Chủ nhật, 28/04/2024 03:55 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/12/2023

MTĐT -  Thứ tư, 20/12/2023 17:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 20/12/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao...

Hà Nội dự kiến giảm 70 xã, phường sau khi sáp nhập

Vietnamnet đưa tin, chiều 20/12, thông tin tại hội nghị tổng kết ngành nội vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí Hà Nội có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Thành phố đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Bộ Nội vụ thống nhất thông qua.

Lãnh đạo thành phố cho biết, theo phương án tổng thể, sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến có 509 đơn vị hành chính cấp xã (321 xã, 168 phường, 20 thị trấn), dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã (54 xã, 15 phường, 01 thị trấn).

“Sau khi sắp xếp, thành phố sẽ phải thực hiện bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công tương đối lớn”, ông Hải cho hay.

Để giải quyết hiệu quả các vấn đề cơ bản sau sắp xếp giai đoạn tới, ông Hải nhấn mạnh, thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các nội dung khác có liên quan về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

tm-img-alt
Hà Nội dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.

Hiện tại, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã định hướng xây dựng các phương án luân chuyển, điều động sắp xếp phù hợp, UBND Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Song song với việc xây dựng Đề án phải rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế;

“Việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức mới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư phải có lộ trình phù hợp với đặc thù của từng địa phương và thời hạn quy định”, ông Hải cho hay.

Cùng với đó, UBND thành phố cũng tiếp tục triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Hai thanh niên trả lại 100 triệu đồng cho người đánh rơi

Sáng 19/12, thông tin từ Công an phường Xuân Phú và Công an phường Phú Hội, thành phố Huế cho biết, đơn vị đã tiến hành thủ tục trao trả lại 100 triệu đồng cho chị Đoàn Thị Yến Nhi, sinh năm 1993, trú tại phường Xuân Phú, thành phố Huế không may đánh rơi.

Trước đó, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 16/12, Công an phường Xuân Phú, thành phố Huế tiếp nhận tin báo của chị Đoàn Thị Yến Nhi về việc khoảng 22 giờ cùng ngày, chị đón xe taxi từ đường Bà Triệu đi đến đường Lê Lợi, thành phố Huế và để quên 1 chiếc ví bên trong có 100 triệu đồng trên xe nhưng khi liên hệ hãng xe taxi thì không thấy.

tm-img-alt
Chị Đoàn Thị Yến Nhi nhận lại số tiền do anh Đoàn và anh Ngọc nhặt được. (Ảnh: Văn Thắng).

Qua xác minh, anh Lê Bá Đoàn (SN 2002) và anh Ngô Tuấn Ngọc (SN 2000, cùng trú tại phường Vỹ Dạ, TP Huế) nhặt được số tài sản nói trên và mang đến trình báo Công an phường Phú Hội.

Tại buổi tiếp nhận lại tiền bị đánh rơi, chị Đoàn Thị Yến Nhi đã bày tỏ niềm vui mừng, xúc động và gửi lời cảm ơn đến các anh Lê Bá Đoàn, Ngô Tuấn Ngọc cùng lực lượng Công an thành phố Huế.

Được biết, Công an thành phố Huế đang xét khen thưởng các anh Lê Bá Đoàn, Ngô Tuấn Ngọc để tôn vinh và lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng.

Từ ngày 29/12 tăng giá vé tại 41 dự án BOT

Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang làm việc với các doanh nghiệp dự án BOT về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án trên nguyên tắc bảo đảm không vượt quá quy định tại Thông tư 28/2021.

Theo dự kiến, giá vé tại các tuyến huyết mạch như Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ tăng 18% so với hiện tại. Xe dưới 9 chỗ qua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phải trả phí cao hơn 5% (từ 2.000 đồng/km lên 2.100 đồng) và tăng 22.000 đồng khi qua hầm Đẻo Cả (từ 88.000 đồng lên 110.000 đồng).

tm-img-alt
Phương án tăng phí sử dụng cầu đường đề xuất, giá cước vận tải
trên các tuyến đường BOT sẽ tăng 0,2-1,4% so với hiện tại

Trên quốc lộ 1 có 25 dự án BOT sẽ điều chỉnh phí gồm đoạn Hà Nội - Bắc Giang, đoạn tránh Phủ Lý (Hà Nam), đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát (Thanh Hóa), cầu Bến Thủy, tuyến tránh Đồng Hới...

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, với phương án tăng phí sử dụng cầu đường đề xuất, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng 0,2-1,4% so với hiện tại.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý 54 dự án BOT. Hầu hết dự án đạt doanh thu thấp, không đủ bù đắp chi phí, trả lãi vay tín dụng. Nhà đầu tư phải dùng vốn tự có để bù đắp dòng tiền thiếu hụt. Sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp BOT không còn vốn tự có để trả lãi vay, gây nợ xấu cho tổ chức tín dụng.

Năm 2022, trong 54 dự án, chỉ có 7 dự án đạt doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30-100% và 4 dự án đạt dưới 30%.

Đầu tháng 12, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận điều chỉnh giá vé tại các dự án BOT theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam. Bộ yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát danh sách các chủ xe trong diện miễn, giảm giá vé và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh, thông báo công khai.

Cà phê, hồ tiêu lập kỷ lục về giá

Báo Đồng Nai đưa tin, khoảng 1 tháng trở lại đây, mặt hàng hồ tiêu liên tục tăng giá. Hiện giá mua hạt tiêu của thương lái dao động từ 82,5-86 ngàn đồng/kg, tăng thêm khoảng 20 ngàn đồng/kg so với những tháng trước đó.

Giá hồ tiêu tăng cao nhưng nông dân trồng hồ tiêu ở Đồng Nai chưa được hưởng lợi vì phải hơn 1 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch. Nguồn tiêu trữ trong nông dân hiện nay cũng không nhiều.

tm-img-alt
Nông dân tại H.Cẩm Mỹ phơi tiêu.

Tuy phấn khởi vì mặt hàng hồ tiêu sốt giá trước kỳ thu hoạch nhưng nông dân vẫn lo lắng vì năng suất giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết thất thường; chi phí đầu tư chăm sóc lại tăng cao do giá nhân công, vật tư nông nghiệp không ngừng leo thang.

Ngoài hồ tiêu, cà phê cũng hình thành mặt bằng giá mới khi cà phê nhân xô đang được thương lái thu mua với mức gần 70 ngàn đồng/kg, mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá các mặt hàng hồ tiêu, cà phê tăng do ảnh hưởng của thị trường thế giới cung thấp hơn cầu.

Nâng cấp loạt vỉa hè, hẻm trung tâm TP HCM

VnExpress đưa tom. Gần 80 vỉa hè, tuyến hẻm ở quận 1 bị sụp lún, vỡ gạch, bong tróc sẽ được chỉnh trang, lát đá granite, tạo mỹ quan đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 220 tỷ đồng.

Thông tin được ông Phạm Quách Trường Giang, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 1 cho biết ngày 18/12.

tm-img-alt
Gạch lát vỉa hè đường Phạm Ngũ Lão, trước công viên 23 Tháng 9 bị vỡ, mặt đường lồi lõm sau nhiều năm không được cải tạo.

Theo ông Giang, nhiều vỉa hè đã chục năm không được cải tạo, sửa chữa nên bị hư hỏng, cộng thêm xe cộ chạy lên khiến chúng thêm xuống cấp. Bên cạnh đó, một số nơi trước đây lát gạch Terrazzo bằng xi măng độ bền thấp lâu ngày bị rễ cây đội lên gây nứt, vỡ.

Theo kế hoạch, 12 vỉa hè và 64 hẻm sẽ được cải tạo trong năm 2024-2025 gồm đường Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Chiêm, Nguyễn Trãi... và các tuyến hẻm thuộc 10 phường của quận 1.

Các vỉa hè sẽ được lát đá granite, gia cố nền đường, thay thế hệ thống thoát nước cũ, đổ bê tông, lót gạch mới. Thời gian thi công sẽ triển khai đồng loạt từ đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư khoảng 220 tỷ đồng. "Việc này sẽ giúp các tuyến vỉa hè khang trang hơn, tạo sự đồng bộ cho vỉa hè khu vực trung tâm TP HCM", ông Giang nói.

Ngoài việc nâng cấp, gần đây quận 1 cũng kẻ vạch trên vỉa hè hàng loạt tuyến đường để thu phí sử dụng lòng đường, hè phố từ đầu năm sau. Quận trung tâm thành phố hiện có 155 tuyến đường, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần làm điểm giữ xe, kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa có thu phí và không thu phí.

Phí dịch vụ thoát nước tại TP HCM tăng 5%

Tin trên VnExpress, phí dịch vụ thoát nước năm 2024 tại thành phố tăng từ 20% lên 25% trên hóa đơn, đồng nghĩa người dân xài 100.000 đồng nước sạch cần trả thêm phí 25.000 đồng.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải ở thành phố áp dụng từ đầu năm tới sẽ tăng 5% so với hiện nay, từ 20% lên 25% trên đơn giá cấp nước. Việc tăng phí dịch vụ này nhằm thực hiện theo lộ trình mỗi năm thêm 5% của thành phố, trong giai đoạn 2022-2025.

Khoản tiền trên được Sawaco thu hộ, thông qua khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng của người dân ghi trên hoá đơn. Điều này đồng nghĩa khi sử dụng 100.000 đồng nước sạch, người dân cần đóng thêm 25% phí thoát nước và xử lý nước thải, tương đương 25.000 đồng.

tm-img-alt
Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở nhà máy nước Thủ Đức. Ảnh: Hương Hà

Ngoài ra, trong phí dịch vụ này sẽ tính thêm thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức 8% trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng lên 10% vào 6 tháng cuối năm.

Trước đó, từ ngày 15/11/2019, giá bán nước sạch ở thành phố giai đoạn 2019-2022 đã tăng trung bình 5-7% mỗi năm, sau đề xuất của Sawaco. Đơn vị này cho biết giá nước từ năm 2013 đến 2019 chưa được điều chỉnh khiến tình hình tài chính bị ảnh hưởng khi phải đảm bảo, duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện "nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội".

Hiện, giá nước sạch ở TP HCM theo định mức thấp nhất cho hộ gia đình sử dụng 4 m3 mỗi người mỗi tháng là 6.700 đồng/m3, định mức 4-6 m3 là 12.900 đồng/m3; từ 6 m3 trở lên là 14.900 đồng/m3. Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể giá 13.000 đồng/m3. Đơn vị sản xuất giá 12.100 đồng/m3. Đơn vị kinh doanh, dịch vụ giá 21.300 đồng/m3.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề