Chủ nhật, 28/04/2024 17:05 (GMT+7)

Tổng quan về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải

MTĐT -  Thứ ba, 05/12/2023 10:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc thu giá dịch vụ thoát nước góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc xả thải, địa phương có thêm nguồn thu để thực hiện duy tu, duy trì hệ thống thoát nước thải giảm bớt kinh phí của địa phương chi cho hoạt động này.

tm-img-alt

Chính sách chia sẻ chi phí phải như thế nào để đảm bảo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước có nguồn thu để chủ động trang trải các hoạt động duy tu, duy trì, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước, giảm dần trợ cấp từ nguồn ngân sách, vừa đảm bảo khả năng thanh toán/chi trả của người sử dụng dịch vụ?

I. Sự cần thiết và yêu cầu của thực tiễn

Dịch vụ thoát nước đô thị theo quy định hiện hành là loại dịch vụ công ích có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người dân đô thị và bảo vệ môi trường tự nhiên. Hoạt động dịch vụ thoát nước đô thị có hiệu quả góp phần bảo vệ nguồn nước, cải thiện điều kiện vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật của con người, đồng thời nâng cao chất lượng sống tại các đô thị.

Nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ thoát nước đối với sự phát triển bền vững đô thị, trong những năm qua, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã tập trung đầu tư từ nguồn vốn nhà nước/nguồn vốn ODA từ các tổ chức quốc tế hoặc nước ngoài cho phát triển hệ thống thoát nước đô thị Việt Nam; nhiều đô thị các công trình thoát nước và xử lý nước thải đã được đầu tư mới, đầu tư cải tạo, nâng cấp, song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Mặt khác nguồn kinh phí dành cho công tác duy tu, duy trì, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước đô thị chủ yếu cũng vẫn từ ngân sách nhà nước, việc thu từ người sử dụng dịch vụ còn rất thấp.

Do khó khăn về ngân sách không chỉ tại các đô thị vừa và nhỏ, mà ngay tại các đô thị lớn kinh phí dành cho các hoạt động duy tu, duy trì, quản lý vận hành, khai thác hệ thống thoát nước đô thị cũng chỉ đủ để duy trì hoạt động, không đủ để cải thiện và mở rộng dịch vụ thoát nước chưa nói đến phải trả nợ vốn vay, mà hầu hết việc đầu tư xây dựng cho hệ thống thoát nước trong những năm qua đều vay từ nguồn vốn nước ngoài.

Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân đô thị mà nhiều hệ thống thoát nước ở các đô thị Việt Nam đang bị xuống cấp nghiêm trọng do không có đủ vốn để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư xây mới; ngập úng đô thị hiện nay một phần rất quan trọng là mạng lưới đường ống không đủ kinh phí để duy tu, nạo vét theo định kỳ hoặc thường xuyên dẫn đến chậm lưu thông dòng chảy, cống tắc…

Tổng quan về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải

Huy động các nguồn vốn cho đầu tư mới và quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thoát nước đô thị, nâng cao dịch vụ thoát nước đô thị, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường đó là trách nhiệm của chính quyền các cấp và đặc biệt phải có sự tham gia của người dân sống trong đô thị. Một trong những biện pháp được áp dụng đó là chia sẻ chi phí thông qua áp dụng giá dịch vụ thoát nước.

Vấn đề đặt ra đó là chính sách chia sẻ chi phí phải như thế nào để đảm bảo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước có nguồn thu để chủ động trang trải các hoạt động duy tu, duy trì, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước, giảm dần trợ cấp từ nguồn ngân sách, vừa đảm bảo khả năng thanh toán/chi trả của người sử dụng dịch vụ; đồng thời tăng cường trách nhiệm của người dân đối với xả thải nước thải ra nguồn tiếp nhận và cũng thông qua việc trả tiền dịch thoát nước và người dân thực hiện quyền giám sát các hoat động của đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước tại đô thị nơi mình sinh sống.

II. Các cơ sở pháp lý ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải

1. Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (Giá dịch vụ thoát nước)

Cách đây hơn 15 năm, tại Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và KCN đã có quy định về phí thoát nước, trong đó xác định: Phí thoát nước là phí bảo vệ môi trường đối với nước thải áp dụng cho các khu vực đô thị và KCN có hệ thống thoát nước tập trung. Đối tượng thu phí này là tất cả các hộ thoát nước xả thải vào hệ thống thoát nước có nghĩa vụ trả phí này.

Phí này được xác định theo tỷ lệ % và không thấp hơn 10% giá tiêu thụ nước sạch áp dụng cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau. Song song với Nghị định này có Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải áp dụng cho các hộ thoát nước xả thải trực tiếp ra môi trường. Phí này cũng được xác định theo tỷ lệ % trên giá tiêu thụ nước sạch.

Sau 7 năm thực hiện Nghị định 88/2007/NĐ-CP, ngày 06/8/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải thay thế Nghị định 88/2007/NĐ-CP như trình bày ở trên trong đó chuyển từ Phí thoát nước thành Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (gọi tắt là Giá dịch vụ thoát nước).

Nếu theo Nghị định 88/2007/NĐ-CP phí thoát nước được xác định trên % giá tiêu thụ nước sạch thì Giá dịch vụ thoát nước theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP được xác định dựa trên toàn bộ chi phí sản xuất được tính đúng, tính đủ và mức lợi nhuận hợp lý cho một mét khối (m3) nước thải để thực hiện nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải. Việc xác định giá dịch vụ xử lý 1 m3 nước thải tuân thủ theo Thông tư số 13/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá.

+ Phương thức thu tiền dịch vụ thoát nước: Khoản 1 Điều 43 Nghị định 80/2014/NĐ-CP: Tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cấp nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước thông qua hóa đơn tiền nước đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung và được hưởng chi phí dịch vụ đi thu;

+ Quản lý và sử dụng nguồn thu từ dịch vụ thoát nước: Cũng có nhiều câu hỏi đặt ra nguồn thu từ dịch vụ thoát nước được sử dụng như thế nào? Tại điều 44 Nghị định 80/2014/NĐ-CP đã quy định:

(a) Chi trả cho dịch vụ đi thu, đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải hàm lượng COD;

(b) Chi trả dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải;

(c) Đầu tư để duy trì và phát triển hệ thống thoát nước;

(d) Các chi phí hợp lệ khác theo quy định.

(Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể quản lý nguồn thu này)

+ Thẩm quyền ban hành Giá dịch vụ thoát nước: Theo Điều 41 Nghị định 80/2014/NĐ-CP.

+ Đối với Hệ thống thoát nước được đầu tư từ ngân sách nhà nước: Cơ quan chủ trì lập là Sở Xây dựng; Cơ quan thẩm định là Sở Tài chính; Cơ quan phê duyệt là UBND cấp tỉnh.

+ Đối với hệ thống thoát nước được đầu tư từ nguồn vốn khác: Chủ sở hữu tổ chức lập và trình giá dịch vụ thoát nước, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

(Tại Phụ lục số 2, số thứ tự 38 của Luật Giá 2023 đã khẳng định Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải do UBND cấp tỉnh định giá).

2 Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Ngày 05/5/2020 Chính phủ ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (Nghị định này thay thế Nghị định 154/2016/NĐ-CP, Nghị định 67/2003/NĐ-CP… trước đây) đã quy định: Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định này là nước thải công nghiệp thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định pháp luật và nước thải sinh hoạt, trừ trường hợp miễn thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Tại khoản 7 của Điều 5 quy định: “Nước thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị (theo quy định tại Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải) đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận”. Như vậy, theo quy định được hiểu một hộ thoát nước/xả nước thải sinh sống tại đô thị kết nối với hệ thống thoát nước của đô thị đã nộp tiền dịch vụ thoát nước theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP thì không phải nộp phí môi trường và không có chuyện phải trả cả 2 loại như trên một vài phương tiện đại chúng đã thông tin.

+ Mức thu: 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.

+ Tổ chức thu phí: Tổ chức cung cấp nước sạch thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nguồn nước sạch do mình cung cấp.

+ Quản lý và sử dụng nguồn thu từ phí này cũng đã được quy định tại Điều 3, Điều 9 của Nghị định này. Ví dụ: Để lại 10% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được cho tổ chức cung cấp nước sạch và 25% cho UBND phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp chi phí tổ chức thu thấp hơn tỷ lệ để lại này, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức tỷ lệ để lại cụ thể phù hợp nhưng tối đa không quá 10% đối với tỷ lệ để lại cho tổ chức cung cấp nước sạch và tối đa không quá 25% đối với tỷ lệ để lại cho UBND phường, thị trấn.

Phần còn lại, sau khi trừ số tiền phí được trích để lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải, tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.

III. Tình hình tổ chức triển khai thực hiện Giá dịch vụ thoát nước

Việc tổ chức thực hiện Giá dịch vụ thoát nước tại các địa phương có thể chia thành hai nhóm:

Nhóm 1: Các tỉnh/thành phố vẫn áp dụng duy nhất phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (theo Nghị định 53/2020/NĐ-CP) cho tất cả các hộ thoát nước/ hộ xả nước thải. Phí môi trường được áp dụng với mức rất thấp chỉ bằng 10% giá nước sạch. Khu vực đô thị, giá nước bình quân tại các địa phương khoảng từ 7.000 đ/m3/ngđ đến 9.000 đ/m3/ngđ; mức phí này tương ứng chỉ dao động khoảng 700 - 900 đ/m3 giá nước sạch. Như vậy nguồn kinh phí cho duy tu, duy trì, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước tại các đô thị cơ bản vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước là chính.

Nhóm 2: Các tỉnh/thành phố áp dụng giá dịch vụ thoát nước áp dụng cho các hộ xả thải vào hệ thống thoát nước tập trung. Cho đến nay đã có khoảng trên 24/63 tỉnh/thành (Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Định, Bình Dương, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Dương, Nghệ An, Bắc Ninh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, TP.HCM…) ban hành giá dịch vụ thoát nước và tổ chức thực hiện (cũng có địa phương ban hành giá dịch vụ thoát nước song chưa tổ chức thực hiện do có một số điều kiện khách quan).

Mức giá dịch vụ thoát nước các đô thị đang áp dụng cho hộ gia đình thông thường cao hơn mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và dao động khoảng 1.000 - 2.600 đ/m3 (có thể tham khảo giá dịch vụ thoát nước ở đang áp dụng ở một số đô thị bảng dưới đây). Giá dịch vụ thoát nước được tính đúng, tính đủ thường cao hơn phí môi trường nhưng mới thực hiện nên có xây dựng lộ trình điều chỉnh mức thu hàng năm vì vậy mức thu vẫn thấp hơn so với giá đã tính đúng, tính đủ các chi phí và như vậy ngân sách địa phương vẫn phải bù cho chênh lệch này.

Bảng 1: Giá dịch vụ thoát nước của một số đô thị

Tổng quan về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải
(Nguồn: Tổng hợp từ GIZ)

Bảng 2: Giá dịch vụ thoát nước và lộ trình giá của TP Long Xuyên, tỉnh An Giang

Tổng quan về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải
(Nguồn: QĐ số 3188/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 UBND tỉnh An Giang)

Bảng 3: Giá dịch vụ thoát nước và lộ trình giá của TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Tổng quan về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải
(Báo cáo của Sở Xây dựng Kiên Giang ngày 19/4/2021)

IV. Những thuận lợi và bất cập/khó khăn trong quá trình thực hiện

Việc thu giá dịch vụ thoát nước góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc xả thải, địa phương có thêm nguồn thu để thực hiện duy tu, duy trì hệ thống thoát nước thải giảm bớt kinh phí của địa phương chi cho hoạt động này.

Mặc dù ích lợi của xác định chi phí dịch vụ thoát nước và ban hành giá dịch vụ thoát nước rất rõ ràng và Nghị định 80/2014/NĐ-CP đã được ban hành từ năm 2014, nhưng đến nay số tỉnh thuộc nhóm 1 (mới chỉ áp dụng duy nhất phí bảo vệ môi trường) vẫn là phổ biến. Nhiều địa phương vẫn chưa quyết tâm triển khai thực hiện và ban hành giá dịch vụ thoát nước. Có thể kể đến những bất cập/khó khăn như sau:

- Nhận thức của chính quyền các cấp trong việc nghiêm túc thực hiện Nghị định 80/2014/NĐ-CP chưa cao. Nhiều thành phố/đô thị mặc dù đã có hệ thống thoát nước khá hoàn chỉnh và đồng bộ nhưng vẫn không tổ chức xây dựng giá dịch vụ thoát nước. Theo thống kê vẫn còn đến 2/3 số lượng các tỉnh chưa tổ chức nghiên cứu hoặc ban hành giá dịch vụ thoát nước cho các đô thị trên địa bàn mình quản lý.

- Tại các đô thị thiếu các dữ liệu về hiện trạng hệ thống thoát nước (tình trạng hoạt động của hệ thống thoát như chiều dài, đường kính cống thoát nước, số lượng và kích thước hố ga, quy mô nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm…). Chính quyền tại nhiều đô thị hầu như không có hồ sơ tài sản hệ thống thoát nước, không biết hệ thống thoát nước có những gì, giá trị đầu tư là bao nhiêu, chất lượng còn bao nhiêu %... điều này gây trở ngại cho công tác quản lý tài sản, xác định khối lượng công việc, chi phí vận hành làm căn cứ xác định giá dịch vụ thoát nước.

- Thiếu hoặc không đầy đủ định mức kinh tế/kỹ thuật, định mức đơn giá/chi phí cho tất cả các hạng mục của hệ thống thoát nước (bao gồm mạng lưới và các công trình đầu mối) làm cơ sở cho việc lập dự toán cho các hoạt động của hệ thống thoát nước, xác định chi phí và xây dựng giá.

- Thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến thoát nước đô thị; thiếu các quy trình kỹ thuật đặc biệt sử dụng các công nghệ, thiết bị mới.

- Vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa Giá và Phí

- Sự quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp trong việc tổ chức xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định có liên quan đến Giá dịch vụ.

- Sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc thẩm định, trình phê duyệt về Giá

- Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về Giá dịch vụ còn nhiều hạn chế (chưa tạo được sự đồng thuận).

- Một số nội dung của Thông tư 13 cần được xem xét:

+ Điểm 4 Điều 3 Thông tư 13/2018/TT-BXD ngày 27/12/2018 của Bộ Xây dựng về Giá dịch vụ thoát nước xác định chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) - khi triển khai thực hiện gặp khó khăn (thuế VAT có thu hay không và nếu thu là bao nhiêu %)

+ Hệ số K là hệ số điều chỉnh phụ thuộc hàm lượng chất gây ô nhiễm... Hệ số này được xác định căn cứ theo kết quả phân tích tại phòng thí nghiêm hợp chuẩn. Tuy nhiên việc lấy mẫu và phân tích mẫu mất thời gian, tốn kém nên hầu như không thực hiện được.

+ Xem lại cách xác định tổng lượng nước thải trong công thức tính toán giá thành đúng với Nghị định 80/2014/NĐ-CP và thực tế.

+ Thiếu quy định thống nhất về tỷ lệ % trích cho đơn vị tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước.

+ Đối với những hộ không sử dụng nước sạch nhưng vẫn xả thải vào hệ thống thoát nước thì sẽ thu như thế nào?

+ Rà soát bổ sung chi phí khác nếu có?

+ Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về quản lý và sử dụng nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước.

V. Thay lời kết

Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị trước hết thuộc về trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp. Việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị đóng vai trò rất quan trọng. Ban hành và tổ chức thực hiện Giá dịch vụ thoát nước tại các đô thị giúp làm tăng nguồn thu cho hoạt động thoát nước, góp phần thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ thoát nước, giảm trợ cấp của ngân sách nhà nước đồng thời nâng cao ý thức và tăng cường trách nhiệm của người dân.

Các bất cập/khó khăn cần được tháo gỡ, các ý kiến đóng góp cần được giải thích đầy đủ trên cơ sở pháp lý, có lý có tình; công khai, minh bạch việc thu, sử dụng các nguồn thu qua đó mới tạo được sự đồng thuận từ đó mới thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Hy vọng sự vào cuộc của các cấp, ngành hoạt động của ngành nước tiếp tục được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng)

Bạn đang đọc bài viết Tổng quan về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Xây dựng

Cùng chuyên mục

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.