Thứ năm, 12/12/2024 04:24 (GMT+7)

Vùng đồng bằng sông Hồng liên kết hài hòa để phát triển đột phá

MTĐT -  Chủ nhật, 12/02/2023 22:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng sẽ là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái đồng thời là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.

Để triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14 về Chương trình hành động trên cơ sở bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết.

Ngày 12/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Triển khai chương trình hành động này.

Trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực

Chương trình hành động của Chính phủ đặt mục tiêu phát triển vùng với tốc độ triển nhanh, bền vững có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản sẽ được giải quyết.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng sẽ là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái đồng thời là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới. Theo đó, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

“Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Quảng Ninh: Giao thông đi trước một bước

Tại hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký đề xuất 5 nhóm giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước,” lãnh đạo Quảng Ninh cho biết hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh đã được hoàn thành, trong đó phải kể đến hệ thống đường cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái kết nối đồng bộ với đường cao tốc Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh; Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai...

Vùng đồng bằng sông Hồng liên kết hài hòa để phát triển đột phá
Hội nghị Triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số số 30 -NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, ngày 12/2. (Ảnh: Vietnam+)

Trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết 30 cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng và liên vùng, Nguyễn Xuân Ký cho biết tỉnh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố bạn đẩy nhanh, đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên toàn vùng và liên vùng.

Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa.

”Trong đó, nhân tố con người sẽ được phát huy tối đa và trở thành là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển,” ông Ký nói.

Hà Nam: Thu hút đầu tư công nghệ cao

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam-Trương Quốc Huy nhấn mạnh Nghị quyết số 30 nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, vùng Đồng bằng sông Hồng đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; tầm nhìn đến năm 2045 xác định vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Theo đó, Hà Nam xác định nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là tập trung phát triển khu công nghệ cao vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học.

Ông Huy cho biết Hà Nam đã xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam, trong đó định hướng phát triển 3 vùng chức năng tập trung vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới.

Để thu hút hiệu quả nguồn vốn tư nhân đầu tư, tỉnh Hà Nam đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện các thể chế, chính sách về phát triển công nghệ cao.

Cụ thể là xây dựng hành lang pháp lý quy định đồng bộ, trọng tâm là khẩn trương ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Khu công nghệ cao và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân đầu tư được triển khai lần đầu tại Việt Nam, từ đó khuyến khích, nhân rộng mô hình phát triển như ưu đãi, hỗ trợ bổ sung về thuế, đất đai, hỗ trợ chi phí thuê hạ tầng, nhà ở…

Ngoài ra, lãnh đạo của Hà Nam đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện và ban hành các quy hoạch thời kì 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác).

“Đây là cơ sở quan trọng để sắp xếp, phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư nói chung, đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới nói riêng,” ông Huy nói.

Nam Định: Thu hút nguồn lực ngoài ngân sách

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, ông Phạm Gia Túc Bí thư tỉnh ủy Nam Định cho biết thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nhờ đó nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước về tìm hiểu, đề xuất và triển khai các dự án trọng điểm về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thu hút được 176 dự án trong nước và 47 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 110.000 tỷ đồng và 165 triệu USD.

Để tiếp tục phát huy các lợi thế của tỉnh và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, ông Phạm Gia Túc cho biết Nam Định tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư. Cụ thể là hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện lực, nước sạch... đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối với các sân bay, cảng biển, quốc lộ và tạo quỹ đất sạch đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư.

“Sau khi hoàn thành Quy hoạch tỉnh, Nam Định sẽ ưu tiên quỹ đất để phát triển công nghiệp đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục, thi công đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp,” ông Túc chia sẻ.

Để mạnh cải cách thủ tục hành chính, phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, ông Túc cho hay Nam Định đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh để hỗ trợ, hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư thuận tiện với thời gian giải quyết được rút ngắn tối đa so với quy định.

“Ngoài ra, Tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư của nhà đầu tư trên địa bàn,” ông Phạm Gia Túc trao đổi.

Bạn đang đọc bài viết Vùng đồng bằng sông Hồng liên kết hài hòa để phát triển đột phá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Hạnh Nguyễn/Vietnam+

Cùng chuyên mục

Tin mới