Thứ hai, 29/04/2024 10:27 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/11/2023

MTĐT -  Thứ ba, 07/11/2023 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 7/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Tin khẩn: Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Lai Châu, Điện Biên, Hà Tĩnh và Đà Nẵng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ 07 giờ ngày 07/11 đến 13 giờ ngày 07/11, tại khu vực các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Nậm Cuổi (Lai Châu) 79,6 mm; P. Na Lay (Điện Biên) 91,6 mm; Cương Gián (Hà Tĩnh) 113,2 mm; Hòa Sơn (TP. Đà Nẵng) 73,4 mm; …

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong thời gian tiếp theo, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 40mm, có nơi trên 70 mm.

tm-img-alt

Trong tình huống này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện:

- Lai Châu: Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, TP Lai Châu;

- Điện Biên: Mường Nhé, Tủa Chùa, TP Điện Biên Phủ, Điện Biên, Tuần Giáo;

- Hà Tĩnh: Hương Khê, Hương Sơn, Vụ Quang, Đức Thọ;

- Thành phố Đà Nẵng: Hòa Vang.

Dự báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.

Tại các khu vực trên, tình trạng lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Giảm thải nhựa ở đô thị: Cần sự hành động quyết liệt từ các địa phương

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, sự chủ động và hành động quyết liệt của các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng các mô hình quản lý rác nhựa ở cấp địa phương không chỉ là cơ hội để cải thiện môi trường sống Xanh, giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, du lịch, mà còn góp phần quan trọng vào quá trình hiện thực hóa các kết quả và mục tiêu quốc gia đã đề ra.

Thông điệp trên vừa được ông Thi chia sẻ tại Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa tại các đô thị” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF - Việt Nam) tổ chức ngày 4/11, tại Hà Nội.

Với ý nghĩa nêu trên, tại hội nghị, ông Thi đã đưa ra lời kêu gọi hành động và khuyến khích 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cùng tham khảo, thử nghiệm các mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả cũng như giảm thiểu chất thải nhựa tại các địa phương.

Theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã và đang là một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường và chất lượng sống của con người. Vì thế, việc quan trọng là phải có các giải pháp mạnh mẽ để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.

Giảm thải nhựa ở đô thị: Cần sự hành động quyết liệt từ các địa phương
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể.

Trong đó, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được phê duyệt và triển khai từ năm 2020 tại 10 khu vực ở 9 tỉnh, thành phố đã thu được những kết quả quan trọng thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên như: Các hoạt động tăng cường năng lực, đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa.

Bên cạnh đó, Chương trình “Đô thị giảm nhựa tại Việt Nam” đã được triển khai từ năm 2018 nhằm thúc đẩy sáng kiến Mô hình Đô thị giảm nhựa (PSC) - một sáng kiến toàn cầu của WWF. Đến nay, có 10 địa phương của Việt Nam đã ký cam kết với WWF để cải thiện công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa theo mô hình PSC.

Theo ông Toàn, các hoạt động của dự án trên, trong thời gian qua đã đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng “Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.”

Trên cơ sở đó, tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận về những đóng góp cũng như kinh nghiệm của các địa phương trong việc triển khai quản lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa; trong đó vai trò nòng cốt của các đô thị được đánh giá như là một giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

Giảm thải nhựa ở đô thị: Cần sự hành động quyết liệt từ các địa phương
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trên phương diện đối tác, ông Prasanna De Silva - Giám đốc Điều hành WWF Quốc tế cho biết trong quá trình triển khai Chương trình “Đô thị giảm nhựa tại Việt Nam,” mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song những nỗ lực của các địa phương đã mang lại kết quả rất đáng khích lệ trong công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa.

“Những kết quả của dự án sẽ góp phần giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030,” ông Prasanna De Silva nói.

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hoà Liên bang Đức thông qua WWF-Việt Nam tài trợ. Dự án được Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam) làm chủ dự án.

Mục tiêu của dự án trên nhằm góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn.

Điển hình là cơ chế hỗ trợ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa; xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại tại các địa phương, từ đó làm cơ sở áp dụng triển khai trên toàn quốc.

Việt Nam và Ba Lan: Mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác về tài nguyên và môi trường

Hội nghị còn có sự tham gia của Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các đại biểu đến từ Bộ TN&MT Việt Nam, Bộ Giáo dục và Khoa học Ba lan; Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các trường Đại học, các Hội, Hiệp Hội của Việt Nam và Ba Lan.

img_6628.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị gồm ba chủ đề về “Địa chất và tài nguyên khoáng sản”, “Thiên tai và bảo vệ môi trường” và “Khảo cổ học và địa khảo cổ học”. Hội nghị là dịp để các nhà khoa học của Ba Lan và Việt Nam thông báo những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, sinh hóa biển, ô nhiễm môi trường, bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu, khảo cổ, tai biến thiên nhiên và bảo vệ môi trường... Đây cũng là dịp để ôn lại lịch sử quan hệ giữa hai nước, thành quả của những chương trình hợp tác và những đóng góp của Ba Lan cho Việt Nam trong hơn 70 năm qua.

Điểm lại những kết quả hợp tác Việt Nam - Ba Lan có ý nghĩa thiết thực

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/2/1950 đến nay, Việt Nam và Ba Lan có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, du lịch… Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 4.000 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, trong đó trên 100 cán bộ ngành địa chất và khoáng sản. Đặc biệt, có hai Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam từng là cựu du học sinh ngành Địa chất tại Ba Lan là nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Chu Tuấn Nhạ và nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên. Những cán bộ kỹ thuật do Ba Lan đào tạo có trình độ chuyên môn cao đã đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã điểm lại một số kết quả Hợp tác quốc tế Việt Nam - Ba Lan trong ngành tài nguyên và môi trường có ý nghĩa thiết thực và đạt nhiều thành quả cho Việt Nam.

Cụ thể, từ năm 1955, Ba Lan đã giúp xây dựng 2 trạm nghiên cứu Khí tượng - Thủy văn đặt tại Sa Pa và Phù Liễn Hải Phòng; xây dựng Nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông, Quảng Ninh; thành lập Bản đồ địa chất và khoáng sản khu vực Bảo Hà tỷ lệ 1/100.000 và 1/25.000 trên diện tích 1.500km2.

sequence-01.00_00_02_10.still001.jpg
Ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát biểu tại hội nghị

Năm 1996, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học về địa chất với 4 dự án lớn thực hiện liên tục từ năm 1996 - 2018 được Ba Lan tài trợ và có nhiều kết quả có ý nghĩa về cấu trúc địa chất, kiến tạo, địa động lực, tiến hóa magma, sinh khoáng,…

Năm 1999, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Việt Nam và Ủy ban Nhà nước của Ba Lan về nghiên cứu khoa học đã ký Văn bản hợp tác Khoa học và Công nghệ. Trên cơ sở Hiệp định đã ký kết, phía Ba Lan đã tài trợ cho Việt Nam một số dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Trắc địa - Viễn thám, công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp tàu thủy…

Từ năm 2014, theo sáng kiến của GS. Tadeusz Slomka, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH, Krakow, Trường Đại học AGH Krakow và Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội cùng nhau luân phiên tổ chức Hội nghị Việt-Pôl tại Ba Lan và tại Việt Nam nhằm phối hợp hoạt động trao đổi học thuật, chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên giữa hai trường, đồng thời phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực đào tạo đại học và sau đại học.

Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 334/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện Chiến lược trên, Bộ TN&MT đã và đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; khuyến khích hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác.

Mối quan hệ hợp tác quốc tế và sự giúp đỡ của Ba Lan trước đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cho sự trưởng thành nhanh chóng của ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam. Tuy vậy, có sự gián đoạn trong thời gian gần đây, do vậy Bộ TN&MT hiện chưa có chương trình hợp tác chính thức với các đối tác Ba Lan tương ứng.

z4852870614546_ab332844f6e26ee9365695b23cbcab65.jpg
Giáo sư Anna Wysocka, Phó Viện trưởng Viện Địa chất, Viện Hàn Lâm Khoa học Ba Lan phát biểu khai mạc hội nghị

Để tiếp nối truyền thống hợp tác giữa hai nước, Bộ TN&MT đã giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản làm đầu mối xây dựng một số chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác Ba Lan trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đồng thời chuẩn bị các hồ sơ kỹ thuật và tiến tới xây dựng một Trung tâm nghiên cứu Nhiệt đới Việt Nam - Ba Lan ở Việt Nam trong tương lai do Ba Lan tài trợ (trong đó, sẽ xây dựng trước 1 phòng thí nghiệm tại trụ sở Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản).

“Việt Nam và Ba Lan tuy xa nhau về địa lý nhưng có rất nhiều điểm tương đồng về lịch sử đặc biệt là tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác đã trải qua hơn 70 năm. Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ rất lớn nhưng chưa được khai thác tương xứng trong thời gian qua. Bộ TN&MT luôn mong muốn trong thời gian tới sẽ ký kết hợp tác chính thức với cơ quan tương ứng của Ba Lan”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.

Kỳ vọng nhiều kết quả từ hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư Anna Wysocka, Phó Viện trưởng Viện Địa chất, Viện Hàn Lâm Khoa học Ba Lan đánh giá, quan hệ hợp tác giữa Ba Lan và Việt Nam có truyền thống lâu đời từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi Ba Lan bắt đầu đào tạo nhân lực cho Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong những năm qua, các nhà khoa học Ba Lan và Việt Nam đã đưa ra nhiều dự án và sáng kiến ​​chung. Trong 20 đến 30 năm qua, sự hợp tác này vẫn tiếp tục nhưng quy mô hạn chế hơn.

Vì vậy, hai bên đã quyết định tổ chức Hội nghị này nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học Ba Lan-Việt Nam, qua đó thúc đẩy trao đổi ý tưởng khoa học, hợp tác và chuẩn bị các dự án nghiên cứu chung giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường, kỹ thuật môi trường, khai thác mỏ, khoa học sinh học năng lượng và khảo cổ học. Mục tiêu lâu dài là thành lập Trung tâm nghiên cứu Nhiệt đới Việt Nam - Ba Lan ở Việt Nam.

img_6642.jpg
Quang cảnh hội nghị

Thông tin về những nội dung của hội nghị, ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết hội nghị có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học địa chất và các liên ngành khác sẽ mang đến những kết quả nghiên cứu đa dạng và phong phú từ các lĩnh vực khác nhau của khoa học địa chất và các khoa học liên ngành. Hai bên sẽ cùng trao đổi, thảo luận về các nghiên cứu tiên tiến, công nghệ mới và những ứng dụng của khoa học địa chất và từ đó đưa các các đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả của khoa học địa chất trong cuộc sống thực tiễn hàng ngày.

Lãnh đạo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng nhắc đến tầm quan trọng của sự hợp tác và giao lưu trong cộng đồng khoa học địa chất. Hội nghị không chỉ là nơi đề trình bày nghiên cứu của khoa học địa chất mà còn là cơ hội để kết nối, tạo ra cơ sở hạ tầng cho những dự án nghiên cứu khoa địa địa chất tương lai và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành khoa học địa chất.

img_6668.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Chương trình hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 6-7/11 và tham quan khảo sát thực địa trong hai ngày 8-9/11 với nhiều nội dung hấp dẫn. Cũng trong ngày 6/11, bên cạnh chương trình hội nghị, đã diễn ra Triển lãm ảnh "Ngược dòng cát bụi thời gian" do Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội tổ chức.

img_6696.jpg
img_6684.jpg
img_6689.jpg
img_6675.jpg
Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội tổ chức Triển lãm ảnh "Ngược dòng cát bụi thời gian" từ 8 giờ đến 17 giờ ngày 6/11

Nông dân Bắc Ninh chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện mô hình bảo vệ môi trường

Hội Nông dân (HND) tỉnh vừa phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) chuyển giao, hướng dẫn các cấp HND huyện Gia Bình kỹ thuật thực hiện mô hình “Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư”.

Chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện mô hình bảo vệ môi trường
Nông dân xã Quỳnh Phú (huyện Gia Bình) thu gom rác trên đồng ruộng

195 đại biểu là các thành viên tham gia mô hình, các chi Hội trưởng, chi Hội phó, hội viên nông dân huyện Gia Bình được truyền đạt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các nội dung, tiêu chí về môi trường. Hướng dẫn chuyển giao, kỹ thuật về phân loại, thu gom và xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và ở cộng đồng dân cư; Kỹ thuật phân loại, thu gom và xử lý rác thải, phế phụ phẩm nông nghiệp tại hộ và trong sản xuất nông nghiệp; Kỹ năng truyền thông, tuyên truyền, vận động cho cán bộ, hội viên nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp HND và hội viên nông dân trong thực hiện các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn.

Thời gian qua, HND các cấp duy trì hoạt động có hiệu quả 545 mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; tiếp tục phát động xây dựng mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật” tại 100% các cơ sở Hội. Từ đầu năm đến nay, nông dân toàn tỉnh tổ chức thu gom hơn 12 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải nhựa trên đồng ruộng và tập kết về nơi quy định, trong đó, HND huyện Gia Bình thu gom 4,2 tấn.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khéo dân vận giúp phố phường xanh, sạch, đẹp

Thời gian qua, cấp ủy các địa phương, đơn vị đã thực hiện nhiều mô hình dân vận khéo trong việc chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, ngăn nắp ở khắp các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn.

Hơn 10 năm trước, các tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám, Huyền Trân Công Chúa (TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) còn tình trạng bụi bặm. Cây cỏ mọc hoang, rác thải bừa bộn hai bên đường gây mất mỹ quan đô thị, không bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn giao thông.

Cán bộ, hội viên các hội đoàn thể và nhân dân phường 8, TP. Vũng Tàu ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, đồng thời vận động nhân dân không xây bục bệ, ram dốc, không để các vận dụng lấn chiếm lề đường, vỉa hè và các tuyến đường hẻm.
Cán bộ, hội viên các hội đoàn thể và nhân dân phường 8, TP. Vũng Tàu ra quân dọn vệ sinh môi trường.

Trước thực trạng trên, năm 2017, Đảng ủy TT.Đất Đỏ đã phát động thực hiện mô hình dân vận khéo Tuyến đường tự quản “sáng - xanh - sạch - đẹp” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” được UBMTTQ Việt Nam huyện Đất Đỏ phát động.

Theo đó, định kỳ hàng tháng, các đoàn thể TT. Đất Đỏ huy động đoàn viên, hội viên cùng các hộ dân ở hai bên tuyến đường ra quân tổng vệ sinh, thu gom, xử lý rác; chăm sóc hoa, cây xanh; bảo đảm hành lang an toàn giao thông để đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp. Hội viên hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh thì duy trì việc chăm sóc, bảo vệ từng tuyến đường.

Các con đường dần “thay da, đổi thịt” trở nên ngăn nắp và sạch đẹp hơn trước. Ông Huỳnh Văn Quý (KP.Phước Sơn, TT. Đất Đỏ) bày tỏ: “Bà con lối xóm rất phấn khởi trước sự đổi thay, đồng thời lan tỏa ý thức, trách nhiệm đến nhiều hộ dân xung quanh chung tay, góp sức thực hiện”.

Còn tại phường 8, TP.Vũng Tàu, từ đầu năm 2023, thực hiện chủ trương của Đảng bộ TP.Vũng Tàu về chủ đề “Năm chỉnh trang đô thị”, UBND, MTTQ và các đoàn thể, Công an và các chi bộ khu phố của phường đã quyết liệt triển khai, thực hiện đồng bộ mô hình “Vận động nhân dân không xây bục bệ, ram dốc; không để vật dụng lấn chiếm lề đường, vỉa hè và các tuyến đường hẻm”. Kết quả, đã có 333 hộ cam kết không lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè và xây dựng bục bệ, ram dốc. Việc kinh doanh buôn bán của nhân dân cũng được thuận tiện, quy củ hơn trước.

Đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể và nhân dân chăm sóc, bảo vệ các tuyến đường hoa trên địa bàn TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.
Đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể và nhân dân chăm sóc, bảo vệ các tuyến đường hoa trên địa bàn TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.

Qua triển khai thực hiện các mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, điển hình như các mô hình: “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, “Tuyến đường CCB tự quản” của Hội LHPN tỉnh, Hội CCB tỉnh và các cấp hội; mô hình “Tuyến đường hoa nông thôn” của huyện Châu Đức; mô hình “Ngày thứ Bảy tình nguyện vì màu xanh của Biển - nói không với rác thải nhựa” của UBND phường 1, TP. Vũng Tàu; mô hình “Vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân bảo vệ môi trường, xây dựng đường phố, khu phố không rác, góp phần xây dựng phường văn minh - sạch đẹp - an toàn” năm 2023 của khối vận phường Long Tâm, TP. Bà Rịa…

Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng nhận diện những khó khăn, hạn chế và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện công tác dân vận trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội nói chung và công tác chỉnh trang đô thị nói riêng đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới, linh động về nội dung, phương thức vận động nhân dân; tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của tổ dân vận khu phố, thôn, ấp; duy trì, nâng cao chất lượng của các mô hình, điển hình, tránh tình trạng chạy theo số lượng, hình thức để đối phó.

Tập trung thảo luận các vấn đề về nước tại COP28

Ngày 6/11, đặc phái viên của Chính phủ Hà Lan, bà Meike van Ginneken cho biết các vấn đề về nước sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) diễn ra từ ngày 30/11 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Hà Lan, quốc gia với khoảng 25% lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, cùng với Tajikistan được chỉ định là bên điều phối các cuộc đàm phán về nước tại Hội nghị COP28.

Phát biểu bên lề Hội nghị Aquatech về công nghệ liên quan đến nước tại Amsterdam (Hà Lan), bà Ginneken cho biết các cuộc đàm phán về nước trong COP28 sẽ tập trung vào rủi ro và cơ hội liên quan đến nước, trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến phòng chống thiên tai.

Theo bà, các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị sẽ chú trọng thảo luận 3 vấn đề, gồm bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái nước ngọt; đảm bảo người dân sinh sống tại các thành phố có quyền tiếp cận nguồn nước chất lượng tốt và được bảo vệ khỏi các mối nguy hiểm về nước; nâng cao khả năng chống chịu của hoạt động sản xuất lương thực trước tình trạng nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán.

Bà Ginneken cho biết việc COP28 tăng cường thảo luận các vấn đề về nước là minh chứng cho thấy các bên liên quan đang tìm cách giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh con người không thể thích ứng với việc Trái Đất ngày càng nóng lên nếu không thay đổi cách quản lý nguồn tài nguyên nước.

Số liệu từ Liên hợp quốc cho thấy Trái Đất đã mất khoảng 85% diện tích đất ngập nước trong vòng 300 năm qua. Viện Tài nguyên Thế giới có trụ sở ở Mỹ ước tính có tới 4 tỷ người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ít nhất một tháng mỗi năm.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Những năm qua, các hội nghị COP đã nỗ lực khắc phục tình trạng Trái Đất nóng lên quá mức nghiêm trọng và không thể ngăn chặn. Năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã ký Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu nhằm giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hội nghị Aquatech diễn ra từ 6-9/11 tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan, quy tụ khoảng 800 đơn vị triển lãm và hơn 20.000 chuyên gia về nước cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề như loại bỏ vi nhựa khỏi nguồn nước, các cách thu lợi nhuận từ việc tái chế nước thải.

Cộng đồng quốc tế đang đặt nhiều kỳ vọng vào COP28 

COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động khủng khiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách. Các nhà khoa học nhận định, thế giới không còn nhiều thời gian hành động để giữ mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận Paris tại COP21 vào năm 2015.

Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) của LHQ cho rằng mục tiêu này là rất quan trọng để tránh những hậu quả thảm khốc của BĐKH. Phát biểu tại cuộc họp trù bị cho COP28 mới đây tại thủ đô Abu Dhabi, Phó tổng thư ký LHQ Amina J. Mohammed cho rằng COP28 cần phải có hành động dứt khoát trước những phát hiện đáng báo động của các nhà khoa học cũng như những lỗ hổng hiện nay trong phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Nước chủ nhà UAE thông báo COP28 sẽ tập trung vào 4 mục tiêu chính. Cụ thể là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, có trật tự và bình đẳng; giải quyết vấn đề tài chính khí hậu; đặt thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế của người dân vào trung tâm của hành động vì khí hậu và nỗ lực để đưa COP28 thành hội nghị toàn diện nhất từ trước đến nay. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng dự kiến sẽ là vấn đề chính khi các quốc gia vẫn còn chia rẽ về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới.

Cộng đồng quốc tế hy vọng các nhà đàm phán sẽ nỗ lực vượt qua khác biệt, tháo gỡ bất đồng để đạt được tiếng nói chung về các giải pháp có ý nghĩa trong hai tuần diễn ra COP28. 

COP28 sẽ đánh giá lại liệu thế giới có thể đạt mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C trong thập kỷ tới hay không. Ngoài ra, Hội nghị được kỳ vọng có thể thống nhất các giải pháp, nhận được cam kết và hành động chắc chắn từ các quốc gia để hạn chế lượng khí thải carbon và hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương từ phát thải.

COP28 vừa là cơ hội để đánh giá lại những cam kết của thế giới về vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời là cơ hội thảo luận về những hướng đi, giải pháp mới. Đây cũng là diễn đàn để các quốc gia thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.