Thứ ba, 30/04/2024 02:42 (GMT+7)

Kiểm toán nhà nước chủ động thích ứng linh hoạt với quá trình chuyển đổi số

Diệp Anh -  Thứ ba, 16/04/2024 14:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Bằng những hành động cụ thể, thiết thực, KTNN đã và đang chung tay cùng cả nước phát triển nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu và yêu cầu cấp thiết

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có lĩnh vực KTNN. Cuộc cách mạng làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện kiểm toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu kiểm toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa, tiết kiệm thời gian, công sức, không bị giới hạn bởi không gian, khoảng cách địa lý, tiếp cận gần hơn với hệ thống kiểm toán quốc tế.

Có thể thấy, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên 4 khía cạnh: Phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành tại SAI; đối tượng, phạm vi, quy mô kiểm toán của SAI; phương thức kiểm toán với việc kiểm toán trên dữ liệu số; các yêu cầu năng lực, kỹ năng công nghệ thông tin (CNTT) của các kiểm toán viên.

Nắm bắt xu thế cũng như yêu cầu đặt ra từ thực tiễn kiểm toán, ngay từ năm 2016, Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thành lập Nhóm công tác về Dữ liệu lớn với mục tiêu giúp các SAI xác định được các cơ hội, thách thức cũng như nâng cao năng lực trong kiểm toán dữ liệu lớn trong kỷ nguyên số.

Nắm bắt được ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 với thành tựu khoa học, công nghệ số, đặc biệt là Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), nhiều SAI trên thế giới đã coi CNTT là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển của tổ chức. Đặc biệt, nhiều SAI đã xây dựng các kế hoạch, chiến lược hoặc các chương trình/dự án cụ thể theo hướng ưu tiên đầu tư về kỹ thuật để hỗ trợ tiếp cận kiểm toán có chất lượng cao hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn thông qua việc áp dụng các công nghệ số tiên tiến trong hoạt động kiểm toán.

Tại KTNN Trung Quốc (CNAO), cơ quan này đã cải thiện môi trường chính sách để thúc đẩy kiểm toán dựa trên Big Data, nâng cấp thu thập dữ liệu và xây dựng thư viện tài nguyên Big Data. Để có thể thành công, CNAO cũng dành nhiều thời gian và thực hiện theo từng giai đoạn nhằm giải quyết các thách thức về thu thập, xử lý, quy hoạch, xây dựng trung tâm dữ liệu, đổi mới kỹ thuật phân tích kiểm toán, phân tích rủi ro và kiểm soát chất lượng.

Hay KTNN Canada (OAG) cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT nói chung và ứng dụng phân tích Big Data, AI vào công tác kiểm toán thông qua một số công việc: Nhận dạng và kiểm đếm hàng tồn kho, phân tích video và báo những thời điểm có khả nghi, phân tích các hộp thư thoại, cuộc điện thoại, ghi âm cuộc họp. Công nghệ đã giúp OAG thu thập thêm bằng chứng kiểm toán, xác định các trường hợp không tuân thủ điều khoản hợp đồng nhằm đánh giá rủi ro gian lận, xác định sự bất thường của dữ liệu, xem xét dòng tiền giữa các tài khoản.

Nhanh chóng bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, KTNN Thái Lan (SAO) từng đầu tư 3,6 triệu USD để tạo mối liên kết thông tin với các cơ quan chức năng. Tại Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 15, Chủ tịch Ủy ban KTNN Thái Lan Chanathap Indamra - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 - từng nhấn mạnh: “SAI đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát chi tiêu công của chính phủ, góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng. Do đó, SAI phải sử dụng phương pháp tốt hơn, hiệu quả hơn và ứng dụng công nghệ cao, dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán”. Cũng tại Đại hội này, các chương trình nghị sự và đặc biệt là Hội nghị chuyên đề lần thứ 8 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của dữ liệu lớn, công nghệ hiện đại đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực công. Đây được coi là xu thế tất yếu của các SAI.  

Còn tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cùng nhiều chủ trương, chính sách liên quan. Luật KTNN cho phép KTNN được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu của đơn vị được kiểm toán. Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025.

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành; đồng thời cũng đã “đặt hàng” KTNN. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: “Hiện nay, Chính phủ, các ngành, các cấp đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây là nội dung rất quan trọng, mang tính đột phá. Nếu làm tốt chuyển đổi số thì chúng ta có thể phát triển nhanh, bền vững và đặc biệt đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính cho các cơ quan nhà nước. Do vậy, chúng tôi cũng đề nghị KTNN tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Hà Nội trong vấn đề thực hiện chuyển đổi số, trước hết là việc cung cấp và chia sẻ thông tin”.

Như vậy, xu thế của thế giới, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp - đối tượng kiểm toán của KTNN - đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách chuyển đổi số đối với KTNN. Không để tụt hậu so với thế giới cũng như nằm ngoài guồng quay chuyển đổi số quốc gia, KTNN đã thể hiện sự quyết tâm chuyển đổi số từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn hoạt động.

Từ chủ trương, chính sách…

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt xác định công nghệ là 1 trong 3 trụ cột phát triển của KTNN. Chiến lược xác định 4 mục tiêu liên quan đến chuyển đổi số: (1) Công nghệ đóng vai trò then chốt, giúp KTNN thích ứng với quá trình chuyển đổi số. (2) Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, công khai hoạt động và kết quả kiểm toán. (3) Tăng cường các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN. (4) Chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sáng phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao. 

Nhận thức rõ CNTT là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc hiện đại hóa mọi mặt hoạt động của KTNN, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN đã quan tâm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VII xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; Nghị quyết số 90NQ/ĐU của Đảng ủy KTNN về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động của Ngành; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

KTNN đã kịp thời ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trung hạn (05 năm) và Kế hoạch ứng dụng CNTT hằng năm; Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về phát triển CNTT và công nghệ cao. Các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT đã bám sát chủ trương, định hướng chung của Đảng, Chính phủ về phát triển CNTT và nhu cầu của Ngành. Đây là những chương trình, kế hoạch quan trọng nhằm định hướng cho việc phát triển, ứng dụng CNTT của KTNN trong giai đoạn tới, giúp cho KTNN thích ứng với sự thay đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình chuyển đổi số. KTNN cũng đã ban hành các quy chế, quy định về quản lý, khai thác sử dụng hệ thống mạng, các phần mềm ứng dụng; Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của KTNN nhằm nâng cao ý thức, chất lượng ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ trong toàn Ngành.

tm-img-alt

... Đến thực tiễn triển khai

Điều quan trọng hơn, nhiều chủ trương, chính sách, quy định đã bước đầu đi vào thực tiễn.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT: KTNN đã triển khai nhiều công việc góp phần từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT của toàn Ngành tương đối hoàn chỉnh. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật CNTT của KTNN được triển khai theo mô hình quản lý tập trung. KTNN đã xây dựng được 02 Trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước. Hệ thống mạng được xây dựng tại trụ sở 116 Nguyễn Chánh, 111 Trần Duy Hưng và toàn bộ trụ sở của các KTNN khu vực phục vụ hoạt động nội bộ của đơn vị và truy cập Internet, khai thác sử dụng các phần mềm ứng dụng của KTNN.

Cùng với đó, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gồm 16 điểm cầu, kết nối 13 KTNN khu vực với KTNN Trung ương, hoạt động hiệu quả phục vụ cho các buổi hội nghị giao ban trực tuyến hàng tháng, các buổi học tập, hội thảo trao đổi chuyên môn... của KTNN.

Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, hệ thống nền tảng, kết nối chia sẻ dữ liệu: Trong thời gian qua, để thiết lập một hệ thống tập trung, KTNN đã triển khai tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm nội bộ thông qua trục tích hợp để đảm bảo tính thống nhất, tập trung giữa các phần mềm trong toàn ngành; triển khai hệ thống xác thực quản lý người dùng tập trung, giúp người dùng sử dụng các phần mềm thuận lợi hơn, chỉ cần một tài khoản duy nhất để đăng nhập và tăng cường bảo mật tài khoản thông qua việc xác thực bảo mật 2 lớp; xây dựng mã định danh và hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn bộ hệ thống.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, KTNN đã và đang xây dựng hệ thống nền tảng phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan chức năng trong thời gian tới; đồng thời đang triển khai kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tạo nền tảng để triển khai kết nối, chia sẽ dữ liệu trên diện rộng phục vụ hoạt động kiểm toán.

Đồng thời, KTNN thực hiện kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi nhận văn bản được nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước; đã thực hiện đồng bộ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức của KTNN với Cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 25/6/2020 của Thủ tường Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng.

Đảm bảo an toàn thông tin: Trong những năm qua, trước bối cảnh tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn thông tin luôn được KTNN xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật đối với hệ thống thông tin của KTNN và an toàn thông tin trên môi trường mạng phục vụ hoạt động của KTNN. Theo đó, KTNN đã tăng cường đầu tư nâng cao an toàn thông tin đối với hệ thống mạng KTNN.

Đến nay, hệ thống thông tin của KTNN đã được đầu tư hệ thống an toàn bảo mật hiện đại, bài bản, với nhiều tầng, lớp bảo mật giúp đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng trong hoạt động của Ngành. KTNN cũng đã tăng cường trang bị các phần mềm bản quyền cho các máy tính cá nhân như: bản quyền hệ điều hành, phần mềm phòng chống virus, phần mềm tẩy xóa dữ liệu…; triển khai các giải pháp về an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ phục vụ công tác soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa tài liệu thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước, tài liệu quan trọng trên máy tính và phương tiện thông tin, viễn thông.

KTNN cũng đã xây dựng hồ sơ cấp độ an toàn thông tin và tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ; thường xuyên giám sát, rò quét, vá lỗ hổng bảo mật; có giải pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn sự phá hoại của virus, tấn công mạng từ bên ngoài; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giám sát an toàn thông tin, dữ liệu mã độc với Hệ thống giám sát an toàn thông tin quốc gia theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên phổ biến, khuyến cáo người dùng về an toàn, bảo mật thông tin nhằm nâng cao ý thức người dùng trong trao đổi, khai thác thông tin trên không gian mạng.

Phát triển các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng: Bên cạnh đó, KTNN đã chủ động, tích cực đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT vào hoạt động của Ngành và luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo KTNN quan tâm, dành nguồn lực để phát triển và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành nội bộ và hoạt động kiểm toán.

Đến nay, KTNN đã xây dựng trên 30 phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành nội bộ và hỗ trợ hiệu quả hoạt động kiểm toán. Đối với các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán: KTNN đã triển khai 14 ứng dụng hỗ trợ hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, quản lý hoạt động kiểm toán và tác nghiệp kiểm toán của kiểm toán viên; kịp thời theo dõi tiến độ, tổng hợp kết quả kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán của toàn Ngành; xây dựng các công cụ hỗ trợ kiểm toán viên thực hiện kỹ thuật kiểm toán các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp và tài chính ngân hàng…Ngoài ra, từ năm 2017 đến năm 2022, KTNN đã số hóa hồ sơ kiểm toán (trên 950 cuộc với hơn 13 triệu trang tài liệu các loại), tạo lập cơ sở dữ liệu về hồ sơ kiểm toán điện tử để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán, từng bước hình thành dữ liệu lớn của KTNN.

KTNN đã xây dựng Cổng trao đổi thông tin, tạo kênh trao đổi dữ liệu điện tử đa chiều giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị được kiểm toán cung cấp dữ liệu điện tử, đồng thời KTNN trao đổi với đơn vị được kiểm toán về các thông tin liên quan đến hoạt động, kết quả kiểm toán trên môi trường mạng. Tính đến thời điểm hiện tại, KTNN đã cấp hơn tài khoản cho hơn 2.000 đơn vị được kiểm toán và các đơn vị đã cung cấp hơn 8.000 báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và dự toán kinh phí thông qua Cổng trao đổi thông tin.

Các phần mềm hỗ trợ quản lý, điều hành nội bộ: Nhằm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, KTNN đã triển khai và đưa vào sử dụng 13 phần mềm. Đến nay, KTNN đã thực hiện xử lý, trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng, triển khai chữ ký số, trao đổi văn bản điện tử giữa KTNN với các đơn vị bên ngoài qua Trục liên thông văn bản quốc gia; công tác quản lý cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý tài chính… cũng được thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Việc ứng dụng các phần mềm đã giúp nâng cao hiệu quả và tiến độ trong quá trình tra cứu, tiếp nhận và xử lý thông tin quản lý để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành.

Hệ thống báo cáo nhanh (trên nền tảng web, tại địa chỉ: dieuhanh.sav.gov.vn): Việc tổng hợp thông tin từ các phần mềm nghiệp vụ giúp mỗi cá nhân khi tham gia hệ thống đều có thể nhanh chóng tìm kiếm, khai thác được thông tin tổng hợp trên hệ thống phần mềm tại một ứng dụng tập trung theo phân quyền khai thác dữ liệu tương ứng. Các thông tin bao gồm báo cáo tổng hợp và báo cáo chi tiết về tình hình xử lý văn bản đi, đến; thông tin cán bộ; lịch công tác; lịch kiểm toán; lịch đào tạo; các báo cáo tổng hợp về tiến độ, kết quả kiểm toán; tình hình và kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán, tra cứu thông tin văn bản pháp luật, tin tức hoạt động của KTNN...  

Bên cạnh việc xây dựng các phần mềm trên môi trường web, từ năm 2020, KTNN triển khai ứng dụng hỗ trợ điều hành trên thiết bị di động (App mobile), giúp lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức xử lý, tra cứu văn bản, tra cứu các thông tin về hoạt động kiểm toán, cán bộ, văn bản quy phạm pháp luật, lịch họp…một cách nhanh chóng, kịp thời.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và kiểm toán CNTT: Năm 2022, KTNN đã ứng dụng CNTT để triển khai thí điểm cuộc kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính viễn thông thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu số.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, KTNN đã triển khai một số cuộc kiểm toán CNTT và đạt được kết quả đáng khích lệ như: Kiểm toán hệ thống CNTT tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Kiểm toán việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại 4 Bộ, 1 Ngân hàng và 2 địa phương.

tm-img-alt

Những thách thức trong quá trình chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động kiểm toán của KTNN vẫn còn những thách thức.

Thứ nhất, đối với các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, hiện nay, các phần mềm mới chủ yếu ứng dụng CNTT vào một số khâu, chưa đáp ứng được hết yêu cầu nghiệp vụ.

Thứ hai, về kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với đơn vị được kiểm toán: Hiện nay, việc tìm kiếm, thu thập, khai thác và đối chiếu thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau chưa được triển khai hiệu quả khi thiếu vắng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và công cụ tìm kiếm hỗ trợ.

Thứ ba, việc trao đổi thông tin giữa các kiểm toán viên, tổ, đoàn kiểm toán và với đơn vị được kiểm toán vẫn tiến hành tương đối thủ công, chưa có các hạ tầng thông minh giúp việc trao đổi thông tin dễ dàng và đảm bảo an toàn bảo mật.

Thứ tư, trình độ, khả năng sử dụng các công cụ CNTT của kiểm toán viên vẫn còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp được với những đòi hỏi mới về ứng dụng CNTT, điều này phần nào đó làm hạn chế tiến trình đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu điện tử rộng rãi trong toàn Ngành và giữa KTNN với các đơn vị liên quan.

Chủ động, linh hoạt hơn để rút ngắn khoảng cách với thế giới

Dù hành trình chuyển đổi số của KTNN vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước nhưng những kết quả bước đầu là minh chứng cho thấy KTNN đã và đang từng bước phát huy tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, mục tiêu hiện đại hóa mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động kiểm toán để góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển và thích ứng linh hoạt hơn với quá trình chuyển đổi số đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn từng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Nhìn sang bạn bè quốc tế, trong lĩnh vực kiểm toán, bao giờ cũng là lĩnh vực đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. So với yêu cầu, so với bạn bè trong khu vực, chúng ta còn khoảng cách khá lớn thì chúng ta cần phải tăng tốc để thu hẹp khoảng cách này”.

Để bắt kịp với xu thế của các SAI, KTNN Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực rút ngắn khoảng cách chênh lệch công nghệ, hướng tới môi trường kiểm toán số, bảo mật và tích hợp cao trên cơ sở triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Tin học; kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị, phát triển đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có kiến thức, chuyên môn phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số trong giai đoạn mới, đảm bảo triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT của KTNN.

Hai là, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu đảm bảo tính sẵn sàng cao của hệ thống; từng bước nâng cấp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu hạ tầng, tạo nền tảng để áp dụng các công nghệ số vào hoạt động của KTNN.

Ba là, xây dựng hạ tầng dữ liệu, trong đó tập trung triển khai hệ thống định danh, xác thực điện tử và cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung phục vụ trao đổi, tích hợp dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử với các đơn vị được kiểm toán. Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý đối tượng kiểm toán, các CSDL tập trung (như: các CSDL chuyên ngành, CSDL tri thức kiểm toán, CSDL hồ sơ kiểm toán điện tử...) từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau phục vụ cho việc ứng dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Hướng đến CSDL tập trung, nhất quán, tăng cường khả năng chia sẻ, liên thông và đảm bảo khả năng thích ứng với các thay đổi của công nghệ số.

Bốn là, phát triển các phần mềm ứng dụng, trọng tâm là hướng đến cung cấp công cụ báo cáo thống kê và phân tích, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn, hỗ trợ phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Phát triển ứng dụng dựa trên các phương pháp của khoa học dữ liệu, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, tổng hợp, đa chiều, các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên, khai phá văn bản hỗ trợ công tác kiểm toán. Phát triển ứng dụng hỗ trợ tự động hóa và các hệ trợ giúp tư vấn, quyết định cho kiểm toán viên trong tác nghiệp, trong các nhiệm vụ kiểm toán chuyên biệt. Bên cạnh đó, tiếp tục kế thừa, phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành và quản lý các hoạt động của KTNN, hình thành hệ thống thông tin quản lý, hoạt động kiểm toán theo hướng tập trung.

Năm là, triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho hệ thống CNTT của KTNN với trọng tâm là bảo vệ dữ liệu, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng, phù hợp với đặc thù của KTNN và Chiến lược phát triển CNTT của KTNN.

Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò đơn vị chuyên trách về CNTT của KTNN, phối hợp với các đơn vị trong Ngành: tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch CNTT; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, các biểu mẫu, phương pháp kiểm toán, xây dựng các tiêu chí kiểm toán đối với từng lĩnh vực kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán của Ngành; xây dựng các cơ chế, chính sách, các văn bản dưới luật để đảm bảo môi trường pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập, khai thác dữ liệu điện tử trên các CSDL quốc gia và hệ thống thông tin quan trọng của các bộ, ngành, địa phương; cơ chế cho việc thu thập, chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu định kỳ; xây dựng các quy chế quản lý, khai thác và sử dụng các ứng dụng CNTT của KTNN đảm bảo hệ thống CNTT của KTNN hoạt động hiệu quả, an toàn và ổn định.

Bảy là, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, trong đó phát triển đội ngũ chuyên trách CNTT có đủ năng lực chuyên môn để tham mưu phát triển, quản lý và tổ chức vận hành hệ thống CNTT của KTNN. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, trong đó chú trọng đào tạo chuyên sâu và cập nhật công nghệ mới, đào tạo “kỹ sư phân tích dữ liệu”. Đối với đội ngũ kiểm toán viên, công chức của KTNN: tập trung đào tạo kỹ năng làm chủ công nghệ, năng lực xử lý, phân tích dữ liệu thông qua việc áp dụng các phần mềm, công nghệ số trong tác nghiệp kiểm toán; nâng cao kỹ năng tiếp cận, khai thác dữ liệu điện tử và sự hiểu biết về các hệ thống thông tin của đơn vị được kiểm toán; kỹ năng đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trên môi mạng khi thực hiện kiểm toán và trong quá trình vận hành, khai thác hạ tầng, ứng dụng trong công việc hàng ngày.

Hành trình chuyển đổi số vẫn đang diễn ra mạnh mẽ tại các bộ, ngành, địa phương. Với vai trò, vị thế của mình, KTNN cần nỗ lực và quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy hành trình đó, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số./.

Bạn đang đọc bài viết Kiểm toán nhà nước chủ động thích ứng linh hoạt với quá trình chuyển đổi số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...