Chủ nhật, 28/04/2024 14:05 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/12/2023

MTĐT -  Thứ năm, 28/12/2023 16:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 28/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Ngành lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm 2023

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị tổng kết ngành Lâm nghiệp năm 2023

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị chủ trì hội nghị.

Năm 2023, ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi của thời tiết, khí hậu; xung đột tại một số quốc gia đã làm ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ nói riêng và các mặt hàng nông lâm thủy sản nói chung.

Mặc dù vậy, ngành lâm nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành NN&PTNT, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, kết quả nổi bật của ngành Lâm nghiệp trong năm 2023 là thực hiện đúng tiến độ xây dựng các Nghị định, Thông tư, các chương trình, đề án, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách về lâm nghiệp.

Theo đó, năm 2023, lĩnh vực lâm nghiệp được giao xây dựng 9 văn bản QPPL, đến nay Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm đã hoàn thành 100% theo đúng tiến độ được giao.

Đáng chú ý trong công tác chỉ đạo điều hành, Cục Lâm nghiệp đã kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (CMĐSDR), việc kiểm soát chặt chẽ CMĐSDR đã góp phần giữ vững và ổn định diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng, nhất là rừng tự nhiên.

Đến nay, tổng số chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững trong cả nước đạt 70% về số lượng chủ rừng và 80% về diện tích. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 465.000 ha, đạt 93,0% mục tiêu của giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, năm 2023, đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các-bon cho Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Cụ thể: ngày 3/10/2023, Quỹ BVPTR Việt Nam đã thực hiện tạm ứng tương đương hơn 962 tỷ đồng giai đoạn 2023 - 2025 cho Quỹ BVPTR 06 tỉnh Bắc Trung Bộ: Tỉnh Thanh Hóa hơn 162,5 tỷ đồng; Tỉnh Nghệ An hơn 282,5 tỷ đồng; Tỉnh Hà Tĩnh: gần 123 tỷ đồng; Tỉnh Quảng Bình gần 235,7 tỷ đồng; Tỉnh Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng; Tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 107 tỷ đồng.

Cùng theo lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, Quỹ BVPTR đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ngay từ đầu năm; Tham mưu ban hành văn bản đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR nộp đúng, nộp đủ tiền DVMTR. Phấn đấu cả nước thu và tổ chức giải ngân kịp thời đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định hiện hành của nhà nước.

Thực hiện theo quy định tại Nghị định 107/2022/NĐ-CP, nguồn thu từ ERPA (Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ) là nguồn thu từ DVMTR, Quỹ BVPTR Việt Nam là cơ quan đầu mối tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định: Nguồn thu từ ERPA được điều phối cho Quỹ BVPTR 06 tỉnh Bắc Trung Bộ để chi trả cho các chủ rừng.

Báo cáo của Cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2023, tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là 4.130,40 tỷ đồng (Thu từ thủy điện, nước sạch, công nghiệp, du lịch sinh thái là hơn 3.133 tỷ đồng; Thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng là 997,03 tỷ đồng)…

Lào Cai: Tổng kểt dự án về bảo vệ môi trường tại xã Bản Hồ

Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng thông qua cải thiện sự tham gia vào quản trị tài nguyên nước và tài chính toàn diện” do Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam triển khai thực hiện từ ngày 26/8/2023 tại xã Bản Hồ. Dự án được tài trợ bởi quỹ Canada dành cho các Sáng kiến địa phương ở Việt Nam (CFLI).

Dự án nhằm nâng cao nhận thức và khả năng thích ứng của cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thay đổi về nguồn nước tại khu vực xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa).

tm-img-alt
Quang cảnh buổi tổng kết

Sau hơn 4 tháng triển khai, dự án đã đạt được kết quả tích cực thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn, thí điểm mô hình nước sạch, vệ sinh, hướng dẫn quản lý tài chính gia đình…

Cụ thể, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực tham gia của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương trong lĩnh vực nước, vệ sinh và quản lý tài chính; nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua các sáng kiến cộng đồng với các giải pháp dựa vào nguồn lực địa phương; thúc đẩy sự hiểu biết của cộng đồng về vai trò của phụ nữ trong thích ứng dựa vào thiên nhiên trong bảo vệ môi trường và bình đẳng giới.

Tại buổi tổng kết, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đánh giá cao kết quả mà dự án đạt được. Về cơ bản, các mục tiêu, nội dung thực hiện của dự án phù hợp với nhiệm vụ, kế hoạch của tỉnh về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí. Sau dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường mong muốn các nhóm cộng đồng tại xã Bản Hồ tiếp tục duy trì và nhân rộng hiệu quả các mô hình tại địa phương.

tm-img-alt
Toạ đàm về “Thúc đẩy sự hiểu biết của cộng đồng về vai trò của phụ nữ trong thích ứng dựa vào thiên nhiên để bảo vệ môi trường tài nguyên nước và nâng cao giá trị kinh tế gia đình sức khỏe cộng đồng - bình đẳng giới”

Sau buổi tổng kết, các đại biểu tham quan triển lãm ảnh “Chúng tôi thay đổi” của cộng đồng phụ nữ xã Bản Hồ (ảnh trên). Những bức ảnh tại buổi triển lãm do phụ nữ xã Bản Hồ ghi lại trong quá trình tham gia các hoạt động của dự án.

Cũng tại buổi tổng kết đã diễn ra toạ đàm về “Thúc đẩy sự hiểu biết của cộng đồng về vai trò của phụ nữ trong thích ứng dựa vào thiên nhiên để bảo vệ môi trường tài nguyên nước và nâng cao giá trị kinh tế gia đình sức khỏe cộng đồng - bình đẳng giới” .

Công ty CP khoáng sản Bắc Kạn bị phạt hơn 1,6 tỷ đồng vì vi phạm trong lĩnh vực môi trường

tm-img-alt
Trụ sở Công ty Khoáng sản Bắc Kạn

Cụ thể, Công ty Khoáng sản Bắc Kạn đã có hành vi thải khí thải có chứa thông số môi trường nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 60.000 m3/giờ đến dưới 65.000 m3/giờ (kết quả đo và phân tích mẫu khí thải ống khói sau hệ thống xử lý khí thải của dòng khí thải số 02, lấy ngày 21/10/2023, so sánh với QCVN 19:2009/BTNMT, cột B với Kp = 0,8 và Kv = 1,4 có thông số Pb = 7,92 mg/Nm3, vượt 1,41 lần quy chuẩn kỹ thuật cho phép, lưu lượng thải 61.560 m3/giờ).

Với hành vi trên, Công ty Khoáng sản Bắc Kạn bi phạt tiền 825.000.000 đồng. Chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở trong thời hạn 3 tháng 23 ngày.
Tiếp đó, là hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần đến dưới 05 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600 m3/ngày (24 giờ) (kết quả đo và phân tích mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tại khu vực mỏ Pù Sáp trước khi xả ra suối Khau Củm, lấy ngày 19/10/2023, so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT, cột B với Kq = 0,9, Kf = 1,0, có thông số Zn = 8,206 mg/l, vượt 3,03 lần; lưu lượng xả thải 470 m3/ngàyđêm). Phạt tăng thêm 30% đối với thông số Pb = 1,0 mg/l, vượt 2,22 lần quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Số tiền phạt cho hành vi này là 494.000.000 đồng và buộc đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng.

Vi phạm về xả nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ) (Kết quả đo và phân tích mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tại khu vực mỏ Nà Duồng trước khi xả ra suối Khau Củm, lấy ngày 19/10/2023, so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT, cột B với Kq = 0,9, Kf = 1,1, có thông số: Pb = 2,728 mg/l, vượt 5,51 lần; lưu lượng xả thải 32 m3/ngày.đêm). Phạt tăng thêm 10% đối với thông số Fe = 5,915 mg/l, vượt 1,19 lần quy chuẩn cho phép.
Tổng số tiền công ty phải nộp là hơn 1,626 tỷ đồng. Đồng thời, tổng thời gian đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở với các hành vi vi phạm được xác định là 06 tháng.

Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn có địa chỉ trụ sở chính: Tổ 4, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty Cổ phần do Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cấp lần đầu ngày 29/3/2006, đăng ký thay đổi lần thứ 12 ngày 28/10/2022.

TP.Hội An triển khai thực hiện mô hình “Giảm thiểu rác thải tại cơ sở tôn giáo”

Khởi đầu cho mô hình là hoạt động truyền thông tại khóa tu mùa hè do Giáo hội Phật giáo TP.Hội An tổ chức tại Tổ đình Vạn Đức với sự tham gia của 300 khóa sinh.

Với cách thức biên soạn tài liệu mới mẻ, lồng ghép các lý thuyết Phật pháp cũng như trình chiếu tài liệu sinh động về ô nhiễm môi trường tại địa phương đã khơi dậy được sự quan tâm của các bạn trẻ. Qua đây, 300 khóa sinh trong độ tuổi từ 15 - 22 tuổi được trang bị kiến thức về ảnh hưởng của rác thải đến môi trường và các cách thức chung tay giảm thiểu.

tm-img-alt
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An trao tặng thiết bị triển khai mô hình giảm thiểu rác thải nhựa tại chùa Pháp Bảo

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An, cho biết: “Các giáo lý của đạo Phật được trình bày để chỉ ra mối tương quan giữa con người và môi trường sống, khơi dậy lòng từ bi bác ái và tạo nền tảng cho sự chuyển hóa tâm thức của cộng đồng Phật tử tại chùa Pháp Bảo. Từ đó giới thiệu các giải pháp và kêu gọi sự chung tay của mọi người từ những hành động nhỏ hàng ngày”.

Để thông điệp chung tay giảm thiểu rác thải nhựa đến gần hơn với thế hệ trẻ, trong khuôn khổ mô hình, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và nhóm công tác đã phối hợp với Gia đình Phật tử chùa Pháp Bảo tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về nhựa và sức khỏe” tại chùa Pháp Bảo.

Thông qua cuộc thi, 60 thí sinh đến từ Gia đình Phật tử được cập nhật kiến thức về các chủ đề: ô nhiễm nhựa, ảnh hưởng của ô nhiễm nhựa đến sức khỏe con người, thực trạng ô nhiễm tại địa phương cùng các kiến thức Phật giáo có liên quan…

Ngoài việc tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, cuộc thi còn khuyến khích các đoàn sinh Gia đình Phật tử tìm hiểu và nâng cao kiến thức về thực trạng ô nhiễm môi trường và xác định, đề xuất các giải pháp để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải dưới góc độ là một người Phật tử.

Thông tin từ phòng TN-MT thành phố cho rằng, đối với các hoạt động truyền thông, việc nghiên cứu và lồng ghép các yếu tố của Phật giáo để thiết kế các bài giảng là một điểm sáng tạo của mô hình.

Ngoài việc cung cấp các kiến thức hữu ích, điều này còn mang lại tác động to lớn đối với nhận thức của các đạo hữu Phật tử.

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An sẽ tiếp tục phối hợp hoàn thiện hơn nữa các hạng mục trong mô hình thí điểm tại chùa Pháp Bảo và tạo sức lan tỏa mô hình đến các cơ sở tôn giáo tự viện, tịnh xá của Phật giáo cũng như các tôn giáo khác.

Quảng Nam xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải

Thực hiện Quyết định số 146 ngày của Thủ tướng về ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải, UBND tỉnh có Công văn số 1010 ngày 23/2 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các nội dung của Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải đảm bảo yêu cầu, hiệu quả.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã bắt đầu có những động thái đầu tiên về việc ứng phó sự cố chất thải từ khi có quyết định của Thủ tướng cuối tháng 2/2023.

Ngay sau khi quyết định của Chính phủ, tỉnh đã tổ chức thực hiện Chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm. Trên cơ sở kết quả quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố số liệu, thông tin cho các cấp ngành, địa phương và cộng đồng dân cư được biết, theo dõi, cùng nhau thực hiện công tác bảo vệ môi trường chung toàn tỉnh.

tm-img-alt
Quảng Nam xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải

Để xây dựng và trình UBND ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập Đề cương chi tiết và dự toán kinh phí của nhiệm vụ. Theo đó, các nội dung của Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh sẽ bao gồm các hạng mục theo yêu cầu tại Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải cụ thể.

“Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn. Chỉ đạo, tổ chức và huy động các lực lượng có liên quan ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Cùng với đó, tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố chất thải tại địa phương (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của địa phương). Công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải báo cáo về Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Ngày 16/10 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường có Tờ trình số đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương và phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ này. Đề xuất này hiện đang được UBND tỉnh xem xét.

Việt Nam thu 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).

Đến nay, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.

tm-img-alt
Lực lượng kiểm lâm Quảng Nam tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: H.P

Trong số 6 tỉnh này, Nghệ An được giải ngân hơn 282 tỷ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỷ đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỷ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng.

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng với hơn 14,7 triệu héc ta, đạt tỷ lệ che phủ hơn 42%. Tháng 2/2020, Bộ NN&PTNT và WB đã ký Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024.

Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh nói trên có hơn 3,1 triệu héc ta đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước).

Ngành Y tế Đắk Nông tăng cường phòng chống dịch bệnh trong mùa Đông- Xuân

Theo ngành y tế, đây là giai đoạn có điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của một số tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao dịp Tết, việc đi lại, giao lưu của người dân tăng đột biến cũng làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, Rubella, các loại bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), tiêu chảy, tay chân miệng…

Để kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh có nguy cơ xảy ra, đảm bảo nhân dân vui xuân đón tết an toàn, không để dịch xảy ra trên địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, Đắk Nông đã lên kế hoạch cụ thể, chi tiết trách nhiệm cụ thể từng đơn vị liên quan và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, liên tuyến tỉnh-huyện-xã trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh.

Đắk Nông cũng đặt mục tiêu kiểm soát hiệu quả các cửa khẩu, lối mở, đảm bảo ngăn chặn hoặc phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm nhập cảnh vào tỉnh.

Theo kế hoạch, ngành y tế Đắk Nông đặt mục tiêu chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bùng phát trong mùa Đông-Xuân, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội năm 2024. Kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra, nếu xảy ra phải dập dịch kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Cụ thể, Đắk Nông đảm bảo 100% cơ sở y tế thực hiện giám sát, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh theo quy định; 100% các ổ dịch, chùm ca bệnh, các bệnh truyền nhiễm mới, lạ được phát hiện sớm, và xử lý kịp thời, triệt để không để dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu nêu trên, ngành y tế tỉnh Đắk Nông sẽ thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch, công văn của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng… về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Tỉnh cũng ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp hơn với các điều kiện thực tế tại địa phương để các cơ sở y tế tập trung phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh liên quan tới hô hấp, tiêu hóa; giao các đơn vị y tế trực thuộc tỉnh, huyện, xã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống, xử lý dịch bệnh…

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phối kết hợp được thực hiện chủ động, liên thông từ tuyến huyện tới tuyến xã.

Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông tăng cường phối hợp, giám sát các ca bệnh với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và Trung tâm Y tế tám huyện, thành phố, đảm bảo các chùm ca bệnh, các sự cố về ngộ độc thực phẩm, thông tin các bệnh truyền nhiễm “lạ”… được nắm bắt, xử lý kịp thời, hiệu quả.

tm-img-alt
Ngành Y tế Đắk Nông tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu

Ngành y tế Đắk Nông cũng lưu ý các trung tâm y tế cấp huyện có cửa khẩu khu vực biên giới (huyện Đắk Mil, Tuy Đức…) phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu trong giám sát, phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm khi nhập cảnh vào tỉnh.

Trường hợp vượt quá khả năng của đơn vị cần thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắl Nông để được hỗ trợ.

Trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông sẽ phối hợp chặt chẽ với Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, tiến hành lấy mẫu thực phẩm làm xét nghiệm một số chỉ tiêu: Staphylococcus aureus, Salmonella, Shigella, Vibrio Cholera, Pseudomonas aeginosa và E. Coli…

Cũng theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, công tác thường thực chống dịch trong mùa Đông-Xuân, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội năm 2024 phải đảm bảo 24/24 giờ.

Các đơn vị liên quan phải đảm bảo sẵn sàng việc kết nối thông tin liên lạc, thuốc men, vật tư, hóa chất, phương tiện… phục vụ xử lý dịch bệnh.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông tin kịp thời về các ca bệnh truyền nhiễm nhóm A, các bệnh truyền nhiễm mới, lạ; chùm ca bệnh liên quan đến bệnh truyền nhiễm, vụ ngộ độc thực phẩm… để phối hợp, xử lý kịp thời.

Thời gian qua, ngành y tế Đắk Nông được ghi nhận có khả năng dự báo, giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả.

Trong nhiều năm qua, Đắk Nông không có các vụ dịch bệnh lớn xảy ra, số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm năm sau đều giảm so với năm trước; các bệnh dịch thâm nhập vào địa phương đều được kiểm soát tốt.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau