Thứ bảy, 04/05/2024 13:39 (GMT+7)

Kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chương trình nông thôn mới

Diệp Anh -  Thứ hai, 01/04/2024 17:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Chương trình NTM) là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng.

Với mục tiêu toàn diện xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước… Việc thực hiện tốt Chương trình NTM sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn và nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn nói riêng, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Với ý nghĩa đó, những năm gần đây Kiểm toán nhà nước (KTNN), ngày càng chú trọng kiểm toán việc triển khai Chương trình NTM, thông qua đó phát hiện những vướng mắc, bất cập để kịp thời kiến nghị chấn chỉnh; kiến nghị hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình đang được triển khai.

Từ cuộc kiểm toán chuyên đề đầu tiên đến định hướng kiểm toán chuyên sâu về chương trình nông thôn mới

Năm 2015, là năm đầu tiên KTNN thực hiện kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2010-2014 theo một chuyên đề riêng nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực đối với việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cuộc kiểm toán đã tập trung đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, việc phối hợp của các cơ quan trung ương, địa phương trong tổ chức thực hiện Chương trình, đánh giá tính hợp lý của việc phân bổ nguồn lực của Chương trình NTM cho các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, tính tuân thủ pháp luật, tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu tổng hợp quyết toán nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương bố trí trực tiếp cho Chương trình giai đoạn 2010-2014.

Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành II – đơn vị được giao chủ trì cuộc kiểm toán cho biết, để thực hiện được mục tiêu đặt ra, công tác kiểm toán đã tập trung vào các nội dung chủ yếu như: kiểm toán công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình NTM, cụ thể là sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện, việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình và  việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình NTM.

Ngoài ra, các đoàn kiểm toán cần chú trọng kiểm toán việc xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn xây dựng các đề án, dự án để thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đặc biệt là các đề án “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới”, đề án “Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội”, đề án “Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, đề án “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn”, đề án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”. Trong quá trình kiểm toán, nếu cần thiết các Tổ kiểm toán sẽ thực hiện đối chiếu số liệu về nguồn vốn hỗ trợ, quyết toán thực hiện chương trình tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan…

tm-img-alt
Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững. Ảnh ITN

Qua kết quả kiểm toán, các đoàn kiểm toán đã đề xuất các giải pháp chủ yếu khắc phục hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình NTM, kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính-kế toán như: sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến Chương trình NTM nhằm sử dụng nguồn vốn tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc kiểm toán là nhằm phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình NTM, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kết quả bước đầu của Chuyên đề kiểm toán này đã gợi mở ra những vấn đề quan trọng, từ đó góp phần giúp KTNN có định hướng đổi mới, trong đó có việc đưa nội dung kiểm toán này thành chuyên đề riêng - lãnh đạo KTNN chuyên ngành II cho biết. 

Kết quả nổi bật nhất từ nội dung kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải kể đến là cuộc kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 do KTNN thực hiện năm 2023. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 120/QĐ-KTNN ngày 23/02/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và các địa phương: Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đoàn kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 của KTNN chuyên ngành IV đã thực hiện kiểm toán Chương trình tại Bộ NN&PTNT và 13 địa phương nêu trên từ ngày 01/3/2023 đến ngày 29/4/2023.

Qua kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 tại Bộ NN&PTNT và 13 địa phương trên cả nước, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị chính sách; đồng thời yêu cầu các địa phương được kiểm toán, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành có liên quan phải chấn chỉnh nhiều bất cập, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quản quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình.

Trên cơ sở những kết quả đạt được từ các cuộc kiểm toán trước, tại cuộc kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 KTNN đã tập trung vào các nội dung kiểm toán bao gồm: Việc quản lý và sử dụng kinh phí của Chương trình; việc tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện Chương trình; tình hình thực hiện mục tiêu Chương trình; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của Chương trình NTM.

Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới là một trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô lớn, nhận được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của Quốc hội. Nguồn vốn cho thực hiện Chương trình được huy động từ nhiều nguồn ngoài NSNN (vốn vay, doanh nghiệp, huy động nhân dân...) và được lồng ghép đầu tư với Chương trình, kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm của địa phương. Cơ quan chủ trì và điều phối chung toàn Chương trình là Bộ NN&PTNT; các bộ, ngành liên quan và các địa phương là cơ quan chủ quản, triển khai Chương trình.

tm-img-alt

Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện Chương trình còn chậm, chưa sát sao; mục tiêu xây dựng huyện, xã NTM chưa đạt kế hoạch

Theo kết quả kiểm toán, Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTW và tỷ lệ vốn đối ứng từ NSĐP còn chậm so với kế hoạch được giao tại Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; chậm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; chưa hoàn thành việc xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM) theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ. Ngoài ra, việc đôn đốc, lấy ý kiến của một số Bộ, ngành đối với dự thảo của 05 Chương trình hỗ trợ Chương trình MTQG chưa đáp ứng thời gian theo yêu cầu tại các Văn bản của Văn phòng Chính phủ.

Công tác xây dựng phương án phân bổ vốn, giao vốn giai đoạn 5 năm 2021-2025, hàng năm của Chương trình còn một số tồn tại trong việc xác định nguồn dữ liệu về số xã đạt chuẩn NTM, số xã khu vực III làm ảnh hưởng tới số vốn NSTW giao cho một số địa phương, một số địa phương đã được bố trí hỗ trợ vốn cao hơn so với phương án rà soát lại 358,39 tỷ đồng, trong khi một số địa phương được bố trí vốn hỗ trợ thấp hơn 150,46 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNN chưa chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan lập Kế hoạch Chương trình giai đoạn 5 năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ làm cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ giao kinh phí sự nghiệp giai đoạn 5 năm trong cơ cấu vốn NSTW cho các cơ quan chủ quản Chương trình.

Việc theo dõi, tổng hợp dự toán NSNN giao cho Chương trình; tổng hợp số liệu quyết toán kinh phí Chương trình: Đến nay, Bộ NN&PTNT chưa nhận được dự toán chi cũng như số liệu quyết toán dự toán ngân sách được giao cho chương trình MTQG của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Tồn tại này đã làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, tổng hợp số liệu dự toán giao cho các cấp ngân sách và công tác quyết toán phần dự toán NSNN giao cho các chủ Chương trình, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc cơ quan chủ trì Chương trình (Bộ NN&PTNT) không có đủ cơ sở thực hiện lập báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí, quyết toán kinh phí của Chương trình để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo quy định.

Bộ KH&ĐT chậm trình Chính phủ ban hành Văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; chậm trình Chính phủ thông qua báo cáo phân bổ vốn NSTW năm 2022; chưa hoàn thành thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình MQTG theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Bộ Tài chính chưa tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn NSTW giai đoạn 5 năm cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để trình Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan chủ quản Chương trình theo quy định.

Một số bộ, ngành liên quan chậm công bố chỉ tiêu cụ thể và ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025 phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí về xã, huyện NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu của các địa phương và ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện xã NTM, xã NTM nâng cao.

Tại 13 tỉnh, thành phố được kiểm toán, một số tỉnh chưa thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQG hoặc chưa hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng điều phối NTM các cấp theo quy định; tổ chức mô hình và cơ chế làm việc của Văn phòng điều phối NTM các cấp tại địa phương chưa thống nhất; chưa ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Theo kết quả kiểm toán, tại 13 địa phương được kiểm toán, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, cụ thể: 06/13 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu số huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 01/01 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 05/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM; 07/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã NTM nâng cao; 03/06 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã NTM kiểu mẫu.

Những bất cập này cũng góp phần làm giảm hiệu quả triển khai Chương trình NTM. Theo thống kê, cập nhật số liệu tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, so với mục tiêu đề ra theo kế hoạch, nhiều chỉ tiêu trong phát triển NTM còn chậm, như việc phát triển các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng sản phẩm OCOP…

tm-img-alt

Việc huy động các nguồn vốn, lồng ghép nguồn vốn còn hạn chế; chấp hành chế độ tài chính, kế toán chưa nghiêm

Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, đối với nguồn NSNN, các địa phương không xác định được chính xác số liệu huy động vốn thực hiện Chương trình năm 2021, 2022 đối với nguồn vốn NSNN giao hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, xã. Một phần nguyên nhân do không dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động, danh mục dự án đầu tư; không có quy định cụ thể về cơ chế lồng ghép, quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn ghép; chưa xác định giải pháp huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình;....

Đối với nguồn vốn tín dụng: Không xác định được chính xác các khoản tín dụng vay để đầu tư thực hiện cho các nội dung thành phần của Chương trình do nguồn vốn tín dụng được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tổng hợp trên tất cả các khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn, không nêu cụ thể các chương trình vay, các khoản vay liên quan đến các nội dung của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Việc thực hiện cơ chế huy động vốn, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình tại một số địa phương: Chưa ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; chưa lập danh mục chi tiết các dự án thuộc Chương trình, danh mục các dự án lồng ghép mục tiêu, đối tượng của Chương trình.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo KTNN chuyên ngành IV, đơn vị tổ chức kiểm toán cho biết, cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác là vấn đề khó và là thách thức chung của các địa phương trong triển khai Chương trình. Để có cách làm thống nhất, hiệu quả đòi hỏi Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành chức năng phải có hướng dẫn, cũng như địa phương phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện kế hoạch đầu tư công: Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSĐP chung cả cho Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, không giao cụ thể kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chi tiết cho dự án (TP. Hà Nội); danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa có Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (TP. Hồ Chí Minh); chưa trình HĐND trước khi UBND ban hành Quyết định về kế hoạch đầu tư công (tỉnh Phú Thọ); không ban hành Quyết định phân bổ kế hoạch trung hạn sau khi HĐND ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn (tỉnh Tây Ninh).

- Giao dự toán, phân bổ vốn thực hiện Chương trình: Công tác tổng hợp số liệu nguồn vốn NSNN đã bố trí cho Chương trình trong năm 2021, 2022 của các địa phương báo cáo Bộ NN&PTNT để tổng hợp chung toàn quốc (không bao gồm vốn lồng ghép) và KBNN trung ương theo dõi, tổng hợp còn có sự chênh lệch lớn, nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương không phân bổ nguồn vốn NSĐP riêng để thực hiện Chương trình mà phân bổ chung cho cả các Chương trình, đề án, dự án khác nhưng có tác động gián tiếp đến việc thực hiện các tiêu chí của Chương trình (song khi tổng hợp lại tổng hợp toàn bộ vào Chương trình này); một số địa phương được kiểm toán không phân bổ cụ thể, chi tiết nguồn vốn cho Chương trình NTM; chưa phân bổ vốn sự nghiệp; chưa phân bổ dự toán cho Chương trình theo hướng dẫn tại Thông tư số 71/2020/TT-BTC ngày 30/7/2020 của Bộ Tài chính; phân bổ vốn NSNN (gồm NSTW và NSĐP) chưa đúng theo tiêu chí, định mức, nội dung, đối tượng quy định tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022, Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản quy định liên quan đến Chương trình giai đoạn 2021-2025 như: trả nợ cho các công trình giai đoạn 2016-2020, chi xây dựng trụ sở xã, chi thưởng cho các công trình phúc lợi...; chậm điều chỉnh kế hoạch vốn NSNN hàng năm; chậm phân bổ vốn sự nghiệp (nguồn NSTW).

- Tổng hợp quyết toán kinh phí Chương trình: Tại các tỉnh, thành phố, nguồn kinh phí từ NSĐP hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện Chương trình MTQG (trong đó có Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025), năm 2021, 2022 đều không được các huyện, thị xã theo dõi, tổng hợp quyết toán kinh phí riêng cho Chương trình, dẫn đến không có đủ căn cứ để xác định số liệu NSNN cấp huyện, xã hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình. Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các huyện để thực hiện Chương trình chưa được hướng dẫn nhập mã số chương trình mục tiêu trên hệ thống Tabmis của Kho bạc Nhà nước mà theo dõi theo mã dự án hoặc nội dung kinh tế sự nghiệp theo dự toán tỉnh giao, do đó việc theo dõi phân tán, khó khăn trong quản lý, tổng hợp báo cáo nguồn vốn hỗ trợ từng cấp NSĐP. Vì vậy, việc tổng hợp số liệu nguồn kinh phí và quyết toán kinh phí Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tại các địa phương không chính xác được số liệu nguồn vốn đầu tư cho Chương trình năm 2021, 2022. Qua kết quả kiểm toán còn cho thấy, nguồn vốn NSNN đã bố trí cho Chương trình nhưng đã hết nhiệm vụ chi chưa được các địa phương rà soát, nộp trả ngân sách cấp trên theo quy định;

Qua kết quả kiểm toán các dự án đầu tư tại các địa phương được kiểm toán cho thấy, còn một số tồn tại trong việc xác định Tổng mức đầu tư dự án; công tác khảo sát, thiết kế tại một số dự án thuộc Chương trình chưa tuân thủ đầy đủ quy định về thiết kế; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán còn sai sót về khối lượng, chưa phù hợp với các quy định làm tăng giá trị dự toán đã được phê duyệt là 15.101 triệu đồng; công tác quản lý, thực hiện nghiệm thu, thanh toán tại nhiều dự án vẫn có sai sót về xác định khối lượng, đơn giá, kết quả kiểm toán kiến nghị giảm 10.460 triệu đồng.

Kiến nghị xử lý hàng trăm tỷ đồng và chấn chỉnh, khắc phục nhiều vấn đề khác

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 145.728 triệu đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai quy định 46,3 triệu đồng; thu hồi kinh phí thừa 36.724 triệu đồng; giảm thanh toán 6.597 triệu đồng; bố trí vốn NSĐP hoàn trả cho chương trình 102.360 triệu đồng. Kiến nghị xử lý khác 307.259 triệu đồng, trong đó chủ yếu là điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 298.932 triệu đồng.

Đồng thời, đối với UBND các tỉnh được kiểm toán, KTNN kiến nghị phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình HĐND tỉnh, thành phố ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành giai đoạn 2021-2025; kiểm tra, rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (năm 2021, 2022) của địa phương; tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án trong Chương trình đảm bảo bố trí vốn thực hiện đầu tư đúng nội dung, đối tượng và bố trí nguồn vốn phù hợp với quy định Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Đối với Bộ NN&PTNT, KTNN kiến nghị rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình để kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương (vùng, miền), phát huy hiệu quả của Chính sách, đảm bảo thuận lợi cho các địa phương thực hiện Chương trình.

Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành chủ trì các nội dung thành phần của Chương trình xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, thống nhất chỉ tiêu phấn đấu, nhiệm vụ cụ thể hàng năm dự kiến giao cho từng bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện.

Phối hợp với các địa phương thực hiện Chương trình rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (năm 2021, 2022) của tỉnh, thành phố đảm bảo tính chính xác, có căn cứ để đánh giá, tổng hợp số liệu cho công tác quyết toán kinh phí của Chương trình.

Rà soát phương án phân bổ vốn của Chương trình đối với các địa phương còn sai sót về nguồn dữ liệu về số xã đạt chuẩn NTM và số xã khu vực III trong phương án. Trên cơ sở đó phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình UBTVQH xem xét quyết định.

tm-img-alt
Ðường giao thông ở xã nông thôn mới Hải Quang, huyện Hải Hậu. Ảnh ITN

Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chậm trình ban hành quyết định quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTW và tỷ lệ vốn đối ứng từ NSĐP; chậm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình hỗ trợ, Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP; chưa hoàn thành việc xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá Chương trình MTQG xây dựng NTM theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ; chưa chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan lập Kế hoạch Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 5 năm 2021-2025 gửi Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính theo khoản 3 Điều 5 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ; xây dựng phương án phân bổ vốn NSTW cho các địa phương thực hiện Chương trình còn có tồn tại, sai sót.

Đối với Bộ KH&ĐT, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành Hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình MTQG theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để đảm bảo cho việc cập nhật, lưu trữ thông tin giám sát, đánh giá các Chương trình MTQG trên phạm vi toàn quốc. Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế trong việc chậm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Đối với Bộ Tài chính, cần phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình thuộc trách nhiệm ban hành của Bộ để kịp thời xem xét sửa đổi, điều chỉnh những vướng mắc nhằm đảm bảo thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương (vùng, miền), phát huy hiệu quả của Chính sách trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan tổng hợp, đề xuất cân đối vốn sự nghiệp nguồn NSTW thực hiện Chương trình giai đoạn 5 năm, thông báo số kiểm tra kinh phí sự nghiệp dự toán hàng năm và giai đoạn hai năm tiếp theo để làm cơ sở cho chủ chương trình xây dựng phương án phân bổ, thông báo dự kiến mức vốn sự nghiệp nguồn NSTW thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định để các đơn vị thực hiện Chương trình có căn cứ triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Chế độ chính sách còn nhiều bất cập

Qua kiểm toán cho thấy, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình NTM hiện nay còn có những bất cập, hạn chế gây khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình.

Đơn cử, Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp của Chương trình giai đoạn 2021-2025 từ nguồn NSTW. Tuy nhiên, nội dung của Thông tư số 53/2022/TT-BTC chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, nội dung chi, mức chi, chi các nội dung đặc thù....đối với đối tượng sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn NSĐP. Như vậy chưa đảm bảo sự thống nhất trong việc sử dụng kinh phí sự nghiệp (gồm NSTW và NSĐP) thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh thực hiện Chương trình, nhất là tại các tỉnh không được phân bổ NSTW thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, quy định: “Có ít nhất 01 mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể”. Tuy nhiên Chính phủ, các bộ, ngành liên quan chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể dẫn đến các tỉnh còn lúng túng khi thực hiện xây dựng các tiêu chí và không đồng nhất về số lượng và nội dung các tiêu chí.

Bên cạnh đó, bộ tiêu chí xã NTM về y tế quy định tỷ lệ khám chữa bệnh điện tử, tuy nhiên do điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, nền tảng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa có ứng dụng chính thức về sổ sức khỏe điện tử, Bộ Y tế đang trong lộ trình xây dựng các quy định cụ thể về hồ sơ sức khỏe cá nhân, sổ sức khỏe điện tử, khám, chữa bệnh từ xa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi tại thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện tiêu chí “100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ”.

Nghiêm túc tiếp thu kiến nghị kiểm toán, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra

Trong quá trình làm việc với đoàn kiểm toán của KTNN, cũng như tiếp nhận kết quả kiểm toán, đại diện Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cho biết, những kết quả được KTNN chỉ ra là phù hợp, đúng với thực tế triển khai của địa bàn vừa qua; đồng thời cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, thực hiện theo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trao đổi với báo chí, các cơ quan, địa phương cũng giải trình, làm rõ thêm đối với những khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình NTM.

Chia sẻ về những khó khăn trong triển khai Chương trình, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) cho biết, Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp trung ương chậm ban hành. Một số địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo phân cấp và triển khai các Chương trình chuyên đề. Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm.

Mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh ở các địa phương có sự khác nhau, chưa có sự thống nhất. Cán bộ làm công tác xây dựng NTM cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai, theo dõi, tổng hợp thực hiện Chương trình ở cơ sở. Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn; đặc biệt đến nay còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã NTM”; chưa có huyện thuộc danh sách các huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn NTM.

Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm; việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế…

Thông tin thêm về vấn đề này, nhiều địa phương cũng cho biết, triển khai Chương trình, Chính phủ đã ban hành Nghị đinh số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG tuy nhiên địa phương vẫn còn gặp khó trong việc triển khai một số nội dung… Do đó, các địa phương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn chung về mô hình Văn phòng Điều phối NTM đảm bảo thống nhất ở các địa phương; Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho địa phương để hoàn thành xây dựng NTM…

Theo Bộ NN&PTNT, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ sẽ nghiêm túc xem xét các vấn đề được KTNN chỉ ra, cũng như kiến nghị, đề xuất của địa phương. Để đạt mục tiêu Chương trình đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM; việc triển khai thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tập trung thực hiện 07 giải pháp trọng tâm.

 Trong đó đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí NTM các cấp phù hợp hơn với tình hình thực tế tại địa phương và đặc thù vùng, miền.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương trong thực hiện Chương trình. Triển khai hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 06 chương trình chuyên đề trọng tâm. Huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Chương trình và quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chí Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nhận thức cho  người dân về xây dựng NTM, đặc biệt phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.  Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM; từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nông thôn… 

Bạn đang đọc bài viết Kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chương trình nông thôn mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đà Nẵng tăng cường thu hút khách du lịch MICE 2024
Với lợi thế sẵn có về du lịch MICE, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp cùng với chương trình xúc tiến thu hút du lịch MICE được kích hoạt, Đà Nẵng kỳ vọng thu hút các đoàn khách MICE trong thời gian đến.

Tin mới

Bài thơ: Nhớ các Anh
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc:///“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”////Lớp lớp thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi////Hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu