Thứ tư, 11/12/2024 10:00 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/1/2024

MTĐT -  Thứ hai, 29/01/2024 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/1/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/1/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Từ 1/2, ô tô sẽ nộp phí đường bộ theo chu kỳ kiểm định

Phí sử dụng đường bộ sẽ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ kiểm định của xe ô tô. Đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

Theo đó, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự.

Nghị định quy định đối với xe ô tô kiểm định lần đầu (trừ ô tô lực lượng quốc phòng, công an), thời điểm tính phí sử dụng đường bộ tính từ ngày phương tiện được cấp Giấy chứng nhận kiểm định.

Đối với xe ô tô cải tạo, chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu từ tổ chức sang cá nhân (và ngược lại) thì mức thu phí tính từ ngày chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu theo Giấy chứng nhận đăng ký mới của xe ô tô.

Phí sử dụng đường bộ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ kiểm định của xe ô tô. Đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

Đối với xe ô tô có chu kỳ kiểm định từ 1 năm trở xuống: chủ phương tiện thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cả chu kỳ kiểm định và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

Đối với xe ô tô có chu kỳ kiểm định trên 1 năm (18 tháng, 24 tháng và 36 tháng): chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ kiểm định (18 tháng, 24 tháng và 36 tháng).

Trường hợp nộp phí theo chu kỳ kiểm định (18 tháng, 24 tháng và 36 tháng): đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với chu kỳ kiểm định. Hết thời hạn nộp phí (chu kỳ kiểm định), chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định và nộp phí cho chu kỳ kiểm định tiếp theo.

Trường hợp nộp phí theo năm (12 tháng): đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí 12 tháng.

Hết thời hạn nộp phí (12 tháng), chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ của thời gian tiếp theo (12 tháng hoặc thời gian còn lại của chu kỳ đăng kiểm).

Trường hợp chủ phương tiện đến kiểm định sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ kiểm định quy định, đơn vị đăng kiểm kiểm tra xe và tính tiền phí sử dụng đường bộ nối tiếp từ thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí sử dụng đường bộ lần trước cho đến hết chu kỳ kiểm định của kỳ tiếp theo. Nếu chu kỳ kiểm định tiếp theo trên 12 tháng, chủ phương tiện có thể nộp đến 12 tháng hoặc nộp cả chu kỳ kiểm định. Trường hợp thời gian tính phí không tròn tháng thì số phí phải nộp sẽ tính bằng số ngày lẻ chia 30 ngày nhân với mức phí của 1 tháng.

Trường hợp chủ phương tiện chưa nộp phí sử dụng đường bộ của các chu kỳ kiểm định trước theo thời hạn quy định thì ngoài số phí phải nộp cho chu kỳ tiếp theo, chủ phương tiện còn phải nộp số phí chưa nộp của chu kỳ trước. Đơn vị đăng kiểm sẽ truy thu số phí phải nộp của chu kỳ trước, số phí phải nộp bằng mức thu phí của 1 tháng nhân với thời gian nộp chậm.

Trường hợp chủ phương tiện muốn nộp phí sử dụng đường bộ cho thời gian dài hơn chu kỳ kiểm định, đơn vị đăng kiểm thu phí và cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.

tm-img-alt
Từ 1/2, ô tô sẽ nộp phí đường bộ theo chu kỳ kiểm định. (Ảnh: Internet)

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nộp phí sử dụng đường bộ theo năm dương lịch gửi thông báo bằng văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) đến đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ theo năm dương lịch đối với các phương tiện của mình.

Hàng năm, trước ngày 1/1 của năm tiếp theo, chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí cho năm tiếp theo. Khi thu phí, đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ cho từng xe tương ứng thời gian nộp phí.

Doanh nghiệp có số phí sử dụng đường bộ phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện nộp phí theo tháng. Doanh nghiệp có văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) gửi đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí đối với các phương tiện của mình.

Hàng tháng, trước ngày mùng 1 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp phải đến đơn vị đăng kiểm (đã đăng ký nộp phí theo tháng) nộp phí sử dụng đường bộ cho tháng tiếp theo. Khi thu phí, tổ chức thu phí cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng thời gian nộp phí.

Hà Nội sẽ thanh, kiểm tra quản lý đất đai tại 5 huyện

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch về việc kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại một số huyện trên địa bàn.

Mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại địa bàn một số huyện; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục. Đặc biệt là phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng luật.

tm-img-alt
Hà Nội sẽ kiểm tra việc thi hành pháp luật trong quản lý đất đai tại các huyện: Hoài Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Mê Linh, Gia Lâm. (Ảnh minh họa).

Theo đó, UBND thành phố sẽ thực hiện kiểm tra về nội dung trên tại các huyện: Hoài Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Mê Linh, Gia Lâm trong quý I, II, III-2024; thời kỳ thực hiện kiểm tra từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2023.

Nội dung kiểm tra là việc quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật và việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

UBND thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên thực hiện các nội dung công việc liên quan đến chuẩn bị kiểm tra; thông báo lịch kiểm tra cụ thể đến đơn vị và lựa chọn phương thức kiểm tra phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, đối với các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra; chấp hành kết luận và xử lý kết quả kiểm tra.

Đồng thời, UBND thành phố đặc biệt lưu ý, công tác kiểm tra phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch toàn diện và hiệu quả. Hoạt động kiểm tra phải đánh giá được kết quả triển khai và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của đơn vị được kiểm tra.

Đề xuất nâng tốc độ tối đa lên 90 km/h trên cao tốc 4 làn xe

Đề nghị đó được Cục Đường bộ đưa ra trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức cắm biển tốc độ tối đa cho phép trên đường cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới.

Theo đó, từ cuối tháng 12/2023 đến nay, đã có 4 đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới được điều chỉnh khai thác với vận tốc tối đa từ 80km/giờ lên 90km/giờ là cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Trung Lương - Mỹ Thuận; Tuyên Quang - Phú Thọ. Qua báo cáo của các ban quản lý dự án, Sở Giao thông vận tải đang quản lý các tuyến cao tốc nêu trên sau thời gian khai thác, theo dõi thì bước đầu giao thông ổn định.

Từ kết quả này, để bảo đảm tính đồng nhất, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, cơ quan quản lý các đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới có quy mô tương đồng, có dải phân cách cứng phân chia hai chiều xe chạy được khai thác với vận tốc tối đa là 90km/giờ. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, cơ quan quản lý các đoạn tuyến cao tốc tăng cường điều kiện, biện pháp bảo đảm giao thông trên tuyến như: Trực chốt tại các lối vào; công tác cứu hộ, cứu nạn ứng cứu kịp thời; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát giao thông trên tuyến...

Đường cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe thường được gọi là đường cao tốc 4 làn hạn chế, có nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 16m, làn xe cơ giới rộng 3,5m, không bố trí dải dừng xe khẩn cấp liên tục; tốc độ khai thác tối đa 80km/giờ. Còn đường cao tốc 4 làn xe có quy mô đầy đủ có nền đường rộng 22,5m-25m, mặt đường rộng 23,5m, mỗi làn xe rộng 3,75m, dải dừng xe khẩn cấp 2 bên được đầu tư đầy đủ, liên tục (mỗi dải rộng 3m); tốc độ khai thác tối đa 100km/giờ-120km/giờ.

tm-img-alt
Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý các đoạn tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư được thiết kế với 4 làn xe cơ giới. (Ảnh: Internet)

Đồng thời, các đơn vị quản lý đường cao tốc tăng cường các điều kiện, biện pháp bảo đảm giao thông trên tuyến như: trực chốt tại các lối vào; công tác cứu hộ, cứu nạn ứng cứu kịp thời; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát giao thông trên tuyến...

Trong quá trình khai thác, sử dụng, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc tiếp tục theo dõi về tổ chức giao thông, tình hình an toàn giao thông trên tuyến để kịp thời phát hiện các tồn tại, bất cập, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tốc độ khai thác, phương án tổ chức giao thông cho phù hợp nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Ngoài ra, Cục Đường bộ đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các Ban quản lý dự án, các đơn vị liên quan đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đầu tư...

Lạng Sơn đề xuất đầu tư hơn 1.113 tỷ đồng vào Khu đô thị mới Đông Kinh

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa qua đã phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện Khu đô thị mới Đông Kinh, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn.  

Dự án này có diện tích đất thực hiện gần 176.500 m2, diện tích đất xây dựng nhà ở gần 45.000 m2. Cơ cấu sản phẩm có 41 căn nhà liền kề xây thô, 345 lô đất ở liền kề không xây thô, 2 khu nhà ở xã hội (cao 9 tầng), 40 lô đất ở tái định cư cùng một số công trình khác. Quy mô dân số 3.200 người. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án gần 997 tỷ đồng. Ngoài ra còn có chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 117 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện kéo dài 5 năm.

Phía Đông khu đô thị giáp ranh giới xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng phường Đông Kinh, phía Bắc giáp khu dân cư hiện trạng và đường Ngô Quyền, phía Nam giáp khu dân cư hiện trạng và dự án hạ tầng kỹ thuật khối 8 phường Đông Kinh. Trước đó, dự án đã được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 8/8/2023.  

Địa phương yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là hơn 222,7 tỷ đồng (tương đương 20% tổng mức đầu tư dự án). Hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là 9 giờ ngày 26/2/2024.    

Quy hoạch Bắc Ninh và Từ Sơn lên quận, Yên Phong và Tiên Du là thành phố thuộc tỉnh

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu phát triển đến năm 2030 Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Đây sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; hai thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; hai huyện: Lương Tài, Gia Bình.

Đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, lúc này toàn tỉnh có 12 đô thị: Một đô thị loại I, một đô thị loại II, 4 đô thị loại III và 6 đô thị loại V.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trong đó, đô thị loại I là Đô thị Bắc Ninh, dự kiến trở thành quận. Đô thị loại II là Đô thị Từ Sơn, đô thị này cũng dự kiến trở thành quận.

Như vậy, TP Bắc Ninh và Từ Sơn hiện tại sẽ được định hướng trở thành quận khi toàn tỉnh Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc trung ương.

Trong khi đó, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong sẽ được phát triển trở thành hai thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện tại, hai địa phương này đều là đô thị loại V, dự kiến đến năm 2030 cùng lên đô thị loại III.

Thành phố Tân Uyên phát triển theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có công nghệ cao

Theo quyết định được phê duyệt, Đồ án điều chỉnh quy hoạch Tân Uyên định hướng đến năm 2030 là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; Đến năm 2040 là đô thị dịch vụ - công nghiệp - đầu mối giao thông cấp vùng và nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó, công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có công nghệ cao.

Thành phố Tân Uyên được thành lập ngày 13/02/2023 theo Nghị Quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV với 12 đơn vị hành chính, gồm 10 phường và 02 xã, tổng diện tích tự nhiên gần 19.200ha, dự kiến dân số khoảng 850.000 người.

Theo quy hoạch, đô thị Tân Uyên tiếp tục phát triển theo mô hình đa cực với trung tâm là phường Uyên Hưng hiện hữu; hướng Đông Bắc phát triển khu đô thị công nghiệp trên cơ sở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng kết nối với Khu công nghiệp VSIP III; Khu vực phía Đông Nam hình thành khu đô thị cảng trên cơ sở phát triển cảng Thạnh Phước kết nối với cảng Thái Hòa; Khu vực phía Tây Nam cải tạo chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu và khu vực dọc 2 bên tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh. Trong đó, ưu tiên phát triển dọc trục chính đô thị theo các tuyến đường ĐT.746, ĐT.742; Khu vực phía Tây Bắc giữ nguyên Khu công nghiệp VSIP II và phát triển đô thị mới dọc theo Vành đai 4 và đường ĐT.742; Hai xã Thạnh Hội và Bạch Đằng phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái, phát triển cảng dọc sông Đồng Nai.

tm-img-alt
Thành phố Tân Uyên đã thay màu áo mới. Đi trên những con đường khang trang rộng mở, say ngắm những công trình mới trên đô thị trẻ, mới thấy được sức xuân của một vùng đất anh hùng đang chuyển mình sang trang. IT

Quy hoạch cũng định hướng, thành phố Tân Uyên có 6 khu đô thị, trong đó khu đô thị trung tâm hành chính - dịch vụ rộng hơn 1.990ha (vùng lõi trung tâm khoảng 390ha) gồm một phần phường Uyên Hưng và Khánh Bình. Khu đô thị này lấy trung tâm thành phố Tân Uyên làm hạt nhân phát triển lan tỏa thông qua các tuyến giao thông chính đô thị. Từ đó phát triển dịch vụ - thương mại, tài chính - ngân hàng, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí. Đồng thời chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và phát triển các khu đô thị mới. Khu vực còn lại phát triển nhà ở mật độ thấp, khai thác vùng cảnh quan ven suối và dọc sông Đồng Nai.

