Thứ ba, 30/04/2024 00:39 (GMT+7)

Sóc Sơn (Hà Nội): Ai chịu trách nhiệm xử lý phục hồi môi trường sau việc khai thác đất trái phép?

Thế Lợi -  Thứ hai, 15/04/2024 07:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khai thác đất trái phép không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên, ngân sách nhà nước, tác động xấu đến môi trường mà còn gây ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các đơn vị, doanh nghiệp có phép và không phép.

Mới đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải bài viết “Sóc Sơn (Hà Nội): Vụ hủy hoại đất rừng phòng hộ xã Hồng Kỳ bao giờ mới xử lý xong?”, bài viết chuyển tải nội dung Văn bản số 318/UBND-TNMT do ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ký về việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng trên địa bàn xã Hồng Kỳ.

Văn bản trên đã cho thấy rõ quyết tâm cao xử lý dứt điểm vụ việc trên của lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn.

Đồng thời, UBND huyện phê bình đồng chí Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ để xảy ra việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn, mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để.

tm-img-alt
Khu vực khai thác đất trái phép tại đồi Truyền thanh, xóm 2, xã Hồng Kỳ.

Hiện tại, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Công an huyện điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm.

Trong quá trình điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo đúng quy định của pháp luật.

Thời điểm phóng viên ghi nhận không còn hoạt động khai thác đất trái phép. Tuy nhiên, tàn tích của nó để lại là những hố sâu ngập nước, những khoảng đất nham nhở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và gia súc. Và đặc biệt hơn hết là ai sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn?

Việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường ban đầu, đạt tiêu chuẩn về an toàn môi trường, phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

Theo Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ... Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính chính trị và xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc.

Theo quy định của pháp luật, đối với dự án khai thác khoáng sản được cấp phép, trong quá trình khai thác, các chủ dự án phải thực hiện các biện pháp, kế hoạch cải tạo phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt; kết thúc khai thác, các chủ dự án thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn đóng cửa mỏ.

Thế nhưng, đối với việc khai thác khoảng sản trái phép tại khu vực đồi Truyền Thanh, xóm 2, xã Hồng Kỳ nếu như không tìm được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm thì việc cải tạo, phục hồi môi trường sẽ vô cùng khó khăn.

Để "đất tặc" hành hoành suốt một thời gian, trước hết phải nói đến trách nhiệm của địa phương, cụ thể là Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ. Được biết, hiện trên địa bàn xã Hồng Kỳ có lắp 3 camera giám sát an ninh (vị trí khu vực khai thác trái phép có lắp 1 chiếc), không biết quá trình khai thác và vận chuyển đất trái phép cơ quan chức năng xã có ghi nhận được hay không?

Pháp luật đã quy định rõ ràng, đối với UBND cấp xã, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể, cá nhân liên quan nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không có biện pháp giải quyết, ngăn chặn, xử lý dứt điểm để tái diễn, kéo dài.


Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý kịp thời, trở thành điểm nóng, tập trung đông người, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Khai thác đất trái phép không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên, ngân sách nhà nước, tác động xấu đến môi trường mà còn gây ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các đơn vị, doanh nghiệp có phép và không phép. Bởi thời gian làm xong tất cả các thủ tục để bắt đầu khai thác một mỏ đất ít nhất phải cần trên 1 năm, đồng thời các tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác phải nộp nhiều loại thuế, phí nên giá thành đất hợp pháp cao.

Qua đây, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ khối lượng 25.500 m3 khai thác trái phép đã vận chuyển về dự án nào để san lấp.

Ngoài ra, liên quan đến 2 Văn bản số 318/UBND-TNMT ngày 07/02/2024 và Văn bản số 305/UBND-TNMT ngày 06/02/2024 về việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng trên địa bàn xã Hồng Kỳ do UBND huyện ban hành, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã trao đổi qua điện thoại với ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn.

Nội dung cụ thể, sẽ được Môi trường và Đô thị Việt Nam chuyển tải trong bài viết sau.

Bạn đang đọc bài viết Sóc Sơn (Hà Nội): Ai chịu trách nhiệm xử lý phục hồi môi trường sau việc khai thác đất trái phép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...