Thứ sáu, 26/04/2024 07:05 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/12/2022

MTĐT -  Thứ hai, 05/12/2022 16:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/12/2022. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/12/2022.

Ấn Độ nỗ lực giảm ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình 24 giờ của Delhi ở mức 407 vào lúc 4h ngày 4/12 (giờ địa phương), thuộc ngưỡng "nghiêm trọng". Theo thang đo AQI của Ấn Độ, AQI từ 0 - 50 được coi là "tốt"; 51 - 100 là "đạt yêu cầu"; 101 - 200 là "trung bình", 201 - 300 là "kém", 301 - 400 là "rất kém" và 401 - 500 thuộc mức "Nghiêm trọng".

tm-img-alt
Khói bụi mù mịt tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 3/11/2022 (Nguồn: TTXVN)

Nhấn mạnh tình trạng gia tăng mức độ ô nhiễm ở Delhi, Ủy ban quản lý chất lượng không khí Ấn Độ (CAQM) yêu cầu khi chỉ số AQI ở mức “nghiêm trọng”, cần thực hiện ngay mọi biện pháp để giảm mức độ ô nhiễm không khí, trong đó có cấm hoạt động phá dỡ và xây dựng, tiến hành phun nước và hút bụi đường phố.

Ô nhiễm không khí thường gia tăng trong những tháng mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau) ở Delhi và khu vực xung quanh. Ô nhiễm từ các phương tiện giao thông, hoạt động phá dỡ và xây dựng, đốt rơm rạ được cho là những nguyên nhân. Bụi và khói tích tụ trong không khí, làm suy giảm chất lượng không khí khiến người dân khó thở, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực đẩy mạnh nhiều biện pháp ngăn chặn và phòng, chống ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí đang gây nguy hại tới sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất ở Bangladesh

Bangladesh được xếp hạng là quốc gia ô nhiễm nhất thế giới từ năm 2018 đến năm 2021. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới được công bố mới đây, ô nhiễm không khí được ước tính đã gây ra từ 78.145 đến 88.229 ca tử vong và từ 1 tỷ đến 1,1 tỷ ngày sống chung với bệnh tật ở Bangladesh. Nó đánh giá tác động ngắn hạn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần do tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời bằng cách sử dụng dữ liệu từ 12.250 cá nhân ở thành phố Dhaka và Sylhet.

Ngân hàng thế giới cho biết ô nhiễm không khí xung quanh khiến mọi người gặp nguy hiểm, từ trẻ em đến người già và những người mắc các bệnh kèm theo như tiểu đường, tim hoặc hô hấp là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.  Đồng thời cho biết thêm rằng ô nhiễm không khí gây thiệt hại khoảng 3,9% đến 4,4% GDP của đất nước trong cùng năm.

tm-img-alt
Đám cháy rác tạo ra khói độc ở Dhaka, vào ngày 29/11 (Nguồn: Getty Images)

Thủ đô Dhaka của Bangladesh được xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ hai trên thế giới từ năm 2018 đến năm 2021, với tình trạng khó thở, ho, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, trầm cảm và các tình trạng sức khỏe khác ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo, các công trình xây dựng lớn và giao thông liên tục diễn ra ở Dhaka có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất, cao hơn trung bình 150% so với hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO.

Báo cáo có tiêu đề “Thở nặng nhọc: Bằng chứng mới về ô nhiễm không khí và sức khỏe ở Bangladesh” cũng đánh giá tác động của ô nhiễm không khí ngoài trời đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Báo cáo cho biết: “Mức độ tiếp xúc với PM2.5 (vật chất dạng hạt) tăng 1% so với hướng dẫn về chất lượng không khí (AQG) của WHO có liên quan đến khả năng bị trầm cảm cao hơn 20%.

TP.Hồ Chí Minh tăng cường giải pháp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM làm đầu mối phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương triển khai kế hoạch liên tịch, duy trì đường dây nóng và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo kế hoạch; Tiếp tục rà soát nguồn thải lưu vực kênh Ba Bò và tuyến suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khu công nghiệp có xả thải ra khu vực này; có lộ trình xử lý dứt điểm cơ sở vi phạm về xả nước thải, đảm bảo nước thải phải đạt chuẩn trước khi xả thải.

tm-img-alt
Đoạn kênh Ba Bò thuộc địa phận TPHCM. Ảnh: Internet

Đồng thời, giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị phối hợp các đơn vị có liên quan mời gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.00m³/ngày, Trạm xử lý nước thải Suối Nhum công suất 65.000m³/ngày nhằm thu gom, xử lý toàn bộ nước thải khu đô thị TP Thủ Đức (khu vực II, III);

Giao UBND TP Thủ Đức thường xuyên rà soát, cập nhật các nguồn thải ra lưu vực kênh Ba Bò và tuyến suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc lưu vực, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả thải;

Giao Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi tổ chức thực hiện nạo vét bùn bồi lắng, vớt rác, xử lý lục bình, khơi thông dòng chảy đối với đoạn kênh hở của tuyến suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái…

Cần có giải pháp quản lý chất thải nguy hại Kho khí dầu mỏ hóa lỏng tại Quảng Ninh

Bộ Xây dựng góp ý thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (ĐTXD) Dự án Kho khí dầu mỏ hóa lỏng LPG do Công ty CP Công nghệ Hóa Việt lập, hồ sơ thiết kế cơ sở do Công ty CP Thiết kế công nghiệp hóa chất lập.

Dự án có quy mô công suất 176.400 m3, được đề xuất ĐTXD tại KCN Bắc Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, đã được Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 121/QĐ-BQLKKT ngày 29/4/2022.

Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm soát Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp trên, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án tuân thủ các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Dự án áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn nước ngoài là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, cần rà soát để cập nhật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thay thế các tiêu chuẩn đã hết hiệu lực. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, khả thi; tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án ĐTXD.

Tại phần căn cứ pháp lý của dự án, cần rà soát để cập nhật, bổ sung các văn bản pháp luật thay thế các văn bản đã hết hiệu lực theo quy định.

>>> Xem thêm tại đây

Khánh Hòa: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 36, ngày 23-6-2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 và 2030, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị, nông thôn đạt lần lượt là 70% và 100%. Đến năm 2045, chủ động được nguồn nước và đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu.

Để đạt được mục tiêu đề ra, chương trình hành động đưa ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện, gồm: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; triển khai thực hiện công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nghiên cứu ứng dụng, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/12/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.