Thứ bảy, 27/04/2024 22:20 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/12/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 01/12/2023 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội: Khánh thành công trình cải tạo vườn hoa Tao Đàn

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên.

Dự buổi lễ còn có Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén và đại diện các đại sứ quán quốc gia Mỹ La tinh tại Việt Nam.

tm-img-alt
Lãnh đạo thành phố và Đại sứ Cuba gắn biển công trình vườn hoa Tao Đàn

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết, Vườn hoa Tao Đàn có diện tích 1.550 m2, nằm trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, vị trí giao của phố Lý Thường Kiệt, Phan Huy Chú và Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm.

Vườn hoa có vai trò kết nối không gian kiến trúc cảnh quan khu vực với các công trình quan trọng như trường Đại học Dược, quần thể Đại học Tổng hợp.

Ông Linh cho biết, dự án Cải tạo vườn hoa Tao Đàn, quận Hoàn Kiếm với mục tiêu tạo ra một không gian sinh hoạt cộng đồng hiện đại, có tính kết nối cao với hệ thống hạ tầng trong khu vực, tăng tính thẩm mỹ nhằm tạo ra một diện mạo cảnh quan mới trên địa bàn.

Đồng thời phát huy giá trị không gian cây xanh trong đô thị, tăng khả năng kết nối các công trình xung quanh tạo thành cụm công trình có giá trị và phát huy hiệu quả của cụm công trình Đại học Dược, quần thể Đại học Tổng hợp.

Công trình đã được khởi công ngày 8/8/2023 và hoàn thành ngày 5/11/2023. Trong suốt quá trình triển khai thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận đã chỉ đạo đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát phải đặc biệt chú trọng đến công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, Dự án cải tạo vườn hoa Tao Đàn là một trong 13 dự án cải tạo vườn hoa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cải tạo trong giai đoạn 2021 - 2025.

Quận Hoàn Kiếm hy vọng, sau khi được chỉnh trang, nơi đây không chỉ là điểm dừng chân của những người anh em Cuba khi đến thăm Thủ đô Hà Nội, mà còn là nơi quảng bá, giới thiệu những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Cuba nói riêng và các nước Mỹ Latinh nói chung, cũng là địa điểm thân thuộc, gần gũi với người dân Thủ đô, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực.

Dừng thực hiện dự án ở hai dự án "Đất vàng" trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội

Theo Báo cáo số 3405/UBND-TH ngày 13/10/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc trả lời kiến nghị của cử tri quận Cầu Giấy liên quan tới tiến độ thực hiện dự án tại 02 ô "đất vàng" N14, N15 trên đường Lê Văn Lương.

Cụ thể, hai ô đất này có tổng diện tích hơn 12.500 m2, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 11/08/2016. Đây là dự án đầu tư xây dựng công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Louis làm chủ đầu tư. Tuy nhiên quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án có phát sinh đơn thư phải xem xét giải quyết.

tm-img-alt
Hai ô đất N14, N15 ngay chân cầu vượt Lê Văn Lương

Căn cứ báo cáo của thanh tra thành phố về xem xét giải quyết đơn thư, tháng 2/2020, UBND thành phố đã có chỉ đạo về việc dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án. Về việc xử lý các nội dung tồn tại của dự án, thành phố đã giao các sở, ngành rà soát quy định hiện hành để tham mưu đề xuất hướng xử lý, giải quyết.

Đáng nói ở chỗ, từ năm 2018, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có loạt bài phản ánh hàng loạt dấu hiệu vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án này như: việc nhà nước đứng ra thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án thương mại có phù hợp quy định pháp luật về đất đai hay không? Nhà nước nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vì phải bố trí tái định cư khi thu hồi đất cho một dự án thương mại? …

Năm 2009, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội (một công ty thành viên của Handico - công ty trực thuộc UBND TP. Hà Nội) làm chủ đầu tư, lập dự án công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại ô đất 5.1 – NO và 5.5 – NO (sau được đánh kí hiệu thành N14, N15).

Ngày 10/6/2016, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có văn bản 3011/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Văn Lương. Tại quyết định này, hai ô đất 5.1 – NO và 5.5 – NO được đánh kí hiệu thành N14, N15 và tiếp tục giao cho công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội tiếp tục làm chủ đầu tư. Ấy nhưng chỉ hai tháng sau đó, ngày 11/08/2016, UBND TP. Hà Nội lại có văn bản chấp thuận cho công ty cổ phần đầu tư thương mại Louis (công ty Louis) làm chủ đầu tư dự án.

Giảm áp lực lên mạng lưới đường bộ bằng phương tiện giao thông xanh, thông minh

Ngày 30/11, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Di chuyển thông minh”.

Những năm gần đây, ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra phổ biến vào giờ cao điểm, cùng sự gia tăng của tỷ lệ tai nạn giao thông cũng như khí thải từ các phương tiện… Tình trạng này đã lan đến các đô thị nhỏ hơn như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng và nhiều thành phố trực thuộc tỉnh.

Có nhiều lý do khiến dịch vụ vận tải hành khách công cộng, điển hình là xe buýt chưa tạo "lực hút" đông đảo người dân; trong đó phải kể đến cơ sở hạ tầng còn yếu, tiếp cận xe buýt khó khăn. Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải khai thác hệ thống giao thông công cộng hiệu quả hơn và khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông sạch hơn như xe điện, xe đạp.

Giảm áp lực lên mạng lưới đường bộ bằng phương tiện giao thông xanh, thông minh
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam trình bày tham luận.

Trình bày tại Hội thảo, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam đã làm rõ những kết quả trong thực hiện thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.

Cụ thể, về hiệu quả bảo vệ môi trường, từ tháng 12/2021 tới thời điểm hiện tại, tổng quãng đường mà hệ thống xe đạp này đã thực hiện là hơn 6 triệu km, tương đương giảm 183 nghìn kg CO2/năm, tương đương lượng hấp thụ của 8.749 cây xanh.

Về kết nối giao thông công cộng, có 105 trạm được kết nối với các bến Metro, xe buýt, BRT với hơn 402 nghìn chuyến, chiếm tỉ trọng 32,9% chuyến đi xe đạp. Đáng chú ý đã có hơn 84 nghìn người nước ngoài sử dụng, trải nghiệm với 156.103 chuyến tham quan. Bên cạnh đó, 16,9% hoạt động sử dụng để đi làm.

Theo ông Đỗ Bá Dân, xe đạp công cộng là hình tượng kết nối hàng đầu về giao thông công cộng; là phương thức tối ưu di chuyển kết hợp - kết nối hiệu quả với phương tiện cá nhân và vận tải công cộng. Để phát huy hiệu quả từ mô hình này, cần phát triển đồng bộ 10 mô hình di chuyển xanh, gồm các mạng lưới: Metro, xe buýt, xe đạp, xe Scooter điện, phố đi bộ, đường dành cho người đi bộ, bãi đỗ xe, lòng đường, vỉa hè đỗ xe, mạng lưới vỉa hè cho thuê, thu phí nội bộ, bến metro cho thuê xe máy điện công cộng.

Để đẩy mạnh di chuyển xanh, thông minh, ông Đỗ Bá Dân cho rằng, cần có quy định rõ và bổ sung các không gian đi bộ phục vụ người dân di chuyển, tiếp cận với các mô hình xanh khác bởi đi bộ là một phần không thể thiếu trước khi tiếp cận và sau khi sử dụng các mô hình di chuyển xanh khác; đồng thời quy hoạch rõ vị trí bãi đỗ xe, lòng đường, vỉa hè xe phục vụ nhu cầu đỗ xe của người dân.

Giảm áp lực lên mạng lưới đường bộ bằng phương tiện giao thông xanh, thông minh
Ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Advantech Việt Nam Technology tham luận.

Làm rõ hơn về lợi ích của phương tiện di chuyển thông minh, cũng tại Hội thảo, ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Advantech Việt Nam Technology đã chia sẻ về hiệu quả vận hành xe bus điện thông minh.

Ông Đỗ Đức Hậu cho biết, đô thị nói riêng và đô thị Hà Nội nói chung hiện đang chịu nhiều áp lực liên quan đến hạ tầng, giao thông, môi trường, đây là thách thức lớn cần giải quyết. Bên cạnh những vấn đề trên, các đô thị cũng có nhiều thuận lợi về công nghệ, đó chính là yếu tố quan trọng có thể tận dụng để xây dựng đô thị thông minh với nhiều tiện ích thông minh.

Với lợi thế của mình, trong thời gian qua, Công ty đã làm việc với Tập đoàn Vingroup để vận hành hệ thống xe bus điện tại Việt Nam. Trong 3 năm vận hành, xe bus điện đã thể hiện được lợi ích, phục vụ 44 triệu hành trình di chuyển; giảm phát thải 23.000 tấn khí C02 tương đương với hơn 1 triệu cây xanh.

Hệ thống xe bus điện hiện nay được trang bị nhiều công nghệ bên trong gồm: Máy tính trung tâm; camera AI giám sát hành vi, hỗ trợ lái xe an toàn; hệ thống tự động thông báo qua GPS; hệ thống wifi; màn hình cung cấp giải trí… Theo kết quả khảo sát, trên 90% số người dân tỏ ra hài lòng với dịch vụ và những trải nghiệm khi sử dụng xe bus điện.

Trong thời gian tới, ông Hậu cho rằng hệ thống xe bus điện vẫn sẽ là giải pháp góp phần giải tỏa áp lực cho giao thông đô thị. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ cần nỗ lực hơn nữa để phát triển mạng lưới, cập nhật những xu hướng công nghệ để khai thác hiệu quả mô hình giao thông này.

Giảm áp lực lên mạng lưới đường bộ bằng phương tiện giao thông xanh, thông minh
TS CHONG Chee Chung, Giám đốc Kỹ thuật, Khối giải pháp đô thị của ST Engineering của Singapore trình bày tham luận.

Cũng tại Hội thảo, TS CHONG Chee Chung, Giám đốc Kỹ thuật, Khối giải pháp đô thị của ST Engineering của Singapore đã trình bày tham luận “Xu hướng di chuyển thông minh và kinh nghiệm triển khai tại Singapore và các nước chấu Á”.

Ông James Cochrance, Trưởng bộ phận phát triển kinh doanh, Đông Nam Á và Hàn Quốc, Công ty what3words trình bày tham luận chủ đề “Giải pháp thúc đẩy di chuyển thông minh của what3words”.

Giảm áp lực lên mạng lưới đường bộ bằng phương tiện giao thông xanh, thông minh
Toàn cảnh Hội thảo.

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, thúc đẩy một số giải pháp phát triển giao thông xanh, thông minh nhưng chưa thật sự hiệu quả nhưu mong muốn. Do đó, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng thay đổi tư tưởng đã bám rễ trong lối sống của cư dân thành thị kiểu cũ.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp mà các nhà quản lý có thể tập trung giải quyết được bài toán giao thông đô thị trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay đó là tích hợp phát triển giao thông với phát triển đô thị.

Giải pháp này có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho đô thị và cư dân đô thị. Trước hết, giúp tối ưu hóa dòng giao thông trong đô thị, giảm ùn tắc và thời gian di chuyển của người dân và hàng hóa, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông xanh, thông minh… qua đó làm giảm áp lực lên mạng lưới đường bộ và giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Nghệ An tìm kiếm nhà đầu tư khu nhà ở 315 tỷ tại huyện Quỳnh Lưu

Theo thông báo mời nhà đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, dự án nhà ở tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu có tổng diện tích sử dụng đất là 7,41 ha. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án 296,87 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 18,723 tỷ đồng.

Sản phẩm dịch vụ cung cấp bao gồm: nhà ở thấp tầng khoảng 110 căn, xây thô và hoàn thiện mặt ngoài với tổng diện tích 1,34ha; nhà văn hóa cao 1 tầng với diện tích đất 700 m2; trường mầm non cao 2 tầng, diện tích đất 0,13ha; hệ thống cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án trước 8 giờ ngày 29/12/2023.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cho phép gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với 33 dự án. Trong đó, gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng đối với 21 dự án; gia hạn 18 tháng đối với 1 dự án; gia hạn 15 tháng đối với 3 dự án; gia hạn 12 tháng đối với 7 dự án và gia hạn 3 tháng đối với 1 dự án.

Đắk Lắk: Nhiều chính sách ưu đãi xây nhà ở xã hội cho người lao động

Lãnh đạo Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết, tĩnh đã chỉ đạo và hoàn thiện chính sách, điều kiện hỗ trợ, và ưu đãi nhằm thúc đẩy người lao động trong việc mua nhà ở xã hội. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung vào việc thu hút và vận động các chủ đầu tư tham gia dự án đô thị, tổ chức giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng các công trình.

tm-img-alt
Tỉnh Đắk Lắk đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp và chính sách ưu đãi để thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động trên địa bàn.

Chủ trương chung của tỉnh là thực hiện ba hình thức đầu tư cho nhà ở xã hội, bao gồm đầu tư từ ngân sách nhà nước; từ doanh nghiệp và hợp tác xã; từ hộ gia đình và cá nhân bỏ vốn. Sở Xây dựng Đắk Lắk đang tiến hành các bước để hoàn thiện chính sách, đồng thời vận động đầu tư và theo dõi tiến độ các công trình nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, Sở cũng đã phối hợp với các chủ dự án đô thị để áp dụng 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng để xây dựng nhà ở xã hội. Điều này giúp khuyến khích các dự án triển khai đúng tiến độ, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội và cấu trúc giá thành hợp lý để người lao động có thu nhập thấp cũng có thể mua được nhà ở.

Nhằm khuyến khích nguồn lực xã hội, Nhà nước sẽ ưu đãi các chủ đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, bao gồm miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn giảm thuế và hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình đăng ký mua nhà ở xã hội, Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn chủ đầu tư tập hợp thông tin và danh sách người lao động có nhu cầu, đồng thời tiến hành đánh giá để chọn lựa các đối tượng phù hợp với yêu cầu và điều kiện mua nhà ở xã hội. Các đối tượng ưu tiên bao gồm công nhân đang làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp được ưu tiên xem xét, cùng với các đối tượng chính sách xã hội và người lao động trên địa bàn.

Kon Tum: Tuyến tránh nghìn tỷ xuất hiện hàng loạt ổ gà

Theo ghi nhận của phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, tuyến tránh TP Kon Tum mặt đường xuất hiện hàng chục ổ gà lớn nhỏ, nhiều ổ gà có kích thước lớn khoảng 40cm. Nhiều đoạn mương thoát nước bị hư hỏng, vỡ nát, mặt đường có nhiều chỗ bị rạn nứt, bong tróc lớp bê tông nhựa.

tm-img-alt

Liên quan đến sự việc trên, trước đó Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải bài viết “Kon Tum: Nhiều điểm bị hư hỏng trên đường tránh nghìn tỷ” nhằm phản ánh một số hạng mục bị hư hỏng trên tuyến tránh TP Kon Tum.

Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã đăng ký làm việc với Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum. Tại đây ông Đặng Minh Sáng, Chánh Văn phòng Sở hướng dẫn phóng viên liên hệ làm việc với đơn vị quản lý dự án là Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum.

Theo thông tin mà đơn vị quản lý dự án cung cấp, sau khi nhận được phản ánh của báo chí vào ngày 30/9/2023. Ban QLDA đã tổ chức kiểm tra và ghi nhận các nội dung phản ánh của báo chí; Đến nay một số hư hỏng đã được nhà thi công sửa chữa khắc phục tuy nhiên vẫn còn một số vị trí chưa được nhà thầu khắc phục triệt để như phản ánh của Quý báo (mặt đường một số vị trí xuất hiện ổ gà, một số điểm mương thoát nước bị hư hỏng, vở nát).

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết, lưu lượng xe có tải nặng lưu thông trên tuyến tương đối lớn và một phần do thời tiết mưa nhiều nên các đơn vị thi công chưa kịp thời sửa chữa khắc phục khi mới bắt đầu có hiện tượng hư hỏng. Trách nhiệm chính cho việc để xảy ra các tồn tại nêu trên thuộc về các đơn vị thi công công trình.

TP Hồ Chí Minh: Vận hành tuyến metro số 1 vào tháng 7/2024

Chiều 30/11, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hoàng Mai Tùng Phó Giám đốc Ban Ban Quản lý Dự án 1- Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (Ban QLĐSĐT) khẳng định, tháng 7/2024 sẽ đưa tuyến Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên vào vận hành thương mại.

Ông Hoàng Mai Tùng cho biết, hiện lũy kế tổng khối lượng thực hiện toàn Dự án đạt 96,84%, lũy kế khối lượng thi công của từng gói thầu: CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 99,97%; CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,73%; CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 98,18%; CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 93,5%.

Thông tin cụ thể từng nhóm thi công, ông Tùng cho hay, các nhà thầu xây dựng cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo hoàn thành trong năm 2023, còn lại 2 hạng mục là tòa nhà điều hành cho Công ty O&M và cầu bộ hành sẽ hoàn thành vào cuối Quý 1/2024.

Về một số vướng mắc của nhà thầu CP3 đang được Ban Quản lý và nhà thầu phối hợp giải quyết theo Hợp đồng. Các khác biệt về cách hiểu Hợp đồng sẽ được thay thế bằng cách Tư vấn ban hành 1 chỉ thị (theo điều khoản Hợp đồng) để Nhà thầu thi công, các nội dung về cách hiểu, trách nhiệm, chi phí (nếu có) sẽ được giải quyết song song với tinh thần là không vì các vướng mắc mà ảnh hưởng đến tiến độ thi công trong năm 2023.

Cũng liên quan đến gói thầu CP3, ông Tùng cho biết, Hợp đồng 5 năm bảo dưỡng, sau rất nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở thì đến nay Nhà thầu đã trình nộp, dự kiến tuần sau, Ban QLĐSĐT, Nhà thầu và công ty vận hành HURC1 sẽ họp ở Tokyo về nội dung này, thống nhất nhanh chóng nội dung HĐ để chuẩn bị cho Dự án đưa tuyến Metro số 1 vào vận hành.

Đối với nhóm thử nghiệm và đánh giá an toàn, sau khi huy động tư vấn ATHT, đã đẩy nhanh tiến độ. Chủ đầu tư, tư vấn và Hội đồng kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đã có họp về kế hoạch phối hợp và nội dung đánh giá cũng như thẩm định an toàn sau này.

tm-img-alt
TP.HCM chính thức "chốt" thời gian vận hành thương mại tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Internet)

Cũng theo Ban QLĐSĐT, đối với nhóm đào tạo đến nay đã đào tạo cơ bản xong lái tàu, đã tuyển dụng 291 nhân viên nhà ga, đang đào tạo 142 nhân viên nhà ga phụ trách an toàn; đầu tháng 12/2023 đào tạo 149 nhân viên nhà ga phụ trách vé. Hiện NJPT đang đào tạo 19 nhân viên điều hành OCC, 9 quản lý nhà ga.

Về các vướng mắc về vốn như Hiệp định vay VN15-P5 đã được Thủ tướng có văn bản đồng thuận, hiệp định vay 4 sẽ được Bộ tài chính và JICA ký vào giữa tháng 12/2023.

“Về cơ bản, Ban QLĐSĐT đang điều hành các nhóm này tương đối chủ động, năm 2023 sẽ hoàn thành thi công. Sang nửa đầu 2024 sẽ tập trung vừa thử nghiệm thiết bị, vừa đào tạo, vừa khai thác thử để đánh giá an toàn giống như chạy rô-đai. Sau đó sẽ có thẩm định an toàn của Cục đường sắt và nghiệm thu đưa vào sử dụng của Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu (SIC) trước khi cho phép vận hành thương mại. Công tác vận hành thương mại sẽ bắt đầu vào tháng 7/2024 theo kế hoạch”, đại diện Ban QLĐSĐT cho biết.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề