Thứ năm, 18/04/2024 11:31 (GMT+7)

Quảng Ninh: Tăng cường quản lý, sử dụng đất tại khu kinh tế, khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ sáu, 09/12/2022 08:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giai đoạn 2016-2021, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý đất đai

Thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra của tỉnh và các nghị quyết của HĐND tỉnh về thông qua chương trình kiểm tra, giám sát năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2021.

Nội dung giám sát tập trung việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất của các dự án ngoài ngân sách tại các KKT và chủ đầu tư hạ tầng các KCN đã được giao, cho thuê đất.

Tăng cường quản lý, sử dụng đất tại KKT, KCN
Lao động làm việc tại KCN Cảng biển Hải Hà. Ảnh: Thu Nguyệt

Theo Quy hoạch phát triển các KKT, KCN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch thành lập và phát triển 16 KCN, 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 388.671ha (chiếm 31,5% tổng diện tích tự nhiên) tại 11/13 địa phương trong tỉnh. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 5 KKT được thành lập với tổng diện tích 375.171ha và 10 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích đăng ký là 4.632,22ha. Quảng Ninh là một trong số địa phương có quy mô diện tích KKT, KCN lớn nhất của cả nước.

Giai đoạn 2016-2021, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý đất đai. Điển hình là: Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 3/12/2016) của Tỉnh ủy về rà soát, xử lý, quyết liệt thu hồi đối với các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, vi phạm pháp luật; Nghị quyết số 16-NQ/TU (ngày 9/5/2019) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2025...

HĐND tỉnh cũng ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về các giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó trọng tâm là các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; thông qua danh mục dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để kịp thời triển khai các dự án phát triển KT-XH...

Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đã được các cấp, ngành quan tâm, thực hiện thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, việc tổ chức thực hiện dự án của các chủ đầu tư. Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng đất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các KKT, KCN. Từ 2016 đến nay, Sở TN&MT đã thanh tra việc chấp hành phát luật đất đai bảo vệ môi trường và thực hiện pháp luật về xây dựng đối với 2 KCN (Đông Mai, TX Quảng Yên và Việt Hưng, TP Hạ Long); Thanh tra tỉnh triển khai 18 cuộc thanh tra và ban hành 23 kết luận thanh tra. Qua đó, đã thu hồi về ngân sách trên 13,192 tỷ đồng; thu hồi 12 dự án; hủy bỏ 30 dự án, công trình được ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện nhưng quá 3 năm không có quyết định thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất...

Tăng cường quản lý, sử dụng đất tại KKT, KCN
Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) đã đi vào vận hành, sản xuất.

Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KKT, KCN được tăng cường. UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch xúc tiến hằng năm và theo giai đoạn để giới thiệu, quảng bá chính sách, tiềm năng, cơ hội của tỉnh; đồng thời tổ chức các chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước; thành lập các tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án ngoài ngân sách, các dự án hạ tầng và dự án thứ cấp tại các KCN.

Cùng với đó, tỉnh kết hợp các nguồn lực để triển khai 32 dự án, tổng mức đầu tư trên 26.620 tỷ đồng để nâng cấp nhiều hệ thống giao thông quan trọng nhằm kết nối, rút ngắn khoảng cách các vùng miền, tạo thuận lợi thông thương giữa các KKT cửa khẩu và các KKT ven biển. Đơn cử như: Dự án mở rộng nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; cải tạo, nâng cấp QL18 (đoạn từ trung tâm xã Hải sơn, Pò Hèn, TP Móng Cái đến Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà) giai đoạn 1; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, giai đoạn 2; đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT Cửa khẩu Móng Cái; cao tốc Vân Đồn- Móng Cái đến cảng Vạn Ninh (TP Móng Cái)...

Nhiều công trình hạ tầng giao thông đến các KCN cũng được nghiên cứu, huy động nguồn lực để triển khai, như: Đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với KCN Nam Tiền Phong (TX Quảng Yên); đường nối KCN Việt Hưng ra cảng Cái Lân (TP Hạ Long); đường nối tỉnh lộ 331B và tỉnh lộ 338 (TX Quảng Yên); đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn... Qua đó, đã tạo cơ hội phát triển cho các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tổng diện tích đất đã GPMB tại các KCN đạt 2.320,15ha; diện tích đất đã được UBND tỉnh giao, cho thuê đạt 1.601,58ha. Diện tích đất công nghiệp đã cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại là 592,73ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tính theo tổng diện tích quy hoạch đất công nghiệp đạt 40,7%, tính theo diện tích đất công nghiệp thực tế đã được giao tại các KCN thì tỷ lệ này đạt 60,43%.

Đến nay, KCN, KKT của tỉnh (không gồm KKT Vân Đồn) có 232 dự án đầu tư ngoài ngân sách còn hiệu lực, gồm 88 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 4.348 triệu USD và 144 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 58.046 tỷ đồng. Tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN là 36.600 người, tăng 2.600 lao động so với năm 2021, trong đó có khoảng 1.278 lao động người nước ngoài đang làm việc.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2021 của HĐND tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nhiều KKT trên địa bàn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa đạt mục tiêu phát triển đề ra.

Dù có nhiều dự án được thu hút, được giao đất, cho thuê đất nhưng nhiều KKT chưa thu hút nhiều nhà đầu tư lớn... Đối với nhiều KCN, thu hút dự án đầu tư thứ cấp còn thấp, chưa phát huy hiệu quả sử dụng đất; chưa hình thành được các dự án phát triển công nghiệp với quy mô lớn, có tính động lực... Vì vậy chưa tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ...

Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã tổng hợp đề xuất tỉnh sớm hoàn thiện Đề án và trình Ban Thường vụ thông qua Nghị quyết “Xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN và CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040” làm cơ sở tập trung nguồn lực phát triển các KKT, KCN đáp ứng yêu cầu phát triển; khắc phục tồn tại trong công tác quản lý đất đai tại các KKT, KCN; sớm ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư hạ tầng KCN và các dự án thứ cấp trong các KCN, từ đó định hướng cụ thể trong thu hút nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp vào các KCN...

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Tăng cường quản lý, sử dụng đất tại khu kinh tế, khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Nguyễn Huế/Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải tại phần lớn các CCN còn nhiều tồn tại; công tác phối hợp quản lý các CCN ở một số địa phương còn nhiều yếu kém.
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.