Thứ tư, 01/05/2024 20:36 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/12/2023

MTĐT -  Thứ tư, 06/12/2023 20:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết

Ngày 5/12, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) dịp tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, không nhường đường cho xe ưu tiên, đi vào làn dừng khẩn cấp...

Ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng; vi phạm khi qua đường ngang; chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm an toàn kỹ thuật.

Phối hợp bảo đảm an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến tàu khách du lịch, các tuyến, luồng đường thủy, nhất là các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo, các tuyến sông và vùng nước có tổ chức lễ hội.

tm-img-alt
Thủ tướng yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết. (Ảnh: Internet)

Đối với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các sở Giao thông vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Tết.

Bảo đảm hệ thống thu phí điện tử không dừng hoạt động thông suốt, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí; phối hợp với các cơ quan liên quan không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí cảng hàng không.

Khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và trả lại lòng đường phục vụ nhân dân đi lại (hoàn thành 1 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán).

Đồng thời có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời giải tỏa, không để phát sinh ùn tắc kéo dài khi có sự cố, tai nạn giao thông, nhất là thời điểm trước và ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính ra vào nội đô Hà Nội và TP HCM, các tuyến kết nối đến nhà ga, sân bay, bến cảng và khu vực tổ chức Lễ hội xuân.

UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu chủ động có phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn; rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở cao và tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường do địa phương quản lý.

Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh thành chỉ đạo các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu, xe trực tiếp cho công nhân, người lao động và sinh viên về quê đón Tết.

Xây mới 2 tuyến đường sắt đô thị nối Hà Nội với Vĩnh Phúc

Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Nghị quyết thông qua quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phát triển, thành lập mới 4 khu công nghiệp tại những vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ, có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, với tổng quy mô phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Đồng thời rà soát lại, đảm bảo số lượng và diện tích khu công nghiệp trong giai đoạn này phù hợp với khả năng thu hút đầu tư.

Tiếp tục phát triển các khu công nghiệp sau năm 2030 với quy mô 7.000 ha và tầm nhìn đến năm 2050 lên quy mô 10.000 ha; Trong đó ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 4, Vành đai 5.

Đặc biệt, quy hoạch lần này đặt mục tiêu xây dựng mới 2 tuyến đường sắt đô thị nhằm phục vụ kết nối thành phố Hà Nội, cảng hàng không Quốc tế Nội Bài với trung tâm tỉnh và phục vụ kết nối, phát triển du lịch Tam Đảo.

tm-img-alt
Ảnh minh họa: Internet.

Theo nghị quyết, Vĩnh Phúc định hướng phát triển kinh tế theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức, động lực phát triển trong vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ.

Vĩnh Phúc phấn đấu đạt GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) từ 10,5-11%/năm; GRDP bình quân/người đạt khoảng 285 triệu đồng/năm.

Đến năm 2030, dân số Vĩnh Phúc gần 1,47 triệu người; 100% trường mầm non, trường phổ thông công lập đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%.

Lạng Sơn: Phê duyệt dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dự kiến đầu năm 2024 sẽ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án. Đây là công trình giao thông đường bộ cấp I, thuộc dự án nhóm A.

Điểm đáng lưu ý, tại Quyết định phê duyệt này, đoạn cửa khẩu Tân Thanh với cửa khẩu Cốc Nam được gộp vào dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Như vậy, tổng chiều dài tuyến cao tốc này khoảng 59,87 km, bao gồm tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km và tuyến cửa khẩu Tân Thanh kết nối với cửa khẩu Cốc Nam dài 16,44km.

Đoạn tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế với vận tốc Vtk=100km/h; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam thiết kế với vận tốc Vtk=80km/h.

tm-img-alt
Ảnh minh họa: Internet.

Về độ rộng, tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m; giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, nền đường 22m; giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m.

Dự án sẽ xây tổng cộng 5 trạm thu phí, gồm 2 trạm thu phí đặt trên tuyến chính của cao tốc và 3 trạm thu phí đặt trên tuyến nhánh tại các nút giao và điểm ra vào cao tốc, phù hợp với hình thức thu phí tự động không dừng. Ngoài ra, dự án được phê duyệt có 6 nút giao, 1 cầu vượt, 68 hầm chui dân sinh và 39 công trình cầu trên tuyến chính.

Công trình phục vụ khai thác sẽ có hệ thống giao thông thông minh (ITS). Cụ thể, thiết kế hệ thống ITS cho giai đoạn phân kỳ bao gồm các hạng mục: hệ thống camera giám sát; hệ thống phát hiện xe; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống biển báo thông tin điện tử; hệ thống truyền dẫn; trung tâm quản lý điều hành giao thông tại Nút giao IC-03 đáp ứng cho việc vận hành, khai thác đường cao tốc theo quy định.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án dự kiến khoảng 640,28 ha, trong đó địa phận huyện Chi Lăng khoảng 166,47 ha, địa phận huyện Cao Lộc khoảng 297,55 ha; địa phận huyện Văn Lãng khoảng 69,83 ha; địa phận thành phố Lạng Sơn khoảng 106,43 ha.

Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt là 11.179 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Vốn nhà đầu tư khoảng 6.179 tỷ đồng (chiếm 55,27% tổng mức đầu tư). Vốn nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 44,73%), trong đó vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước không sơ tuyển. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự kiến từ Quý I/2024.

Quảng Bình phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị du lịch biển Hải Ninh

Mục tiêu của quy hoạch là hình thành đồ án quy hoạch phân khu khu vực phát triển đô thị du lịch biển Hải Ninh, theo các tiêu chí về không gian xanh, sinh thái, hiện đại, hài hòa với không gian cảnh quan tự nhiên của khu vực; hợp lý về sử dụng đất, đẹp về không gian kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kết nối hợp lý và đồng bộ với các khu vực lân cận; tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý đất đai, hoạt động đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết trong khu vực quy hoạch.

Khu vực lập Quy hoạch có diện tích 755,47ha; là vùng phụ cận phía Đông Bắc của đô thị mới Dinh Mười, huyện Quảng Ninh. Đây sẽ là không gian phát triển theo hướng đô thị hóa cùng với Bảo Ninh tạo thành chuỗi không gian đô thị, dịch vụ du lịch ven biển hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đô thị Dinh Mười và thành phố Đồng Hới. 

tm-img-alt
UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị du lịch biển Hải Ninh với diện tích gần 760ha. (Ảnh: Internet)

Quy hoạch phân khu đô thị du lịch biển Hải Ninh sẽ triển khai thực hiện phân khu chức năng và định hướng phát triển không gian; quy hoạch sử dụng đất; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị; quy hoạch hệ thống hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các giải pháp bảo vệ môi trường…

UBND tỉnh Quảng Bình cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Quảng Ninh, UBND xã Hải Ninh tổ chức công bố, công khai đồ án quy hoạch để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện.

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2040, khu vực lập quy hoạch phân khu Đô thị du lịch biển Hải Ninh phục vụ cho khoảng 19.300 người và có thể cao hơn khi có sự phát triển đột biến về kinh tế - xã hội.

Phú Yên: Đề xuất cập nhật vào quy hoạch tuyến đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Phú Yên đã được đầu tư và nâng cấp một cách đồng bộ, kết nối thông suốt cả nội tỉnh lẫn các địa phương khác. Tuy nhiên, để đẩy mạnh sự liên kết và phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Phú Yên đề xuất cập nhật quy hoạch đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột.

Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng việc này là bước quan trọng để tạo ra động lực kết nối giữa các vùng kinh tế, địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

tm-img-alt

Để đẩy mạnh sự liên kết và phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Phú Yên đề xuất cập nhật quy hoạch đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột.

Quyết định số 1468/QĐ-TTg, ký ban hành ngày 24/8/2015, quyết định này cho phé nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Trong đó, tuyến Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột được xác định với chiều dài khoảng 169 km, đóng vai trò quan trọng trong việc nối liền vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên.

Tuy nhiên, đến ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó dự án đường sắt Tuy Hòa – Phú Yên không có trong quy hoạch này.

Ngày 20/12/2021, Bộ Giao thông vận đã có văn bản trả lời cử tri tỉnh Đắk Lắk liên quan các nội dung kiến nghị sớm đầu tư tuyến đường sắt từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đi Tuy Hòa (Phú Yên). Tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Quyết định 1769/QĐ-TTg, tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột không nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, quá trình nghiên cứu phương án kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cho thấy việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa thành tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang - cảng Vân Phong là phù hợp.

Bộ Giao thông cũng cho biết thêm là Bộ đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong trong giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc này sẽ không còn nhu cầu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa.

Trở lại với kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Chủ tịch tỉnh này là ông Tạ Anh Tuấn cho biết tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột đã được cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Hội đồng Thẩm định xem xét, Thủ tướng Chính phủ xem xét thẩm định, phê duyệt. Trong đó, tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột được xác định là hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn, nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên.

Khánh Hòa: Thu hút loạt dự án đầu tư mới với quy mô "khủng"

Một số dự án đáng chú ý như: khu đô thị ven vịnh Cam Ranh 85.293,9 tỷ đồng; khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh 3.756,6 tỷ đồng; khu nhà ở Vinpearl Phú Quý 7.452,6 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội Hưng Phú II hơn 1.000 tỷ đồng; dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất các sản phẩm từ rác tại huyện Cam Lâm 3.250 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn điều chỉnh và tăng vốn cho 18 dự án khác với tổng vốn đăng ký hơn 40.167 tỷ đồng. Điều chỉnh đáng chú ý bao gồm tăng 21.300 tỷ đồng cho dự án khu du lịch Bãi Cát Thấm, tăng 8.200 tỷ đồng cho dự án Champarama Resort & Spa, và tăng 1.549,7 tỷ đồng cho dự án công viên văn hóa Vinwonders Nha Trang...

Ngoài các dự án đang triển khai, Khánh Hòa đã phê duyệt đầu tư cho 3 dự án mới với tổng vốn khoảng 2.446 tỷ đồng. Các dự án này sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất và chọn nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Trong chiến lược thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã ký Biên bản Ghi nhớ với 16 dự án vào tháng 4/2023, tổng vốn đăng ký trên 80.600 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại khu kinh tế Vân Phong. Khánh Hòa đang tích cực hỗ trợ thông tin và giới thiệu vị trí cho các nhà đầu tư nghiên cứu và lập đề xuất dự án.

Đồng thời, Khánh Hòa đang nhanh chóng lập kế hoạch quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) để làm cơ sở triển khai thủ tục đầu tư theo quy định. Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong báo cáo hiện có 4 đồ án quy hoạch phân khu đã hoàn thành và đang được thẩm định.

Cụ thể, đó là khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn (phân khu 1); khu du lịch núi Khải Lương (phân khu 2); trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn (phân khu 3) và khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông (phân khu 8). Dự kiến, 4 đồ án quy hoạch này sẽ được trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm nay.

tm-img-alt
Khánh Hòa không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư của những dự án lớn với tổng vốn đăng ký hơn 140.000 tỷ

Với 8 phân khu đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đang tiếp tục lập nhiệm vụ khảo sát, dự toán đồ án các phân khu để trình xin kinh phí thực hiện. Riêng khu du lịch đảo Điệp Sơn (phân khu 6); khu đô thị Vạn Giã và vùng phụ cận (phân khu 11) đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch và đang chờ Sở Xây dựng thẩm định.

 Ngoài ra, 5 quy hoạch phân khu còn lại sẽ được triển khai trong năm 2024. Dự kiến, sẽ trình thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch trong quý I/2024 và trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch trong quý IV/2024.

Kiến nghị cho tàu cao tốc TP.HCM – Vũng Tàu tiếp tục hoạt động

Theo Sở GTVT TP.HCM, vừa qua Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP đã gửi kiến nghị đến UBND TP xin phép tiếp tục khai thác cầu tàu số 2, tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc GreenlinesDP từ bến Bạch Đằng, quận 1 đi TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.

UBND TP.HCM sau đó đã giao Sở GTVT TP chủ trì, phối hợp phối hợp các sở ngành liên quan xử lý theo quy định của pháp luật đối với nội dung kiến nghị trên.

Hiện nay, cầu tàu số 2 chủ yếu phục vụ khai thác tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc Greenlines DP, tuyến Bạch Đằng – Vũng Tàu và ngược lại. Nếu không có bến đậu phù hợp, tuyến tàu cao tốc TP.HCM – Vũng Tàu sẽ phải ngừng khai thác.

Trong tháng 10/2023, kết quả hoạt động khai thác hành khách, du khách đường thủy đạt 85.000 lượt khách với hơn 1.500 lượt tàu ra vào bến.

“Hoạt động của cầu tàu số 2 vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, khách du lịch, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, vệ sinh môi trường, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành” – Sở GTVT TP nêu.

tm-img-alt
Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP cho phép tuyến tàu cao tốc TP.HCM – Vũng Tàu tiếp tục được khai thác tại khu bến Bạch Đằng, quận 1. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, do TP đang triển khai thực hiện kế hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại khu công viên bến Bạch Đằng và triển khai xây dựng công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nên sở GTVT tiếp tục kiến nghị gia hạn hoạt động bến tạm thời cho đến khi có thông báo dừng hoạt động của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Sở GTVT kiến nghị UBND TP chấp thuận Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP được tiếp tục tổ chức khai thác cầu tàu số 2 khu bến Bạch Đằng để phục vụ phương tiện thủy hoạt động tuyến vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy từ bến Bạch Đằng-Vũng Tàu và khai thác các tàu nhà hàng, ca nô, tàu chở khách du lịch.

Thời gian khai thác tạm thời, ngắn hạn từng năm một hoặc cho đến khi có thông báo dừng hoạt động của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP có trách nhiệm di dời, thanh thải công trình liên quan đến hoạt động bến thủy nội địa và không đòi bồi thường bất kỳ lý do gì khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

TP.HCM: Đầu tư dự án giải cứu kẹt xe ở TP. Thủ Đức

Dự án Vành đai 2 đoạn từ Đại lộ Võ Nguyên Giáp (trước đây là Xa lộ Hà Nội) đến Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức) dài gần 2,5km, tổng mức đầu tư 4.543 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng được tách riêng thành dự án độc lập do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án sẽ giải phóng mặt bằng toàn bộ theo quy hoạch với chiều rộng 67m và nút giao Phạm Văn Đồng - Vành đai 2, tổng kinh phí khoảng 1.956 tỷ đồng.3

Công trình làm đường song hành hai bên, mỗi bên 3 làn xe, đồng thời xây dựng hoàn chỉnh nút giao Phạm Văn Đồng - Linh Đông với quy mô 3 tầng với tổng mức đầu tư 2.587 tỷ đồng. Khi được thông qua, dự án sẽ tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng từ quý II/2024 đến quý II/2025. Công trình khởi công trong quý III/2025 và hoàn thành thông xe quý II/2027.

tm-img-alt
Nhiều tuyến đường ở TP Thủ Đức (TPHCM) xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các khung giờ cao điểm sáng và tối hàng ngày. (Ảnh: Internet)

Đoạn đường này khi hoàn thành sẽ góp phần khép kín Vành đai 2 TP.HCM, giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô và kết nối cảng biển, các tuyến giao thông quan trọng khác như Xa lộ Hà Nội, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1, 13...

Còn Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) đã được HĐND Thành phố thông qua từ năm 2015 với tổng vốn thời điểm đó là 295 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020. Tuy nhiên, vướng mắc giải phóng mặt bằng khiến dự án vẫn chưa triển khai.

Theo tờ trình của UBND TP.HCM tại kỳ họp này, dự án được đề xuất tăng tổng mức đầu tư lên thành hơn 2.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện kéo dài thêm 6 năm (2016-2026). Nguyên nhân tăng vốn do bồi thường giải phóng mặt bằng tăng lên gần 1.800 tỷ đồng.

Nếu được thông qua, đoạn đường Nguyễn Thị Định dài gần 2 km sẽ được mở rộng lên 30m. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và khởi công năm 2025. Công trình sẽ hoàn thành năm 2026 giúp giảm ùn tắc, tăng kết nối vào cảng Cát Lái.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới