Thứ hai, 29/04/2024 06:26 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/1/2024

MTĐT -  Thứ ba, 30/01/2024 16:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 30/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Bắc Kạn thêm nhiều gia súc chết rét vì thả rông lên rừng, không che chắn

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 23 đến hết ngày 29/1, trên địa bàn tỉnh đã có 38 con trâu, bò, dê chết rét.

Các địa bàn có số vật nuôi bị chết do rét, gồm: Ngân Sơn 14 con, Bạch Thông 10 con, Ba Bể 6 con, Na Rì 4 con, Chợ Mới 2 con, Pác Nặm 1 con.

Nguyên nhân gia súc chết rét là do nhiều địa phương còn thả rông vật nuôi lên rừng, không che chắn, chăm sóc cẩn thận dẫn đến giảm sức đề kháng ở vật nuôi, cộng với thời tiết trên các vùng núi cao khắc nghiệt, nhất là những đối tượng như bê, nghé vài tháng tuổi dễ bị tác động trực tiếp tới sức khỏe.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn khuyến cáo, thời tiết rét đậm, rét hại thời gian tới có thể còn tiếp diễn, tác động mạnh đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông, lâm nghiệp, gây thiệt hại về kinh tế.

tm-img-alt
Người dân xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông chăm sóc trâu trong những ngày giá rét.

Vì vậy, bà con cần tăng cường cập nhật, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp bảo vệ từ xa, từ sớm để tránh những thiệt hại, rủi ro.

Hiện tại, Bắc Kạn có hơn 80.000 con gia súc (trâu, bò, ngựa), hơn 400.000 con lợn, gần 30.000 con dê. Đây là số tài sản lớn của người dân vì vậy việc tăng cường chống rét, bảo vệ đàn qua mùa đông là nhiệm vụ rất quan trọng.

Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại.

Các địa phương tăng cường công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Cập nhật diễn biến thời tiết, cử các đoàn công tác xuống địa bàn cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Quảng Bình yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản đúng thiết kế, ranh giới

Thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại phục vụ khai thác, duy trì sản xuất, nhiều đơn vị đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để khai thác trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, có trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý hình sự làm ảnh hưởng đến môi trường và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

img_0413.jpg
Quảng Bình yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm quy định của pháp luật khoáng sản

Để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh tiếp tục chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các cấp chính quyền.

Cụ thể, bảo vệ mốc giới, ranh giới mỏ (kể cả mốc gửi, mốc phao đối với các khu vực vị trí không cắm được mốc), tuyệt đối không khai thác ra ngoài phạm vi, ranh giới khu vực được phép khai thác hoặc khai thác vượt giới hạn độ sâu cho phép; tổ chức quản lý, bảo vệ, không để xảy ra các hoạt động khoáng sản trái phép trong phạm vi được giao quản lý và các khu vực liền kề; khi phát hiện các hoạt động khai thác trái phép phải báo cáo ngay cho UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi có mỏ, hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra xử lý kịp thời.

Khai thác phải đúng thiết kế, công nghệ, phương án khai thác đã được duyệt; khai báo đầy đủ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản theo quy định; đối với khai thác cát sỏi lòng sông phải đăng ký, đăng kiểm phương tiện, tàu, thuyền, gắn biển số hiệu tàu thuyền, chủ phương tiện, đơn vị đăng ký khai thác và hợp đồng khai thác, vận chuyển, lắp đặt, quản lý, vận hành thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Thực hiện đầy đủ việc lắp đặt trạm cân và camera tại bãi và kho chứa để theo dõi lưu giữ thông tin, số liệu liên quan đến khối lượng khoáng sản đã khai thác và xuất bán theo quy định tại Điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản.

Thực hiện đo đạc lập bản đồ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng; lập hồ sơ, sổ sách, chứng từ để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế được quy định tại Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập bản đồ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác và quy trình, phương pháp, biểu mẫu để xác định sản lượng khai thác thực tế (trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện được thì phải thuê tư vấn có đủ tư cách pháp nhân quy định).

Khôi phục lại các điểm mốc ranh giới khu vực mỏ và điểm mốc chính trắc địa (nếu bị mất) được lập trong quá trình thăm dò khoáng sản, xây dựng cơ bản mỏ, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ các điểm mốc ổn định trong suốt thời gian khai thác để phục vụ cho việc kiểm tra giám sát.

Khai thác theo đúng dự án đầu tư đã được phê duyệt, cụ thể: khai thác đúng thiết kế, vị trí, độ sâu, công suất cho phép. Đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường đã được cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt; Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của cơ sở trình cấp có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Thông tin mới nhất vềhố sâu 10m xuất hiện sau tiếng nổ lớn ở Quảng Nam

Liên quan đến việc sụt lún đất tại khu vực Hố Tô, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết kết quả ghi nhận cho thấy, xung quanh khu vực sụt lún chưa phát hiện hiện tượng nứt đất hay các dấu hiệu bất thường khác nên chưa đủ cơ sở xác định nguyên nhân sụt lún.

Vì vậy, UBND tỉnh giao UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo UBND xã Tiên Hiệp tiếp tục duy trì việc rào chắn cẩn thận tại khu vực sụt lún đất, cắm biển cảnh báo và thông tin cho nhân dân trong vùng biết để phòng tránh tai nạn cho người và gia súc; đồng thời, tiếp tục theo dõi việc sụt lún ở khu vực này và khu vực xung quanh, nếu phát sinh thêm sụt lún, có diễn biến xấu hơn thì báo cáo ngay cho các cơ quan có liên quan để tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc điều tra, khảo sát chuyên sâu để có kết luận cụ thể.

tm-img-alt
Hố sâu 10m xuất hiện sau tiếng nổ lớn ở Quảng Nam. (Ảnh: Đ.D)

Trước đó, ngày 26/12/2023, tại khu vực Hố Tô, người dân địa phương bất ngờ khi nghe tiếng nổ lớn trong lòng đất. Tiếp cận hiện trường, mọi người phát hiện hố sâu khoảng 10m, đường kính hơn 5m xuất hiện trên diện tích đất trồng rừng của hộ ông Nguyễn Ngọc Ánh.

Xung quanh miệng hố có nhiều vết nứt và tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân khi đi chăn bò hoặc phát rẫy nếu không xử lý kịp thời.

Trước tình hình trên, chính quyền xã Tiên Hiệp đã chỉ đạo cho lực lượng phòng chống thiên tai xã đến bảo vệ hiện trường, dùng cột gỗ và kẽm gai rào chắn xung quanh miệng hố, cắm biển cảnh báo sụt lún đất để cảnh báo người dân.

Vụ 2 tàu cá Quảng Bình chìm trên biển: Tìm thấy 1 thi thể ngư dân mắc kẹt trong tàu

Ngày 30/1, tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình cho biết, các thợ lặn vừa tìm thấy thêm một thi thể ngư dân mất tích trong vụ chìm hai tàu cá xảy ra vào ngày 26-1.

Như vậy, trong số 11 ngư dân trên 2 tàu cá Quảng Bình bị chìm trên biển vào ngày 26/1, đến nay đã có tám người được cứu sống đưa về bờ an toàn, hai người người tử vong, một người vẫn đang mất tích.

Trước đó, vào khoảng 3 giờ 30 phút, ngày 26/1, trong lúc đánh bắt trên biển, tàu cá QB-91205TS có bảy ngư dân bị phá nước và chìm trên vùng biển cách cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) khoảng 56 hải lý về hướng đông nam.

Thời điểm này, có sáu ngư dân may mắn được tàu cá QB-91889TS phát hiện và hỗ trợ đưa lên thuyền. Ngư dân còn lại mất tích là Đào Văn Bá (25 tuổi, trú tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới).

tm-img-alt
Hiện đã có 2 thi thể ngư dân mất tích trong vụ 2 tàu cá Quảng Bình bị chìm trên biển được tìm thấy. Ảnh minh họa

Cũng trong ngày 26/1, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá số hiệu TH-90208TS có bốn ngư dân cũng gặp nạn chìm tàu cách cửa Nhật Lệ khoảng 60 hải lý về hướng đông nam.

Có hai thuyền viên trên tàu may mắn được tàu cá của tỉnh Thừa Thiên Huế cứu sống. Hai ngư dân mất tích là ông Đào Xuân Thuần (55 tuổi) và ông Phạm Ngọc Lâm, cùng trú tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới.

Sau khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng tại Quảng Bình đã khẩn trương vào cuộc và thông báo cho các các tàu cá, ngư dân địa phương đánh bắt trên biển hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Ngày 28-1, thi thể ngư dân Phạm Ngọc Lâm được một tàu cá phát hiện trôi dạt trên biển và vớt lên tàu để đưa về bờ.

Ngày 30-1, người nhà của ngư dân mất tích Đào Văn Bá đã thuê ba thợ lặn ra khu vực tàu bị chìm để tìm kiếm và phát hiện thi thể anh Bá mắc kẹt trong tàu.

Hiện, thi thể anh Bá đang được một tàu cá đưa vào Cửa Việt (Quảng Trị). Sau đó gia đình đưa thi thể về mai táng theo phong tục địa phương.

Thúc đẩy năng lượng 'sạch': Phát thải CO2 chỉ còn 27-31 triệu tấn vào năm 2050

Thông tin này được nêu tại tờ trình đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Công Thương gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Thủ tướng Chính Phủ.

Theo tờ trình, Quyết định số 500/QĐ-TTg đã đưa ra mục tiêu về giảm phát thải CO2. Cụ thể, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. 

Trong các kịch bản phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII, để đạt mục tiêu cam kết Net zero, lộ trình chuyển dịch năng lượng của các nhà máy nhiệt điện than được lựa chọn là kết hợp đóng cửa các nhà máy hiệu suất thấp đã vận hành lâu năm và chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối hoặc amoniac cho các nhà máy mới xây dựng sau 20 năm vận hành. 

tm-img-alt
Phát triển điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hoà carbon vào năm 2050 (Ảnh: Hoàng Hà)

Các nguồn nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động sau 40 năm vận hành nếu không chuyển đổi nhiên liệu. Đối với nguồn tuabin khí hỗn hợp sử dụng LNG sẽ chuyển đổi sang sử dụng hydrogen để giảm dần phát thải CO2.

Với lộ trình chuyển đổi năng lượng của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí LNG trên tại Quy hoạch điện VIII, phát thải CO2 của hệ thống nguồn điện toàn quốc sẽ đạt từ 204-254 triệu tấn vào năm 2030, đạt đỉnh vào năm 2035 khoảng 226-254 triệu tấn, sau đó giảm dần xuống đạt 27-31 triệu tấn vào năm 2050. 

Theo đó, lượng phát thải CO2 trong sản xuất điện ứng với cơ cấu nguồn tại Quyết định số 500/QĐ-TTg đã đạt mục tiêu Chiến lược biến đổi khí hậu và đạt cam kết Net zero tại COP26. 

Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP đã cụ thể hóa các dự án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện bằng các nguồn hỗ trợ về nguồn lực tài chính của đối tác quốc tế. 

Với các mục tiêu và kế hoạch nêu trên, việc phấn đấu thực hiện giảm phát thải CO2 ngành điện theo Tuyên bố JETP sẽ cần được tiếp tục triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả ở nhiều lĩnh vực/công đoạn (nhất là khâu phát điện và sử dụng điện, đầu tư cho chuyển dịch năng lượng, ...), cả ở các cơ quan, tổ chức, bên tham gia trong nước và các đối tác quốc tế có liên quan. 

Bộ Công Thương cũng nêu rõ các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia sẽ cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

tm-img-alt
Đồ hoạ: Tâm An

Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. 

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). 

Về chuyển đổi năng lượng công bằng, mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII là phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị JETP với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 67,5-71,5%. 

Ngoài ra, Tờ trình cũng nêu rõ về mục tiêu kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. 

Bộ Công Thương cũng dự kiến, đến 2030 sẽ hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi. 

Bộ này cũng định hướng phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Mới đây, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện VIII, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, các tập đoàn năng lượng rà soát, xem xét toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư dự án điện khí, trong đó có những cam kết dài hạn mang tính nguyên tắc của Chính phủ đối với nhà đầu tư; đề xuất phương án cắt giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dự án điện khí.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, căn cứ trên số liệu đánh giá ban đầu về tiềm năng điện gió ngoài ngoài khơi, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT xây dựng đề án thí điểm thăm dò, điều tra, khảo sát sử dụng ngân sách Nhà nước; phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện cấp phép… cho các dự án điện gió ngoài khơi; lập tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, sớm triển khai thí điểm một số dự án điện gió ngoài khơi.

Bởi, ngoài đóng vai trò quan trọng trong cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, việc phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hoà carbon vào năm 2050.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.