Chủ nhật, 28/04/2024 06:35 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 30/8/2023

MTĐT -  Thứ tư, 30/08/2023 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/8/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/8/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội cập nhật 138 dự án nhà ở trong giai đoạn 2021-2025

TP.Hà Nội vừa duyệt danh mục cập nhật các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025 (đợt 1).

Trong đó có 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, gồm: Nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai; Khu nhà ở xã hội cao tầng tại 393 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai; Khu nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh; Dự án khu nhà ở Minh Đức (phần nhà ở xã hội tại ô đất CT) tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh; Khu nhà ở xã hội CT4 Đông Anh, huyện Đông Anh; Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Đức Thượng tại thôn Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức; Khu nhà ở xã hội kết hợp bãi đỗ xe tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; Dự án xây dựng nhà ở xã hội tại khu chức năng đô thị Tây Tựu tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Các dự án này ước có tổng mức đầu tư là 8.114 tỷ đồng; cung cấp khoảng 485.120 m2 sàn nhà ở, tương ứng 5.572 căn hộ.

Ngoài ra, thành phố cũng cập nhật 122 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, dự kiến sẽ cung cấp được 25.139.755m2 sàn nhà ở, ứng với 91.322 căn; cập nhật 1 dự án đầu tư xây dựng mới, 7 dự án đang rà soát theo chỉ đạo của Thành ủy.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc bổ sung cập nhật danh mục các dự án trên là cơ sở để UBND các quận, huyện triển khai chủ trương đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án...

Hà Nội ưu đãi tiền thuê đất trong 7 lĩnh vực, có khu vực được miễn 100%

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND về chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn. Quy định này áp dụng cho các đối tượng quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ.

Điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi tiền thuê đất: Cơ sở thực hiện xã hội hóa phải thuộc danh mục loại hình và đáp ứng các tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008; Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 6/5/2013; Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định sửa đổi bổ sung (nếu có).

Theo đó, khu vực các huyện và thị xã Sơn Tây được miễn 100% tiền thuê đất cho cả thời gian thực hiện dự án.

Khu vực các quận (không bao gồm 4 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm) được giảm 60% tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án trong thời hạn được thuê đất.

Khu vực 4 quận là Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm được giảm 30% tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án trong thời hạn được thuê đất.

tm-img-alt
Hà Nội ưu đãi tiền thuê đất trong 7 lĩnh vực

Trường hợp dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì áp dụng tỷ lệ % đơn giá thuê đất theo Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND thành phố và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Trường hợp dự án xã hội hóa không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định nhưng thuộc đối tượng, phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 1 và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 1 quy định này được áp dụng tỷ lệ % đơn giá thuê đất là 1%.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cơ sở thực hiện xã hội hóa phải thực hiện đúng danh mục, loại hình, tiêu chí, quy mô dự án đã được cấp phép. Đồng thời, tuân thủ theo điều lệ hoạt động, bảo đảm các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, cơ sở vật chất theo quy định.

Cơ sở thực hiện xã hội hóa có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, tài chính và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 8/9/2023.

Mời đầu tư Khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm- Tuyên Quang gần 14.000 tỷ đồng

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang đã phát thông báo tìm nhà đầu tư thực hiện Khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm - Tuyên Quang.

Dự án được xây dựng trên khu đất rộng hơn 540 ha, thuộc địa bàn phường Mỹ Lâm, TP Tuyên Quang và xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Trong đó, đất ở khoảng 211 ha; đất công trình công cộng - thương mại dịch vụ cấp đô thị hơn 4,2 ha; công trình thương mại, dịch vụ gần 1,8 ha. Còn lại là đất dành cho giao thông đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Mục tiêu của dự án, xây dựng một khu đô thị sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng và dịch vụ kiểu mẫu, đa dạng, đồng thời tạo bước đột phá về phát triển kinh tế xã hội và động lực phát triển cho địa phương…

Tổng vốn đầu tư hơn 13.800 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 1.200 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện 4 năm kể từ khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Công ty Him Lam xin chuyển gần 3.800 căn hộ thành nhà ở xã hội

Trước đó, Công ty CP Him Lam đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2018.

Dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi (khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi - Long Biên, Hà Nội) có diện tích sử dụng đất khoảng 134.418m2 (tương đương 13,44ha), quy mô xây dựng 5.724 căn hộ chung cư. Dự án có 1.944 căn nhà ở xã hội, 504 căn nhà tái định cư và khoảng 3.276 căn hộ nhà ở thương mại.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, tiến độ triển khai dự án khoảng 19 tháng.

Đến tháng 2/2020 UBND TP Hà Nội lại có Văn bản số 97 đồng ý chủ trương chuyển toàn bộ phần nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư trong dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội.

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội có văn bản 1857 báo cáo UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty CP Him Lam nghiên cứu phương án chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tháng 12/2021, Công ty CP Him Lam chính thức có Văn bản 213 đề nghị TP Hà Nội cho chuyển dự án khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội.

Theo đó, gần 3.300 căn nhà ở thương mại, hơn 500 căn nhà ở tái định cư của dự án được đề xuất chuyển đổi thành nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu ở của người thu nhập thấp sống tại Hà Nội.

Nhưng Công ty CP Him Lam cũng xin giữ lại 20% quỹ nhà dự án Him Lam Phúc Lợi để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư dự án theo nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ.

Theo Bộ Xây dựng, việc chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư sang nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đồng thời bảo đảm khả năng đáp ứng về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án.

Hơn nữa, căn hộ nhà ở xã hội phải được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn khép kín, bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nhà ở xã hội, bán, cho thuê, thuê mua đúng đối tượng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Trong đề xuất gửi tới Bộ Xây dựng, TP Hà Nội cho biết nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố giai đoạn sau 2020 rất lớn, lên tới khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,21 triệu m2 sàn nhà ở.

Về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án nhà ở Him Lam Phúc Lợi, theo TP Hà Nội, phù hợp với chuyển đổi dự án và đúng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Ngoài việc đề xuất chuyển đổi nhà thương mại, nhà tái định cư thuộc dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội, thời gian qua TP Hà Nội cũng lên kế hoạch đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn.

Đó là 2 khu nhà ở xã hội tập trung được xây dựng tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; 1 khu được xây dựng tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; 1 khu tại xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín; 1 khu tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.

Quảng Trị: Phê duyệt dự án 230 tỷ đồng xây dựng đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà

Ngày 29/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến ký ban hành quyết định phê duyệt dự án “Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị” (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Hoàng đến Nam cầu sông Hiếu).

Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư là 230 tỉ đồng, nguồn từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh. Trong đó, ngân sách trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là 203 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 27 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2025.

tm-img-alt

Phê duyệt dự án 230 tỷ đồng xây dựng đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà.

Phạm vi xây dựng dự án gồm: điểm đầu lý trình km 0+00 tại phía Nam cầu sông Hiếu; điểm cuối lý trình km 4+262,59 tại nút giao của đường Nguyễn Hoàng, chiều dài khoảng 4,26 km; quy mô đường cấp III đồng bằng (TCVN 4054-05), vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô 2 làn xe cơ giới; tổng diện tích sử dụng đất khoảng 12,87 ha. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện theo Văn bản số 1823/UBND-KT, ngày 24/4/2023 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư) tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND tỉnh trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, về xây dựng, về đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Mục tiêu của dự án nhằm nối thông toàn tuyến đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư; phân luồng, hạn chế phương tiện lưu thông qua trung tâm thành phố, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh; thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.

TP.Tân Uyên phấn đấu trước năm 2025 đạt đô thị loại II

Trong những năm qua, TP. Tân Uyên tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị nhanh chóng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng hoàn chỉnh, theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh, bao gồm giao thông thủy, đường bộ, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi.

Đáng lưu ý, các dự án đường kết nối vùng như đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên.

Xây dựng Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị

Năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP. Tân Uyên đạt khoảng 12,57%/năm. Hiện nay, TP. Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký trên 32.560 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 5 tỷ 297 triệu đô la Mỹ. Cơ cấu kinh tế của thành phố: Công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - 34,6% - 1,23%. Những kết quả nói trên chính là nền tảng để đưa Tân Uyên từ thị xã trở thành thành phố; là động lực để TP. Tân Uyên hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II.

Từ nay đến năm 2025, TP. Tân Uyên tập trung khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025. Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên với các đô thị khác của Bình Dương cũng như TP. Hồ Chí Minh và TP. Biên Hòa(Đồng Nai) sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía Nam của đất nước; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và của vùng.

Mặc dù tổng điểm các tiêu chí đô thị loại II của TP. Tân Uyên đạt 84,57 điểm/100 điểm, tuy vậy một số tiêu chí còn chưa đạt theo tiêu chuẩn đô thị loại II được quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị mới đạt 5,1%, trong khi yêu cầu đô thị loại II từ 15 - 22%; mật độ đường giao thông đô thị mới đạt 2,5km/km2, trong khi yêu cầu đô thị loại II từ 6 - 8 km/km2; công trình xanh chưa đạt theo yêu cầu đô thị loại II. Cùng với đó, công tác cắm mốc giới ngoài thực địa chưa được thực hiện, làm cho công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng xây dựng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép ảnh hưởng đến tiến độ, quy mô và chất lượng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Xây dựng Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị

Theo lãnh đạo UBND TP. Tân Uyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang tiếp tục xây dựng, phát triển Tân Uyên gắn với các quy hoạch, định hướng phát triển đô thị đã được phê duyệt. Trong đó, thành phố ưu tiên hoàn thành các công trình kết nối vùng đi qua địa bàn, như các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… để tạo ra không gian phát triển mới cho đô thị.

Với đặc thù có nhiều người dân nhập cư nên TP. Tân Uyên sẽ chú trọng hơn nữa về hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục… để trở thành nơi ”đất lành chim đậu”, mọi người cùng được hưởng thành quả của sự phát triển. Đồng thời, thành phố cũng tiếp tục nỗ lực thực hiện bảo đảm hoàn thành Chương trình số 03-CTr/TU ngày 22-6-2020 của Thị ủy về xây dựng TX. Tân Uyên (nay là TP. Tân Uyên) đạt đô thị loại II trước năm 2025 và phát triển theo hướng đô thị thông minh.

Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung rà soát những nhiệm vụ cần thiết để thực hiện đạt các tiêu chí đô thị loại II và tổ chức thực hiện một cách cụ thể, chi tiết; đồng thời báo cáo Thành ủy Tân Uyên, UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có sự chỉ đạo thực hiện nhằm bảo đảm hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II theo kế hoạch.

TP Hồ Chí Minh: Lên kế hoạch kiểm tra tiến độ các dự án nhà ở xã hội

Đối tượng giám sát trực tiếp là UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các Sở, ban ngành Thành phố như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố; Ban Quản lý khu công nghệ cao Thành phố, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hồ Chính Minh; Quỹ phát triển nhà ở Thành phố, UBND Thành phố Thủ Đức, UBND các quận, huyện 7, Nhà Bè, Bình Chánh.

Giám sát thông qua báo cáo UBND các quận, huyện 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình... Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch giám sát này nhằm đánh giá tình hình thi hành pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2025. Rà soát, thống kê chi tiết, đầy đủ từng dự án nhà ở xã hội bao gồm dự án độc lập, nhà lưu trú công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp) và nhà ở xã hội được điều tiết trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

tm-img-alt
Giám sát việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. (Ảnh: Internet)

Xác định cụ thể tiến độ thực hiện của từng dự án, đánh giá quá trình triển khai, thực hiện của các dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng đến khi hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các đối tượng được sở hữu nhà ở xã hội.

Xác định các vấn đề tồn đọng, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập và phân tích cụ thể từng nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội dẫn đến chưa đạt được chỉ tiêu theo các chương trình và kế hoạch đề ra.

Tổng hợp đề xuất, kiến nghị, giải pháp tháo gỡ, cơ chế, chính sách đặc thù và phương hướng, lộ trình thực hiện trong thời gian tới nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện hiệu quả các dự án nhà ở xã hội, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường vai trò hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội.

Đồng thời, thông qua việc giám sát xem xét, đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan, đúng quy định của pháp luật; thực hiện đúng thời gian và tiến độ đề ra trong kế hoạch giám sát.

Việc giám sát triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2025 bao gồm dự án độc lập, nhà lưu trú công nhân và nhà ở xã hội được điều tiết trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 sẽ giám sát các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành toàn bộ dự án, hoàn thành một phần dự án, đang triển khai, chưa triển khai.

Bộ GTVT đề xuất tăng hơn 1.600 tỷ đồng dự án cầu Rạch Miễu 2

Tại Tờ trình số 9379, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã phối hợp với UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre rà soát hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh theo các nội dung báo cáo thẩm định Báo cáo thẩm định số 5808/BC-BKHĐT ngày 21/7/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nội dung được đề xuất điều chỉnh đầu tiên là tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Cụ thể, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 6.810,11 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; trong đó vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 5.591,98 tỷ đồng, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 là 1.218,13 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất điều chỉnh tăng 1.634,66 tỷ đồng so với Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 5/11/2020, gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng khoảng 1.964,37 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị giảm 96,42 tỷ đồng do cập nhật, chuẩn xác theo khối lượng và đơn giá theo dự toán được duyệt; chi phí quản lý, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác giảm 89,98 tỷ đồng do cập nhật các chi phí theo các quyết định phê duyệt dự toán và dự kiến các chi phi khác chưa có quyết định phê duyệt.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng giảm 143,31 tỷ đồng do chuẩn xác lại tỷ lệ chi phí dự phòng các yếu tố phát sinh về khối lượng và yếu tố phát sinh trượt giá theo chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác.

tm-img-alt
Ảnh: TTXVN

Nội dung điều chỉnh thứ hai tại Tờ trình 9379/TTr – BGTVT là thời gian thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre với thời gian hoàn thành được xác định lại là năm 2026 thay vì năm 2025 như kế hoạch ban đầu.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án chịu tác động lớn từ tiến độ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công, dự kiến đến quý IV/2023 mới có thể thi công trên toàn tuyến phía Tiền Giang, đây cũng là đoạn tuyến có yêu cầu xử lý đất yếu với thời gian gia tải lên đến 15 tháng.

Đồng thời, Gói thầu XL-02 thi công xây dựng cầu dây văng có thời gian thực hiện hợp đồng 36 tháng, dự kiến hoàn thành trong quý I/2026.

Do vậy, cần thiết xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để đảm bảo phù hợp thực tế triển khai thi công nhằm bảo đảm thời gian thực hiện của các hạng mục chính của dự án và chất lượng công trình.

Khánh Hòa: Quy hoạch khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo rộng 3.700ha

Quy hoạch khu đô thị và công nghiệp rộng 3.700ha tại Khu kinh tế Vân Phong
Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo tại Khu kinh tế Vân Phong.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo (Phân khu 17).

Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo có tổng diện tích khoảng 3.679ha thuộc các phường Ninh Đa, Ninh Thủy, Ninh Diêm và các xã Ninh An, Ninh Thọ của thị xã Ninh Hòa. Trong đó, khu vực đất liền khoảng 3.660ha, vùng mặt nước biển lân cận khoảng 19ha.

Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo được quy hoạch là khu đô thị, dịch vụ, hậu cần và công nghiệp. Đây là Phân khu 17 thuộc 19 phân khu trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, khu vực này sẽ có khoảng 51.000 người trong đó khoảng 50.000 dân số thường trú và khoảng 1.000 dân số quy đổi. Đất xây dựng các khu chức năng khu kinh tế có quy mô khoảng 1.541ha; khu đất nông nghiệp và chức năng khác có quy mô khoảng 2.119ha.

Việc quy hoạch Khu đô thị công nghiệp Bắc Hòn Hèo nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu sử dụng đất, giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho khu vực phát triển trung tâm công nghiệp, phát triển công nghiệp – đô thị - dịch vụ với các ngành công nghiệp sạch và có hàm lượng công nghệ cao kết hợp nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng Nai lại đề xuất xây cầu Cát Lái trước năm 2025

Đây là một trong những nội dung tại văn bản cho ý kiến mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai gửi UBND TP.HCM về phương án kết nối giao thông giữa TP.HCM với Đồng Nai.

Cùng với đó, Đồng Nai cũng thống nhất với TP.HCM về hướng tuyến của cầu Cát Lái theo ý kiến chấp thuận của Chính phủ tại Văn bản số 631/TTg-CN (ngày 9/5/2017) và quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch với quy mô 6 làn xe.

UBND tỉnh cũng thống nhất bổ sung cầu Đồng Nai 2 (kết nối từ đường Vành đai 3 - TP.HCM tại nút giao Gò Công thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức kết nối với tuyến đường tỉnh 777B thuộc xã Tam An, huyện Long Thành) và cầu Phú Mỹ 2 (kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai theo hướng vuông góc kết nối sang huyện Nhơn Trạch, đi cắt ngang khu dân cư Phú Hữu) vào quy hoạch tỉnh với quy mô 6 làn xe và giai đoạn đầu tư 2026-2030.

tm-img-alt
UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất xây cầu Cát Lái trước năm 2025 vì phà đang quá tải. (Ảnh: Internet)

Trước đó, ngày 19/7, UBND TP.HCM đã có văn bản về phương án kết nối giao thông giữa 2 địa phương gửi UBND tỉnh và đề nghị Đồng Nai thống nhất các ý kiến về giao thông kết nối giữa 2 địa phương làm cơ sở tổ chức thực hiện các thủ tục bổ sung vào các đồ án quy hoạch có liên quan theo ý kiến của Bộ GT-VT. Trong đó, về thời gian xây dựng cầu thay phà Cát Lái, Sở GT-VT TP.HCM đề xuất xây dựng sau năm 2030, khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác (dự kiến giai đoạn 2026-2030).

Theo UBND TP.HCM, hiện nay, Bộ GT-VT đang tiến hành đầu tư cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án thành phần 1A - dự án Xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM) với quy mô 4 làn xe và dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung đầu tư 4 làn xe phục vụ nhu cầu kết nối giao thông cho xe thô sơ. Thời gian dự kiến hoàn thành cầu Nhơn Trạch vào năm 2026. Như vậy, sau khi hoàn thành cầu Nhơn Trạch, về cơ bản đã giải quyết được một phần nhu cầu kết nối giữa huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP.Thủ Đức (TP.HCM).

Ngoài ra, TP.HCM đang nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, kết nối từ đường Nguyện Thị Định đến nút giao Vành đai 3 - TP.HCM, thời gian dự kiến hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2026-2030. Từ các nội dung trên, UBND TP.HCM đề xuất thời điểm xây cầu Cát Lái trong giai đoạn 2026-2030 là phù hợp.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 30/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề