Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Sau hành trình 36 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal đã đóng góp đáng kể trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ô-dôn, ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh.

Năm 1979, các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu được những thiệt hại tiềm tàng do sự suy giảm tầng ô-dôn gây ra. Các nhà khoa học càng lo lắng hơn khi thấy lỗ thủng tầng ô-dôn ở Nam Cực mở rộng từ 1,1 triệu km2 vào năm 1979 lên đến 22,4 triệu km2 năm 1987. Chính phủ các quốc gia đã quyết tâm hợp tác để cùng nhau bảo vệ, khôi phục tầng ô-dôn, cùng nhau đưa ra một kế hoạch dài hạn để loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, làm giảm tốc độ mở rộng của lỗ thủng tầng ô-dôn.

Qua việc triển khai thực hiện Nghị định thư Montreal, lỗ thủng tầng ô-dôn ngày càng được thu hẹp; diện tích lỗ thủng tầng ô-dôn ở Nam Cực năm 1991 vào khoảng 10 triệu dặm vuông, năm 2016 khoảng 8,9 triệu dặm vuông, nhưng đến tháng 9 năm 2017 lỗ thủng tầng ô-dôn này thu hẹp lại chỉ còn khoảng 7,6 triệu dặm vuông.

Nếu không thực hiện Nghị định thư Montreal, thiệt hại đối với động thực vật và con người đã gia tăng nghiêm trọng, tỷ lệ ung thư da sẽ tăng lên trên toàn thế giới. Dự báo, đến năm 2065, lượng bức xạ tia cực tím UV dẫn đến đột biến ADN có thể tăng lên 500%, khoảng 2/3 tổng lượng ô-dôn trên thế giới có thể biến mất và chúng ta sẽ chứng kiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2,5°C vào cuối thế kỷ này.

Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo mục tiêu đề ra, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức mới gắn với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao (các chất HFC), là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất điều hòa không khí, xốp, thiết bị lạnh, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lạnh, mỹ phẩm, dập cháy... Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal được thông qua năm 2016 thể hiện cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc cắt giảm dần các chất hydrofluorocarbon (HFC) nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu (0,5°C) vào cuối thế kỷ này và hy vọng sẽ đạt mục tiêu gấp đôi nếu được triển khai cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Theo lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, có thể nói, trong gần bốn thập kỷ qua, với sự nỗ lực của các quốc gia trên toàn thế giới trong thực hiện Nghị định thư Montreal, đã đạt được rất nhiều tiến bộ, giúp thu hẹp lỗ thủng tầng ô-dôn để tiến tới khôi phục tầng ô-dôn, bảo vệ sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh của chúng ta.

Bạn đang đọc bài viết Lỗ thủng tầng ô-dôn đã thu hẹp lại theo đúng lộ trình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.