Tân Uyên cũng được quy hoạch khu đô thị cảng - dịch vụ logistic với diện tích khoảng 2.286ha tại phường Thạnh Phước và một phần phường Thái Hòa, Khánh Bình. Chức năng khu đô thị cảng và logistics phục vụ cho các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương và các vùng lân cận. Đặc biệt, khu vực lõi đô thị 330ha đầu tư cảng Thạnh Phước, cảng Thái Hòa và phát triển các dịch vụ thương mại cấp khu vực, dịch vụ logistic; Phát triển các loại hình ở mật độ thấp kết hợp công viên cây xanh dọc sông Đồng Nai và suối Cái.

Khu đô thị số 3 là khu đô thị dịch vụ tích hợp đa chức năng rộng gần 5.300ha tại phường Tân Hiệp, Khánh Bình và một phần phường Vĩnh Tân. Chức năng là đô thị dịch vụ - thương mại - văn hóa - vui chơi giải trí với khu đô thị lõi phát triển trung tâm dịch vụ, thương mại cấp vùng và các khu hỗn hợp cao tầng kết hợp với công viên văn hóa, thể dục thể thao; Phát triển các khu đô thị mới hiện đại dọc theo các trục chính đô thị phục vụ cho khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Nam Tân Uyên mở rộng; Bảo vệ vùng cảnh quan ven suối thông qua các mô hình nhà ở sinh thái.

Khu đô thị tiếp theo được Tân Uyên quy hoạch khu đô thị dịch vụ thương mại có diện tích khoảng 2.455ha tại một phần phường Vĩnh Tân. Đây là đô thị dịch vụ - thương mại hỗ trợ cho các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó là khu đô thị - công nghiệp công nghệ cao tại một phần phía Bắc phường Uyên Hưng và một phần phường Hội Nghĩa có diện tích rộng 2.680ha (vùng lõi trung tâm khoảng 130ha). Khu vực lõi đô thị được đầu tư hoàn chỉnh các khu công nghiệp hiện có; phát triển công nghiệp mới kết nối Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng và Khu công nghiệp VSIP III, hình thành khu đô thị công nghiệp và dịch vụ logitics; phát triển các khu đô thị mới xung quanh khu công nghiệp dọc đường Vành đai 4; phát triển trung tâm mới phường Hội Nghĩa và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ cho khu vực.

Khu đô thị số 6 là khu đô thị mới kết hợp đầu mối giao thông vùng tại phường Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp và Tân Phước Khánh có tổng diện tích khoảng 2.967ha. Trong đó, vùng lõi trung tâm rộng 490ha, đầu tư xây dựng ga Phú Chánh kết hợp với các chức năng dịch vụ đầu mối cấp vùng nhằm tạo ra hiệu ứng phát triển đô thị cho không gian xung quanh; Phát triển khu đô thị mới gắn với các loại hình dịch vụ thương mại kết nối với dịch vụ logistic, dịch vụ kho bãi, vận chuyển khu vực nhà ga; Phát triển các khu vực phát triển đô thị mới dọc theo các tuyến ĐT.746 và ĐT.742. Khu vực còn lại tiếp tục duy trì Cụm công nghiệp Phú Chánh và phát triển khu vực ga Phú Chánh kết hợp dịch vụ kết hợp phát triển nhà ở mật độ thấp, khai thác cảnh quan ven suối Cái.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Tân Uyên đến năm 2040 cũng quy hoạch khu nhà ở hỗn hợp tập trung trên các đường chính đô thị (Đại lộ Nam Tân Uyên, Đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, Vành đai 4, các trục đường tỉnh ĐT.742, ĐT.746, ĐT.747...) và tại các cửa ngõ đô thị. Đồng thời cũng quy hoạch 10 khu vực phát triển đô thị mới tại các phường Vĩnh Tân, Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Hiệp, Khánh Bình, Thạnh Phước… mỗi khu vài trăm ha. Cải tạo, chỉnh trang đô thị tại Uyên Hưng Tân Phước Khánh Thái Hòa với tổng quy mô gần 750ha. Ngoài ra, quy hoạch cũng bố trí nhà ở xã hội tại các khu vực tập trung nhiều công nhân lao động, cán bộ công chức, học sinh sinh viên và người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Tân Uyên với tổng quy mô khoảng 81ha.

Tân Uyên cũng đưa ra các chương trình ưu tiên đầu tư và ngồn lực thực hiện. Cụ thể là đến 2025 sẽ tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung như cao tốc Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4, đường đi cảng Thạnh Phước và cầu Bạch Đằng 2, mở rộng ĐT.742, ĐT.747A...; khai thác quỹ đất công xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; giải quyết an sinh xã hội và nâng cao mức sống dân cư đô thị; đầu tư các công trình dịch vụ, công cộng bảo đảm các tiêu chí đô thị đô thị loại II.

Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường Đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, Đại lộ Nam Tân Uyên, đường đi Cảng Thạnh Phước, cầu Thạnh Hội 2; xây dựng các khu vực phát triển đô thị dọc Vành đai 4; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng logistics kết hợp cảng sông.

Đến năm 2040 xây dựng đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh và hệ thống ga ở Phú Chánh; tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông và các khu vực phát triển đô thị, chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp thành các khu dịch vụ thương mại, các công trình phúc lợi xã hội.

Đối với nguồn lực để thực hiện các công trình hạ tầng khung được xác định là vốn đầu tư và đất đai. Đối với vốn đầu tư, ngoài nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách, vận dụng các cơ chế chính sách của Nhà nước kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng. Huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đô thị, y tế, giáo dục…

Đối với nguồn lực đất đai, quy hoạch xác định quản lý và khai thác tốt nguồn tài nguyên đất đai, bảo đảm khai thác có hiệu quả, đúng theo định hướng quy hoạch trên cơ sở bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

TP.HCM: Loại hàng loạt dự án khỏi danh mục cần thu hồi đất

Cụ thể, Sở TN&MT TP.HCM vừa có Báo cáo số 711 về nội dung trình HĐND Thành phố thông qua danh mục thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án, chưa đáp ứng các điều kiện thủ tục pháp lý.

Theo báo cáo của Sở, danh mục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn TP.HCM, tại tờ trình vào đầu tháng 1/2024, UBND TP đề xuất 22 dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích 15,03 ha. Tuy nhiên, qua thẩm tra có 6 dự án chưa đủ điều kiện để thông qua. Các dự án này bao gồm:

Dự án Trường Chuyên biệt Tương lai, quận 5, vì dự án đã được thông qua quá 3 năm, tuy nhiên hiện nay dự án đã được UBND TPHCM ban hành thông báo thu hồi đất và kế hoạch thu hồi đất, do đó sẽ tiếp tục thực hiện.

Dự án khu liên hợp nhà ở – văn phòng – thương mại Tản Đà – Hàm Tử, quận 5 (tên thương mại là Charmington Dragonic) do Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hùng Anh Năm (Công ty con của TTC Land) làm chủ đầu tư. Dự án này được quảng bá ra thị trường với số lượng 417 căn hộ thương gia tiêu chuẩn 5 sao. Dự án có các căn hộ từ 1-3 phòng ngủ, diện tích dao động từ 44 m2 – 107 m2, giá bán khoảng 80 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư và chưa được phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. 

tm-img-alt
Phối cảnh dự án Charmington Dragonic.

Dự án xây dựng cầu Kênh Ngang số 1 (trên đường Hoài Thanh – quận 6) chưa được giao vốn trung hạn 2021 – 2025, chưa có kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 – 2024.

Dự án công viên phường Tân Chánh Hiệp và dự án công viên phường Thạnh Lộc vì khu đất có nguồn gốc đất công hiện đang do UBND quận 12 quản lý, do đó không phải thực hiện công tác thu hồi đất.

Dự án nâng cấp mở rộng đường vào khu tái định cư phường Tân Thới Nhất, quận 12 chưa đủ điều kiện thông qua, do hiện nay đang thực hiện công tác điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Vừa qua, Sở TN&MT cũng đã trình UBND TP bổ sung thêm dự án nạo vét, cải tạo môi trường xây dựng hạ tầng Rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) thuộc địa bàn quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp với diện tích thu hồi đất 53,72 ha.

Như vậy, danh mục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thành phố có 18 dự án đủ điều kiện thông qua với diện tích 65.67 ha.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới