Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 (GMT+7)

Ứng dụng mô hình đô thị trung hoà carbon và kinh tế tuần hoàn trong phát triển tỉnh Quảng Nam

MTĐT -  Thứ tư, 06/09/2023 08:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, dù chỉ chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất, các TP trên thế giới đang có mức sử dụng nguồn tài nguyên cao và phát thải lớn lượng khí thải carbon.

Giới thiệu

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới , dù chỉ chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất, các TP trên thế giới đang có mức sử dụng nguồn tài nguyên cao và phát thải lớn lượng khí thải carbon. Cụ thể, các TP là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số toàn cầu và chiếm 70% lượng khí thải CO2, là trung tâm của cuộc khủng hoảng khí hậu. Đến năm 2050, gần 70% dân số toàn cầu sẽ sống ở các TP, kéo theo việc xây dựng mới, tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải carbon cũng tăng theo. Điển hình như quá trình xây dựng và vận hành các tòa nhà chịu trách nhiệm cho 38% lượng khí thải toàn cầu. Chính vì vậy, cần có sự chuyển đổi nhanh chóng giữa các mô hình kinh doanh và chính sách để đạt được một tương lai phát thải ròng tại các đô thị bằng 0 để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 1,5°C.

Ứng dụng mô hình đô thị trung hoà carbon và kinh tế tuần hoàn trong phát triển tỉnh Quảng Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Nghiên cứu xây dựng mô hình khu công nghiệp Carbon thấp tỉnh Tây Ninh

Quảng Nam, nằm ở duyên hải miền Trung Việt Nam, là một địa phương hấp dẫn du khách với bờ biển trải dài 125 km, nối liền hai di sản văn hóa nổi tiếng thế giới: phố cổ Hội An và khu đền tháp Chămpa Mỹ Sơn, cũng như các danh thắng nổi tiếng ở vùng cao nguyên của tỉnh. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, tỉnh còn giáp ranh và có nhiều khu vực kinh tế quan trọng.

Phía Bắc giáp TP Đà Nẵng và hành lang kinh tế Đông Tây, phía Nam giáp Khu công nghiệp Dung Quất của Quảng Ngãi, nơi có Khu kinh tế mở Chu Lai (OEZ), tỉnh có vị trí lý tưởng để phát triển kinh tế – thương mại và du lịch. Kể từ công cuộc Đổi mới năm 1986, Quảng Nam đã có những thay đổi quan trọng về kinh tế – xã hội với sự xuất hiện nhanh chóng của các khu công nghiệp quy mô lớn và việc xây dựng các cơ sở du lịch.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 69.110 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 11/63 so với cả nước. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 13,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35%, trong đó, công nghiệp chiếm 28,9%; khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 31,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 20%. Tuy nhiên, giống như các quốc gia và khu vực có thu nhập trung bình khác đã trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng này, tỉnh sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong thập kỷ tới trong việc theo đuổi sự phát triển bền vững, đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả các tài sản văn hóa xã hội và môi trường.

Cũng như các đô thị khác trên thế giới và ở Việt Nam, định hướng phát triển kinh tế của Quảng Nam cũng gắn liền với các nỗ lực giải quyết các thách thức về mặt môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn di sản văn hoá và an sinh xã hội. Đặc biệt, nằm trong vùng duyên hải Trung bộ, Quảng Nam là tỉnh đang ngày càng hứng chịu nhiều biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu.

Sự phát triển kinh tế và đô thị hoá của Tỉnh cần nằm trong lộ trình thích ứng với các điều kiện khí hậu và góp phần giảm thiểu phát thải hướng tới mô hình đô thị trung hoà cacbon (Carbon Neutrality). Ngoài ra, vai trò trung hoà carbon của đô thị gắn liền với việc thúc đẩy khả năng linh hoạt, hạn chế các mối đe doạ, tạo ra việc làm bền vững, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và sự tăng trưởng toàn diện và bền vững . Một cách cụ thể, định hướng đô thị trung hoà carbon của Quảng Nam sẽ là đóng góp cho cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam đến năm 2050.

Kinh tế tuần hoàn và đô thị không phát thải – các mô hình điển hình trên thế giới

Trong các giải pháp cấp bách hiện nay, quá trình dịch chuyển tách dần ra khỏi mô hình kinh tế tuyến tính (linear economy) và hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn (circular economy) là giải pháp tất yếu của các đô thị – Bởi khả năng đảm bảo tính tổng thể và khép kín trong quản lí nguồn tài nguyên. Cụ thể, nếu nền kinh tế tuyến tính đặt gánh nặng phát triển kinh tế lên quá trình khai thác tài nguyên và phát thải – Thì nền kinh tế tuần hoàn đưa đến cách tiếp cận mới, giúp giảm thiểu nguồn đầu vào, kéo dài thời gian sử dụng bằng cách tái chế, tái sử dụng, tận dụng sản phẩm và phụ phẩm, từ đó góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và hạn chế phát thải ra môi trường .

Và, các TP là là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế để tạo ra sự thay đổi tích cực, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của quốc gia. Do đo, đô thị cần trở thành tiên phong đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn, tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ hội giảm thiểu khí hậu khác nhau.

Phát triển các chiến lược thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi hiểu biết toàn diện về cách một TP quản lý tài nguyên của mình; nguyên nhân của các mô hình lãng phí của, và sự tham gia của các bên liên quan trong khuôn khổ thúc đẩy mô hình kinh tế mới. Tổ chức Ellen MacArthur nhận định một TP tuần hoàn (KTTH) phải kết hợp các nguyên tắc của KTTH trên tất cả các chức năng của TP – Ví dụ, TP sẽ có môi trường xây dựng được thiết kế theo kiểu mô-đun và linh hoạt, hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi và tái tạo, nhờ đó sẽ giảm chi phí và tạo ra các tác động tích cực đến môi trường; hơn nữa, hệ thống giao thông (di chuyển) ở đô thị dễ tiếp cận, với chi phí hợp lý và hiệu quả cao; và các hệ thống sản xuất khuyến khích việc tạo ra các vòng lặp mang giá trị địa phương (EMF, 2015).

Một cách tổng thể, KTTH hướng tới các lợi ích: (1) Giảm bớt áp lực lên các dịch vụ và ngân sách của TP thông qua việc giảm tiêu thụ nguyên liệu và chi tiêu công; (2) tăng thu nhập khả dụng của hộ gia đình thông qua việc giảm chi phí cho các sản phẩm và dịch vụ; (3) gia tăng đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế đô thị; (4) giảm lượng khí thải nhà kính; (5) tăng chất lượng cuộc sống của TP; (6) tiềm năng tác động tích cực đến cơ hội việc làm tại TP.

Một số mô hình tuần hoàn trong các lĩnh vực đã và đang được triển khai tại các đô thị trên thế giới:

  • Năng lượng tái tạo và phân tán

TP sẽ là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững, đặc biệt thông qua mô hình tuần hoàn. Cụ thể, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo là cơ chế giúp giảm nhu cầu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hoá thạch, giảm nhu cầu vật liệu mới, giảm lượng rác và phát thải và tăng liệu quả về mặt kinh tế cho đô thị. 3 nguyên tắc trong thúc đẩy tính tuần hoàn trong chiến lược phát triển NLTT bao gồm: (1) Tái chế các nguyên vật liệu quý hiếm trong sản xuất thiết bị (ví dụ, vật liệu trong tấm pin của điện mặt trời áp mái); (2) sử dụng các vật liệu cacbon thấp; (3) thiết kế hệ thống tuần hoàn (ví dụ: Nhà máy sản xuất thực phẩm sử dụng biomas từ phế phẩm tại chỗ…). Do đó, các chính sách đóng vai trò thúc đẩy sự phổ biến các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo phân tán và các thực hành tuần hoàn trong năng lượng tái tạo. Điển hình, tại TP Gujarat, Ấn Độ, hệ thống năng lượng mặt trời được triển khai đặc biệt cung cấp ánh sáng cho các hộ gia đình nghèo ở thành thị bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện do quản lý yếu kém và giá điện tăng cao.

SELCO (Công ty đèn điện năng lượng mặt trời) hợp tác với Ngân hàng SEWA (Hiệp hội phụ nữ tự làm chủ) để cung cấp các thiết bị nấu ăn và chiếu sáng dựa trên năng lượng mặt trời và khí sinh học với giá cả phải chăng cho những người lao động làm việc tại nhà trên khắp Gujarat, Ấn Độ. Đây là một cách dễ dàng để giảm chi phí năng lượng mà không ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng của người dân, đồng thời khai thác tiềm năng to lớn của các nguồn năng lượng thay thế. Hệ thống năng lượng mặt trời ở Gujarat đang trở nên phổ biến hơn với đề xuất trợ cấp của chính quyền bang và trợ cấp của chính quyền trung ương. Với việc ra mắt Cổng thông tin quốc gia về năng lượng mặt trời trên mái nhà, quá trình hưởng trợ cấp cho tấm pin mặt trời ở Gujarat đã trở nên rất thuận tiện .

  • Giao thông xanh và kết nối bền vững

Hệ thống giao thông đóng vai then chốt trong KTTH bởi giúp quyết định được nhu cầu lưu thông và kết nối. Điển hình, cơ quan Giao thông Vân tải TP San Francisco (SFMTA) đã chuyển đổi sáng tạo từ đơn vị quan vận chuyển đơn thuần sang nhà cung cấp dịch vụ di chuyển bền vững tích hợp.

SFMTA lên kế hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành 5 phương thức giao thông công cộng, mạng lưới đường phố và tín hiệu giao thông, mạng lưới và cơ sở vật chất dành cho người đi bộ và xe đạp, cung cấp và quản lý bãi đậu xe, phát triển khu vực nhà ga, và quản lý hệ thống taxi.

Điều này cho phép SFMTA tối đa hóa tiềm năng của từng phương thức vận tải đồng thời giảm tác động đến môi trường. Ví dụ, SFMTA phát triển hệ thống định giá đậu xe thay đổi với các đồng hồ và cơ cấu giá mới để tối ưu hóa nguồn cung cấp bãi đậu xe, giảm tắc nghẽn và cải thiện lưu thông phương tiện công cộng.

Mở rộng hệ thống giao thông thông qua chương trình “FTA New Starts/Small Starts”, dự án tàu điện ngầm trung tâm sẽ kết nối khu dân cư đông đúc nhất với mạng lưới đường sắt, dự án xe buýt nhanh Van Ness sẽ cung cấp khả năng di chuyển tốc độ cao, ít khí thải. Cùng với đó, kế hoạch dành cho xe đạp, các nỗ lực phát triển theo định hướng phương tiện công cộng, tích hợp thẻ thông minh, hoàn thiện công việc thiết kế đường phố, ưu tiên tín hiệu cho các tuyến đường khẩn cấp và phương tiện công cộng chính, kế hoạch hành động khí hậu và báo cáo bền vững thể hiện nỗ lực phát triển giao thông bền vững tích hợp của SFMTA…

  • Hạ tầng đô thị tuần hoàn

Một công viên ở Rotterdam, một TP trên bờ Biển Bắc của Hà Lan, một không gian công cộng mới hấp dẫn được làm từ vật liệu tái chế được xây dựng trên mặt nước: Công viên nổi của Rotterdam – là nguyên mẫu của một công trình lớn được làm từ nhựa tái chế. Theo đó, nhựa tái chế được đúc thành các khối hình lục giác.

Các khối lục giác được lắp ráp tại vườn, làm môi trường sống cho động vật hoang dã, hoặc chúng có thể được lắp thành chỗ ngồi khác nhau, phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn của khách tham quan. Ngoài ra, nhựa bị xả thải trên các kênh rạch của TP được thu gom bằng các “bẫy rác” để tái chế để tiếp tục xây dựng các công viên nổi mới .

Ngoài ra, để thúc đẩy việc phát triển hạ tầng tuần hoàn, tổ chức CyclingStone – Hà Lan đã tiên phong trong sử dụng và tái sử dụng các vật liệu xây dựng thẩm mỹ thân thiện với môi trường. Tổ chức tiến hành thử nghiệm các công nghệ mới, tiên tiến, tạo ra các loại vật liệu xây dựng khác nhau cho nhiều ứng dụng khác nhau và phát triển hệ thống ngăn xếp có thể tháo rời khi hết tuổi thọ sử dụng để dễ dàng tái chế và đồng thời gia tăng thời gian sử dụng của các thành phần còn hạn .

Ứng dụng mô hình đô thị trung hoà carbon và kinh tế tuần hoàn trong phát triển tỉnh Quảng Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Phát triển các dự án trung hòa carbon
  • Tái chế rác thải – nước thải

TP Bandung là thủ phủ của tỉnh Tây Java với dân số 2,5 triệu người, dự kiến sẽ đạt 2,6 triệu người vào năm 2030. Vào ban ngày, Bandung tiếp nhận thêm 1,2 triệu người từ các huyện/TP xung quanh. Theo ước tính của YPBB Bandung, tỷ lệ phát sinh chất thải vào năm 2020 đạt 0,70 kg/người/ngày và dự kiến sẽ đạt 0,78 kg/người/ngày vào năm 2030.

Gần một nửa lượng chất thải là chất thải hữu cơ (44,51%) và nhựa đứng thứ hai (17%). Hiện có rất ít hoạt động tái chế ở Bandung — chỉ có khoảng 6% chất thải được thu gom để tái chế, chủ yếu là giấy và bìa cứng (29.021,6 tấn/năm), tiếp theo là nhựa (9.270,5 tấn/năm) và sau đó là chất thải hữu cơ (4.111,1 tấn/năm). Không có dữ liệu chính thức nào ghi lại lượng chất thải từ các khu vực phi chính thức được thu gom để tái chế.

Phần còn lại được gửi đến bãi chôn lấp mà không thu khí. Cùng với chất thải do các quận/TP lân cận tạo ra, Bandung xử lý chất thải của mình tại Bãi chôn lấp Sarimukti. Trong lịch sử, Bãi chôn lấp Sarimukti bắt đầu hoạt động sau khi Bãi chôn lấp Leuwigajah (bãi rác khu vực trước đây) sụp đổ vào năm 2005 – dẫn đến cái chết của hàng trăm người và khiến Bandung ngập trong rác thải.

Sau 15 năm hoạt động, bãi chôn lấp Sarimukti đã đạt công suất tối đa và khiến cho quá trình vận chuyển rác thải đến bãi chôn lấp này nhiều lần gặp trở ngại. Trước tình hình đó, chính phủ có kế hoạch di chuyển bãi rác khu vực đến một địa điểm mới ở Legok Nangka và lắp đặt công nghệ đốt chất thải thành năng lượng.

Tuy nhiên, do phí tới hạn cao gây gánh nặng cho TP, chính quyền Bandung đã nhận ra rằng cách tốt nhất là giảm lượng chất thải được vận chuyển đến bãi chôn lấp bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau thông qua chương trình TP không rác thải hiện có (tiếng địa phương: Kang Pisman).

Kể từ khi thành lập vào năm 2017, TP không rác thải ở Bandung đã tiếp cận gần 12.000 hộ gia đình và 60.000 người ở Bandung, đồng thời đã được Chính quyền TP Bandung áp dụng thành chương trình Kang Pisman. Phân hữu cơ được sản xuất từ quá trình xử lý chất thải hữu cơ trong khu vực cũng đã khuyến khích sự phát triển của nông nghiệp đô thị và các khu vườn cộng đồng.

  • Cộng sinh công nghiệp

Cộng sinh công nghiệp là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài một khu công nghiệp nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu… trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Điển hình, KCN Lâm Hải được thành lập như một phần của sáng kiến chính sách quốc gia nhằm kích thích tăng trưởng ở Đài Loan, thông qua việc phát triển các KCN theo từng giai đoạn, dưới sự ủy quyền của Bộ Kinh tế (MOEA) và Cục Phát triển Công nghiệp (IDB). Sau khi được thành lập vào năm 1960 và hoàn thành vào năm 1972, KCN Lâm Hải đã đạt được vị thế là một trong những KCN quan trọng ở Đài Loan, trải rộng trên diện tích 15,69 km2. Do đó, Lâm Hải và các KCN khác có ý nghĩa quan trọng ở Đài Loan.

KCN Lâm Hải có bốn công ty sản xuất thép (trong đó, Tập đoàn Thép Trung Quốc (CSC) là công ty lớn nhất) và bốn tổ hợp dầu mỏ và hóa dầu. Ngoài ra, còn có các ngành công nghiệp khác ở Đài Loan, bao gồm các nhà máy gang thép, nhà máy sản xuất và tinh chế nhôm, nhà máy sản xuất khí công nghiệp và nhà máy nhiệt điện than .

Năng lượng, vật liệu và tài nguyên được trao đổi giữa các ngành khác nhau trong KCN Lâm Hải và kể cả các cụm/khu công nghiệp khác. Ví dụ, xỉ và bụi của lò hồ quang điện từ cụm công nghiệp sản xuất kim loại cơ bản được vận chuyển ra ngoài KCN Lâm Hải để sử dụng trong các quy trình khác sau khi tái chế . Hay, xỉ nhôm từ Sigma Brothers Inc. được vận chuyển ra khỏi KCN Lâm Hải để sử dụng trong sản xuất giấy trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy.

  • Nông nghiệp tuần hoàn

Ngoài cung cấp mảng xanh và thực phẩm cho cư dân TP, nông nghiệp tuần hoàn trong đô thị có vai trò quan trọng trong việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải hữu cơ, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ và thị trường đô thị. Điển hình, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã được áp dụng nhiều nơi trên thế giới.

Trang trại heo giống ở tỉnh Jiangxi, Trung Quốc là một điển hình. Trang trại được xây dựng từ năm 2004 theo kiểu chăn nuôi truyền thống của mô hình kinh tế tuyến tính nhưng không hiệu quả. Đến năm 2015, chủ trại quyết định chuyển sang mô hình chăn nuôi tuần hoàn hữu cơ, trong đó lấy biogas làm trọng tâm. Chất thải từ chăn nuôi được đưa vào biogas để sản xuất điện sinh học, điện quay lại phục vụ trang trại và có dư thì hòa vào mạng lưới điện địa phương.

Chất thải từ biogas thì làm phân bón cho cây trồng như măng tre và các loại rau cỏ. Măng thì bán, còn rau cỏ thì sử dụng để nuôi cá hữu cơ và cũng làm thức ăn chăn nuôi heo hữu cơ. Mô hình khép kín này giúp giảm ô nhiễm, tăng thu nhập và tăng tình đoàn kết xóm giềng (nhờ giảm mùi hôi, giảm ô nhiễm nước, người dân xung quanh có điện sử dụng, có rau cải và măng nhờ chia sẻ của trang trại) .

Dự án “chuyển chất thải hữu cơ thành đạm giàu dinh dưỡng” tại Tanzania dựa trên hiệu quả sử dụng thức ăn của ruồi lính đen . Kết quả nghiên cứu cho thấy (ấu trùng) ruồi lính đen có thể tiêu thụ lượng rác hữu cơ bằng 70% trọng lượng của chúng mỗi ngày. Với một kilogram rác hữu cơ chúng tạo ra khoảng 50g protein. Nguồn thức ăn giàu đạm này đem nuôi cá hoặc gia cầm, chất thải còn lại là nguồn phân hữu cơ cho trồng trọt. Với giải pháp tuần hoàn này, mô hình mang lại hiệu quả cao ở cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

  • Du lịch sinh thái

Là một trong những một số mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch dựa trên các giải pháp kinh tế tuần hoàn đã được nghiên cứu đề xuất ở Trung Quốc, như các mô hình du lịch nông nghiệp giải trí áp dụng các nguyên tắc giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng các nguồn tài nguyên, mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái dựa trên việc sử dụng các nguồn chất thải từ hoạt động chăn nuôi làm đầu vào cho thủy sản, cây trồng và biogas. Việc thúc đẩy chuyển tiếp sang các mô hình du lịch theo hướng KTTH được khuyến nghị cần sự kết hợp ở nhiều cấp độ, liên quan đến ban hành và quản lý các nguyên tắc áp dụng, tiêu chuẩn, quy định và chứng nhận mô hình .

  • Bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên (rừng và biển)

Từ năm 1946, TP Tokyo đã dành ra 10% diện tích đất đô thị để xây dựng các mảng xanh và công viên. Đến năm 1980, số lượng cây xanh đã vượt 235,000 cây. Đến năm 1990, 21.630 ha của Tokyo được bao phủ bởi rừng. Việc phát triển công viên và rừng trong TP đã giúp giữ nước, giảm sức ép môi trường, làm sạch nguồn nước, xử lý nước thải, và góp phần kiểm soát nước mưa do bão. Phát triển các mảng xanh đô thị và rừng trong TP cũng được nghiên cứu cho TP Gulbarga city, ở phía Bắc của Karnataka, Ấn Độ. Các chỉ số về không gian xanh trên đầu người và phân bố không gian cây xanh được xây dựng và lồng ghép vào kế hoạch chung và quy hoạch không gian của TP .

Thách thức phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới đô thị không phát thải của tỉnh Quảng Nam

Cũng giống như các TP khác, bên cạnh các điều kiện lí tưởng thì định hướng thúc đẩy việc áp dụng các thực hành của nền KTTH để trung hoà carbon ở đô thị của Quảng Nam có 3 thách thức chính như sau.

  • Thứ nhất, nền kinh tế tuyến tính – tăng trưởng dựa vào tài nguyên – khi dịch chuyển sang kinh tế tuần hoàn cần hướng đến các mô hình dựa trên dịch vụ, tuần hoàn và chia sẻ, phụ thuộc hơn vào các nguồn tài nguyên tái chế và tái tạo. Mặc dù các thực hành tuần hoàn có thể xuất phát từ cơ chế tự nguyện của các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn, nhưng tính tự phát sẽ dẫn đến tính nhỏ lẻ, không cạnh tranh và không bền vững. Điển hình, trong hệ thống lưu trú và xử lý chất thải trong ngành du lịch địa phương thì các thực hành về tuần hoàn vẫn mang tính “sáng kiến” của doanh nghiệp, và chưa có quy chuẩn cụ thể. Bên cạnh đó, nhu cầu các mô hình kinh doanh trên địa bàn chưa có nền tảng kết nối để tạo ra hệ sinh thái tuần hoàn.
  • Thứ hai, về mặt chính sách, hiện Việt Nam có Luật bảo vệ môi trường 2020 và Quyết định về triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn 2022. Trong đó, Luật bảo vệ môi trường có những quy định, tiêu chuẩn và hướng dẫn liên quan đến việc thúc đẩy các thực hành tuần hoàn của doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng. Ngoài ra, Tỉnh đã có những định hướng trong việc triển khai chiến lược KTTH trên địa bàn. Tuy nhiên, ở mức độ địa phương, việc nắm bắt cách thức triển khai còn chưa được rõ ràng. Ngoài ra, khái niệm KTTH chưa được phổ biến rộng rãi và thống nhất. Đặc biệt, với người dân địa phương, khái niệm KTTH là rất mới mẻ. Sự thiếu phối hợp của các quy định giữa các lĩnh vực (năng lượng, chất thải vật liệu, nước, đất đai) và quy mô (địa phương, khu vực, quốc gia) có thể tạo ra xung đột quy định và là thách thức đối với triển khai KTTH.
  • Thứ ba, về năng lực địa phương, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao và cải tiến công nghệ là điều kiện quan trọng trong việc thúc đẩy các thực hành tuần hoàn. Tuy nhiên, hiện trình độ công nghệ của Việt Nam vẫn còn ở mức trung bình và lạc hậu, trình độ sản xuất còn nhỏ lẻ. Ngoài ra, nguồn lực về chuyên gia có kiến thức về kỹ thuật, về công nghệ thông tin và có ý tưởng đổi mới, sáng tạo cũng chưa được đáp ứng. Do đó, việc triển khai các giải pháp tuần hoàn như tái chế chất thải, thiết kế lại quy trình sản xuất, quy hoạch lại hạ tầng vv còn gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, khả năng truy cập thông tin dữ liệu hạn chế cũng như thiếu nền tảng chia sẻ dữ liệu để trao đổi thông tin và phát triển KTTH và kiến thức về loại dữ liệu nào cần thiết để thiết kế, thực hiện, giám sát các chiến lược KTTH

Kết luận

Việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới Trung hoà carbon đô thị đã và đang là một xu thế trên toàn cầu để giải quyết các thách thức về môi trường, nhưng cũng đồng thời đảm bảo nhu cầu về phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Quảng Nam, cũng như các đô thị loại II khác của Việt Nam, đóng một vai trò quan trọng trong việc chủ động chuyển đổi nền kinh tế để có thể góp phần vào hiện thực hoá cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0. Chính sách định hướng phát triển đô thị ở Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của đô thị trong tiến trình giảm phát thải này.

Cụ thể, Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/1/2022 cho thấy sự cần thiết phải có những giải pháp mới, đột phá gắn liền với sự phát triển bền vững của đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc thù cộng sinh và tính mới của mô hình KTTH, các đô thị, đặc biệt đô thị nhỏ ở các quốc gia đang phát triển, đối mặt với nhiều thách thức. Các mô hình về KTTH ở các quốc gia trên thế giới ở nhiều lĩnh vực là cơ sở tham khảo cho các đô thị ở Việt Nam nới chung và Quảng Nam nói riêng. Và các điển hình cũng cho thấy cơ hội thúc đẩy nền KTTH đến từ các cơ chế chính sách và thực thi của các cơ quan có thẩm quyền của địa phương trong việc nâng cao năng lực, lồng ghép các mô hình doanh nghiệp mới vào các giá trị văn hoá – xã hội, xây dựng sự kết nối của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng trên địa bàn TP.

Trương Thị Ái Nhi – Nguyễn Minh Tú – Bùi Lê Thanh Khiết – Lê Bá Nhật Minh
(1) Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. HCM
Nguyễn Hồng Quân
(1) Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. HCM
(12) Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. HCM

Tài liệu tham khảo

– Nguyễn Hữu Hải, Hoàng Công Tín, Ngô Hữu Bình, 2019 – “Ứng dụng viễn thám và gis trong đánh giábiến động diện tích rừng huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1988–2017” – Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Trái đất và Môi trường; ISSN 2588-1183. Vol. 128, No. 4A,2019, P. 21-34; DOI: 10.26459/hueuni-jese.v128i4A.5238;
– Trần Văn Anh, 2016 – “Phân tích và đánh giá các điều kiện tự nhiên tỉnh Quảng Nam phục vụ phát triển du lịch” – Tạp chí khoa học Đại học Sư phạm TP HCM . Số 6(84) năm 2016;
– Vu, N.Q., Schroll, H., Andersen, J., Lund, S. (2013). Is Climate Change a Reality for Agriculture in Quang Nam Province?. In: Bruun, O., Casse, T. (eds) On the Frontiers of Climate and Environmental Change. Environmental Science and Engineering(). Springer, Berlin, Heidelberg. https://doi.org/10.1007/978-3-642-35804-3_3;
– Hosseini, S., Soltani, S.M., Fennell, P.S., Choong, T.S.Y., Aroua, M.K., 2016. Production and applications of electric-arc-furnace slag as solid waste in environmental technologies: a review. Environmental Technology Reviews 5 (1), 1–11. https://doi.org/10.1080/21622515.2016.1147615;
– De Buzin, P.J.W.K., Heck, N.C., Vilela, A.C.F., 2017. EAF dust: an overview on the influences of physical, chemical and mineral features in its recycling and waste incorporation routes. J. Mater. Res. Technol. 6 (2), 194–202. https://doi.org/10.1016/J.JMRT.2016.10.002;
– Reddy, K.R., Gopakumar, A., Chetri, J.K., 2019. Critical review of applications of iron and steel slags for carbon sequestration and environmental remediation. Rev. Environ. Sci. Biotechnol. 18 (1), 127–152. https://doi.org/10.1007/S11157-018-09490-W, 2019 18:1;
– Stanaway, J.D., Afshin, A., Gakidou, E., Lim, S.S., Abate, D., Abate, K.H., Abbafati, C., Abbasi, N., Abbastabar, H., Abd-Allah, F., Abdela, J., Abdelalim, A., Abdollahpour, I., Abdulkader, R.S., Abebe, M., Abebe, Z., Abera, S.F., Abil, O.Z., Abraha, H.N., et al., 2018. Global, regional, and national comparative risk assessment of 84 behavioural, environmental and occupational, and metabolic risks or clusters of risks for 195 countries and territories, 1990-2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2017. Lancet 392 (10159), 1923–1994. https://doi.org/10.1016/S0140-6736(18)32225-6;
– Maynard, N.J., Vaishnav Raj, K.S., Hua, C.Y., Lo, S.F., 2020. Industrial symbiosis in taiwan: case study on Linhai industrial park. Sustainability 12 (11), 4564. https://doi.org/10.3390/SU12114564, 2020, Vol. 12, Page 4564;
– Dutta, S.K., Chokshi, Y.B., 2020. Raw materials for steelmaking. Iron Steel Int. 49 (5), 307–319. https://doi.org/10.1007/978-981-15-2437-0_13;
– Zhang, J., Liu, J., Yu, S., Dong, D., Wang, G., Li, S., 2018. Production of clean steel using the nitrogen elevating and reducing method. Metals 8 (7), 560. https://doi.org/10.3390/MET8070560.

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng mô hình đô thị trung hoà carbon và kinh tế tuần hoàn trong phát triển tỉnh Quảng Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

Tai biến địa chất: Khái niệm, các biểu hiện và nguyên nhân
Tai biến địa chất là một dạng tai biến môi trường phát sinh trong thạch quyển. Các dạng tai biến địa chất chủ yếu gồm núi lửa phun, động đất, nứt đất, lún đất, trượt lở đất. Chúng liên quan tới các quá trình địa chất xảy ra bên trong lòng trái đất.

Tin mới

Bài thơ: Lặng thinh... thương
Có một người bước ngang qua đời tôi///Và gửi lại những lời thương tha thiết///Cùng tôi dệt một giấc mơ đẹp tuyệt///Khiến tim tôi khắc đậm một bóng hình

Thương hiệu đồng hành