Thứ tư, 01/05/2024 16:51 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/12/2023

MTĐT -  Thứ hai, 04/12/2023 19:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội: Thêm 3 dự án đầu tư nhà ở xã hội với hơn 2.000 căn hộ

Nhu cầu cao, trong khi nguồn cung "nhỏ giọt" khiến cho vấn đề nhà ở xã hội thêm nóng. Để khắc phục, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng nguồn cung, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, Thành phố Hà Nội đã phê duyệt, cập nhật có 12 dự án. Trong đó, 8 dự án đang triển khai dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025; 3 dự án dự kiến hoàn thành sau giai đoạn 2025 và 1 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.

tm-img-alt
Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

UBND TP. Hà Nội cũng phê duyệt, cập nhật 3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

1/ Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT4, CT5 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Dự án có tổng diện tích 2,03 ha, gồm 562 căn hộ. Hiện chủ đầu tư đang chuẩn bị đầu tư thi công xây dựng nhà cao tầng tại ô đất CT4, CT5, dự kiến hoàn thành năm 2024.

2/ Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT6B, Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Dự án có tổng mức đầu tư 1.293 tỷ đồng, trên diện tích 10,85 ha. Dự án có tổng diện tích sàn 33.120 m2 với 552 căn hộ. Dự án đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2027.

3/ Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô CT7 và CT8 Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang 1, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Dự án có tổng mức đầu tư 1.394 tỷ đồng với 937 căn hộ. Hiện đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2027.

Cả 3 dự án nhà ở xã hội trên sẽ cung cấp thêm cho thị trường nhà ở 2.051 căn hộ, được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người dân.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý III/2023, trên địa bàn cả nước đã có 19 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 18.752 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.

Trong đó, có 5 dự án đã hoàn thành với quy mô 850 căn (bằng 176% so với quý II/2023). Có 2 dự án với quy mô 5.223 căn đã khởi công xây dựng.

Ngoài các dự án đã được khởi công nêu trên, trong quý III có 12 dự án với quy mô 12.679 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung hiện chưa đạt mục tiêu là do thiếu quỹ đất, thiếu nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trình tự thủ tục còn nhiều bất cập, nên chưa thu hút các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai. 

Có 3 dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ bỏ barrie đầu vào tại trạm thu phí

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, trong 11 tháng của năm 2023, ngành giao thông đã giải ngân khoảng 71.200 tỷ đồng (4.075 tỷ đồng vốn nước ngoài; 67.125 tỷ đồng vốn trong nước), đạt 75,6% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA, nhà thầu cập nhật tiến độ triển khai chi tiết để chủ động có phương án, giải pháp quản lý, điều hành hiệu quả cho từng dự án; bổ sung thêm các mũi để thi công ngay công trình cầu, hầm chui dân sinh, cống, gia cố mái ta luy... phù hợp với tiến độ thi công nền đường, trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, Bộ đã chấp thuận về nguyên tắc đối với 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo theo mô hình đầu vào không có barrie, đầu ra có barrie, không có làn thu phí hỗn hợp.

tm-img-alt
3 dự án Cao tốc Bắc-Nam sẽ bỏ barrie đầu vào tại trạm thu phí (Ảnh: Internet)

Mặt khác, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi quy định để tiến tới nâng tốc độ khai thác trên một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư lên 90km/h; dự kiến hoàn thành trong quý 1/2024.

Bộ GTVT đã tiếp thu, giải trình, hoàn thiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Ngày 21/11/2023, Ban cán sự đảng Bộ GTVT đã có Tờ trình Ban cán sự đảng Chính phủ về Đề án.

Trong tháng cuối năm 2023, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam sau khi có ý kiến của Ban cán sự đảng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ để đưa vào khai thác vào cuối tháng 12/2023.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ kiểm tra, giám sát, nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, khó khăn, vướng mắc; triển khai xây dựng quy chuẩn về đường cao tốc, đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc; rà soát, bổ sung các định mức trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; hoàn thiện đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT.

Quảng Trị đề xuất xây Quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu La Lay

Bộ GTVT vừa có công văn số 9263/BGTVT – KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị.

Cụ thể, đoạn 1 từ cảng biển Mỹ Thủy đến quốc lộ 1A dài 13,8km, đã có đường cũ quy mô đường cấp III, 2 làn xe; đoạn 2 từ quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8km; đoạn 3 từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài 34km; đoạn 4 trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài 24km; đoạn 5 từ đường Hồ Chí Minh nhánh tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12km, đã có đường cũ quy mô đường cấp IV-VI miền núi. Đoạn 2 và 3 dài 42km chưa xây dựng.

UBND tỉnh Quảng Trị và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tính toán quy mô đầu tư cho hai đoạn này là 42km với tổng mức đầu tư là 6.800 tỉ đồng.

UBND tỉnh Quảng Trị cam kết rằng tuyến 42km là dự án mới, không trùng lặp với các dự án PPP đã được quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã được phê duyệt.

Gần đây, lưu lượng hàng hóa vận chuyển từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay tăng đột biến, đạt tần suất 300 - 400 xe/ngày. Việc đầu tư vào tuyến đường mới sẽ giảm khoảng cách, tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông.

tm-img-alt
Một đoạn Quốc lộ 15D qua Quảng Trị. (Ảnh: Internet)

Trước đó, để phù hợp với quy hoạch được duyệt, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn (8 km) và đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay (12 km), quy mô cấp III, 2 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 1.387 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2024 đến năm 2028).

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, xử lý đề xuất nói trên.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Trị làm Cơ quan có thẩm quyền để đầu tư theo phương thức PPP đoạn Quốc lộ 15 từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 34 km.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa thay mặt Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Cần Thơ bao gồm toàn bộ thành phố Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên là 1.440,40 km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, có 5 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và 4 huyện (Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh).

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL.

tm-img-alt
Đến năm 2050, Cần Thơ trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Cần Thơ sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng. Về xã hội, dân số tăng bình quân khoảng 0,67%/năm; về tài nguyên và môi trường, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%...

Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, Cần Thơ đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển như đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và tư duy kinh tế của doanh nghiệp, người dân gắn với thực hiện chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính (kinh tế số, xã hội số, chính quyền số); Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính chiến lược và lan tỏa.

Bên cạnh đó, thành phố chú trọng thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu phát triển.

Thành phố cũng sẽ tái cấu trúc không gian đô thị, đặc biệt trong các quận trung tâm, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; tạo quỹ đất phát triển những khu vực trọng điểm cấp vùng về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, dịch vụ...

TP.HCM chính thức tiếp nhận tài trợ cầu đi bộ hơn 1.000 tỷ đồng

Trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm và ông Trần Bảo Minh - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood đã ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn.

Theo đó, trong vòng 7 ngày tới, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Công ty Nutifood) sẽ trình tiến độ tổng thể triển khai dự án để Sở Giao thông vận tải TP.HCM thống nhất làm cơ sở triển khai dự án.

Tiếp đến trong vòng 60 ngày, phía doanh nghiệp sẽ trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để Sở Giao thông vận tải xem xét, trình cấp thẩm quyền chấp thuận. Đồng thời, Công ty Nutifood có trách nhiệm đáp ứng các điều kiện về tài chính, nhân sự, năng lực để tổ chức đầu tư xây dựng.

tm-img-alt
Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn hình tượng lá dừa nước - Ảnh: Liên danh Chodai - Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Trần Bảo Minh, Phó phủ tịch Nutifood, cho hay việc đề xuất tài trợ cầu đi bộ là "món quà" mà toàn thể cán bộ nhân viên Nutifood đồng lòng tri ân đến vùng đất cùng hàng triệu người tiêu dùng tại TPHCM và cả nước đã yêu mến, tin tưởng, sử dụng các sản phẩm của công ty trong suốt hơn 20 năm qua.

"Là một doanh nghiệp khởi nghiệp và lớn mạnh từ mảnh đất Sài Gòn, chính điều đó đã hun đúc tình yêu của chúng tôi với nơi đây và nung nấu ước mơ được làm gì đó để mảnh đất này ngày cảng đẹp hơn, đáng sống hơn. Cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn với những giá trị về môi trường, cảnh quan, giá trị về kinh tế mang lại cho người dân, cho thành phố đã biến tâm nguyện của chúng tôi thành hiện thực", ông Minh cảm ơn người dân và lãnh đạo TP đã tạo điều kiện cho Nutifood được làm được cây cầu này.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: “Lãnh đạo TP các thời kỳ đều xác định phát huy tất cả nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng để TP có điều kiện phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh các nguồn lực ngân sách, sự đóng góp từ nguồn lực xã hội cũng rất quan trọng.

Hôm nay được Nutifood quan tâm tài trợ cầu đi bộ nối hai bờ sông Sài Gòn, đây là việc rất ý nghĩa với phát triển kinh tế xã hội của TP. Cầu đi bộ nối hai bờ sông Sài Gòn chỉ là công trình có công năng đi lại mà còn là công trình kiến trúc điểm nhấn của TP. Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn có ý nghĩa về mặt biểu tượng”.

Ông Mãi đề nghị quá trình thi công cầu đi bộ sắp tới cần làm khẩn trương nhưng chặt chẽ. Làm sao thời gian khởi công đảm bảo chậm nhất 30/4/2025, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm khánh thành đưa vào sử dụng.

"Đây là công trình đóng góp sự phát triển TP, để lại đời sau. Lãnh đạo TP giao trách nhiệm Sở Giao thông vận tải TP tiếp tục cùng nhà tài trợ, các sở, đơn vị triển khai, chủ động cùng nhà tài trợ hoàn thành. Quá trình triển khai có phát sinh phải kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết để đảm bảo chất lượng, tiến độ", ông Mãi nói.

Dự án này phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình theo quy định. Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.

Theo dự án được phê duyệt, cầu đi bộ được quy hoạch nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Vị trí phía Quận 1 nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía bờ TP Thủ Đức, chân cầu đi bộ nằm tại phía Nam quảng trường trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đây là công trình được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc. Đến tháng 10/2023, kết quả thi tuyển đã được công bố. Thiết kế được chọn là của liên danh Chodai - Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam.

Phương án thiết kế cầu đi bộ dài hơn 500m theo hình tượng lá dừa nước, tối ưu hệ thống cột dưới lòng sông và đưa hệ cột về gần bờ tạo tĩnh không dưới nước lớn, tầm nhìn người đi bộ trên cầu rất thông thoáng.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới