Thứ tư, 01/05/2024 10:56 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/12/2023

MTĐT -  Thứ ba, 05/12/2023 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

VEC đề xuất tăng phí trên 4 tuyến đường cao tốc

Theo VEC, hiện đơn vị đang là chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.

Trong đó 4 dự án đường cao tốc đã đưa vào khai thác. Riêng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Về tình hình thực hiện giá dịch vụ sử dụng trên 4 tuyến đường cao tốc, đối với dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã khai thác được 12 năm, mức giá hiện tại là 1.500 đồng/km/PCU.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã khai thác được 9 năm, mức giá hiện tại là 1.500 đồng/km/PCU cho đoạn 4 làn xe (Km0 - Km123) và 1.000 đồng/km/PCU đối với đoạn 2 làn xe (Km123 - Km245).

Dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, mức giá hiện tại là 2.000 đồng/km/PCU. Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mức giá hiện tại là 1.500 đồng/km/PCU.

Theo lộ trình được phê duyệt, 4 tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác sẽ tăng mức thu theo lộ trình 3 năm/lần, mỗi lần tăng 15%.

Cụ thể, năm 2017, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tăng mức thu lần thứ nhất, lần thứ 2 vào năm 2020 và lần 3 vào năm 2023. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng mức thu lần đầu vào năm 2018, lần 2 năm 2021 và lần 3 năm 2024.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT về việc chưa tăng phí sử dụng đường bộ, từ năm 2017 đến năm 2023, VEC chưa tăng mức thu theo lộ trình theo quy định tại phương án tài chính.

Năm 2021, Bộ GTVT ban hành Quyết định 2323 phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC là chủ đầu tư, phục vụ việc thẩm định sử dụng vốn của ADB lần 2 cho dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo đó, các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác sẽ tăng mức thu theo lộ trình 3 năm/lần, mỗi lần tăng 12%, thời điểm tăng lần 1 là năm 2024.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tính đến hết năm 2023, VEC chưa thực hiện tăng mức giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Theo VEC, chi phí trả nợ của doanh nghiệp này từ 2024 sẽ tăng liên tục, ngoài ra các dự án sau thời gian đưa vào khai thác đã đến thời hạn phải sửa chữa trung tu, đại tu. Do đó, VEC kiến nghị 3 kịch bản tăng phí:

Kịch bản 1: VEC tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc từ năm 2024 với lộ trình tăng phí 3 năm/lần, mỗi lần 12%. Tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 (bao gồm VAT) đạt 50.798 tỷ đồng. Lũy kế dòng tiền hòa chung 5 dự án luôn dương, VEC đảm bảo khả năng trả nợ, có đủ nguồn lực đầu tư đưa Dự án đường Cao tốc Bến Lức-Long Thành vào khai thác đúng tiến độ.

Kịch bản 2: VEC tăng giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc từ năm 2025 với lộ trình tăng phí 3 năm/lần với tỷ lệ tăng là 12%. Khi đó, tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 đạt 48.428 tỷ đồng (bao gồm VAT), giảm 2.371 tỷ đồng so với kịch bản 1. Lũy kế dòng tiền hòa chung 5 dự án thiếu hụt giai đoạn 2026-2034, với mức thiếu hụt lớn nhất 1.261 tỷ đồng vào năm 2033, phương án tài chính bị phá vỡ.

Kịch bản 3: VEC tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc từ năm 2027 với lộ trình tăng phí 3 năm/lần với tỷ lệ tăng là 12%. Khi đó, tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 đạt 46.750 tỷ đồng (bao gồm VAT), giảm 4.048 tỷ đồng so với kịch bản 1, với mức thiếu hụt lớn nhất 2.301 tỷ đồng vào năm 2034, phương án tài chính 5 dự án bị phá vỡ.

Trên cơ sở đó, VEC kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án tăng giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc các dự án do VEC làm chủ đầu tư với thời gian tăng thực hiện điều chỉnh từ tháng 1/2024.

Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề giao thông đô thị tại kỳ họp 14

Tham dự phiên khai mạc, về phía lãnh đạo Trung ương có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, đại diện Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội..

Lãnh đạo TP có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương...

tm-img-alt
Quang cảnh kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp thứ 14 HĐND Thành phố sẽ xem xét 29 báo cáo và thông qua 35 Nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng.

Một là, HĐND Thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2023 và quyết nghị kế hoạch năm 2024 của Thành phố.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng - năm bản lề, sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 của HĐND Thành phố. Thành phố triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19.

Với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực, Thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả và đạt được các kết quả quan trọng.

Thành phố dự kiến hoàn thành 18/23 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023; tăng trưởng GRDP theo số liệu thống kê dự kiến tăng 6,27% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước); thu ngân sách ước đạt khoảng 400.421 tỷ đồng, bằng 113,5% so với dự toán HĐND Thành phố giao và tăng 20% so với năm 2022. Các ngành, lĩnh vực kinh tế tăng trưởng ổn định.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 62% so với năm 2023. Lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn được tổ chức thành công và tuyệt đối an toàn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát của HĐND, Thường trực HĐND Thành phố cho thấy vẫn còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, cần được tập trung khắc phục. Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các vị đại biểu HĐND Thành phố nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các vị đại biểu cũng xem xét, thảo luận, cho ý kiến và quyết nghị các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2024 gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và các nhiệm vụ có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài của Thành phố đang được tập trung thực hiện như: Hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 với 9 nhóm cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Thủ đô được đánh giá là toàn diện, thiết thực, hiệu lực và hiệu quả); Hoàn thiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; Lập Quy hoạch Thủ đô; triển khai Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Triển khai Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế và tu bổ, tôn tạo các di tích văn hoá… để đảm bảo đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn của Thành phố.

Hai là, HĐND Thành phố xem xét, cho ý kiến, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; các nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Nâng cao năng lực về phòng cháy, chữa cháy…

Xem xét quyết định các nội dung đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; nhiều cơ chế, chính sách đặc thù có tác động sâu rộng nhằm đảm bảo an sinh xã hội và quan tâm, hỗ trợ các đối tượng, các lực lượng làm công tác ở cơ sở như: tổng biên chế hành chính sự nghiệp; sáp nhập thôn, tổ dân phố; danh mục thu hồi đất; hệ số điều chỉnh giá đất; danh mục dịch vụ sự nghiệp công; chức danh, mức phụ cấp, mức hỗ trợ cho các lực lượng, cán bộ ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Quy định các chính sách hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ học phí cho các đối tượng chính sách; mức kinh phí hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho Người cao tuổi, người khuyết tật, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…Đây là những cơ chế, chính sách đặc thù thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Thành phố với mục tiêu đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Ba là, Về hoạt động giám sát của HĐND Thành phố: Kỳ họp này, HĐND Thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự Thành phố theo quy định của Luật.

Cùng với đó, Thường trực HĐND Thành phố báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả chương trình giám sát năm 2023 về thực hiện kế hoạch đầu tư công và tiến độ các công trình trọng điểm; trình HĐND Thành phố quyết định tổ chức 2 Đoàn giám sát của HĐND Thành phố theo chương trình giám sát năm 2024.

HĐND Thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND Thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn. Thường trực HĐND Thành phố dự kiến 2 nhóm vấn đề: Tái chất vấn kết quả thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND Thành phố đã đến thời hạn nhưng tiến độ còn chậm, chưa hiệu quả. Chất vấn về nhóm vấn đề giao thông đô thị của Thành phố.

Đây là những nội dung, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết, liên quan đến phát triển Thủ đô và đảm bảo chất lượng cuộc sống của nhân dân, được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND Thành phố. Đây cũng là hoạt động giám sát nhằm tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả giám sát theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành uỷ và đồng chí Bí thư Thành uỷ.

Kết thúc phiên chất vấn, Thường trực HĐND Thành phố tiếp tục trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết kèm theo phụ lục các mốc thời gian, tiến độ hoàn thành để định kỳ, thường xuyên theo dõi, kiểm đếm, đôn đốc, giám sát.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, tại kỳ họp này, một trong số hoạt động giám sát quan trọng là thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND Thành phố bầu theo Quy định số 96 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND Thành phố đã ban hành Kế hoạch và triển khai các bước đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định.

“Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu HĐND Thành phố; Qua ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực tiễn theo dõi, giám sát, đề nghị các vị đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, đánh giá công tâm, khách quan, chính xác trong ghi phiếu đối với các chức danh do HĐND Thành phố bầu theo quy định”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị.

Tiếp tục phương châm lan toả không khí đổi mới, thiết thực, hiệu quả; Căn cứ các quy định của Luật; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND, đồng chí Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các vị đại biểu HĐND Thành phố phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, sâu sắc, góp phần vào sự thành công của kỳ họp.

Hà Nội nêu 5 nguyên nhân gây ùn tắc giao thông

Cụ thể, trong báo cáo, UBND TP nêu ra 5 nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Thứ nhất, do số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh nhưng hạ tầng giao thông không theo kịp dẫn đến quá tải.

Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 10/2023 là trên 7,8 triệu, trong đó ô tô khoảng 1,1 triệu, xe máy khoảng 6,8 triệu, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Trong khi đó phương tiện cá nhân tăng 4-5% nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông 0,6%.

tm-img-alt
5 nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội (ảnh: Thế Lợi)

Thứ hai, do đầu tư thiếu đồng bộ, các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, cầu qua sông Hồng còn thiếu...

Hà Nội quy hoạch 7 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 285km, trong đó có 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).

Đến nay, tuyến vành đai 4 đang triển khai, dự kiến đưa vào khai thác năm 2027. Tuyến vành đai 3,5 đang triển khai nhưng chưa làm được toàn tuyến do khó khăn giải phóng mặt bằng.

Tuyến vành đai 2 còn chưa triển khai đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Tuyến vành đai 1 vẫn chưa giải phóng được mặt bằng đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Thứ ba, nhiều công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường dẫn đến ùn tắc giao thông.

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 38 tuyến đường bị thu hẹp, cụ thể như: dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2 trên trục đường Âu Cơ - Xuân Diệu; nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Thứ tư, nguyên nhân ùn tắc ở các tuyến đường hướng tâm và cầu lớn là do mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt thiết kế.

Vào giờ cao điểm ở các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,8 lần so với thiết kế.

Nút Ngã Tư Sở có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.

Lưu lượng phương tiện mỗi ngày đêm qua cầu Chương Dương là 95.000 phương tiện, gấp 8 lần; qua cầu Thanh Trì là 120.000 phương tiện, gấp 4 lần; qua cầu Nhật Tân là 107.000 phương tiện, gấp 6 lần.

Thứ năm, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nghiêm quy định dẫn đến ùn tắc giao thông.

Bắc Ninh gỡ vướng cho khu đô thị sinh thái 199 ha của nhóm doanh nghiệp Phú Mỹ Hưng

Bắc Ninh gỡ vướng cho khu đô thị sinh thái 199 ha của nhóm doanh nghiệp Phú Mỹ Hưng
Khu vực sẽ xây dựng KĐT Hồng Hạc - Xuân Lâm. (Ảnh: CTA Việt Nam).

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi làm việc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Hồng Hạc - Xuân Lâm.

Dự án này do CTCP Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương (Công đoàn VietinBank) làm chủ đầu tư với diện tích 198,53 ha, nằm tại các xã Ngũ Thái, Song Liễu và phường Xuân Lâm, huyện Thuận Thành với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Đây là Khu đô thị sinh thái cao cấp có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; hệ thống công trình công cộng, dịch vụ đầy đủ và tiện nghi. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn về một số thủ tục pháp lý theo quy định của Luật hiện hành nên đến nay, dự án vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành đã trực tiếp giải quyết những vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc của dự án, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư song vẫn đảm bảo tính pháp lý theo quy định.

KĐT Hồng Hạc - Xuân Lâm được Sở Xây dựng Bắc Ninh phê duyệt ngày 17/5/2010. Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đầu tháng 12/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án này.

Thời điểm đó, tỉnh cho hay, lý do điều chỉnh quy hoạch dự án bởi ranh giới quy hoạch có sự chồng lấn với đất chùa thôn Thanh Bình và đường giao thông xã; đất xây dựng công trình công cộng, bãi đỗ xe, cây xanh phân bố chưa hợp lý; loại hình nhà ở xã hội liên kế thấp tầng không còn phù hợp với chính sách phát triển nhà ở xã hội. Mặt khác, tại thời điểm phê duyệt quy hoạch, quy chuẩn quy hoạch của dự án đến nay đã không còn phù hợp với quy chuẩn hiện hành.

Sau khi điều chỉnh, dự án có quy mô dân số tăng từ 11.320 người lên thành 27.700 người. Về tính chất, đây là KĐT sinh thái với mật độ dân số thấp. Trong đó, điểm nhấn của KĐT là tòa nhà hỗn hợp cao tối đa 25 tầng ở cửa ngõ phía Bắc và tòa trung tâm thương mại hỗn hợp cao tối đa 25 tầng tại vị trí trung tâm dự án.

Theo tìm hiểu của người viết, Công đoàn VietinBank được thành lập vào năm 2009, có trụ sở tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành.Tính đến tháng 3/2016, doanh nghiệp có ba cổ đông gồm: Công ty TNHH Tân Thuận (0,16%); Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences (0,16%) và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (99,68%). Ông Tseng Fan Chih (Đài Loan) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Cả ba pháp nhân này đều thuộc nhóm doanh nghiệp Phú Mỹ Hưng - chủ đầu tư của KĐT Phú Mỹ Hưng hơn 600 ha ở quận 7, TP HCM.

Quảng Ngãi: Hàng nghìn khối đất đá sạt lở, giao thông bị chia cắt

Ngày 5/12, ông Đinh Văn Dục, Chủ tịch UBND xã Thanh An (huyện Minh Long) cho biết, chính quyền địa phương đã giăng dây, đặt biển cảnh báo cấm người và phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

“Địa phương đã báo cáo lãnh đạo huyện và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Long. Ngoài ra, đã cử lực lượng túc trực và triển khai các phương án khắc phục sạt lở trên tỉnh lộ 624 (đoạn qua đèo Eo Chim)”, ông Dục nói.

Theo đó, vào khoảng 7 giờ sáng nay (5/12), một khối lượng lớn đất, đá từ trên núi đổ sập xuống đường Tỉnh lộ 624, đoạn từ xã Thanh An, huyện Minh Long đi xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) khiến giao thông trên khu vực này bị chia cắt.

tm-img-alt
Vụ sạt lở khiến giao thông Tỉnh lộ 624 bị chia cắt. (Ảnh: Internet)

Ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, chính quyền xã Thanh An và UBND huyện Minh Long đã cử lực lượng đến hiện trường, kiểm tra tình hình sạt lở. Đồng thời, giăng dây, đặt biển cảnh báo cấm không cho người dân và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.

Rất may, vào thời điểm trên không có người và phương tiện lưu thông, nên không gây thiệt hại về người.

Được biết, đây là đoạn đường thường xuyên bị sạt lở khi đến mùa mưa bão, gây nhiều nguy hiểm cho người dân và phương tiện qua lại.

Lãnh đạo UBND huyện Minh Long và các ngành chức năng đã đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở.

Tuy nhiên, do lượng đất, đá sạt lở khá lớn nên dự kiến đến ngày 6/12 mới khắc phục xong để tỉnh lộ 624 lưu thông trở lại.

Đề xuất hơn 86.000 tỷ đồng mở rộng tuyến metro số 1 đến Bình Dương và Đồng Nai

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi Sở GTVT tỉnh Bình Dương và Đồng Nai về phương án đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 kết nối hai địa phương này. Tổng chiều dài hơn 53km, vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ USD (tương đương hơn 86.000 tỷ đồng).

Theo báo cáo nghiên cứu đầu tư, phương án kéo dài tuyến metro số 1 về Bình Dương và Đồng Nai chia làm 3 đoạn.

Cụ thể, đoạn 1 từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) dài 1,8km, tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng. Tuyến bắt đầu từ sau ga Bến xe Suối Tiên (metro số 1) đi cao dọc bên phải Xa lộ Hà Nội vào ga S0 dự kiến đặt trước nút giao Tân Vạn. Ga S0 là ga nối giữa hai hướng tuyến đi Bình Dương và Đồng Nai.

Đoạn 2 từ ga S0 đi Bình Dương dài hơn 31km với 14 ga và 1 depot, tổng vốn gần 52.000 tỷ đồng. Tuyến bắt đầu từ ga S0 đi cao vượt qua đường ĐT.742 và tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng. Sau đó tuyến đi cao bên phải chung hành lang với tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, chuyển tiếp đi chung hành lang bên trái với tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh.

Tuyến tiếp tục chạy qua nút giao Bình Chuẩn và đi bên trái dọc theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn, sau đó chuyển hướng vào giữa đường DX01 và đường Hùng Vương vào trung tâm hành chính thành phố Thủ Dầu Một để về depot tại phường Phú Chánh (thành phố Tân Uyên).

Đoạn 3 từ ga S0 đi lên Đồng Nai dài hơn 20km với 11 ga và 1 depot, tổng vốn hơn 31.400 tỷ đồng. Từ ga S0, tuyến đi cao bên dải đất cây xanh dọc theo đường Xa lộ Hà Nội đến trước khu vực nút giao đường Amata thì đi vào giữa quốc lộ 1.

Đến khu vực công viên 30-4, tuyến rẽ phải đi cao dọc theo quốc lộ 1, đến khu vực giao cắt giữa đường Thái Hòa (nhà thờ Thái Hòa) thì rẽ trái vào khu vực depot tại xã Hố Nai 3.

tm-img-alt
Tuyến Metro số 1 nếu kéo dài đến Bình Dương, Đồng Nai sẽ cần hơn 86.000 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Tổng mức đầu tư 3 đoạn trên hơn hơn 86.000 tỷ đồng, dự kiến sử dụng nguồn vốn đầu tư công; trong đó, TPHCM chủ trì thực hiện đoạn 1, tỉnh Bình Dương chủ trì thực hiện đoạn 2 và tỉnh Đồng Nai chủ trì thực hiện đoạn 3.

Để có cơ sở báo cáo Ủy ban Nhân dân các địa phương xem xét, thống nhất phương án kéo dài metro Bến Thành-Suối Tiên xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sớm có văn bản góp ý với phương án đầu tư trên.

Các ở tập trung có ý kiến về quy hoạch; hướng tuyến; vị trí các nhà ga trên tuyến; phương án phân chia các dự án thành phần; đề xuất nguồn vốn đầu tư cho các dự án thành phần; cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; kế hoạch thực hiện.

Khởi công năm 2012, tuyến metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài khoảng 20km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (thành phố Thủ Đức), gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Toàn dự án hiện đạt gần 97% khối lượng và dự kiến khai thác thương mại từ tháng 7/2024.

80 phường thuộc 10 quận ở TP.HCM phải sáp nhập

Mới đây, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Theo đó, TP.HCM đã lập phương án cho 2 giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030.  Cụ thể, phương án đề xuất, trong giai đoạn 2023 - 2030, TP.HCM không có quận, huyện nào phải sáp nhập, riêng huyện Nhà Bè và Q.6 dù thuộc diện cần sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên chưa sắp xếp.

Ở cấp xã, thống kê có 129 xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp nhưng có 49 phường thuộc diện đặc thù nên không cần sắp xếp. Do vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp chỉ còn 80, chủ yếu là các phường.

Cụ thể, Quận 3 có 4 phường (phường 9, 10 và phường 12, 13), sau sắp xếp còn 2 phường.

Quận 4 có 6 phường (phường 6, 9; phường 8, 10 và phường 14, 15), sau sắp xếp còn 3 phường.

Quận 5 có 8 phường (phường 2, 3; phường 5, 6; phường 7, 8; phường 10, 11), sau sắp xếp còn 4 phường.

Quận 6 có 11 phường (phường 2, 6 và một phần phường 5; phường 1, 3, 4; phường 9 và một phần phường 5; phường 11 và một phần phường 10; phường 14 và một phần phường 13), sau sắp xếp còn 5 phường.

Quận 8 có 9 phường (phường 1, 2, 3; phường 8, 9, 10 và phường 11, 12, 13), sau sắp xếp thành 3 phường, đồng thời đặt tên là phường Rạch Ông, Hưng Phú và Xóm Củi.

Quận 10 có 6 phường (phường 6, 7; phường 5, 8 và phường 10, 11), sau sắp xếp còn 3 phường.

Quận 11 có 11 phường (phường 1, 2; phường 4, 6, 7; phường 8, 12; phường 9, 10 và phường 11, 13), sau sắp xếp còn 5 phường.

Quận Bình Thạnh có 13 phường (phường 1, 3; phường 5, một phần phường 6; phường 7, một phần phường 6; phường 11, một phần phường 13; phường 2, 15; phường 19, 21 và phường 14, 24), sau sắp xếp còn 7 phường.

Quận Gò Vấp có 8 phường (phường 1, 4, 7; phường 8, 9; phường 14, một phần phường 13, phường 15, một phần phường 13), sau sắp xếp còn 4 phường.

Quận Phú Nhuận có 4 phường (phường 3, 4 và phường 15, 17), sau sắp xếp còn 2 phường.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo UBND TP HCM, sau sắp xếp từ 80 phường thuộc 10 quận sẽ hình thành 38 phường mới, giảm 39 phường. Trong đó, đa số nhập từ hai phường thành một phường mới, có 7 trường hợp thành ba phường hoặc một phần phường cũ hình thành phường mới. Có 9 phường phải điều chỉnh ranh giới.

Các phường mới đều đạt quy chuẩn về quy mô dân số, có 12/38 phường mới có quy mô dân số trên 45.000 người, đạt trên 300% so với tiêu chuẩn nhưng diện tích sau sắp xếp vẫn không đạt so với quy định.

TP HCM cũng đề xuất do các yếu tố đặc thù nên từ nay đến năm 2030, các quận, huyện ở thành phố không thuộc diện phải sắp xếp. Điều này để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, "không gây xáo trộn lớn".

Ví dụ như, các đơn vị hành chính có địa giới ổn định và từ khi có Quyết định số 300 của UBND TP HCM về điều chỉnh thành phố còn ba cấp đến nay chưa có thay đổi và điều chỉnh lần nào thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Ngoài ra quận, huyện có hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định. Thu ngân sách hằng năm đạt từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp cũng được TP HCM vận dụng.

Theo tiêu chí này, các đơn vị hành chính cấp huyện của TP HCM đạt chỉ tiêu thu nộp ngân sách hàng năm cao hơn một số tỉnh. Điển hình như Quận 1 thu nộp ngân sách năm 2022 gần 43.000 tỷ đồng; Quận 3 gần 5.900 tỷ đồng; Quận 10 trên 2.300 tỷ đồng. Trong khi đó các tỉnh Hà Giang cả năm 2022 thu hơn 2.200 tỷ đồng, con số này ở Cao Bằng là hơn 1.500 tỷ đồng./.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới