Thứ sáu, 29/03/2024 13:33 (GMT+7)

Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 24/4/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 24/04/2020 21:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/4/2020, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất dịch Covid-19 ngày 24/4 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Cập nhật lúc 16h50 ngày 24-4-2020:

*Thế giới: 2.736.137 người mắc; 191.422 người tử vong, trong đó:

- Hoa Kỳ: 886.709 người mắc; 50.243 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 213.024 người mắc; 22.157 người tử vong.

- Italy: 189.973 người mắc; 25.549 người tử vong.

- Pháp: 158.183 người mắc; 21.856 người tử vong.

Đến 16h50 ngày 24/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.

*Việt Nam: 270 trường hợp mắc COVID -19.

Tổng cộng 225 người đã được chữa khỏi. Trong đó:

16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
209 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 06/3 đến ngày 21/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2)

Cập nhật tin tức dịch Covid-19 mới nhất: Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca nhiễm Covid-19 mới

Tính đến 18h ngày 24/4, Việt Nam có 270 trường hợp mắc Covid-19. Hai trường hợp này đều là du học sinh nhập cảnh từ Nhật Bản về sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) ngày 22/4 trên chuyến bay VN311, được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình.

BN269 là nam, 23 tuổi, địa chỉ gia đình ở Hương Mai, Việt Yên, Bắc Giang

BN270 là nữ, 22 tuổi, địa chỉ gia đình ở Đông Thắng, Tiến Dũng, Yên Dũng, Bắc Giang.

Ngày 22/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình lấy mẫu sàng lọc, kết quả nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Sau đó, cơ quan này đã chuyển bệnh nhân đến cách ly điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và triển khai các hoạt động phòng chống dịch, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định.

Cập nhật dịch Covid-19 mới nhất trên thế giới

Tính đến 7h sáng 24/4 giờ Việt Nam, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 toàn cầu đã là 2.648.347 người và trên 184.000 ca tử vong. Nhiều nước đang thận trọng xem xét nới lỏng phong tỏa, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu đã thông qua các gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hàng trăm tỷ USD.

Đến nay, đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Các nước cũng ghi nhận 743.567 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi còn 58.675 người trong tình trạng nguy kịch và 1.776.617 đang phải điều trị tích cực.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 873.137 ca nhiễm và 49.748 người chết.

Tổng thống Donald Trump hôm qua ký sắc lệnh đình chỉ một phần hoạt động nhập cư vào Mỹ hôm 22/4, chưa đầy 48 giờ sau khi bất ngờ công bố quyết định trên Twitter. Dù không cấm hoàn toàn hoạt động nhập cư hợp pháp theo mong muốn của Trump, sắc lệnh này vẫn ảnh hưởng tới hàng nghìn người đang tìm cách đến Mỹ.

Tình hình đại dịch tại tâm dịch New York cũng có nhiều dấu hiệu tích cực với số ca tử vong tiếp tục xu thế giảm và số người nhập viện cũng liên tục giảm trong 10 ngày qua. Số ca tử vong ở bang ghi nhận trong 24 giờ qua là 507 và tổng số ca tử vong tính đến ngày 24/4 là 20.861 người.

Tại châu Âu, tình hình dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm khi các quốc gia ghi nhận số ca tử vong dưới mốc 1.000. Ở một số nước như Italy và Tây Ban Nha sau thời gian lên đến đỉnh, dịch bệnh đang diễn biến chậm lại.

Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 gần đã lên tới 213.024 sau khi nước này ghi nhận thêm 4.635 trường hợp trong ngày 23/4. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 25.549 sau khi ghi nhận thêm 464 trường hợp. Quốc hội nước này đã bỏ phiếu phê chuẩn việc gia hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 đến ngày 9/5, kéo dài sắc lệnh “ở trong nhà” lên tới 8 tuần. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cảnh báo, việc trở lại trạng thái bình thường cần phải “chậm rãi, từ tốn và đảm bảo tính an toàn”.

Italy ghi nhận thêm 2.646 ca mắc mới và 464 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại nước này hiện tại là 189.793 trong đó có 25.549 ca tử vong. Số ca tử vong tại Italy hiện đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Để ngăn chặn dịch bệnh, nước này đã gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5.

Pháp xác nhận thêm 2.323 ca nhiễm và 516 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 158.183 và 21.856.

Pháp áp lệnh phong tỏa từ 17/3 đến 11/5, khi số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 liên tục tăng. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa kéo dài làm gia tăng căng thẳng giữa người dân và lực lượng cảnh sát Pháp. Tình trạng bất ổn lan rộng sau vụ một người đi môtô tốc độ cao không đội mũ bảo hiểm tông vào cửa xe cảnh sát đang đỗ ở đèn đỏ khu Villeneuve-la-Garenne, ngoại ô phía bắc Paris hôm 18/4.

Tại một quận ở Lyon, nhóm 30 thanh niên đã phá hủy một nhà chờ xe buýt, đốt thùng rác, đập vỡ kính vài ôtô, phá hủy cổng nhà trẻ với lý do "đòi công lý cho Villeneuve-la-Garenne". Ở những thành phố khác như Toulouse, Strasbourg, Bordeaux, Versailles cũng xuất hiện các vụ phá hoại tương tự.

Đức báo cáo thêm 1.136 ca nhiễm và 126 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 151.784 và 5.404.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài. So với phần lớn các nước châu Âu khác, Đức đã đối phó Covid-19 tốt hơn khi thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng và có hệ thống y tế được chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, bà Merkel cảnh báo Đức vẫn đang đi trên "băng mỏng". 

Trong khi toàn bộ 16 bang của Đức bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở các cửa hàng và giao thông công cộng, một số biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế Covid-19 đã được giảm bớt. Thủ tướng Đức cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường xét nghiệm và không nên đánh đổi những thành quả đã đạt được, nhấn mạnh đại dịch chỉ có thể chấm dứt khi vaccine được phát triển thành công.

Đức cũng đang trải qua sụt giảm kinh tế do hậu quả của các hạn chế để ngăn chặn Covid-19. Merkel nói với các nghị sĩ việc thực thi các hạn chế xã hội là một trong những quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của bà.

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 139.246 ca nhiễm và 18.791 ca tử vong, tăng lần lượt 5.751 và 691. Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện, số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão.

Tại châu Á, số ca mắc Covid-19 tại Iran đã lên tới 87.026 sau khi ghi nhận thêm 1.030 trường hợp trong ngày 23/4. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 5.481 trường hợp. Tình hình tại Iran đặc biệt nghiêm trọng do nền kinh tế của nước này đang bị suy yếu, 1 phần là do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và sự thiếu hụt vật tư y tế. Iran hối thúc Quỹ Tiến tệ Quốc tế cho vay 5 tỷ USD để giúp quốc gia này đối phó với dịch Covid-19.

Tại Nhật Bản, Bệnh viện Đại học Keio Nhật Bản cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trong cộng đồng nước này, sau khi kết quả xét nghiệm PCR ngẫu nhiên đối với bệnh nhân đến bệnh viện này khám chữa bệnh cho thấy có tới 6% dương tính với virus.

Tới sáng 24/4, Nhật Bản ghi nhận 11.950 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 299 ca tử vong.

Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc cho biết trong ngày 23/4 Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 6 ca từ nước ngoài.

Hết ngày 23/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 35.000 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 1.270 người tử vong. Số ca mắc bệnh tại Singapore nhiều hơn hẳn các nước khác, trong khi Malaysia quyết định kéo dài lệnh hạn chế đi lại.

Trong vòng 24h qua, Singapore có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 11 liên tiếp (1.037 người), tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, PhilippinesIndonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới, song số ca tử vong đã giảm.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 24/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới