Thứ năm, 12/12/2024 05:16 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 29/8/2023

MTĐT -  Thứ ba, 29/08/2023 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/8/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/8/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội xem xét điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023

Tại phiên họp ngày 29/8, UBND TP. Hà Nội xem xét Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng sẽ được trình tại kỳ họp HĐND TP tháng 9/2023. Trong đó có Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung Danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023 trên địa bàn.

UBND TP cũng xem xét về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung Danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023 trên địa bàn TP; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 17/NQ-HĐND TP về quản lý nhà biệt thự được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn.

tm-img-alt
Tại cuộc họp, UBND TP cũng xem xét Tờ trình HĐND TP về phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công.

Đặc biệt, UBND TP cũng xem xét Tờ trình HĐND TP về phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Trong đó, báo cáo cụ thể về các dự án nhóm A, công trình trọng điểm như: Xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 1; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ba Sao - Bái Đính đoạn nối từ đường trục phía Nam đến đường nối từ đường Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, huyện Ứng Hòa.

UBND TP cũng xem xét, ban hành Quy định công tác quản lý thi công và hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP; Ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Lào Cai: Triển khai dự án nhà ở xã hội trị giá gần 600 tỷ đồng

Dự án nhà ở xã hội khu bờ tả sông Hồng, xã Vạn Hòa nằm trên diện tích đất 16.608 m2 nằm ở bờ tả sông Hồng, thuộc địa phận thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, TP Lào Cai. Dự án có quy mô 4 khối nhà cao 12 tầng, với diện tích sàn 66.560 m2; trong đó sẽ bố trí xây dựng 745 căn hộ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 1.863 người. Tổng vốn đầu tư là gần 600 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Tiến độ thực hiện dự án: Đầu tư xây dựng trong thời gian 3 năm kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian kinh doanh của nhà đầu tư không quá 47 năm kể từ ngày hoàn thành việc xây dựng, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

Hiện nay Ban Quản lý Khu kinh tế đang tập trung hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thông tin về tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ được đăng tải lên cổng thông tin quốc gia về đấu thầu theo quy định pháp luật.

Giải quyết nhà ở xã hội cho gần 340.000 công nhân ở Bắc Giang

Theo đề án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tỉnh Bắc Giang, số lượng công nhân có nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 khoảng 424.000 người. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh giải quyết 80% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân, tương đương với khoảng 339.000 người.

Trong hai năm (2021-2022), tỉnh đẩy mạnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Toàn tỉnh có 15 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, dự kiến triển khai đến năm 2025. Đến hết năm 2025, nếu các dự án này hoàn thành toàn bộ sản phẩm, sẽ cung cấp khoảng 29.762 căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân.

tm-img-alt
Dự án nhà ở xã hội tại xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Ảnh: Internet

Theo đó, các dự án nhà ở xã hội đã và dự kiến triển khai theo đề án trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến hình thành 40.697 căn hộ nhà ở xã hội.

Với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân đã triển khai cho phép mở rộng đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật, trên cơ sở ưu tiên công nhân đang lao động trong khu, cụm công nghiệp. Với các dự án mới triển khai và có sản phẩm trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh chú trọng đảm bảo cơ cấu đáp ứng về nhu cầu nhà ở xã hội với tổng số căn nhà ở xã hội cần xây dựng là 46.003.

Dự báo, tổng số công nhân tại các khu công nghiệp Bắc Giang đến hết năm 2025 khoảng 262.284 người, đến năm 2030 khoảng 487.584 người. Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nhà ở xã hội của người thu nhập thấp dự báo 13.106 căn; giai đoạn 2026-2030, nhu cầu này dự báo khoảng 31.351 căn.

Nhằm kêu gọi đầu tư và đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh, Bắc Giang mở rộng đối tượng thụ hưởng, không chỉ công nhân mà người thu nhập thấp cũng được tham gia mua nhà ở xã hội tại các dự án này.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 12 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai thi công xây dựng hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, với quy mô sử dụng đất 76,73 ha, tổng mức đầu tư khoảng 19.801 tỷ đồng; đáp ứng chỗ ở cho khoảng 94.644 công nhân.

Năm 2022, có 2 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại tỉnh Bắc Giang đã có hạng mục công trình nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 15.000 công nhân với tổng diện tích sàn đạt khoảng 155.678 m2 và các căn hộ có diện tích từ 25-70 m2.

Một DN quan tâm dự án nhà ở thị trấn Văn Giang gần 1.250 tỷ đồng

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hà Nội là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện Dự án. Đây cũng là đơn vị lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt ngày 19/8/2021.

Tổng chi phí sơ bộ hơn 1.219 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 30,1 tỷ đồng.

Thanh Hóa: Đầu tư nâng cấp tuyến đường qua huyện Yên Định 250 tỷ đồng

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Yên Hoành đến đường tránh phía Nam thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Huyện và nguồn vốn hợp pháp khác.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, Dự án đang đấu thầu rộng rãi, qua mạng lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 09 Thi công xây dựng (bao gồm cả bảo hiểm) có giá dự toán 194,553 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 40 tháng; dự kiến mở thầu ngày 15/9/2023.

Tổng chiều dài toàn tuyến 3,58 km; điểm đầu Km1+820 - tại nút giao với Đường tỉnh 516D (gần cây xăng Định Hưng) thuộc địa phận xã Định Hưng, huyện Yên Định; điểm cuối Km5+400 - tiếp nối đường từ Quốc lộ 45 đi xã Định Tăng, thuộc địa phận thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định.

Đề xuất đầu tư gần 1.400 tỷ đồng tuyến đường Quốc lộ 15D

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, Quốc lộ 15D là tuyến đường bộ nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, kết nối các tuyến trục dọc quốc gia như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, Cao tốc Bắc-Nam phía Đông; kết nối với Quốc lộ 15B của nước bạn Lào và hệ thống đường bộ của Thái Lan, Myanmar tạo thành tuyến trục trên hành lang kinh tế Đông-Tây; tạo điều kiện giao lưu cũng như hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.

Trong khi đó, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454 ngày 1/9/2021, Quốc lộ 15D từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị, dài 78km (thực tế khoảng 92km) có quy mô cấp 3-4, 2 làn xe.

Hiện nay, Quốc lộ 15D đã đầu tư 2 đoạn phù hợp với quy mô tối thiểu của quy hoạch gồm từ cảng Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1, chiều dài khoảng 14km, quy mô đường cấp 3, với 2 làn xe; đoạn đi trùng đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 24km, quy mô cấp 3, với 2 làn xe. Đoạn còn lại từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay, chiều dài khoảng 12km, quy mô cấp 4-5, với 2 làn xe và 42km còn lại xây dựng mới, chưa được đầu tư.

tm-img-alt
Bộ GTVT đề xuất đầu tư gần 1.400 tỷ đồng tuyến đường Quốc lộ 15D. Ảnh minh hoạ.

Để phù hợp với quy hoạch được duyệt, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến Cao tốc Cam Lộ-La Sơn (8km) và đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay (12km), quy mô cấp 3, với 2 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 1.387 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2024 đến năm 2028).

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, xử lý; Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền để đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đoạn Quốc lộ 15 từ Cao tốc Cam Lộ-La Sơn đến đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 34km.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 42km do đây là tuyến đường xây dựng mới, kết nối thuận lợi với hai tuyến quốc lộ hiện hữu, có khả năng kêu gọi nhà đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ của tuyến Quốc lộ 15D trên địa bàn tỉnh.

Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp, chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải tìm kiếm nhà tài trợ ODA và hoàn tất các thủ tục liên quan để sớm triển khai đầu tư Quốc lộ 15D đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay vào năm 2025.

Cần mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương sau hơn 12 năm đưa vào khai thác, hiện nay mỗi ngày có khoảng 52.000 lượt xe lưu thông, trên tuyến thường xuyên ùn tắc và hay xảy ra tai nạn làm người dân rất bức xúc. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận mỗi bên chỉ có 2 làn xe, chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, trung bình mỗi ngày phục vụ khoảng 23.000 lượt xe, chạm mốc mãn tải. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, lưu lượng xe tăng cao đột biến, ngày cao điểm nhất dịp Tết Nguyên đán 2023 ghi nhận gần 40.000 lượt xe qua tuyến.

Với các tỉnh khu vực ĐBSCL - nơi có hơn 21 triệu người dân - thì đường cao tốc là chủ lực và quan trọng nhất để tạo đột phá về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. “Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận là đoạn cực kỳ quan trọng, rất cần thiết nâng cấp mở rộng. Đặc biệt, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận vận tốc cho chạy tối đa 80km/h là chưa hợp lý, cần phải đạt được tiêu chuẩn 100km/h.

tm-img-alt
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP HCM - Trung Lương do tai nạn giao thông. Ảnh: Nam An

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 chưa có làn dừng xe khẩn cấp nên khi xe gặp sự cố, va chạm giao thông, phương tiện hư hỏng, đã gây ùn tắc kéo dài. Do đó, việc mở rộng thêm hai làn xe theo quy hoạch và có làn khẩn cấp là cần thiết. Tuyến cao tốc này đã được quy hoạch, giải phóng mặt bằng chiều rộng hơn 32 m, đáp ứng xây 6 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp trong giai đoạn 2.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng (trong đó, đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương khoảng 13.000 tỷ đồng, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận khoảng 12.000 tỷ đồng).

Cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến huyết mạch miền Tây Nam Bộ, giúp phương tiện rút ngắn thời gian từ TP HCM đi Mỹ Thuận từ 3 tiếng nếu đi trên quốc lộ 1 còn 1 tiếng 45 phút.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy thử nghiệm toàn tuyến qua 14 nhà ga

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), đơn vị phối hợp với nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) tổ chức buổi thử nghiệm bắt đầu từ 9h15 - 12h20 ngày 29/8, chia làm ba đợt tàu chạy.

Dự kiến, các đoàn tàu xuất phát từ ga Bến Thành. Trong đó, đợt 1 xuất phát lúc 9h có lộ trình di chuyển qua 14 nhà ga (bao gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao).

Trên hành trình, tàu dừng khoảng 5 phút ở ga Nhà hát Thành phố, Ba Son và Tân Cảng, cho người tham gia thử nghiệm đứng tham quan. Sau đó, tàu chạy thẳng về ga Suối Tiên rồi vòng ngược lại nơi xuất phát ở Bến Thành.

Trong đợt 2 và 3, đoàn tàu xuất phát lúc 11h10, 11h40 với lộ trình chạy qua 7 nhà ga (3 ga ngầm và 4 ga trên cao) từ Bến Thành đến ga An Phú và ngược lại. Trên hành trình chạy, tàu dừng lại 5 phút tại các ga Nhà hát Thành phố, Ba Son và Tân Cảng, cho người tham gia thử nghiệm đứng tham quan.

tm-img-alt
Đoàn tàu metro di chuyển qua đoạn trên cao dài 17,1km. (Ảnh: Internet)

Trước đó, nhà thầu Hitachi đề cập trong thư gửi MAUR về đề xuất chạy trình diễn tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) toàn tuyến và dự kiến diễn ra vào ngày 31/8. Hành trình bắt đầu từ ga Suối Tiên (TP Thủ Đức) đến ga Bến Thành (quận 1) và ngược lại.

Phía nhà thầu Hitachi cho biết, do thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường hợp khẩn cấp tại đường hầm, số lượng hành khách tham gia trình diễn tàu metro sẽ được giới hạn nghiêm ngặt ở mức tối đa 20 người. Hành khách phải trang bị giày phù hợp nếu cần sơ tán khỏi tàu.

Dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao với 14 nhà ga, 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, có tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).

Đến nay, toàn bộ dự án đã hoàn thành đạt 95% khối lượng công việc. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành công tác thi công để vận hành thương mại.

Đối với gói thầu số 3 của tuyến Metro số 1 (Mua thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe và bảo dưỡng), toàn dự án đã có 17/17 đoàn tàu, 51 toa được nhập từ Nhật Bản về TP.HCM thử nghiệm.

Hồi cuối tháng 12/2022, đoàn tàu đầu tiên của dự án Metro số 1 vận hành thử nghiệm đoạn trên cao dài 8km, sau 10 năm khởi công. Tiếp đó, hồi cuối tháng 4 năm nay, MAUR tiếp tục phối hợp với nhà thầu Hitachi chạy thử nghiệm tiếp đoàn tàu Metro số 1 từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga An Phú với lộ trình đoạn dài khoảng 12,3km, qua 8 nhà ga với 2.000 khách tham quan.

Đề xuất mở rộng thêm 6 ga đường sắt Hà Nội - TP.HCM

Liên danh tư vấn vừa có báo cáo đầu kỳ về quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế gửi Cục Đường sắt Việt Nam. Theo đó, sau đề xuất mở rộng Ga Sài Gòn ở đầu mối TP.HCM, tư vấn đề xuất mở rộng diện tích 6 ga quan trọng trên tuyến đường sắt “xương sống” Hà Nội - TP.HCM.

Theo báo cáo, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện nay dài 1,726 km. Đây là tuyến đường đơn, khổ 1.000 mm, chạy theo trục Bắc - Nam, nối liền các đô thị lớn và các khu công nghiệp từ Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Biên Hòa và TP.HCM.

Tuyến này đóng vai trò huyết mạch, chủ chốt trong phát triển kinh tế trên trục chính Bắc - Nam, có điểm đầu là Ga Hà Nội, điểm cuối sẽ là Ga Sài Gòn (Ga Hòa Hưng cũ - tư vấn cũng đang đề xuất mở rộng ga này và biến thành đầu mối trung tâm hành khách của TP.HCM).

tm-img-alt
Ga Sài Gòn là ga cuối trong tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.  (Ảnh: Internet)

“Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM giai đoạn vừa qua và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT có triển khai một số dự án đầu tư cho phần tuyến và phần ga đường sắt. Các ga được lựa chọn gồm 8 ga với những đặc điểm như là ga đầu mối, ga trong đô thị lớn, ga có định hướng quy hoạch kết nối cảng thủy nội địa, cảng biển, thay đổi chức năng” - báo cáo nêu.

Cụ thể đó là các ga Ninh Bình, Khoa Trường, Đông Hà, Kim Liên, Diêu Trì, Vinh, Nha Trang và Tháp Chàm. Trong tám ga này, tư vấn đề xuất mở rộng sáu ga Ninh Bình, Khoa Trường, Kim Liên, Diêu Trì, Vinh, Tháp Chàm. Trong khi đó, Ga Đông Hà (Quảng Bình) giữ nguyên diện tích, Ga Nha Trang sẽ thu hẹp diện tích.

Theo báo cáo đầu kỳ, trên tuyến TP.HCM - Hà Nội có 171 ga, trong đó có 20 ga hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa thường xuyên và khối lượng thông qua ga tương đối lớn (từ 100.000 đến 2 triệu lượt khách và khoảng 200.000 tấn hàng/năm), cự ly bình quân giữa các ga là 10,4 km.

Báo cáo cũng thống kê trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có 1.452 cầu lớn nhỏ, trong đó nhiều cầu có tuổi thọ trên 100 năm; 27 hầm đường sắt, hầu hết đã được xây dựng từ thời Pháp có khổ giới hạn hẹp nên tốc độ khai thác bị hạn chế; 1.059 đường ngang và rất nhiều lối đi tự mở.

Đơn vị tư vấn cũng cho rằng tuyến còn một số nút thắt cổ chai như đèo Khe Nét, Hải Vân, khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện... làm giảm khả năng khai thác vận tải. Về kỹ thuật, có nhiều đoạn tuyến đi qua các vùng địa hình, địa chất phức tạp, núi non hiểm trở nên có nhiều đường cong và bán kính đường cong nhỏ, độ dốc lớn.

“Kiến trúc tầng trên ray hỏng, đặc biệt là ray mòn nhiều. Tà vẹt có nhiều chủng loại và số tà vẹt hỏng nhiều. Hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu (trừ một số đoạn, ga trên tuyến đã được đầu tư hiện đại hóa), chưa đồng bộ” - báo cáo đánh giá.

Vì vậy, báo cáo cũng đặt mục tiêu nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM để đạt tốc độ chạy tàu bình quân từ 80 km/giờ đến 90 km/giờ đối với tàu khách và từ 50 km/giờ đến 60 km/giờ đối với tàu hàng.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 29/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới