Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 (GMT+7)

Ớn lạnh quy trình ngâm ớt “bẩn”, xả thải ra môi trường

Hải Hiếu -  Thứ sáu, 17/05/2024 23:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau nhiều ngày đeo bám, phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát hiện tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có nhiều cơ sở ngâm ớt với quy trình không đảm bảo vệ sinh, xả thải ra môi trường.

Theo đó, ớt của người dân thu hoạch từ ngoài đồng ruộng, không qua quy trình rửa sạch nào, được cho vào các bao tải chở đến bán cho cơ sở ngâm ớt. Những người làm tại cơ sở lập tức rạch miệng bao tải, cho ớt vào các bể lớn và rải muối hạt lên. Các bể ngâm ớt không có nắp đậy cũng như các biện pháp đảm bảo vệ sinh. Những nhân viên ở đây đi chân đất, không có các trang phục bảo hộ, có khi còn giẫm lên ớt trong khi làm việc.

Theo tìm hiểu, ớt sau thời gian ngâm hơn 1 tháng sẽ chủ cơ sở vớt lên, bán cho các đầu mối làm tương ớt. Tại huyện Duy Xuyên có ít nhất 4 cơ sở đang chế biến ngâm ớt bằng muối trong các bể lớn. Các cơ sở này đều không có hệ thống xử lý nước thải và nằm sát các khe (mương).

tm-img-alt
Một ống nước thải được chôn sát sông của một cơ sở sản xuất ớt ngâm.

Sau khi ớt ngâm xong bán đi, nước trong các bể ngâm ớt này được những người trong cơ sở lợi dụng thời cơ thích hợp xả trộm ra môi trường, thường là vào ban đêm và thời điểm ưa thích nhất để họ xả là lúc trời mưa lớn nhầm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng cũng như người dân khu vực.

tm-img-alt
Một bể ngâm đã vớt hết ớt chờ thời điểm thuận lợi để xả ra môi trường.

Ngày 17/5, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam cùng công an xã và cán bộ phụ trách môi trường thuộc xã Duy Châu đến đoạn khe (mương) phía sau cơ sở chế biến ớt ngâm của ông Trần Phước Tấn (hay còn gọi là xưởng Sáu Bê). Tại đoạn khe này bốc mùi hôi thối nồng nặc, nước màu đen. Nhiều cây cỏ xung quanh chết, hoặc ngã màu vàng. Sau khi dò tìm thì phát hiện một đường ống được chôn sâu dưới đất.

Lúc này, chủ cơ sở không thể chối cãi, thừa nhận đường ống này là do mình chôn để xả nước thải của cơ sở chưa qua xử lý ra môi trường. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản về hành vi xả thải ra môi trường này.

tm-img-alt
--
tm-img-alt
--
tm-img-alt
Quy trình ngâm ớt không đảm bảo vệ sinh.

Ông Lê Văn Hưng - Phó chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, trên địa bàn xã có 3 cơ sở ngâm ớt, những cơ sở này đều không có hệ thống xử lý nước thải. Vừa qua, lực lượng của xã cũng đã lập biên bản về hành vi xả thải của một công ty ở thôn Tân Thọ và sắp tới sẽ xử lý triệt để việc xả thải của các cơ sở này.

“Chúng tôi đã lập biên bản và sẽ có đề xuất lên cấp trên để có chế tài xử phạt cứng rắn nhằm răn đe cũng như xử lý dứt điểm tình trạng xả thải ra môi trường của các cơ sở này”, ông Hưng nói.

tm-img-alt
tm-img-alt
Các xưởng sản xuất thường nằm sát khe (mương) nhằm thuận lợi cho việc xả thải.
tm-img-alt
Lực lượng chức năng xã Duy Châu bới tìm đường ống xả thải.

Còn về việc không đảm bảo vệ sinh trong việc ngâm ớt, ông Hưng cho biết sẽ tham mưu lập đoàn kiểm tra quy trình này. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ghi nhận, tại xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) cũng có một cơ sở ngâm ớt tương tự nằm sát nhánh sông Thu Bồn, tồn tại việc xả thải ra môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Ớn lạnh quy trình ngâm ớt “bẩn”, xả thải ra môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thương hiệu đồng hành