Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với bão Noru

MTĐT -  Thứ ba, 27/09/2022 08:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 27/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru) – một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua.

tm-img-alt
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 4 sáng 27/9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Tham dự cuộc họp còn có Chủ tịch UBND các tỉnh thành: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai cấp tỉnh.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

Phát biểu ngay đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các tỉnh, thành phố đã triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được giao trong ứng phó với bão số 4. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục triệu tập cuộc họp này để rà soát lại công tác chuẩn bị ứng phó bão và ứng phó với các diễn biến sau bão…

Thủ tướng đặc biệt lưu ý một số nhiệm vụ như: Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ học sinh, khách du lịch; bảo vệ di sản, nhất là phố cổ Hội An; ứng phó với áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão.

Theo báo cáo của lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, đến nay lực lượng đã tổ chức bắn pháo hiệu bão tại 33 điểm. Đồng thời lực lượng biên phòng phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 phương tiện với 299.678 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 4 đến chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Bộ đội biên phòng các tỉnh Quảng Nam, Bình Định đã tổ chức lực lượng phối hợp với địa phương chằng chống 650 nhà dân. Đồng thời tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các bến, âu cảng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và tránh va đập gây chìm đắm.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, đến 4h00 ngày 27/9, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên - Huế - Bình Định khoảng 470km về phía Đông với sức gió cấp 14, giật cấp 16, tốc độ 20-25km/h.

Dự báo bão di chuyển nhanh 20-25km/h, mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17. Bão đổ bộ các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định với gió cấp 12-13, giật cấp 14-15 vào rạng sáng 28/9 (rủi ro thiên tai cấp 4); thời gian lưu bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng.

Sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m từ Thừa Thiên - Huế - Bình Định từ chiều 27/9. Triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh lúc 23h00 ngày 27/9 là 1,3m (lớn nhất trong tháng).

Đến nay, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán 398.556 người ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 4. Các tỉnh thành từ Quảng Trị - Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, bão số 4 tương tự về đường đi và cường độ bão Xangsane đầu tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng (gió mạnh cấp 12, giật cấp 14) làm 76 người chết, mất tích; 350.000 nhà bị sập đổ, hư hại; thiệt hại vật chất trên 10.000 tỷ đồng.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, đến nay gần như toàn bộ diện tích lúa và 85% diện tích thủy sản đã được thu hoạch. Chỉ còn 3 tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm nhưng dự kiến 10h sẽ thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Tỉnh Quảng Nam đã di dời hơn 44.000 hộ dân đến vùng an toàn. Các hồ thủy điện đang ở mực nước thấp, nên có thể yên tâm về khả năng đón lũ với 900 triệu mét khối nước. Lực lượng thanh niên xung kích với 12.000 người đã sẵn sàng ứng phó với bão số 4.

Tại cuộc họp, ông Trần Lộc, lãnh đạo phường Tân An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, đây là phường ven biển, địa phương sẽ cố gắng cao nhất, tập trung chằng chống nhà cửa, di dời dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và hạn chế thấp nhất tài sản, ảnh hưởng tới di sản Hội An, các ngôi nhà cổ.

Còn lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, đến nay còn 17 hộ dân chưa di dời, huyện không di dời tập trung mà xen ghép với các hộ dân khác. Thủ tướng yêu cầu nếu tình hình căng thẳng, có thể tính tới phương án di dời dân vào đất liền. Lãnh đạo huyện đảo cho biết nếu cần, có thể huy động hầm quân sự để người dân tránh trú.

Bình Minh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với bão Noru. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành