Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 (GMT+7)

Lâm Đồng: Hầu hết mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn không còn hoạt động

MTĐT -  Thứ bảy, 18/05/2024 10:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng bổ sung tổng cộng 46 mỏ khai thác khoáng sản vào danh sách các mỏ liên quan đến việc bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản, đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định nhưng chưa khắc phục xong.

Ngày 17/5, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã cung cấp thêm các tổ chức, cá nhân bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản, bị đình chỉ, tạm dừng hoặc chưa đủ điều kiện để khai thác khoáng sản cho UBND các huyện, thành phố, nhằm chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm.

Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã bổ sung tổng cộng 46 mỏ khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân. Trước đó, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cũng đã thông báo tới các địa phương về một số mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có đá xây dựng, cao lanh… bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản, đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định nhưng chưa khắc phục xong. Như vậy, tới thời điểm này, hầu hết các mỏ khai thác các loại khoáng sản ở Lâm Đồng đều đã không đủ điều kiện thể hoạt động.

Hiện nay, hầu hết mỏ khoáng sản tại Lâm Đồng không thể khai thác đã khiến giá các loại vật liệu xây dựng thông thường tăng phi mã. Giá vật liệu xây dựng tháng 5/2024 do UBND TP Đà Lạt cung cấp cho thấy cát xây dựng là 580.000 đồng/m³, đá chẻ 7.500 đồng/viên, bột đá 550.000 đồng/m³, đá 1x2 620.000 đồng/m³… Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi giá bán lẻ các loại vật liệu xây dựng tới tay người tiêu dùng còn cao hơn nhiều.

tm-img-alt

Khu vực khai thác cao lanh tại xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc).

Trước tình hình khan hiếm vật liệu xây dựng, nhiều tháng qua, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã gặp rất nhiều khó khăn. Để có cát và đá xây dựng hợp pháp phục vụ thi công, không ít doanh nghiệp đã phải mua xe đầu kéo, di chuyển từ Lâm Đồng xuống các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận để vận chuyển cát, đá về với chiều dài từ 120km đến 150km. Điều này không chỉ làm đội chi phí đầu tư mà còn ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thi công.

"Với quãng đường vận chuyển vật liệu xây dựng lên tới 150km như hiện nay, nếu mỗi ngày tài xế làm việc từ 4h sáng tới 22h cũng chỉ chở được 2 xe đá." - Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng có trụ sở tại TP Đà Lạt cho biết.

Được biết, trong những lần lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đối thoại với doanh nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng đều có chung kiến nghị tỉnh Lâm Đồng sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các mỏ khoáng sản hoạt động trở lại, đồng thời cấp phép thêm các mỏ khoáng sản mới, nhất là đất san lấp, đá và cát xây dựng… để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Trước việc các mỏ khai thác khoáng sản tại Lâm Đồng bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, đình chỉ, tạm dừng hoặc chưa đủ điều kiện để khai thác khoáng sản đã làm phát sinh nhiều điểm khai thác khoáng sản lậu. Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý 19 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực khoáng sản. Đặc biệt, từ đầu tháng 5/2024 tới nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 4 vụ việc vi phạm liên quan tới khai thác đất san lấp, cát, đá xây dựng…

Sỹ Hùng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Hầu hết mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn không còn hoạt động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thương hiệu đồng hành