Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/9/2023

MTĐT -  Thứ ba, 12/09/2023 17:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Miền Bắc mưa lớn dồn dập trước khi nắng nóng trở lại

Dự báo từ ngày 12 đến 14/9, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 200mm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (12/9), ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 07h đến 15h ngày 12/9 có nơi trên 50mm như: Đình Lập (Lạng Sơn) 81.2mm, Quất Đông (Quảng Ninh) 50.4mm,…

tm-img-alt
Miền Bắc bước vào cao điểm mưa dông trước khi đón nắng nóng nhẹ.

Dự báo từ chiều tối và đêm 12-14/9, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 200mm. Từ ngày 13-14/9, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. 

Từ ngày 14/9, mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ có xu hướng giảm. Thời tiết chủ đạo là nắng xen kẽ các đợt mưa dông, với nền nhiệt phổ biến khoảng 25-34 độ C. Bắc Trung Bộ còn có khả năng kéo dài đến hết ngày 15/9.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Hiện nay, mực nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa đang biến đổi chậm và ở mức thấp hơn báo động 1 từ 1-4m. Cảnh báo từ đêm hôm nay (ngày 12/9) đến ngày 15/9, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ khu vực thượng lưu sông Thương, sông Chảy, sông Thao, sông Lô, sông Mã có khả năng đạt mức báo động 1.

Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc và Thanh Hóa, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh. Lũ trên các sông suối có thể gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động của giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp tại các bãi sông, bờ sông.

Trên biển, mưa rào và dông xuất hiện ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía bắc của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Lào Cai: Trang bị kỹ năng cho tổ bảo vệ rừng cơ sở

Để nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng tại các xã, thôn, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng chú trọng mở các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng trong công tác bảo vệ rừng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn được giao quản lý gần 25 nghìn ha rừng đặc dụng và đất lâm nghiệp. Diện tích rừng được giao quản lý lớn, lực lượng chuyên trách có hạn. Vậy nên để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Khu Bảo tồn đã thành lập 9 Tổ bảo vệ rừng chuyên trách, 13 Tổ bảo vệ rừng cộng đồng, với tổng 175 thành viên là người dân bản địa cùng tham gia tuần tra, bảo vệ rừng.

Trang bị kỹ năng cho tổ bảo vệ rừng cơ sở.png

Những ngày đầu tham gia, các tổ viên còn bỡ ngỡ chưa hiểu rõ nhiệm cụ thể của mình phải làm gì. Nhiều tổ viên tuy thường xuyên đi rừng nhưng cũng chưa có nhiều kỹ năng đi rừng dài ngày và xử lý những tình huống phát sinh. Nắm bắt thực tiễn, Khu Bảo tồn đã tổ chức các lớp tập huấn, các buổi họp để hướng dẫn từng tổ viên nội dung công việc, những kỹ năng trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng với người dân, kỹ năng ghi nhật ký tuần tra, sử dụng các thiết bị tuần rừng…

Anh Sầm Văn Mạnh, Nhóm trưởng nhóm 1, Tổ bảo vệ rừng chuyên trách thôn Ta Náng, xã Nậm Xé nhớ lại: Khi được bầu là thành viên tổ bảo vệ rừng chúng tôi cũng chưa hình dung công việc cụ thể sẽ phải làm gì nên rất lo lắng. Khi được các cán bộ Khu Bảo tồn tập huấn, hướng dẫn chi tiết từng công việc phải làm, kỹ năng tuần tra, bảo vệ rừng nên mỗi thành viên nắm được nhiệm vụ để triển khai thực hiện. Hiện các thành viên trong tổ đều sử dụng thành thạo phần mềm cảnh báo cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng, những công việc khi trực tại các chốt, trạm bảo vệ rừng.

Để phối hợp bảo vệ hơn 1.800 ha rừng phòng hộ trên địa bàn, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát đã thành lập 9 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ có từ 9 – 12 thành viên do người dân trong thôn bầu lên. Tất cả những thành viên trong tổ đều là người có sức khỏe, gương mẫu, trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng. Tuy nhiên nhiều người chưa biết sử dụng những thiết bị công nghệ, phần mềm tuần rừng, hay kỹ năng lập kế hoạch, ghi nhật ký tuần rừng, chấm công cho từng thành viên.

4.png

Bên cạnh đó cán bộ kiểm lâm còn hướng dẫn tổ viên những kỹ năng sinh tồn trong các hoàn cảnh bất thường, thiên tai khắc nghiệt, kỹ năng xử lý tình huống khi đối mặt với những đối tượng vi phạm Luật lâm nghiệp.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.700 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản. Đây là lực lượng bám sát địa bàn cơ sở cùng với chính quyền, địa phương và ngành chức năng trong việc phối hợp tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng. Qua thực tế khẳng định các tổ, đội bảo vệ rừng tại cộng đồng đã phát huy hiệu quả rõ rệt là “cánh tay nối dài” của các ngành, các cấp, là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác phát triển cũng như quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Huyện Bình Gia (Lạng Sơn): Đa dạng các hoạt động bảo vệ môi trường

Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Bình Gia đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo vệ môi trường (BVMT).

Trước đây, việc thu gom, tập kết và xử lý rác thải trên địa bàn xã Thiện Hòa còn nhiều hạn chế. Một phần do ý thức của người dân còn chưa cao, người dân chủ yếu tự chôn, đốt rác tại nhà, hoặc xả rác ra suối gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2022, được Hội Nông dân (HND) huyện hỗ trợ xây dựng 7 lò đốt rác, người dân trên địa bàn xã đã nhân rộng và xây dựng thêm 41 lò đốt rác tại 7/7 thôn. Hiện nay toàn huyện có 11 mô hình nông dân BVMT, trong đó, nhiều mô hình hay, hoạt động hiệu quả như: “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Nông dân thu gom rác thải”, “Xây dựng bể chứa rác, thuốc bảo vệ thực vật”, “Một hố rác một cây xanh”…

tm-img-alt
Tuổi trẻ huyện Bình Gia thu gom rác thải nhựa ở khu vực chợ Pác Khuông, xã Thiện Thuật

Không chỉ HND huyện, thời gian qua, các mô hình, hoạt động BVMT đã lan tỏa đến các cơ quan, đơn vị khác như: Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện… Theo đó, từ năm 2020 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã triển khai được 71 mô hình BVMT, trong đó có 31 mô hình về xử lý chất thải. Một số mô hình đã đem lại hiệu quả và được duy trì như: “Bếp đun cải tiến”, “Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Đường hoa xanh”, “Ngôi nhà xanh”, “Chai thủy tinh đựng nước”…

Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Bình Gia phát động phong trào ngày thứ Bảy xanh, ngày Chủ nhật xanh, góp phần thực hiện các tiêu chí trong BVMT. Từ các hoạt động, mô hình thiết thực đã góp phần tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa ý thức BVMT tới đông đảo cán bộ và Nhân dân trên địa bàn huyện.

Thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi Trường huyện Bình Gia cho biết: Những năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, các hoạt động BVMT trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả tích cực. Thời gian tới, phòng tiếp tục triển khai xây dựng mô hình điểm “thu gom rác thải tại nguồn” tại xã Hồng Phong và Tân Văn; tổ chức cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn ký cam kết về việc hạn chế, giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa. Đồng thời, phòng tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để các hoạt động BVMT lan toả sâu rộng trong cộng đồng; tham mưu tổ chức ra quân chiến dịch “làm cho thế giới sạch hơn” nhằm tuyên truyền, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện tham gia BVMT.

Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp, đến nay, toàn huyện đã có 9/18 xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt 46,7%, tăng 20% so với năm 2020.

Có thể thấy, những việc làm thiết thực, cụ thể của các cấp ngành và người dân trên địa bàn huyện Bình Gia đã và đang góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về BVMT cho người dân. Đồng thời, góp phần tích cực trong việc tạo cảnh quan môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại địa phương.

Thái Bình thông tin về quy mô rừng đặc dụng huyện Tiền Hải

Theo thông cáo báo chí của UBND tỉnh Thái Bình, vừa qua, một số cơ quan báo chí phản ánh về việc: Thái Bình có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải; sau khi xác lập, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải) đã được UBND tỉnh Thái Bình xác lập tại Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014, đã gần như loại bỏ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải khi giảm quy mô diện tích từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha; Thái Bình coi trọng phát triển kinh tế không coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái; Thái Bình đang không quan tâm đến người dân, giảm diện tích rừng làm mất sinh kế của người dân.

tm-img-alt

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Sau khi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thái Bình đã có những cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, trước những năm 1980 vùng ven biển tỉnh Thái Bình chủ yếu là bãi triều ngập nước, hầu hết các diện tích ngập nước trở thành nơi sinh kế, nuôi trồng thủy sản, một số khu vực được bồi tụ phù sa có tiềm năng để trồng rừng ngập mặn.

Với mong muốn giữ được đất bồi tụ, lấn biển tạo không gian sinh kế cho người dân, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xác lập Khu rừng đặc dụng tại 3 xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải.

“Khác với các quyết định khác, Quyết định số 2159 không mang tính chất xác định cụ thể ranh giới rừng trên thực địa, chủ yếu có tính quy hoạch định hướng, chủ trương, hướng tới hình thành Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Vì vậy Khu rừng đặc dụng này có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải; với diện tích tạm tính ban đầu là 12.500 ha vì quá trình xác lập khu rừng này chưa tiến hành đo đạc cụ thể mà chỉ kế thừa số liệu diện tích từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau”, UBND tỉnh Thái Bình cho biết.

Do có sự sai khác về vị trí và diện tích chưa được đo đạc và tính toán một cách cụ thể, khoa học nên tại Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 2159/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình có nêu: “Sau khi đề án được xác lập và kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tiến hành lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng. Đây là cơ sở để xác định về quy mô và diện tích Khu rừng đặc dụng này”. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến trước thời điểm tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023, khu rừng trên chưa được xác định chính xác về quy mô và vị trí.

tm-img-alt

Thái Bình sẽ tiếp tục rà soát, xác định chi tiết quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa

Trong gần 10 năm qua, tỉnh Thái Bình rất trân trọng và sử dụng đúng mục đích, tôn chỉ và các quy định của công ước Ramsa, Khu dữ trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, được UNESCO công nhận năm 2004, cụ thể:

Thứ nhất, chú trọng việc Bảo tồn và sử dụng khôn khéo có hiệu quả toàn bộ diện tích vùng đất ngập nước được được UNESCO công nhận trên địa bàn huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải cũng như khu vực ngoài biển khơi cách bờ biển 6 hải lý; duy trì, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản trên khu vực bãi triều ven biển gắn bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai có hiệu quả tạo sinh kế cho người dân ven biển.

Thứ hai, dành nhiều nguồn lực, thu hút nhiều dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, từ 3.709 ha rừng năm 2015 đến nay tỉnh Thái Bình đã có gần 4.300 ha rừng đáp ứng đủ các tiêu chí của phòng hộ và đặc dụng giúp phòng chống thiên tai có hiệu quả và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái vùng ven biển, tạo sinh kế cho nhiều người dân ven biển; thực hiện việc cắm mốc, phân  loại rừng

Thứ ba, xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng khoảng 2000/4300 ha rừng để nuôi ong mật, nuôi vịt biển, tạo nông sản xanh, an toàn, giúp người dân có thu nhập đáng kể từ rừng; gia tăng các giá trị từ rừng như việc xây dựng mô hình Du lịch sinh thái dưới tán rừng tạo công ăn việc làm, gia tăng giá trị từ rừng tại các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải...) ngày càng mở rộng, lan tỏa các giá trị từ vùng đất ngập nước...

Thứ tư, thường xuyên trang bị các kiến thức về khoa học, sản xuất nông nghiệp bền vững, canh tác cây trồng và chăn nuôi, thủy sản theo hướng giảm phát thải nhà kính và thuận theo tự nhiên tại các vùng của sông, bãi bồi (ngao 2.800 ha; nuôi Rươi, nuôi Cáy gần 1.000 ha) để bảo tồn sự đa dạng sinh học trong khu vực được UNESCO đã công nhận, góp phần tạo sinh kế cho người dân ven biển, ven cửa sông.

Trước sự biến đổi của khí hậu, dòng chảy khu vực cửa Ba Lạt bị thay đổi, hiện tượng sạt lở bãi bồi xảy ra nghiêm trọng tại khu vực Cồn Thủ, Cồn Vành, sự đa dạng về sinh học khu vực này cũng thay đổi theo, các loài sinh vật đặc hữu di chuyển về khu vực bãi bồi của huyện Thái Thụy; năm 2019 tỉnh Thái Bình đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các tổ chức Quốc tế thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Thái Thụy với diện tích vùng lõi 6.560 ha, khu vực này có rất nhiều tiềm năng để phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ven biển; với việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Thái Thụy đã khẳng định tỉnh Thái Bình tham gia và thực hiện nghiêm túc công ước Ramsar và quy định của Khu dữ trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng.

tm-img-alt
Những năm qua, Thái Bình luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn ven biển.

Năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Năm 2019, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.500 ha. Tại Điều 2 Quyết định số 1486/QĐ-TTg, Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình.

Một trong số các quy hoạch phải điều chỉnh để tránh chồng lấn với quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình là quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và khu rừng đặc dụng được tỉnh xác lập tại Quyết định số 2159. Do vậy, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Bình đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và tiến hành xác định vị trí, quy mô diện tích và ranh giới rừng đặc dụng được tỉnh xác lập tại Quyết định số 2159.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, việc xác định vị trí, quy mô diện tích Khu rừng đặc dụng (theo Quyết định số 731) không tránh khỏi một phần diện tích rừng, đất chưa có rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp bị đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp. Khu vực dự kiến thực hiện dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là nơi tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

“Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã bố trí quỹ đất ven biển phù hợp để trồng rừng mới và trồng rừng thay thế; đối với diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khi chưa chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn được tiếp tục quản lý, bảo vệ để rừng phát huy vai trò phòng hộ ven biển. Do quy mô, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải có nhiều nguồn số liệu khác nhau và có sai lệnh tọa độ trên thực địa nên cần được xác định quy mô, diện tích cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế” UBND tỉnh Thái Bình cho hay.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thái Bình sẽ phối hợp với các Bộ liên quan rà soát, xác định chi tiết cụ thể quy mô, diện tích khu rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải trên thực địa; lập hồ sơ thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải theo đúng quy định của Luật Đa dạng sinh học làm cơ sở, căn cứ để bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và thực hiện Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất sẽ cử đơn vị chuyên môn phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải được liên tục phát triển bài bản, khoa học.

Gần 1.000 người đi bộ hưởng ứng giảm phát thải, bảo vệ tương lai

tm-img-alt
Các đại biểu hào hứng đi bộ, tham gia tìm hiểu các Mục tiêu phát triển bền vững

Sự kiện là một phần trong chương trình hợp tác giữa Vườn quốc gia Cúc Phương, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) để góp phần vào mục tiêu Việt Nam trở thành nước có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đi bộ hưởng ứng “Giảm phát thải, bảo vệ tương lai” là một phần trong chương trình hợp tác giữa Vườn quốc gia Cúc Phương, AFV, Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV).

Với sự tham gia của các đại biểu đến từ 10 tỉnh, thành phố thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển của AFV và AAV; thanh niên và học sinh địa phương, chương trình thể hiện quyết tâm chung tay hành động để môi trường, cổ vũ tinh thần bảo vệ, nâng cao sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh, thân thiện với môi trường cho thanh niên và cộng đồng bằng hành động thiết thực, góp phần gìn giữ ngôi nhà chung Trái đất.

Hoạt động đi bộ hưởng ứng “Giảm phát thải - Bảo vệ tương lai” cũng nằm trong chương trình “Xanh lên Việt Nam ơi” hưởng ứng "Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi".

Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi là ngày con người sử dụng hết nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trái đất có thể sản xuất và tái tạo trong một năm. Sau ngày đó, mọi nguồn tài nguyên mà con người sử dụng đều vay mượn từ tương lai.

Trong năm 2023, thời điểm vượt ngưỡng phục hồi của Việt Nam được xác định là ngày 12/9. Vì vậy, sự kiện cộng đồng trên nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia của chính quyền các cấp, cộng đồng, đặc biệt là thanh niên trong nâng cao nhận thức về tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, kêu gọi cùng nhau hành động vì một Việt Nam an toàn, xanh và phát triển bền vững.

Hoạt động đi bộ này đã góp phần giảm phát thải từ 115 đến 412 kg khí CO2, hưởng ứng chương trình “Tài trợ cho Tương lai” do tổ chức ActionAid quốc tế khởi xướng ngày 4/9/2023 tại Hội nghị thượng đỉnh châu Phi về khí hậu, với mục tiêu thúc đẩy các giải pháp tài chính khí hậu và tăng trưởng xanh.

Nhân dịp này, ActionAid quốc tế tại Việt Nam trao tặng Huyện đoàn thị xã Nho Quan và 3 xã dự án ngân sách thực hiện Sáng kiến Carbon xanh, khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương.

Thừa Thiên Huế: Phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường

Tham gia hội nghị lần này có 70 đại biểu gồm các chức sắc tôn giáo đến từ các tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên.

Tại hội nghị, theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Truyền thông TNMT, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Sở TNMT, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo ở địa phương đã tích cực tham gia có hiệu quả các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua nhiều hoạt động cụ thể của từng tôn giáo.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Cụ thể, chức sắc, tín đồ cam kết tham gia bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, nguồn tài nguyên, trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo; không sử dụng vật tư, phương tiện tạo ra sản phẩm độc hại...

Dịp này, các đại biểu được nghe PGS.TS Nguyễn Chu Hồi- Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam giới thiệu, phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Các vấn đề về đa dạng sinh học, tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên...

Qua đó đã cung cấp những kiến thức pháp luật mới nhất về bảo vệ môi trường; những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay và tiếp tục phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Đồng thời, tạo diễn đàn trao đổi, thống nhất phương pháp, cách làm và bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn giữa Thừa Thiên Huế và các địa phương, các tôn giáo để thực hiện tốt hơn Chương trình phối hợp "Phát huy vai trò các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026”.

6 nước dọc sông Mekong đạt thỏa thuận chia sẻ dữ liệu vận hành đập

Thông báo cho biết thỏa thuận nói trên đã đạt được sau nhiều giờ thảo luận giữa Ủy ban liên hợp MRC và Nhóm công tác chung MLC về Hợp tác tài nguyên nước tại cuộc họp chung đầu tiên mang tính lịch sử diễn ra vào ngày 10/9 ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Điều này giúp mở đường cho việc chia sẻ thông tin tốt hơn về hoạt động của hồ chứa và xả nước trên dòng sông Mekong, cũng như các giải pháp thiết thực để giảm thiểu và thích ứng với các tác động.

Cuộc họp cũng thống nhất thành lập Nhóm chuyên gia chung để giám sát các nghiên cứu chung sâu hơn và triển khai Khảo sát chung Lan Thương-Mekong.

Trong quá trình khảo sát chung, MRC và MLC sẽ cùng nhau thực hiện các chuyến đi thực địa và khảo sát cần thiết tại các địa điểm quan trọng ở lưu vực thượng lưu sông Mekong, bao gồm các cam kết và quan sát liên quan về sinh kế của người dân và cộng đồng sinh sống dọc con sông này.

Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun - Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC - cho biết: “Đây là một tin tốt lành cho sông Mekong và người dân của chúng ta”.

tm-img-alt
Một đoạn sông Mekong. Ảnh: luxurycruisemekong.com

Một trong những khuyến nghị chính trong giai đoạn ngắn hạn là MRC và MLC hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo chia sẻ hiệu quả gần theo thời gian thực về mức trữ nước và dữ liệu vận hành thủy điện trên khắp lưu vực sông Lan Thương-Mekong, điều có thể giúp các cộng đồng dưới hạ nguồn chuẩn bị và thích ứng với những thay đổi.

Về lâu dài, Nghiên cứu chung khuyến nghị cả MRC và MLC nên cùng xây dựng các kế hoạch và chiến lược hành động, bao gồm chiến lược quản lý lũ lụt và hạn hán toàn diện, cũng như kế hoạch xây dựng năng lực, có thể đảm bảo quản lý tài nguyên nước phối hợp và thích ứng với các điều kiện thay đổi của sông.

Nghiên cứu chung về các mô hình thay đổi điều kiện thủy văn của lưu vực sông Lan Thương-Mekong và các chiến lược thích ứng đã được khởi động vào tháng 6/2022 tại Diễn đàn các bên liên quan khu vực MRC (RSF) lần thứ 12. Đây là nghiên cứu nhằm tìm hiểu chế độ dòng chảy đang thay đổi và đưa ra các khuyến nghị có thể tăng cường chia sẻ thông tin về hoạt động của hồ chứa trên toàn lưu vực sông Lan Thương-Mekong, cũng như tìm kiếm các chiến lược thích ứng thực tế.

Những phát hiện và khuyến nghị ban đầu của Nghiên cứu chung được đưa vào báo cáo giai đoạn đầu tiên và sẽ được chia sẻ tại RSF lần thứ 13 vào ngày 5/10 tới tại Luang Prabang, Lào. Các bên liên quan được mời cung cấp thông tin đầu vào và phản hồi về dữ liệu

Mỹ ghi nhận số vụ thiên tai cao kỷ lục trong 8 tháng đầu năm

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), mặc dù còn 4 tháng nữa mới hết năm 2023, nhưng số thảm họa thiên nhiên từ đầu năm đến nay đã vượt mức kỷ lục 22 vụ ghi nhận trong cả năm 2020. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính mỗi thảm họa gây thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD.

Trong số những vụ thiên tai kể từ đầu năm đến nay có lũ lụt ở bang California hồi tháng 3, cháy rừng ở Hawaii vào tháng 8 và bão Idalia đổ bộ vào bang Florida ngày 30/8 vừa qua.

NOAA cho biết các thảm họa thiên nhiên ở Mỹ từ đầu năm đến nay đã cướp đi sinh mạng của 253 người và gây thiệt hại kinh tế hơn 57,6 tỷ USD. Chưa kể, bão nhiệt đới Hilary ở Bờ Tây nước Mỹ và hạn hán ở khu vực miền Nam và Trung Tây dự báo có thể gây thiệt hại thêm hàng tỷ USD.

tm-img-alt
Cảnh tàn phá sau thảm họa cháy rừng tại thị trấn Lahaina ở Maui, Hawaii (Mỹ). Ảnh: THX

Giám đốc phụ trách chính sách năng lượng và khí hậu của Liên minh Các nhà khoa học Mỹ, bà Rachel Cleetus, đã bày tỏ lo ngại về số lượng kỷ lục các thảm họa thiên nhiên ở Mỹ từ đầu năm đến nay, một trong những năm nóng nhất trong lịch sử. Bà nhấn mạnh xu hướng gia tăng các vụ thiên tai gây thiệt hại lớn là dấu hiệu "không thể phủ nhận" của tình trạng biến đổi khí hậu.

Kể từ năm 1980 đến nay tại Mỹ xảy ra 371 thảm họa thiên nhiên, mỗi thảm hỏa ước tính gây thiệt hại không dưới 1 tỷ USD. Theo NOAA, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 1980-2022, Mỹ ghi nhận khoảng 8 đợt thiên tai gây thiệt hại ít nhất 1 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, con số trên đã lên tới mức 18 đợt thiên tai như vậy mỗi năm.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Miền Bắc sắp đón mưa lớn
Dự báo hôm nay - 27/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Tin mới

Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành