Thứ năm, 02/05/2024 19:56 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/12/2023

MTĐT -  Thứ tư, 20/12/2023 16:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Bắt đầu từ ngày 1/2/2024, mức thu phí sử dụng đường bộ mới sẽ được áp dụng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2023/NĐ-CP quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ; trong đó, Nghị định quy định rõ mức thu phí sử dụng đường bộ đối với từng loại phương tiện.

Theo đó, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: Xe ôtô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (ôtô).

Xe ôtô nêu trên trong một số trường hợp không chịu phí sử dụng đường bộ.

tm-img-alt
tm-img-alt

Nghị định nêu rõ, mức thu của 1 tháng năm thứ 2 (từ tháng thứ 13 đến tháng thứ 24 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 92% mức phí của 1 tháng trong biểu nêu trên.

Mức thu của 1 tháng năm thứ 3 (từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 36 tính từ khi đăng kiểm và nộp phí) bằng 85% mức phí của 1 tháng trong biểu nêu trên.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Thời gian tính phí theo biểu nêu trên tính từ khi đăng kiểm xe, không bao gồm thời gian của chu kỳ đăng kiểm trước. Trường hợp chủ phương tiện chưa nộp phí của chu kỳ trước thì phải nộp bổ sung tiền phí của chu kỳ trước, số tiền phải nộp = Mức thu 1 tháng x số tháng phải nộp của chu kỳ trước.

Đối với xe ôtô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam (trừ xe ôtô của lực lượng quốc phòng, công an), Nghị định quy định đối với xe ôtô kiểm định lần đầu, thời điểm tính phí sử dụng đường bộ tính từ ngày phương tiện được cấp Giấy chứng nhận kiểm định.

Đối với xe ôtô cải tạo, chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu từ tổ chức sang cá nhân (và ngược lại) thì mức thu phí tính từ ngày chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu theo Giấy chứng nhận đăng ký mới của xe ôtô.

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hải Dương, quy mô 1.668,28 km2 gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (02 thành phố, 01 thị xã và 09 huyện); 235 đơn vị hành chính cấp xã (47 phường, 178 xã và 10 thị trấn).

Mục tiêu phát triển tổng quát là phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm.

tm-img-alt
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 8,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 582 nghìn tỷ đồng.

Về xã hội: Quy mô dân số đạt khoảng 2,55 triệu người với dân số tăng bình quân khoảng 2,9%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48%. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia phấn đấu các cấp mầm non đạt trên 90%; tiểu học đạt 100%; trung học cơ sở đạt trên 95%; trung học phổ thông đạt trên 90%.

Về bảo vệ môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng từ 5,2% đến 5,6%. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%.

Về kết cấu hạ tầng: phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cấp điện, cấp thoát nước… bảo đảm cho nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; hệ thống đê điều, hồ đập an toàn. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Về phương hướng phát triển ngành công nghiệp, Quyết định nêu rõ, phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm: (i) Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; (ii) Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; (iii) Tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; (iv) Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.

Phương hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như sau:

Ngành cơ khí chế tạo: đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao như: kim loại chất lượng cao, kim loại màu phục vụ công nghiệp, sản xuất động cơ, sản phẩm cơ khí chính xác, công nghiệp ô tô, các loại máy xây dựng, máy móc công nghiệp, điện tử, tiến tới sản xuất ô tô điện, các máy móc công nghệ cao và robot…

Ngành điện, điện tử: đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn trong ngành thiết bị gia dụng, thiết bị điện tử thông minh, tiến tới sản xuất các sản phẩm cảm biến và sản xuất vi mạch điện tử (chip) quy mô lớn.

Ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao: tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao trên thế giới, trong đó ưu tiên ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử để tận dụng tiềm năng liên kết vùng hiện có và năng lực cung ứng nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong tỉnh. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp sản xuất bán thành phẩm, phụ tùng, linh kiện, cụm linh kiện cao cấp, lắp ráp phụ trong ngành sản xuất xe có động cơ, máy móc công nghiệp, điện tử, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị ngoại vi, bo mạch, màn hình, thiết bị chuyên dụng cho ngành thiết bị điện tử, gia dụng.

Phát triển công nghiệp theo 3 vùng: (i) Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại huyện Bình Giang, huyện Thanh Miện; (ii) Vùng công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Hải Dương, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng; (iii) Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, huyện Nam Sách, huyện Thanh Hà, huyện Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Theo Quy hoạch, phát triển nông nghiệp theo 6 vùng: (i) Vùng canh tác rau vụ đông tại huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn; (ii) Vùng cây ăn quả chủ lực tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh; (iii) Vùng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ tại huyện Ninh Giang, huyện Tứ Kỳ, huyện Gia Lộc; (iv) Vùng trồng lúa tập trung chất lượng cao tại huyện Thanh Miện, huyện Bình Giang; (v) Vùng chăn nuôi chủ lực tại huyện Cẩm Giàng, huyện Thanh Hà, huyện Gia Lộc và thành phố Chí Linh; (vi) Vùng nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tứ Kỳ, huyện Thanh Miện, huyện Ninh Giang, huyện Kim Thành, huyện Bình Giang, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh.

Đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Phấn đấu đưa Hải Dương trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Quy hoạch nêu rõ, phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó: 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị, bao gồm: 01 đô thị loại I là thành phố Hải Dương; 01 đô thị loại II là thành phố Chí Linh; 01 đô thị loại III là thị xã Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 07 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu, 2 đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn.

Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó: chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản; thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lâm Đồng có kế hoạch đầu tư hơn 11.000 tỷ vào nhà ở đến năm 2024

Theo kế hoạch, năm 2024 tỉnh đặt mục tiêu tăng thêm gần 1.150.000 m2 sàn nhà ở, tức khoảng 16.334 căn. Bao gồm 3.160 căn nhà ở thương mại; 1.236 căn nhà ở xã hội; 704 căn nhà ở tái định cư và 11.190 nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây. 

Về nguồn vốn thực hiện, Lâm Đồng dự báo tổng số vốn phát triển nhà ở năm 2024 vào khoảng 11.047 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở thương mại 3.161 tỷ đồng; nhà ở xã hội 653 tỷ đồng; nhà tái định cư 388 tỷ đồng và nhà ở do người dân tự xây khoảng 6.845 tỷ đồng.

Dự kiến phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng,... Phát triển nhà ở xã hội dùng ngân sách Nhà nước để đền bù giải phóng mặt bằng; xây dựng bằng vốn ngoài ngân sách, vốn xã hội hóa. Còn phát triển nhà ở tái định cư dùng vốn phát triển quỹ đất, ngân sách Nhà nước.

Trong năm tới, địa phương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục quy hoạch, đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tại TP Đà Lạt, một số dự án bao gồm Nhà ở xã hội Sào Nam (phường 11); Nhà ở xã hội Kim Đồng (phường 6); Nhà ở xã hội 5B - CC5 (phường 3 và 4). Còn TP Bảo Lộc có Nhà ở cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Lộc Sơn.

Với nhà tái định cư, tập trung hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng cho 2 dự án tại TP Đà Lạt là Dự án xây dựng nhà ở xã hội An Sơn phục vụ tái định cư (phường 4) và Khu dân cư Đồi An Tôn (phường 5). 

Các huyện, thành phố Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lộc là những nơi có cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đi qua cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai ngay các dự án định cư, qua đó đảm bảo điều kiện khởi công cho 2 dự án đường bộ cao tốc này.

Còn với nhà ở thương mại, tỉnh sẽ rà soát cụ thể từng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Đồng thời, tập trung thu hồi đất tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư; bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và bồi thường giải phóng mặt bằng.

Quảng Trị đầu tư 600 tỷ để mở đường nối giữa Cửa Tùng và Cửa Việt

Theo đề xuất, đây là dự án nhóm B, cơ quan có thẩm quyền cấp quyết định chủ trương đầu tư là Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị và cơ quan có thẩm quyền cấp quyết định đầu tư dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Quy mô đầu tư dự án bao gồm: Đoạn qua khu vực cầu Cửa Tùng, đầu tư xây dựng đoạn từ nút giao đường ven biển và đường ĐT.574 đến điểm đầu của đoạn Cửa Tùng – Cửa Việt. Tuyến thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều dài khoảng 3,16 km.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Tân, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; xã Trung Giang huyện Gio Linh; xã Triệu An huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Dự án dự kiến thực hiện trong thời gian 2024-2025.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết, việc đầu tư dự án sẽ tạo ra trục giao thông kết nối liên vùng, cùng với hệ thống Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển sẽ là hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, tạo ra liên kết vùng về phát triển kinh tế biển.

Tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch từ các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar... về với du lịch biển. Tạo ra quỹ đất rộng lớn để từng bước hình thành các khu đô thị, khu du lịch – dịch vụ bờ biển; nhằm kết nối thành phố Đông Hà với các khu dịch vụ du lịch dọc bờ biển Quảng Trị, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, góp phần hình thành và phát triển các khu đô thị vệ tinh dọc hai bên tuyến từ thành phố Đông Hà về đến bờ biển Quảng Trị.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án này thuộc vào giai đoạn 2 dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị. Dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1 đã được HĐND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư và UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2021 và đã khởi công...

Quảng Ngãi sắp có khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất quy mô hơn 7.300 ha

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất. Quy mô dự án khoảng 7.345 ha tại các xã Bình Hải, Bình Châu, Bình Trị, Bình Phước, Bình Hòa, Bình Thanh, Bình Tân Phú thuộc huyện Bình Sơn. Dự án có một mặt giáp biển, phía Bắc giáp nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Dự án được định hướng là khu vực phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ, cửa ngõ phía Đông Nam của Khu kinh tế Dung Quất. Các khu chức năng chính gồm hành chính dịch vụ, tài chính, du lịch, giáo dục. Quy mô dân số của dự án đến năm 2045 là 200.000 người, gần bằng dân số của cả huyện Bình Sơn hiện nay.

Dự án sẽ phát triển các tòa nhà cao tầng như trung tâm hành chính, dịch vụ, nghiên cứu tại trục không gian chính hướng biển. Không gian cây xanh, mặt nước, mặt tiền biển được khai thác xây quảng trường, phố đi bộ hướng biển.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Vùng đệm giữa khu đô thị và khu vực công nghiệp phía Tây sẽ quy hoạch các tổ hợp sân golf, công trình dịch vụ thương mại kết hợp khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Các bến tàu du lịch Vạn Tường, Bình Châu cũng được bổ sung vào quy hoạch.

Với quy mô như trên, dự án trở thành khu đô thị lớn nhất tại Quảng Ngãi, phục vụ cho Khu kinh tế Dung Quất, trung tâm công nghiệp nặng hàng đầu miền Trung.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ Đồ an quy hoạch phân khu theo ý kiến thẩm định của Sở Xây dựng. Tổ chức công bố công khai, cắm mốc giới quy hoạch để các tổ chức, cơ quan liên quan và người dân trong vùng quy hoạch biết...

Quy hoạch phân khu được chia thành 6 tiểu khu chức năng gồm: Khu trung tâm đô thị hiện hữu; Khu đô thị mới kết hợp khu du lịch sinh thái Gành Yến; Trung tâm hỗn hợp thương mại - dịch vụ; Khu đô thị sinh thái kết hợp vui chơi giải trí cao cấp; Khu thương mại - du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu; Khu dân cư hiện hữu và sản xuất nông nghiệp.

TP.HCM chi 220 tỷ đồng nâng cấp vỉa hè, hẻm trung tâm

Ngày 19/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: Gần 80 vỉa hè, tuyến hẻm ở Quận 1 bị sụp lún, vỡ gạch, bong tróc sẽ được chỉnh trang, lát đá granite, tạo mỹ quan đô thị.

Các vỉa hè sẽ được lát đá granite, gia cố nền đường, thay thế hệ thống thoát nước cũ, đổ bê tông, lót gạch mới. Thời gian thi công sẽ triển khai đồng loạt từ đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư khoảng 220 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, 12 vỉa hè và 64 hẻm sẽ được cải tạo trong năm 2024 - 2025 nằm trên các tuyến đường Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Chiêm, Nguyễn Trãi... và các tuyến hẻm thuộc 10 phường của Quận 1.

Ngoài việc nâng cấp, gần đây Quận 1 cũng kẻ vạch trên vỉa hè hàng loạt tuyến đường để thu phí sử dụng lòng đường, hè phố từ đầu năm sau. Quận trung tâm thành phố hiện có 155 tuyến đường, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần làm điểm giữ xe, kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa có thu phí và không thu phí.

tm-img-alt
TP.HCM chi 220 tỷ đồng nâng cấp vỉa hè, hẻm trung tâm. (Ảnh: Internet)

Kết quả kiểm tra ở quận 1 đang có 85 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần hè phố làm điểm giữ xe máy miễn phí, do người dân có mặt tiền ở khu vực đó tự quản.

Đồng thời, 54 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa và 16 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện làm điểm trông giữ xe có thu phí.

Những việc liên quan đến thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè sẽ do Phòng quản lý đô thị quận 1 tham mưu, chủ trì, dựa theo quy định hiện hành và sự hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.